Bình Luận

Thư ngỏ đòi Bộ Trưởng Tư Pháp từ chức

Monday, 17/02/2020 - 07:28:25

Hôm Chủ Nhật, 16 tháng Hai, 2020 trên 1,100 vị cựu công tố viên tư pháp đã cùng ký một bức thư ngỏ đòi Bộ Trưởng Tư Pháp William P. Barr từ chức


Bộ Trưởng William Barr bị áp lực phải làm theo lệnh của Tổng Thống Donald Trump, thay vì giữ cho Bộ Tư Pháp được độc lập. (Bill Pugliano/ Getty Images)




Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm Chủ Nhật, 16 tháng Hai, 2020 trên 1,100 vị cựu công tố viên tư pháp đã cùng ký một bức thư ngỏ đòi Bộ Trưởng Tư Pháp William P. Barr từ chức, vì ông đã tuân hành ý của Tổng Thống Donald Trump, chỉ thị tòa án xử ông Roger J. Stone Jr. -một người bạn của ông Trump- nhẹ hơn mức án từ 7 đến 9 năm tù giam do công tố viện đề nghị.
Phản đối bản án chưa xử, Tổng Thống viết tweet, nội dung: "Giờ này họ kết tội Roger Stone nói dối Quốc Hội và muốn giam giữ ông ta trong nhiều năm sắp tới; nhưng tại sao lại chỉ xử một mình ông Stone mà không xử những người nói dối khác như mụ Crooked Hillary, Comey, Strzok, Page, McCabe, Brennan, Clapper, Shifty Schiff, Ohr & Nellie, Steele ..., kể cả Mueller? Bọn đó có nói dối hay không?”

Hưởng ứng bản điện thư của Tổng Thống, Bộ Trưởng Tư Pháp chỉ thị cho tòa án xử ông Stone nhẹ hơn; việc làm đó vi phạm nguyên tắc độc lập của tòa án, không để quyền lực chính trị chi phối.
Sự chen lấn của chính quyền vào sinh hoạt của tòa án khiến bốn vị công tố viên phụ trách việc kết tội ông Stone xin từ chức hôm thứ Ba, 11 tháng Hai, để phản đối ông Barr.
Ông Trump lên Twitter chỉ trích bốn công tố viên có thái độ chống đối ông: “Bốn anh công tố viên đó là những anh nào (đàn em của Mueller à?); chúng bỏ chạy sau khi đưa ra bản án khôi hài 9 năm tù giam cho người nạn nhân của vụ điều tra phi pháp à?”
Thấy chuyện nổ lớn, ông Barr lên truyền hình than trách là tổng thống -qua những bản tweets đầy giận dữ- gây trở ngại và làm Bộ Tư Pháp mất uy tín. Nhưng ông vẫn không phủ nhận được là chính ông đã chỉ thị cho tòa án nương tay với ông Stone.

Việc Barr đem chính trị vào tòa án, chỉ là việc nịnh bợ mới nhất, nhưng ngay từ ngày nhận chức Bộ Trưởng Tư Pháp ông đã làm nhiều việc theo ý ông Trump, như chỉ trích FBI điều tra người Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016, hoặc việc diễn dịch bản báo cáo của Công Tố Viên Đặc Trách Robert Mueller III là không đủ chứng minh việc Moscow phá hoại bầu cử Mỹ.
Ngay trong tháng Hai này, Barr còn cho biết ông đã tạo ra một quy trình tiếp nhận đặc biệt, giúp luật sư riêng của tổng thống -ông Rudolph W. Giuliani- chuyển tiếp bằng chứng về hành vi sai trái ở Ukraine -ý nói hồ sơ 'bẩn' của bố con ứng cử viên Joseph Biden.

Tất cả những thành tích đó, và nhiều việc coi thường luật pháp của ông Barr đưa đến sự kháng cự của các công tố viên đang tại nhiệm hoặc đã hồi hưu.
Thư ngỏ còn khuyến khích viên chức đang làm việc tại Bộ Tư Pháp nhanh chóng phát giác và tố cáo bất kỳ dấu hiệu của hành vi phi đạo đức nào với vị Tổng Thanh Tra của bộ, và với Quốc Hội.
Quí vị cựu công tố viên viết, "Mỗi người trong nhóm chúng tôi đều thẳng tay lên án Tổng Thống Trump, và Bộ Trưởng Barr, can thiệp vào việc xét xử công bằng của ngành Tư Pháp;" lời lẽ của lá thư đòi ông Barr từ chức vì đã yêu cầu tòa án xét xử bất công.

Nhiều tờ báo nhập cuộc, nhiều nhân sĩ khuyên ông Barr nên từ chức; họ cho là việc Barr toan tính sửa luật lệ để làm vừa lòng tổng thống là trọng tội không thể chấp nhận.
Ban bình luận của tờ Boston Globe hôm thứ Sáu viết bài vận động các chính khách lưỡng đảng công khai lên tiếng đòi ông Barr từ chức, và phải đòi cho bằng được, chứ không đòi rồi bỏ đó, không theo dõi.
Tờ tạp chí Time đăng bài của nguyên bộ trưởng tư pháp Joyce White Vance; bà Vance viết, "Nếu Barr tin tưởng vào nguyên tắc pháp trị, thì đây là thời điểm đúng để ông ta từ chức. Hành động từ chức nói lên quan điểm 'không ai ngồi trên pháp luật, kể cả tổng thống.'
Sáng thứ Hai, 17/2, tờ the Atlantic đăng bài của ông Donald Ayer nguyên phó bộ trưởng tư pháp dưới trào tổng thống George H.W. Bush; Ayer viết, "Nước Mỹ của ông Bill Barr là chỗ không ai muốn đến, kể cả những người đã bỏ phiếu bầu Trump. Hoa Kỳ sẽ trở thành một thứ 'banana republic' -một nước nhỏ, nghèo, đói- mà mọi người đều phải tuân theo lệnh của một vị tổng thống độc tài và đám quần thần của ông ta. Để tránh cảnh đáng buồn đó, có lẽ chúng ta phải cùng đứng lên bắt ông Barr phải từ chức; ông ta vẫn không nghe thì truất phế.”
Tờ The New York Times tiết lộ bức thư ngỏ do trên 1,100 cựu công tố viên ký gồm những thành viên của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ; và họ vẫn xin thêm chữ ký của nhiều đồng nghiệp khác, còn tại chức hoặc đã hồi hưu.

Nội dung của là thư ngỏ có câu: "Các chính phủ sử dụng sức mạnh to lớn của cảnh sát để trừng phạt kẻ thù của họ và những quyền lợi đáng kể để tưởng thưởng cho các tay sai của họ đều không phải là nước cộng hòa lập hiến; họ là chế độ chuyên chế."
Họ nói thêm rằng hành động của Bộ Trưởng Barr, gây "thiệt hại cho uy tín của Bộ Tư Pháp về sự liêm chính và luật pháp," do đó Barr phải từ chức.

Tính đến sáng thứ Hai, danh sách các cựu công tố viên ký tên vào lá thư ngỏ đã đạt đến con số 1,142 - và đang tăng lên - trong số những người đã ký có một cựu phó tổng luật sư và một cựu phó tổng chưởng lý.
Đây không phải là việc xảy ra thường ngày, mà là phản ứng nghiêm trọng chống lại việc Barr gây xáo trộn hệ thống pháp luật Hoa Kỳ bằng việc ông ta lạm dụng chức vụ quá đáng để phục vụ tổng thống.
Thái độ của tổng thống có vẻ vững tin hơn, sau khi ông được toàn thể nghị sĩ Cộng Hòa -trừ một vị - nhắm mắt cứu ông thoát nạn truất phế.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT