Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 3)

Sunday, 16/10/2016 - 10:16:31

Anh Andy. H. Trần cho biết khi đến Mỹ định cư, anh chỉ mới 11 tuổi, anh rất hãnh diện đã giữ gìn tiếng Việt và càng ngày càng giỏi hơn, nhờ vậy mới có thể làm nghề thông dịch viên giúp đồng hương người Việt không rành Anh ngữ.

Bài BĂNG HUYỀN

Chuyện vào nghề của thông dịch viên Andy H. Trần
Anh Andy H. Trần dù không thi lấy bằng thông dịch hữu thệ tòa án (Certified Court Interpreter), nhưng anh đã có 29 năm làm thông dịch viên cho 13 công ty thông dịch khác nhau. Anh chuyên thông dịch về tai nạn xe cộ, thương tích cá nhân, hoặc nhà khách hàng bị trộm cướp tường trình lại cho đại diện bên bảo hiểm, hoặc về y tế và thông dịch cho các phụ huynh có con theo học chương trình Giáo Dục Đặc Biệt.

Thông dịch viên Andy H. Trần. (Hình cung cấp)



Vì là một thông dịch viên làm freelancer (người làm việc tự do, không chịu sự quản lý hay phụ thuộc vào một đơn vị tổ chức hay một công ty nào và nhận tiền công theo những công việc họ làm cho khách hàng), nên Andy H. Trần giải thích, “Tôi có thể làm cho mười mấy công ty thông dịch khác nhau, mà không hề vi phạm luật công ty, miễn sao mình sắp xếp tốt giờ giấc của mình khi nhận công việc thôi.
“Công ty thông dịch tại Mỹ nhiều lắm, tôi không có con số thống kê chính xác. Các công ty có quy mô lớn nhỏ khác nhau, chỉ riêng những công ty tôi đang làm thì có công ty lớn có 10 chi nhánh ở nhiều tiểu bang khắp nước Mỹ, có công ty chỉ có ba, bốn nhân viên. Một thông dịch viên tự do có thể làm cho nhiều công ty thông dịch mà không vi phạm luật.

“Thông thường thì nhiều công ty cho mình biết trước công việc một tuần, có công ty cho biết một, hai ngày, hoặc trong trường hợp người thông dịch đã nhận việc trước đó, nhưng vì có việc khẩn cấp đã không đến thông dịch được, công ty sẽ gọi ngay cho mình, khi đó mình đi được thì nhận, không thì thôi.
“Có công ty giao việc bằng cách post công việc thông dịch đó trên trang mạng, các thông dịch viên của công ty đều có thể xem được công việc này, nếu ai lẹ mắt nhanh tay, nhìn thấy công việc, nhận ngay, thì việc đó đến tay mình, còn nếu không có thời gian check email, thì đã có người khác nhận. Nhưng tôi không thích lối làm việc của công ty đó, vì giao việc kiểu đó có vẻ tranh giành quá. Chỉ có người nào ít việc mới có thời gian giành công việc như vậy. Tôi chỉ thích cách công ty căn cứ khả năng của nhân viên, rồi khi có việc thì gọi điện thoại để giao trực tiếp. Như bản thân tôi bận rộn như vậy, đâu có thời gian cập nhật công việc bằng email để ghi danh nhận công việc đó, nên thường tôi ít bao giờ có được việc từ công ty đó.”

Anh Andy H. Trần cho biết, “Mười-ba công ty thông dịch tôi đang làm hiện nay có trụ sở tại Nam California và vài công ty trụ sở tại miền Bắc California, vài công ty ở vùng San Diego. Với những công ty ở San Diego hay San Jose, nếu họ cần tôi thông dịch vào ngày nào, giờ nào ở San Diego hay San Jose mà tôi sắp xếp thời gian đi được, thì tôi nhận. Với những nơi mình phải đi xa, thì ngoài tiền thù lao thông dịch được trả theo giờ, công ty cũng sẽ trả cho mình chi phí đi xa.

“Vì làm thông dịch viên tự do, nên tôi có thể nhận công việc được giao hoặc là từ chối. Nhưng cũng có cái khó là công ty nào mà mình từ chối nhiều quá, họ sẽ không gọi mình nữa. Ví dụ, một công ty thông dịch, có năm người thông dịch Việt Nam. Nếu họ biết bao giờ gọi Andy. H. Trần, thì họ không cần phải gọi cho bốn người thông dịch Việt Nam khác, vì Andy Trần luôn nhận.

“Bởi khi họ có việc, họ sẽ chọn trong danh sách thông dịch viên người mà họ biết rằng người đó bên cạnh nhiều kinh nghiệm, khách hàng hài lòng, và chắc chắn thông dịch viên đó khi được giao việc sẽ nhận ngay, để họ báo lại ngay cho khách hàng là công ty đã có người đến thông dịch, để khách hàng không gọi cho công ty thông dịch khác.

“Vì vậy, nếu người thông dịch viên từ chối nhiều quá, thì công ty sẽ để tên mình trong danh sách cuối cùng, khi không ai đi được trong bốn người kia, họ mới gọi tới mình. Tôi hên là vào nghề cũng 29 năm rồi, có nhiều kinh nghiệm, nên công việc nhận được đều đều hầu như mỗi ngày, còn những người mới vào nghề cũng không có bằng thông dịch hữu thệ tòa án giống như tôi, có thể ít việc hơn.”

Nói về khó khăn của một thông dịch viên làm cho nhiều công ty, anh Andy. H. Trần cho biết: “Thời gian của mình rất eo hẹp. Ví dụ tôi làm cho công ty A, họ cho tôi việc ở vùng San Gabriel cho buổi hẹn 10 giờ sáng. Một công ty B sau đó gọi cho tôi, cho biết cũng ngày mà tôi nhận làm thông dịch cho công ty A, có một cái hẹn lúc 12 giờ trưa tại Quận Cam, hỏi tôi đi được không? Từ San Gabriel lái xe về lại quận Cam cũng khoảng cả tiếng đồng hồ. Nếu tôi nhận cả hai công việc trên trong ngày đó, với điều kiện tôi phải biết chắc công việc mà tôi thông dịch lúc 10 giờ là người điều tra viên hay cán sự viên hoặc nhà trường nơi tôi đến thông dịch cho phụ huynh (có con học chương trình giáo dục đặc biệt, về chương trình học vấn cá nhân) chỉ trong vòng một tiếng, không bị lố thêm thời gian thì tôi sẽ nhận công việc 12 giờ của công ty B.

“Nhưng công việc 10 giờ sáng mà tôi không biết rõ sẽ mất thời gian nhiều, ví dụ cho tôi vào thông dịch cho bệnh nhân trong bệnh viện, nhiều khi phải đợi bác sĩ, sẽ không biết rõ thời gian. Thành ra tôi phải chọn công việc thông dịch lúc 10 giờ cho công ty A, hay chọn công việc lúc 12 giờ cho công ty B. Chứ không thể chọn được cả hai, vì sẽ không làm tròn. Đó là việc khó khăn cho người thông dịch làm nhiều công ty là vậy.”

Giải thích lý do làm cho nhiều công ty thông dịch, anh Andy. H. Trần nói, “Vì có nhiều công ty không có nhiều việc, thành ra nếu người nào chọn thông dịch làm công việc chính, thì phải làm cho nhiều công ty, để ngày nào mình cũng luôn có việc, vì công ty A hôm nay không có, thì đã có công ty B giao việc cho mình. Có nhiều công ty chuyên về y khoa, nhiều công ty chuyên về luật khoa, nhiều công ty chuyên về chương trình giáo dục đặc biệt tại nhà trường, tôi làm cho nhiều công ty thông dịch với đủ lĩnh vực như vậy để công việc đa dạng, không nhàm chán.”

Nhắc lại cơ duyên bước vào nghề thông dịch, anh Andy. H. Trần kể, “Ban đầu tôi làm nghề địa ốc cho văn phòng địa ốc của người Mỹ, một đồng nghiệp người Mễ Tây Cơ trong văn phòng địa ốc thấy tôi nói tiếng Anh lưu loát, họ mới hỏi tôi là tiếng Việt như thế nào, tôi cho biết dĩ nhiên là tiếng mẹ đẻ của mình thì mình phải giỏi hơn. Vậy là người đó nói họ có người cần thông dịch viên tiếng Việt, tôi có giúp họ được không. Tôi cho biết là chưa bao giờ thông dịch, nên không biết có làm được không. Họ nói chẳng có gì khó hết, chỉ cần nghe kỹ những gì người ta nói bằng tiếng Việt, lặp lại y chang bằng tiếng Anh.
“Nhưng khi dịch, mình phải nói ngôi thứ nhất số ít, giống như mình nói lời của người được mình dịch. Nghe vậy, tôi đồng ý làm thử. Việc đầu tiên tôi làm thông dịch là tháng Sáu năm 1987, cho văn phòng luật sư về tai nạn xe cộ. Có thể nói đây là công việc nghề dạy nghề, dĩ nhiên lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên tôi cũng hơi quờ quạng. Nhưng càng ngày càng điêu luyện, lưu loát hơn. Cũng may nhờ tôi thông dịch mỗi ngày, nên đầu óc lúc nào cũng làm việc, tạo cho mình sự nhạy bén, trí nhớ luôn hoạt động.”

Thông dịch trên điện thoại

Anh Andy. H. Trần cho biết song song công việc thông dịch cho các công ty, đích thân đến gặp khách hàng để thông dịch, anh còn làm thêm thông dịch trên điện thoại được khoảng 10 năm nay. Đây là công việc còn được biết đến với tên gọi OPI (over-the-Phone interpretation). Công ty mà anh Andy. H. Trần chỉ chuyên cung cấp thông dịch qua điện thoại, có rất nhiều chi nhánh ở khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Công ty chuyên dịch qua điện thoại mở 24/24, suốt 365 ngày, ngày lễ họ vẫn hoạt động, nghĩa là luôn có thông dịch viên đảm nhận công việc khi khách hàng cần đến.

Andy. H. Trần kể, “Vì là thông dịch viên tự do, nên ngày làm thông dịch của mình với công ty thông dịch trên điện thoại do mình quyết định. Ví dụ hôm nay tôi ở nhà, sau giờ làm việc chính, tôi có thời gian rảnh, thì tôi sign in vào, bằng cách gọi vào tổng đài của công ty, thì tên của tôi sẽ hiện lên trên danh sách (bắt đầu từ giờ tôi đã sign in) có tên tôi là thông dịch viên tiếng Việt.

“Khi có khách hàng nào cần thông dịch tiếng Việt, bên công ty sẽ gọi điện cho tôi để hỏi tôi đã sẵn sàng dịch chưa, tôi cho biết đã sẵn sàng, họ kết nối với đường dây của tôi với bên phía khách hàng cần thông dịch. Khi đó tôi thực hiện công việc thông dịch của mình cho khách hàng. Sau khi thông dịch xong, tôi tiếp tục ngồi đợi tiếp cú điện thoại sau.

“Sau khi làm khoảng vài tiếng, tôi muốn ngưng thì tôi chỉ cần sign out. Dịch trên điện thoại mà tôi thường được thông dịch nhiều nhất là thông dịch về vấn đề y tế, tại bệnh viện, trong phòng cấp cứu.”
Về khó khăn của công việc thông dịch, anh Andy. H. Trần nói, “Một người thông thạo tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ để thông dịch khi nhận công việc, tưởng là dễ, nhưng đụng công việc rồi thì không dễ chút nào. Đòi hỏi đầu tiên là phải có trí nhớ tốt khi thông dịch. Ví dụ khi thông dịch về tai nạn xe cộ, về thương tích cá nhân. Đa số người thân chủ của văn phòng luật sư sẽ nói rất nhiều. Mình phải dịch hết những gì họ nói.

Thường họ nói xong họ ngưng, mình dịch lại, trong lúc họ nói và khi mình dịch, đều có thu băng lại để làm bằng chứng. Họ vừa dứt là mình nói liền. Lúc nào mình cũng phải chú ý để dịch chính xác. Họ nói sao, mình phải dịch y vậy, không được giải thích giùm người nói, dù mình biết câu người đó nói không thành nguyên văn, về văn phạm không đúng. Người điều tra viên của công ty bảo hiểm muốn hiểu rõ thêm khi họ nghe câu trả lời, họ không hiểu rõ, thì hỏi lại, mình cũng dịch lại như vậy để người trả lời, trả lời lại.
Chứ thông dịch viên không thể sửa câu nói của người mình dịch được. Đây là điều áp dụng cho thông dịch ở bất cứ môi trường nào. Người thông dịch tùy mỗi người có trình độ khác nhau và kinh nghiệm khác nhau. Làm càng nhiều, càng lâu năm thì càng biết rõ cách thức và danh từ gì người ta hay hỏi, nếu danh từ nào mình không biết, thì mình tra từ điển để biết rõ từ đó, người thông dịch phải luôn có từ điển.

“Trong từ điển, ngoài giải thích nghĩa của từ đó sẽ luôn có thí dụ, giúp hiểu câu hỏi đó rõ nghĩa hơn, trong từng ngữ cảnh. Ví dụ với từ order, khi dịch từ này, mình phải xem kỹ trong môi trường nào. Chẳng hạn trong tòa án, khi chánh án nói order, please, sẽ có nghĩa là phải trật tự. Còn vào nhà hàng, nói order là đặt món ăn. Còn tại chiến trường, nếu nói I order you, nghĩa là tôi ra lệnh.”

Anh Andy. H. Trần cho biết khi đến Mỹ định cư, anh chỉ mới 11 tuổi, anh rất hãnh diện đã giữ gìn tiếng Việt và càng ngày càng giỏi hơn, nhờ vậy mới có thể làm nghề thông dịch viên giúp đồng hương người Việt không rành Anh ngữ.

“Hồi mới qua Mỹ và đến bây giờ, ở nhà tôi chỉ nói tiếng Việt, chứ không nói tiếng Anh. Ngay như với hai đứa con của tôi, tôi cũng nói tiếng Việt với các cháu, chỉ khi nào các cháu không hiểu, thì tôi mới nói tiếng Anh giải thích, giúp các cháu hiểu rõ nghĩa hơn thôi, điều chính yếu vẫn muốn các con biết rành tiếng Việt. Tiếng Việt rất khó so với các ngôn ngữ khác, chỉ cần thay đổi dấu một chút thôi là đã mang nghĩa khác hoàn toàn. Chính vì lý do đó, ngay từ lúc rời Việt Nam khi 11 tuổi, tôi vẫn tiếp tục đọc sách, đọc báo tiếng Việt mỗi ngày, để làm giàu vốn ngữ vựng cho mình. Còn bí quyết học ngoại ngữ của tôi đó là học thật vững về ngữ pháp, nắm vững văn phạm rồi, thì mình sẽ sắp câu lưu loát hơn. Rèn luyện tiếng Anh và tiếng Việt của tôi là đọc sách, báo nhiều.”

Nói về kinh nghiệm thông dịch đã được tích lũy theo thời gian, anh Andy. H. Trần chia sẻ, “Tôi luôn dịch thầm những thứ quen thuộc hàng ngày như câu quảng cáo, tiêu đề sách, điều này sẽ có lợi cho việc mở rộng tri thức, nâng cao khả năng phản ứng nhanh. Khi vừa đọc báo tiếng Việt tôi vừa dịch nói bằng tiếng Anh ngay. Thuận lợi của tôi khi làm thông dịch y tế, là lúc học trung học, vì có mộng làm bác sĩ, nên tôi chọn ngoại ngữ là tiếng Latin, do phần lớn danh từ y khoa là từ nối từ các tiếng Latin. Vì vậy học các từ chuyên khoa bên y tế khi làm thông dịch cũng dễ dàng với tôi hơn những người chưa học trước.”

Tai nạn nghề nghiệp là điều khó tránh

Hầu như thông dịch viên nào dù có giỏi, kinh nghiệm nhiều, cũng có lúc không tránh được tai nạn nghề nghiệp. “Nếu trước ngày mình đi thông dịch, mình ngủ không đủ, người bần thần, sự tập trung không có 100 phần trăm, thì khó tránh khỏi việc thông dịch bị sơ xuất. Đôi khi cũng gặp những tai nạn như người ta nói 100 mét, thì mình lại dịch là 100 feet. Vì vậy khi làm, tôi luôn cố gắng chú ý tối đa câu người ta nói, để mình dịch lại. Mình cũng đâu phải người hoàn hảo. Khi mình sai, là phải xin lỗi ngay để sửa lại. Nhưng quan trọng nhất vẫn tránh sai, thì phải gắng tập trung nghe kỹ lời khách hàng nói, nếu nghe chưa rõ, thì xin người đó lập lại để mình dịch đúng.”

Về những phẩm chất quan trọng nhất của một thông dịch viên cần có, anh Andy. H. Trần cho rằng, “Có ba yếu tố mà tôi thấy người thông dịch cần có, đó là trí nhớ phải tốt. Nếu không có trí nhớ tốt, sẽ không thể thông dịch đúng câu mà người ta vừa nói. Ngữ vựng thật nhiều, thì mới đủ vốn từ thông dịch. Đồng thời phải phiên âm chính xác cả tiếng Việt và tiếng Anh. Nếu thông dịch có accent khi nói nặng quá, thì sẽ rất khó cho người được thông dịch. Phải phiên âm chính xác, thì người nghe mới nghe rõ được điều mình nói khi thông dịch.

“Người thông dịch phải tập nói rõ ràng, chấm phẩy đúng và nói đúng chính tả. Nói phải đúng chính tả, rõ ràng, không được nuốt chữ. Ngoài ra, người thông dịch cần phải có tác phong lịch sự, ăn mặc chỉnh tề, luôn đến thông dịch cho khách hàng đúng giờ, nếu sớm hơn khách hàng 10- 15 phút càng tốt.
“Có một điều cũng rất quan trọng, là người làm nghề thông dịch phải yêu nghề thì mới làm lâu bền được. Yêu nghề thì mới thích thú, say mê, sáng suốt, tập trung trau dồi kỹ năng mỗi ngày một tốt hơn.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT