Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 2)

Sunday, 09/10/2016 - 09:34:08

Chị cho biết chính em trai của chị là thông dịch viên Andy. H. Trần đã vào nghề thông dịch trước, nên giới thiệu cho chị vào nghề này.

Bài BĂNG HUYỀN

Chuyện vào nghề của thông dịch viên Mộng Lan

Song song với nghề tay phải là xướng ngôn viên truyền hình và truyền thanh, Mộng Lan còn có nghề tay trái mà chị cũng yêu không kém, đó là nghề thông dịch viên Anh ngữ qua Việt ngữ cho những người Việt không rành tiếng Anh sống tại Quận Cam. Đây là công việc đã được chị bắt đầu làm từ cuối thập niên 1990 và vẫn đều đặn làm suốt bao năm qua, dù chị chỉ là thông dịch viên tự do, cộng tác với năm công ty thông dịch khác nhau.

Theo chị Mộng Lan muốn trở thành thông dịch viên, trước tiên người đó phải thông thạo tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ mà mình cần thông dịch. Riêng cá nhân chị khi sang định cư Hoa Kỳ cùng gia đình lúc mới 13 tuổi vào năm 1975, nên tiếng Anh để hội nhập vào việc học tại Hoa Kỳ không quá khó khăn, còn tiếng Việt thì khi còn học tại Việt Nam, chị rất giỏi môn Việt Văn, nhờ từ nhỏ chị rất mê đọc sách, thường đọc các sách của Tự Lực Văn Đoàn, sách tuổi Hoa. Qua Mỹ định cư, chị rất sợ quên tiếng Việt, nên hành trang mang theo mình là rất nhiều quyển sách truyện để đọc và ôn luyện, giữ gìn tiếng Việt cho chính mình.

Thông dịch viên Mộng Lan (Cung cấp)



Chị cho biết chính em trai của chị là thông dịch viên Andy. H. Trần đã vào nghề thông dịch trước, nên giới thiệu cho chị vào nghề này.

“Mộng Lan không biết cách phỏng vấn để chọn thông dịch viên vào làm của các công ty thông dịch hiện nay ra sao, nhưng cách nay hơn 10 năm, khi Mộng Lan xin việc, đại diện của công ty thông dịch đã phỏng vấn Mộng Lan bằng bài viết và bài nói, để xem khả năng thông dịch của mình đến đâu. Có ba người giám khảo hỏi mình trong phần dịch nói, và khoảng một tiếng đồng hồ để mình dịch viết từ văn kiện mà họ yêu cầu. Khi Mộng Lan đậu công việc đó, Mộng Lan có tên trong danh sách thông dịch viên tiếng Việt của công ty, khi có việc, nếu những thông dịch viên kỳ cựu của công ty, họ bận gì đó, không nhận, thì họ mới cho mình công việc này, vì lúc bấy giờ mình chỉ là người mới.

“Khi mình nhận công việc, những ngày đầu, họ sẽ hỏi thăm người khách mình thông dịch có than phiền gì về mình hay không. Nếu có khách hàng than phiền mình, thì họ sẽ bắt đầu để ý đến mình, họ sẽ cho mình ba lần thử, ba lần mà mình vẫn bị ba khách hàng khác nhau không hài lòng về mình, thì họ sẽ không giao việc cho mình nữa. Còn nếu họ thấy khách yêu cầu cho mình thông dịch, thì họ sẽ giao việc cho mình nhiều hơn.”

“Mộng Lan không có bằng hữu thệ tòa án California, vì Mộng Lan không có thời gian để học và đi thi lấy bằng, hơn nữa Mộng Lan không thích dịch trong tòa nên cũng không có nhu cầu để thi lấy bằng hữu thệ. Vì không có bằng, nên tiền nhận được từ công việc thông dịch của Mộng Lan không nhiều như những người có bằng, tuy vậy, Mộng Lan rất vui với công việc này.”

Thông dịch về tai nạn xe cộ

Ban đầu, chị làm thông dịch cho các văn phòng luật sư chuyên lo về tai nạn xe cộ để thông dịch cho các thân chủ của văn phòng luật sư (là người bị đơn hoặc nguyên đơn của tai nạn xe cộ), khi họ gặp đại diện của Hãng Bảo Hiểm để trả lời về những chi tiết của vụ tai nạn.

Chị Mộng Lan kể, “Khi thông dịch, mình phải dịch tất cả mọi điều khi người cần được dịch nói, ví dụ họ ho rồi nói xin lỗi, mình cũng phải dịch từ đó cho bên đại diện công ty bảo hiểm biết. Hoặc bên phía công ty đại diện nói gì ra, mình cũng phải dịch lại cho người được dịch nghe. Dịch về tai nạn xe cộ, rất nhiêu khê. Ví dụ như khi tả về tai nạn xe cộ, người chủ chiếc xe tả chiếc xe của mình màu xanh, trong tiếng Anh khi nói đến màu xanh, phải cụ thể là blue, dark blue, green… Còn tiếng Việt thường chỉ nói là màu xanh. Thành ra khi dịch, Mộng Lan phải hỏi lại người chủ xe là màu xanh gì để dịch lại qua Anh ngữ, khi hỏi như vậy, Mộng Lan cũng phải dịch lại cho đại diện bên bảo hiểm hiểu phần hỏi thêm cho rõ của mình.”

Chị Mộng Lan kể, “Có lần Mộng Lan dịch cho một khách hàng, khi tả lại tai nạn xe cộ, người đó nói Tôi đang đi trên đường, tôi bỗng nghe cái rầm, tôi bỗng thấy 10 ông trời. Do phải dịch sát nghĩa, nên khi nghe Mộng Lan dịch I saw 10 gods, người đại diện bên hãng bảo hiểm nghe vậy, rất ngạc nhiên hỏi lại và nói là bản thân ông ta còn chưa thấy một ông trời, mà sao người này lại thấy đến 10 ông trời lận? Vì người nói quá mộc mạc, mình phải dịch sát nghĩa không thể dịch thoát ý được, thành ra có lúc gặp phải chuyện cười như vậy đó.”

Nhắc lại những khó khăn ban đầu khi mới vào nghề thông dịch về tai nạn xe cộ, chị kể, “Khi thông dịch cho những người bị tai nạn xe cộ, nhiều người có bệnh hay chửi thề. Họ nói một câu và kết câu là câu chửi thề. Mình dịch lại giống vậy, nên cũng phải dịch câu chửi thề của họ. Đây là điều mà Mộng Lan không thích, vì vậy sau này khi chuyển sang thông dịch về y tế, Mộng Lan thích vô cùng.”

Những tai nạn nghề nghiệp

Làm thông dịch viên chuyên về tai nạn xe cộ được vài năm, chị được em trai giới thiệu chuyển sang thông dịch về y tế. Khi nhận công việc này, chị mê vô cùng và gắn bó suốt trong thời gian qua.
Muốn làm nghề thông dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt và ngược lại, người thông dịch không chỉ giỏi tiếng Việt, tiếng Anh, nói năng trôi chảy, dùng từ chính xác, diễn đạt lưu loát mà còn phải tự học để nắm vững một số thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực mà mình thông dịch.

Nhắc về tai nạn nghề nghiệp đầu tiên khi thông dịch y tế, chị Mộng Lan kể, “Bước đầu rất khó, vì Mộng Lan không có kinh nghiệm gì về từ vựng cơ thể học.. Lúc đó Mộng Lan nhận thông dịch cho một bệnh nhân, cho biết là bị bệnh tiểu đường, vì không biết từ tiếng Anh bệnh tiểu đường, nên Mộng Lan dịch là “I pee a sugar”. Người Y tá (người Mỹ da màu) nghe Mộng Lan dịch vậy, ngạc nhiên hỏi lại Mộng Lan lần nữa, rồi người y tá đó đoán ra và nói cho Mộng Lan biết đó là bệnh diabetes (bệnh tiểu đường). Đây là tai nạn nghề nghiệp đầu tiên mà Mộng Lan nhớ hoài. Sau lần đó, để có vốn liếng về các bệnh trạng, Mộng Lan tìm mua cuốn sách từ điển chuyên về Y Khoa để tự học, trong cuốn sách có nói rõ bệnh trạng, triệu chứng ra sao. Mộng Lan đọc ngày đọc đêm nên dần dần có vốn liếng để làm công việc thông dịch.
Chị cho biết, “Mộng Lan rất thích thông dịch về y tế, vì học được rất nhiều bệnh, nhiều loại thuốc, mở mang kiến thức y khoa cho mình, đây cũng là lý do vì sao khi Mộng Lan làm bên truyền hình, những talk show về y tế, khán thính giả ngạc nhiên thấy sao Mộng Lan biết nhiều bên y khoa, thật ra có được kiến thức này cũng nhờ Mộng Lan học được từ nghề thông dịch.”

Theo chị Mộng Lan, “Quy định của các công ty là người thông dịch không được đặt tình cảm của mình vào khi thông dịch. Nhiều khi đến thông dịch cho một bệnh nhân lớn tuổi ở một mình trong housing, họ rất cô đơn, họ gặp mình, họ mừng lắm. Nhiều khi họ cô đơn quá, họ kể cho người thông dịch nghe chuyện đời tư của họ, mình vẫn phải thông dịch lại cho người y tá, hay bác sĩ có mặt tại đó nghe. Người bệnh nhân mở miệng nói là mình phải dịch lại hết. Nhiều khi bệnh nhân cảm thấy cô đơn, họ ngồi họ khóc, lúc đó Mộng Lan cũng lặng người đi, không nói năng được gì hết. Nguyên tắc là thông dịch viên không được khuyên người bệnh, chỉ trừ phi người bệnh nói gì, thì mình thông dịch lại cho y tá, bác sĩ biết. Đây là một trong những khó khăn trong nghề thông dịch. Vì mình cũng là người bình thường, nhiều khi mình thấy thương người bệnh, muốn mở một lời an ủi, mà không dám. An ủi hay không là người y tá hay bác sĩ nói, mình chỉ làm nhiệm vụ thông dịch lại.”

Đạo đức nghề nghiệp

Còn về đạo đức nghề nghiệp của người thông dịch viên y tế, chị Mộng Lan cho rằng, “Người thông dịch phải có tâm và trách nhiệm với công việc, phải thông dịch với độ chính xác và cẩn thận tuyệt đối vì có tầm ảnh hưởng lớn trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ con người. Từ sự truyền đạt về những hướng dẫn cũng như việc sử dụng thiết bị y tế, thuốc uống phải đầy đủ và chính xác không bỏ sót và làm sai lệnh. Phải nghe rất rõ những gì mình nghe từ y tá, bác sĩ… nói cho bệnh nhân để dịch lại chính xác như vậy cho bệnh nhân nghe. Phải dịch lại chính xác những điều bệnh nhân hỏi y tá, bác sĩ… để y tá, bác sĩ nghe và trả lời lại cho bệnh nhân. Khi y tá, bác sĩ nói, mình phải viết tốc ký trên giấy, mình không được quên bất cứ điểm nào, nếu người thông dịch quên bất cứ điểm nào, cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.

“Người thông dịch chỉ được nói khi nào bác sĩ hay y tá đó ngưng nói, còn nếu họ đang nói, mà mình dịch thì có nhiều y tá, bác sĩ họ không tập trung được, vì khi mình nói, họ sẽ quên mất điều họ đang nói. Nếu mình không rõ được câu nói hay từ quá mới mà mình chưa hề biết, cần phải hỏi lại cho rõ ràng rồi mới dịch, chứ không được dịch đại. Mặc dù Mộng Lan biết người bệnh nhân đó không biết tiếng Anh, không biết Mộng Lan nói đúng hay sai, nhưng lương tâm mình không cho phép mình dịch sai. Vì nếu dịch không đúng, có thể khiến bệnh nhân đó gặp nguy hiểm.”

Chị cho biết thêm, “Khi mình đến để thông dịch cho bệnh nhân, nhiều y tá sẽ yêu cầu bệnh nhân đem hết thuốc bệnh nhân đang dùng trong nhà ra, thì người thông dịch phải nói cho bệnh nhân hãy mang hết các thuốc đang uống, đang nhỏ mắt, nhét hậu môn, xoa tay, thuốc dán…. Vậy mà vẫn có bệnh nhân vẫn quên. Thường các y tá đến nhà bệnh nhân, họ sẽ có danh sách thuốc của bệnh nhân rồi, nếu bệnh nhân mang ra không đủ, y tá sẽ hỏi lại, nhưng đôi khi bệnh nhân có thuốc mới, mà không nói cho y tá biết, người thông dịch không biết để nhắc bệnh nhân, thì nhiều khi những thuốc mới có phản ứng với bệnh nhân, mà y tá lại không biết. Thành ra người thông dịch phải để ý giùm cho bệnh nhân mà mình thông dịch. Vì đã làm lâu rồi, nên Mộng Lan đến thông dịch cho bệnh nhân, có thể cảm nhận được người bệnh đó rất ngăn nắp, cẩn thận, hay họ cần phải có sự nhắc nhở của mình.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT