Xe Hơi

Thử nồng độ rượu của người say xỉn lái xe: Thổi ống hay thử máu?

Friday, 31/07/2015 - 10:18:42

Đây là một cách phân tích nồng độ rượu trong hơi thở (breathanalyzing) thường được cảnh sát dùng ngay lúc vừa bắt được nghi phạm. Kết quả của xét nghiệm này thường là không được chính xác lắm. Chính vì thế, tài xế bị tình nghi say rượu được yêu cầu thổi ống hai lần, thậm chí 3 lần… để nhân viên công lực có được một kết luận tổng hợp.

Bài HAO SMITH

                     

                                 Biểu diễn “chim bay cò bay” cho cảnh sát thưởng thức

 

Vấn đề say rượu lái xe là một thói hư gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho bản thân đương sự và cho người chung quanh. Luật pháp 50 tiểu bang nước Mỹ đều đưa ra những hình phạt nghiêm khắc để răn đe trừng trị hầu làm giảm bớt tệ nạn này. Tuy vậy, chả mấy ai trong giới mày râu không biết thưởng thức “vài ba lon cho dòn thêm câu chuyện.” Chẳng may một lần trên đường về từ bàn nhậu, bạn bị cảnh sát vẫy lại để biểu diễn “chim bay cò bay,” sau đó được tặng một chọn lựa: “Ông muốn thử nồng độ rượu bằng cách thổi hơi hay bằng thử máu?” Bạn ngẩn người ra, vì không biết chọn cách nào có lợi hơn cho một người vốn dĩ con nhà lành chỉ một lần phá lệ mà bị sao quả tạ chiếu!

Nồng độ rượu trong máu

Trước tiên, tìm hiểu về nồng độ rượu, đến mức nào là phạm pháp? Luật pháp 50 tiểu bang Hoa Kỳ đều qui định: Tài xế có nồng độ rượu trong máu (BAC = Blood Alcohol Concentration Level) lên tới 0.08 là phạm vào tội say rượu lái xe. Số đo này càng cao thì “tội” càng nặng. Để biết được số đo ấy, cảnh sát có hai cách xét nghiệm: Cho nghi can thổi ống hơi (breathanalyzer) hoặc cho thử máu. Thử nước tiểu đôi khi được dùng, nhưng kết quả kém chính xác nhất.


                                                   Chọn thổi ống để thử nồng độ rượu?

Thổi ống hơi

Đây là một cách phân tích nồng độ rượu trong hơi thở (breathanalyzing) thường được cảnh sát dùng ngay lúc vừa bắt được nghi phạm. Kết quả của xét nghiệm này thường là không được chính xác lắm. Chính vì thế, tài xế bị tình nghi say rượu được yêu cầu thổi ống hai lần, thậm chí 3 lần… để nhân viên công lực có được một kết luận tổng hợp.

Thử máu

Thử máu là cách xét nghiệm nồng độ rượu trong máu (BAC = Blood Alcohol Concentration Level) chính xác nhất. Thông thường, nghi can sẽ được đưa về đồn cảnh sát và lấy máu từ đó. Máu có thể được giữ trong hai ống, một ống gửi cho phòng xét nghiệm, và một ống dành cho nghi can, không phải lấy về để nhớ một kỷ niệm khủng khiếp, mà để luật sư tìm cách chống án!


                                                                 Hay chọn thử máu?

Chọn cách nào?

Sau đây là kinh nghiệm của một luật sư ở Colorado: “Tôi thường đề nghị cho thân chủ của tôi được thử máu trong gần như mọi trường hợp. Lý do là vì: Khi thổi ống, luật sư chúng tôi không còn bằng chứng để tranh cãi về kết quả được đưa ra. Chúng tôi không còn mẫu hơi thở để đưa ra thử lại ở phòng xét nghiệm của chúng tôi. Người luật sư của nghi can đành chấp nhận kết quả sau cuộc thổi hơi do người của nhà nước thực hiện.”
Trong khi đó, thử máu có lợi hơn cho nghi can về nhiều phương diện. Trước hết, luật sư luôn luôn có mẫu máu để kiếm chứng lại tại phòng xét nghiệm của riêng mình. Có một điều bí mật lý thú mà không nhân viên phòng Lab nào chịu tiết lộ, đó là ngay cả với một mẫu máu được đem đi thử hai lần có thể sẽ cho ra hai kết quả khác nhau. Lý do là vì, máy móc không hoàn toàn trung thành và chính xác. Ở đây, chúng ta lại có hai mẫu máu, và kết quả của mẫu này khác với mẫu kia không phải là một điều ít xảy ra.
Sau nữa, với thử máu, việc chứng minh phạm tội sẽ trở nên gay go hơn đối với công tố viên. Tại phiên tòa, luật sư có thể xin triệu tập cả kỹ thuật viên tiến hành xét nghiệm máu ra đối chứng, chứ không phải chỉ có mấy viên cảnh sát hiện diện như khi điều trần về kết quả của ống thổi hơi. Ấy là chưa kể, luật sư của nghi phạm có thể xin trát triệu viên trưởng phòng xét nghiệm đến để trình bày về phương pháp và tiến trình xét nghiệm. Triệu tập được vị này quả thật không mấy dễ dàng đối với công tố viên.
Một luật sư khác (ở California) đưa ra nhận xét sau đây cho các thân chủ tương lai của mình: Nồng độ rượu trong máu tiếp tục lên cao trong khi bạn nâng hết ly này tới ly khác. Và ngay sau khi bạn đã ngưng rồi, nồng độ rượu vẫn cứ tiếp tục tăng lên, tăng lên…. Và đạt tới điểm cao nhất trong khoảng chừng từ 15 phút cho tới 60 phút sau khi uống. Tiếp đó, nồng độ rượu sẽ giảm dần.
Vì thế, nếu uống ngay trước khi ngồi vào tay lái, và bị bắt khoảng 15 phút sau đó thì nồng độ rượu chưa lên tới mức cao nhất, đo bằng ống thổi ngay lúc này có thể là một lợi điểm cho nghi can. Nhưng nếu uống xong đã lâu rồi, nghi can có thể chọn phương pháp thử máu với hy vọng nồng độ rượu đã quá mức cao đỉnh và đang từ từ hạ xuống.
Lời cố vấn trên đây thực ra chỉ là vài cách gỡ gạc, được chút nào hay chút ấy, dưới quan điểm của giới thầy cãi. Người viết muốn cống hiến một cách “chỉ đường cho hươu chạy” tốt nhất, hiệu quả nhất, đó là: Đừng bao giờ uống rượu bia trước khi ngồi vào sau tay lái.

haosmith@yahoo.com
Muốn giữ xe ở tình trạng hoàn hảo nhất, xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập I, II, và III do Phạm Đình và Hao Smith phát hành, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque cho Phạm Đình, 9800 Bolsa Ave # 86, Westminster, CA 92683. Tel: 714 317 0625. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT