Thế Giới

Thủ đô của Burkina Faso bị tấn công

Friday, 02/03/2018 - 08:25:49

Tòa đại sứ Pháp bị tấn công lúc 10:15 sáng, các nhân chứng nói rằng các phiến quân đến trên một chiếc pickup truck, và hô lớn “Allahu akbar” (Thượng Đế vĩ đại) trước khi nổ súng. Không có ai tại tòa đại sứ bị thương, nhưng một đại úy của Burkina Faso đã thiệt mạng. Bốn kẻ tấn công cũng bị tiêu diệt.



OUAGADOUGOU - Vào hôm thứ Sáu, các phiến quân Hồi giáo cực đoan đã tấn công thủ đô của Burkina Faso, một quốc gia Tây Phi, giết chết 8 người và khiến hơn 80 người khác bị thương. Các cuộc tấn công bằng súng và chất nổ diễn ra một cách có phối hợp, tại trụ sở chính của quân đội và tòa đại sứ Pháp. Toàn bộ 8 phiến quân đều bị lực lượng an ninh tiêu diệt sau đó.Vụ tấn công, mà chính phủ gọi là hành động khủng bố, cho thấy tình hình an ninh ngày càng suy giảm tại cựu thuộc địa của Pháp.
Phiến quân Hồi giáo đã tấn công Burkina Faso hai lần tính từ tháng 1, 2016 tới nay, khiến dư luận chỉ trích sự kém cỏi của quân đội quốc gia. Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ tấn công hôm thứ Sáu. Vụ tấn công của phiến quân đã phá hủy một căn phòng trong trụ sở quân đội, nơi các viên chức quân sự cao cấp định mở một cuộc họp, nhưng lại đổi địa điểm vào phút chót. Bộ Trưởng An Ninh Clement Sawagodo nói: “Nếu cuộc họp diễn ra trong căn phòng được chọn đầu tiên, quân đội của chúng tôi có thể đã bị chặt đầu.” Ông Sawagodo thêm rằng, một số kẻ tấn công đã mặc quần áo giả trang binh lính, và có vẻ như biết tin về cuộc họp quân sự.
Tòa đại sứ Pháp bị tấn công lúc 10:15 sáng, các nhân chứng nói rằng các phiến quân đến trên một chiếc pickup truck, và hô lớn “Allahu akbar” (Thượng Đế vĩ đại) trước khi nổ súng. Không có ai tại tòa đại sứ bị thương, nhưng một đại úy của Burkina Faso đã thiệt mạng. Bốn kẻ tấn công cũng bị tiêu diệt.

Mexico: Phà nổ do bị đặt bom
COZUMEL – Công tố viên bang Playa del Carmen, Mexico, hôm thứ Sáu cho biết, vụ nổ tuần trước trên phà Barcos Caribe tại Cozumel là do một thiết bị nổ gây ra. Chiếc phà hiện đã bị chính quyền Mexico đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng cho biết, “hai thiết bị nổ chưa kích hoạt” đã được tìm thấy gắn trên một chiếc phà khác tại đảo Cozumel vào hôm thứ Năm, và khuyên các công dân Mỹ đang du lịch tại Mexico phải “hết sức cẩn thận.”
Vào ngày 21 tháng 2, phà Barcos Caribe tại Cozumel xảy ra một vụ nổ ngay khi các hành khách đang xuống phà, khiến 25 người bị thương, trong số này có 2 người Hoa Kỳ và 3 người Canada. Nhà chức trách ban đầu thông báo rằng nguyên nhân vụ nổ là do phà bị hư máy. Bộ Nội Vụ Mexico nói, chính phủ đã tăng cường an ninh tại các cảng đông du khách của nước này. Cả hai vụ phát hiện bom đều đang được điều tra

Thổ không kích giết 17 chiến binh thân Syria
AFRIN – Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Năm đã không kích hai vị trí của lực lượng thân chính phủ Syria ở vùng Afrin, khiến nhiều tay súng thiệt mạng và bị thương. Các vụ ném bom của chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ở làng Jamaa thuộc Afrin, khiến ít nhất 17 thành viên lực lượng thân chính phủ thiệt mạng, theo tổ chức Quan sát nhân quyền Syria (SOHR).
Vụ không kích diễn ra sau khi lực lượng thân Syria bắn trúng một trực thăng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) xác nhận vụ tấn công, cho hay vụ ném bom gây ra nhiều thương vong, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Đợt không kích đánh dấu sự leo thang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với quân đội Syria và các lực lượng thân Damascus do Iran hỗ trợ. Lực lượng thân Syria hồi đầu tuần đã tiến vào Afrin và nhận quyền kiểm soát, đồng thời hỗ trợ lực lượng YPG chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara coi YPG là một chi nhánh của phe ly khai người Kurd trong nước, và đã mở chiến dịch tấn công vào Afrin - căn cứ của YPG. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ từng khuyến cáo Damascus không nên điều quân đến Afrin, vì họ sẽ trở thành mục tiêu bị tấn công.

Con Hun Sen nhậm chức tổng tham mưu trưởng quân đội
PHNOM PENH – Ông Hun Manet - con trai của Thủ Tướng Hun Sen và từng có thời gian du học ở Hoa Kỳ, Anh quốc - vừa được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng trong quân đội Cambodia. Trung Tướng Hun Manet, con trai cả của Thủ Tướng Hun Sen, đã được giao chức vụ Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Cambodia vào hôm thứ Năm. Trước đó, ông Hun Manet giữ chức phó chỉ huy Quân đội Hoàng gia Cambodia.
Ông Hun Manet, sinh năm 1977, là người Cambodia đầu tiên được nhận vào Học viện quân sự Westpoint nổi tiếng của Hoa Kỳ và tốt nghiệp năm 1999. Ông Manet cũng có bằng Thạc Sĩ Kinh Tế tại Đại học New York năm 2002, và Tiến Sĩ Kinh Tế tại Đại học Bristol danh tiếng của Anh năm 2008. Trung Tướng Hun Manet được bổ nhiệm thay cho Tướng Kun Kim, người đang nghỉ vì bị bệnh. Việc thăng chức dự kiến sẽ diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử tại Cambodia.
Hồi tháng Một, Thủ Tướng Hun Sen cũng đưa con rể vào chức vụ phó cảnh sát trưởng Cảnh sát quốc gia Cambodia. Vào tháng 12, 2017, con trai út của ông Hun Sen được thăng hàm Đại Tá trong đơn vị cận vệ bảo vệ thủ tướng. Ông Hun Sen đã nắm quyền tại Cambodia suốt 33 năm qua, và chưa có ý định về hưu. Ông được cho là sẽ dễ dàng chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Đối lập Nga: Có thể có bạo động sau bầu cử
MOSCOW – Một chính trị gia đối lập tại Nga hôm thứ Sáu khuyến cáo rằng, các cuộc biểu tình chống Tổng Thống Vladimir Putin, dự kiến sẽ diễn ra nếu ông Putin tái đắc cử trong tháng này, có thể sẽ trở thành các cuộc bạo động trên đường phố nếu cảnh sát đàn áp quá mạnh tay. Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông Putin, người đã áp đảo chính trường Nga suốt 18 năm qua, sẽ chiến thắng một cách dễ dàng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18 tháng 3.
Không ai trong số 7 ứng cử viên còn lại được xem là đối thủ có thể đe dọa đến vị trí của ông Putin. Trong khi đó, ông Alexei Navalny, lãnh đạo đối lập nổi tiếng nhất tại Nga, lại bị cấm tranh cử do còn đang chịu một án tù treo. Ông Navalny nói rằng, các tội trạng liên quan đến bản án của ông đều là một sự gian lận có động cơ chính trị, và dự định sẽ tổ chức biểu tình vào sau cuộc bầu cử.
Ông Vladimir Milov, một đồng minh của ông Navalny và là cựu bộ trưởng năng lượng, nói rằng các cuộc biểu tình có thể dẫn đến bạo động. Ông Milov nói: “Nếu cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức, một lượng đáng kể người biểu tình sẽ chống trả, và bạo động có thể xảy ra tại những thành phố lớn như Moscow và St. Petersburg.” Người biểu tình dự định sẽ yêu cầu tổ chức bầu cử lại với sự tham gia của ông Navalny, và sẽ phản đối điều mà họ gọi là “sự gian lận bầu cử trên diện rộng.”

Thái Lan: Hàng chục đảng mới ghi danh tranh cử
BANGKOK - Vào thứ Sáu, hơn 30 đảng chính trị mới tại Thái Lan đã thông báo tên đảng và logo của họ, trong ngày đầu tiên chính phủ nhận ghi danh các đảng phái mới tại Bangkok. Đây là một trong những bước đi hiếm hoi của chính quyền quân sự Thái Lan trong quá trình quay lại nền dân chủ, vốn đã bị trì hoãn một thời gian dài. T
hái Lan hiện đang bị cai trị bằng thiết quân luật, từ sau khi cuộc đảo chính 2014 lật đổ chính quyền dân cử và thành lập chính quyền quân sự. Các tướng lãnh đã cấm mọi hoạt động chính trị và liên tục hoãn tổ chức bầu cử. Vào đầu tuần này, thủ tướng Thái Lan hứa rằng các cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trước tháng 2, 2019. Trước viễn cảnh này, hàng chục chính đảng mới đã nộp đơn ghi danh tại Ủy Ban Bầu Cử (EC) vào thứ Sáu. Nội trong buổi sáng, viên chức EC cho biết họ đã nhận hồ sơ của 34 đảng chính trị, với phần lớn trong số này đều là người mới, xuất thân từ giới thương gia, giới học thuật, viên chức dân sự, và cả một số nông dân đến từ miền bắc và miền nam.
Ủy Ban Bầu Cử sẽ có 30 ngày để quyết định phê chuẩn hoặc từ chối đơn ghi danh. Chính trường Thái Lan đã hết sức hỗn loạn trong hơn 1 thập niên qua, với sự cạnh tranh giữa 2 phe phái lớn, gồm đảng Dân Chủ và các liên minh của đảng Pheu Thái, vốn được lãnh đạo bởi thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra. Với sự ủng hộ của giới nông dân, các đảng của ông Thaksin đã chiến thắng tại mọi cuộc bầu cử quốc gia từ năm 2001 tới nay. Tuy nhiên, các chính phủ của họ liên tục bị lật đổ bởi các cuộc đảo chính và các phán quyết của tòa án, vốn thiên về giới thượng lưu tại Bangkok có liên minh với quân đội.

Ukraine ca ngợi việc Mỹ đồng ý bán hỏa tiễn
KIEV – Giới lãnh đạo Ukraine vào hôm thứ Sáu đã gọi việc Hoa Kỳ đồng ý bán hỏa tiễn chống tăng cho Kiev là hành động “mở đường cho sự hợp tác quân sự gần gũi hơn, nhằm chống lại thái độ hiếu chiến của Nga.” Trước đó vào thứ Năm, Ngũ Giác Đài thông báo, kế hoạch bán hỏa tiễn Javelin và các giàn phóng hỏa tiễn cho Ukraine đã được phê chuẩn. Kế hoạch này được đề ra từ năm 2015, khi Hoa Kỳ đang giúp Ukraine chống lại phe ly khai ở miền đông được Nga hỗ trợ.
Tổng Thống Ukraine, ông Petro Poroshenko, viết trên Facebook vào sáng thứ Sáu rằng, ông đã nhận được tin tức đáng mừng từ Hoa Kỳ, rằng Ukraine sẽ nhận được hỏa tiễn Javelin. Đồng thời, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ukraine, ông Stepan Poltorak, cũng cho biết số hỏa tiễn mới sẽ giúp quân đội Ukraine chống lại các cuộc tấn công do Nga chỉ huy. Theo Ngũ Giác Đài, Ukraine đề nghị mua 210 hỏa tiễn Javelin và 37 giàn phóng, với tổng giá trị hợp đồng là $47 triệu Mỹ kim.
Hiện chưa rõ khi nào số vũ khí mới sẽ được đưa đến Ukraine, nhưng ông Poltorak cho biết các công việc chuẩn bị đã được bắt đầu, bao gồm tuyển thêm nhân viên và chọn nơi lưu trữ vũ khí. Chuyến giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra trong năm nay. Hỏa tiễn chống tăng Javelin được thiết kể để tiêu diệt các loại xe vỏ thép cỡ lớn. Mỗi hỏa tiễn có giá $80,000 Mỹ kim, có thể mắc tiền hơn cả mục tiêu mà nó bắn vào. Năng lực của hỏa tiễn Javelin đã được chứng minh trong các cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan, và Syria.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT