Thế Giới

Thu gom 4 tấn rác trên đỉnh Everest

Thursday, 11/05/2017 - 07:21:29

Bên phía Nepal, ban quản lý dịch vụ leo núi đã bắt đầu phân phát các bao rác lớn cho người leo núi trong mùa leo núi mùa xuân. Các bao rác này sau đó sẽ được trực thăng kéo xuống các trung tâm phân loại rác dưới chân núi.



Các công nhân và tình nguyện viên đã thu gom được 4 tấn rác từ sườn núi phía Bắc, thuộc Trung Quốc, của đỉnh núi Everest nổi tiếng, trong 5 ngày đầu tiên của chiến dịch dọn vệ sinh, theo nhà chức trách cho biết hôm thứ Năm. Chính quyền địa phương đã lập ra nhiều trung tâm phân loại rác, để tái chế và tìm cách giải quyết rác thải, bao gồm lon nhôm, bao nhựa, dụng cụ nấu nướng, lều cũ, bình oxy, và nhiều vật dụng khác liên quan đến việc leo núi. 
Chiến dịch dọn dẹp kéo dài 9 ngày, khởi sự từ thứ Bảy tuần trước, và được thực hiện dọc theo các con đường leo núi và nơi cắm trại, từ độ cao 5,200 mét đến 6,500 mét. Các phần của đỉnh Everest thuộc lãnh thổ Trung Quốc và Nepal. Mỗi năm, khoảng 60,000 người leo núi leo lên đỉnh núi này từ con đường bên phía Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn gọi tên đỉnh núi theo tên của người Tây Tạng, là đỉnh Qomolangma. 
Bên phía Nepal, ban quản lý dịch vụ leo núi đã bắt đầu phân phát các bao rác lớn cho người leo núi trong mùa leo núi mùa xuân. Các bao rác này sau đó sẽ được trực thăng kéo xuống các trung tâm phân loại rác dưới chân núi.

Iraq: Quân chính phủ bao vây khu cổ Mosul
Các lực lượng Iraq với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đã bao vây khu thành cổ của Mosul vào hôm thứ Năm, một tuần sau khi tung ra đợt tấn công mới nhắm vào lực lượng Hồi Giáo Quốc ISIS. Quân đội Iraq và cảnh sát liên bang đang tấn công ISIS từ hướng bắc, trong khi lực lượng đặc biệt của Iraq tiến vào thành cổ thông qua khu dân cư phía tây Mosul. Hàng trăm thường dân đã cố gắng tháo chạy khỏi vùng chiến sự vào hôm thứ Năm.
Chiến dịch tái chiếm Mosul bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, và nửa phía đông thành phố đã được quân đội Iraq chiếm lại vào hồi đầu năm. Trận chiến tại nửa phía tây thành phố, bao gồm khu thành cổ, diễn ra chậm hơn do địa hình phức tạp. Khu tây Mosul là lãnh thổ lớn cuối cùng còn bị ISIS chiếm giữ tại Iraq. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 350,000 người vẫn còn bị kẹt trong vùng này. Các trận chiến trong tuần qua đã khiến 11,000 người phải di tản. Viên chức Iraq hiện vẫn chưa dự đoán được chiến dịch tấn công sẽ còn kéo dài thêm bao lâu.

Nghi ngờ về Dự án Vành Đai và Con Đường

Vào ngày 14 tháng 5, các lãnh đạo của hơn 20 quốc gia, từ gần như mọi châu lục, sẽ tề tựu về Bắc Kinh để dự hội nghị đầu tiên về Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường BRI. Được công bố lần đầu tiên một cách khá khiêm tốn vào năm 2013, dự án BRI dần dần đã trở thành nền móng quan trọng cho chiến lược mới của Bắc Kinh. Khi nhắc đến BRI, người ta vẫn thường nói về các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Cộng ở nước ngoài, tuy nhiên, mục tiêu chiến lược thật sự của sáng kiến này đến nay vẫn còn khá mơ hồ.
Cho đến nay, thế giới vẫn chưa rõ, Bắc Kinh sẽ dựa trên các tiêu chuẩn nào để đánh giá mức độ thành công của dự án BRI. Một văn bản của chính phủ Trung Cộng từng tuyên bố rằng, BRI là một dự án thương mại sẽ làm lợi cho mọi người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đối với những quốc gia có quan hệ cạnh tranh với Trung Cộng, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Ấn Độ, dự án BRI có thể không cao thượng như vậy.
Trong mắt những nước này, BRI là công cụ để Trung Cộng đưa sản phẩm công nghiệp dư thừa của họ ra nước ngoài, và mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị tại châu Á và trên toàn thế giới. Bắc Kinh hiện đang cung cấp các khoản vay hàng tỷ Mỹ kim cho các quốc gia gặp khó khăn về tài chính, những nước mà hầu như không bao giờ có khả năng trả nợ. Điều này có thể dẫn đến hậu quả rằng quyền tự chủ của các nước này sẽ bị Trung Cộng khống chế trong tương lai.

Ấn Độ cố tạo quan hệ với Tích Lan
NEW DELHI – Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Tích Lan vào hôm thứ Năm, trong nỗ lực gia tăng quan hệ với đảo quốc này, nhằm chống lại sức ảnh hưởng đang lan rộng quá nhanh của Trung Quốc. Khi nhậm chức vào tháng 1, 2015, Tổng Thống Tích Lan Maithripala Sirisena từng hứa sẽ giảm bớt quan hệ với Trung Quốc, sau khi chính quyền trước đó đã được Bắc Kinh tài trợ mạnh mẽ trong suốt 1 thập niên. Tuy nhiên, trong 2 năm sau đó, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Tích Lan vẫn tiếp tục gia tăng, do chính phủ Colombo không thể tìm được nguồn đầu tư nước ngoài nào khác để thay thế.
New Delhi lâu nay vẫn lo ngại về sự hiện diện của người Trung Quốc tại cảng Colombo, một cảng trung chuyển quan trọng của các hàng hóa xuất nhập cảng của Ấn Độ. Và tình hình càng tệ hơn khi Tích Lan muốn bán một số cổ phần, đủ để nắm quyền kiểm soát, tại một hải cảng chiến lược ở phía nam, cho công ty Trung Quốc. Chuyến thăm của Thủ Tướng Modi đến Tích Lan cho thấy, ông rõ ràng đang muốn giữ đảo quốc này nằm trong tầm ảnh hưởng của Ấn Độ.
Chuyến công du hai ngày của ông Modi diễn ra giữa lúc các lãnh đạo của 28 quốc gia sẽ đến Bắc Kinh vào tuần sau, để dự hội nghị thượng đỉnh Vành Đai và Con Đường. Giới quan sát cho rằng, nguồn lực tài chính của Ấn Độ không đủ hùng mạnh để thay thế cho vị trí của Trung Quốc tại Sri Lanka. Chính phủ của Tổng Thống Sirisena cũng đã nhận ra điều này, do đó, họ muốn củng cố quan hệ với Bắc Kinh, đồng thời duy trì mối giao hảo vừa phải với Ấn Độ.

Venezuela: Cựu bộ trưởng cảnh cáo nguy cơ nội chiến
Các cuộc biểu tình toàn quốc tại Venezuela đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Tổng Thống Nicolas Maduro, và có thể bùng lên thành một cuộc nội chiến, theo lời một vị tướng về hưu từng giúp chính phủ Caracas đàn áp làn sóng biểu tình vào 3 năm trước. Tướng về hưu Miguel Torres, người từng là bộ trưởng trong nội các của ông Maduro từ năm 2013 đến 2014, nói rằng chính phủ đang mất quyền kiểm soát, trong lúc các cuộc biểu tình đã xuất hiện tại mọi thành phố lớn.
Ông Torres cho rằng, Tổng Thống Maduro nên đàm phán định ngày tổ chức bầu cử, để tránh đẩy quốc gia lún sâu vào hỗn loạn thêm nữa. Lời bình luận của ông Torres được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Trưởng Tư Pháp Luisa Ortega chỉ trích các hành động đàn áp người biểu tình của chính phủ. Điều này cho thấy ông Maduro đang đối mặt với áp lực càng lúc càng tăng từ các viên chức đương nhiệm và về hưu của đảng cầm quyền.
Làn sóng biểu tình tại Venezuela bùng lên vào tháng 3 vừa qua, sau khi Tối Cao Pháp Viện, với các quan tòa liên minh với ông Maduro, đã tìm cách giải tán quốc hội – vốn đang do đảng đối lập nắm quyền kiểm soát. Các cuộc xung đột tại Venezuela cho đến nay đã khiến ít nhất 37 người thiệt mạng, dẫn đến sự lên án chưa từng có từ cộng đồng thế giới, gây chia rẽ trong đảng cầm quyền, và làm hình thành nên nhiều tổ chức đối lập. Cho đến nay, Tổng Thống Maduro vẫn tỏ ra không có ý định thỏa hiệp. Ông ta hiện đã ra lệnh đóng cửa Quốc Hội, đình chỉ mọi cuộc bầu cử dự trù diễn ra trong năm sau, và đàn áp người biểu tình.

Nga tìm thấy xác 2 tàu ngầm bị đánh chìm
MOSCOW - Các thành viên của một đội thám hiểm dưới nước của Nga mới đây đã phát hiện thấy 2 xác tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển Baltic. Hai tàu ngầm được phát hiện là tàu ngầm hạng trung lớp SC (S-406 và S-320) thuộc Hạm đội Baltic của Hải quân Liên Xô, có từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, bị đánh chìm vào năm 1943.
Cuộc tìm kiếm được bắt đầu ở ngoài khơi thành phố Kronshtadt, Nga, do đội tìm kiếm và lặn ngầm của đội trưởng Konstantin Bogdanov thực hiện. Ông Bogdanov cho biết: "Chúng tôi đã sử dụng thiết bị sonar hiện đại để tìm vết tích 2 chiếc tàu ngầm.” Bằng hình ảnh và video quay cận cảnh, có thể thấy rõ được cấu trúc thân tàu, boong thượng, cánh điều khiển và một số cấu trúc đặc trưng của tàu ngầm. Đội trưởng đội thám hiểm cho biết thêm, chiếc tàu S-320 có vị trí chìm cách khoảng 1 dặm từ đảo Tyuters Lớn. Và cách vị trí tàu S-320 bị đắm khoảng 500 mét là vị trí chìm của tàu ngầm S-406.
Cả hai tàu ngầm này đều nằm ở độ sâu 45 mét nước dưới biển Baltic. Các chuyên gia xác định hai tàu ngầm này đều bị hư do va vào thủy lôi của phát xít Đức. Khi bị đánh chìm, thủy thủ đoàn đã nỗ lực tìm cách thoát thân. Bằng chứng là ở một trong 2 tàu ngầm bị đánh chìm - tàu S-406, nắp boong thượng của nó được mở. Các thủy thủ đã cố gắng thoát hiểm bằng thiết bị cứu hộ. Nhưng việc họ có thoát ra được khỏi tàu ngầm hay không thì không rõ. Còn thủy thủ đoàn trên tàu S-320 đã cố gắng thoát hiểm qua ống phóng ngư lôi nhưng không thành công, tất cả đều hy sinh.

Phi Luật Tân đưa quân tới đảo Thị Tứ
Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Tây Phi Luật Tân, Trung tướng Raul del Rosario, hôm thứ Năm cho biết các binh sĩ và các thiết bị đầu tiên đã được đưa tới đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa hồi tuần trước. Hành động này được cho là nhằm chuẩn bị cho các hoạt động xây dựng của Phi Luật Tân trên đảo này. Theo lời Trung tướng Raul, khoảng 1.6 tỷ peso (tương đương $32 triệu Mỹ kim), đã được chi cho các hoạt động xây dựng của Phi Luật Tân trên đảo Thị Tứ, bao gồm việc củng cố và kéo dài một phi đạo trên đảo, cũng như xây dựng nơi neo đậu cho tàu thuyền.
Ngoài ra, Phi Luật Tân cũng dự tính xây trạm năng lượng mặt trời và nhà máy khử muối trong nước biển, đồng thời tân trang lại nơi đồn trú của các binh lính và nơi phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và khách du lịch.
Trước đó, Tổng Thống Rodrigo Duterte hồi đầu tháng 4 từng thông báo sẽ tới đảo Thị Tứ vào ngày Độc lập của Phi Luật Tân trong tháng 6 tới. Ông Duterte cũng tuyên bố sẽ củng cố chủ quyền trên đảo Thị Tứ, bằng cách xây dựng các doanh trại quân đội trên đảo. Đảo Thị Tứ (Phi Luật Tân gọi là đảo Pag-asa) thuộc quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Phi Luật Tân, và Trung Quốc.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT