Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 14)

Sunday, 01/01/2017 - 09:20:31

Cung cách làm việc trong tòa nhân viên thông dịch phải luân phiên, mỗi ngày thời khóa biểu thay đổi, có lúc người này lên trước, người kia lên sau.

Bài BĂNG HUYỀN

Thông dịch viên Hương Trầm
Thông dịch viên Hương Trầm từng là học viên nhỏ tuổi nhất của khóa luyện thi Thông Dịch Viên Tòa Án của thầy Thomas Vũ và là Thông Dịch Viên tiếng Việt có bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án trẻ nhất trong số những Thông Dịch Viên Hữu Thệ gốc Việt tại Hoa Kỳ hiện nay. Khi Hương Trầm thi đậu bằng Thông Dịch Hữu Thệ tại tiểu bang Florida vào đầu tháng 12, 2013, lúc đó Hương Trầm chỉ mới 20 tuổi. Từ tháng Bảy, 2014 Hương Trầm là thông dịch viên tự do cho tòa án Quận Cam, nhưng kể từ tháng Hai, 2016, sau khi dự tuyển cuộc phỏng vấn làm thông dịch viên bán thời gian (làm từ 8 giờ sáng đến 12 trưa, 5 ngày trong tuần, nghỉ cuối tuần) cho Tòa thượng thẩm Quận Cam, Hương Trầm đã được nhận vào làm Thông Dịch Viên Hữu Thệ bán thời gian của tòa từ đó cho đến nay.


Thông dịch viên Hương Trầm (Hình cung cấp)


Kể về thời gian làm việc của mình trong tòa, Hương Trầm cho biết, “Mỗi ngày, đúng 8 giờ em phải check in tại tòa Westminster, là nơi làm việc chính của em. Vì em là nhân viên của Quận Cam, thành ra khi người điều phối trong tòa điều đi thông dịch tại tòa nào trong Quận Cam thì em phải đi. Có hôm, sáng em làm ở tòa Westminster, nhưng chiều có thêm việc, thì họ giao cho em qua thông dịch tại tòa ở Santa Ana. Hôm nào đi làm, được giao việc thì mới biết hôm đó mình sẽ dịch ở đâu. Cung cách làm việc trong tòa nhân viên thông dịch phải luân phiên, mỗi ngày thời khóa biểu thay đổi, có lúc người này lên trước, người kia lên sau.

“Có phòng tòa giao thông thì lúc nào cũng có cần thông dịch tiếng Việt thì ai đến phiên thông dịch ở trong phòng giao thông ngày hôm đó thì tự động đi đến phòng đó. Còn ai không có việc thông dịch hôm đó thì ngồi ở văn phòng, dù không làm gì hết, chỉ ngồi trong văn phòng nhưng vẫn được trả lương. Nếu mình không muốn ngồi trong văn phòng, mình có thể đi vòng vòng trong khuôn viên của tòa. Em không bao giờ ngồi yên hết, lúc nào không có việc, em cũng cầm theo quyển sách đi bộ vòng vòng trong tòa và dặn người điều phối công việc là khi cần em làm gì thì gọi cho em, em sẽ về lại văn phòng ngay.”
Nói thêm về công việc thông dịch trong tòa, Hương Trầm kể, “Mỗi sáng khi vào tòa để làm, người điều phối phân công mình dịch gì thì ngay lúc đó mới biết, chứ không biết trước sẽ dịch ở đề tài nào và sẽ dịch ngay trong tòa mình đang làm hay qua tòa khác trong Quận Cam. Em luôn nghĩ là hãy dịch hết sức của mình, nếu có chữ không biết và chữ đó không quá quan trọng thì nếu mình hiểu ý của tiếng Anh nghĩa đó thì dịch ra tiếng Việt theo ý và sau đó về tham khảo lại ý kiến của những đồng nghiệp và những người đi trước. Còn nếu gặp những chữ quan trọng mà em hoàn toàn không hiểu, thì bắt buột đạo đức nghề nghiệp khi mình đã đưa ra lời tuyên thệ phải dịch chính xác, thì em phải xin dừng lại để tra cứu từ đó.”

Hương Trầm cho rằng, “Em không bao giờ nghĩ là mình làm trong tòa, là nhân viên nhà nước, thông dịch bên hình sự thì phải đối xử với nghề nghiệp trịnh trọng hơn là làm thông dịch ở bên ngoài cho các luật sư. Nhiệm vụ của em là chuyển dịch ngôn ngữ phải luôn dịch chính xác, không cần biết là có người khác lắng nghe hay không, không được thiên vị hoặc thành kiến với bất kỳ đơn vị hay cá nhân nào hết. Bởi đó là nhiệm vụ khi mình đã đưa ra lời tuyên thệ là chuyển dịch một cách chính xác theo hết khả năng mình có thể. Nên mình phải làm đúng nghề nghiệp của mình.

“Có thể có ngày em mệt, dịch không được tốt như những hôm khác. Không ai biết, nhưng thật ra chính mình tự biết rồi, nên mình phải cố gắng hơn trong lần sau. Còn nếu có ai biết, thì mình cũng phải giải thích là hôm nay dịch không tốt nhưng hy vọng lần sao sẽ cố gắng tốt hơn.”

Thuận lợi và khó khăn trong nghề

Về thuận lợi khi làm nghề, Hương Trầm chia sẻ, “Thuận lợi của em là nói lưu loát tiếng Anh và tiếng Việt. Do khi còn ở Việt Nam, em học lớp chuyên Anh, hệ thống giáo dục tại Sài Gòn có cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, em được chọn đi thi môn văn. Tiếng Anh và tiếng Việt là hai ngôn ngữ em yêu thích. Có nhiều bậc tiền bối đi trước khi qua đây tuổi đã lớn khi học tiếng Anh có những accent nhiều khi luật sư và chánh án không thích lắm. Thuận lợi của em là phát âm tiếng Anh và tiếng Việt đều rõ ràng, dễ nghe, không bị accent. Có lẽ do một phần là em được học tiếng Anh từ nhỏ, em lại thường nghe nhạc, xem phim Mỹ nhiều, nhưng một phần cũng nhờ có năng khiếu bắt chước nói theo giọng của người bản xứ, vì ngay từ năm đầu tiên khi em mới qua Mỹ (năm 2009, theo học lớp 11 bên Mỹ), em sống ở tiểu bang Indiana, không có nói tiếng Việt, toàn nói tiếng Anh, nên em tự tập luyện khi nói.

“Riêng tiếng Việt, do em lớn lên trong thời gian sau 1975, những người cần thông dịch viên Việt Nam đa phần là mới qua, trong thời gian học lớp của thầy Thomas Vũ, có những từ em sử dụng, ví dụ như là đăng ký thay vì phải là ghi danh.. Thật ra theo em nghĩ, cả hai từ trên đều cùng có nghĩa như nhau, không có gì sai hết. Nhưng khi em dịch trong lớp là đăng ký, thì bị phản đối cho em là Việt Cộng con. Hiện nay em vẫn phải học thêm những từ ngữ Việt Nam mà cộng đồng bên này thường dùng trước 1975. Phải tế nhị tránh những từ mà cộng đồng bên này rất dị ứng, ví dụ không thể nói đảm bảo, mà phải nói là bảo đảm. Không thể nói là đăng ký, mà phải nói ghi danh...”

Còn về khó khăn, thì Hương Trầm cho biết, “Do em còn quá trẻ, Em chỉ mới bước sang tuổi 23, với lại em là con gái nữa, nhiều khi em không nhận được sự tôn trọng nhất định từ nhân viên của tòa cũng như các luật sư hoặc ngay bản thân bị cáo. Khi em thông dịch cho những bị cáo bị giam, em không biết do tâm thần của họ không tốt hay do bản tính sổ sàng, họ đã có những lời nói sàm sở rất khiếm nhã, thậm chí rất tục tĩu. Cái đó nhiều khi ảnh hưởng đến tâm lý của em trong lúc thông dịch. Họ nói gì em cũng phải dịch lại, ngay cả những từ tục tĩu mà tiếng Việt em không bao giờ nói, nhưng em vẫn phải cố gắng dịch, cố gắng để những điều đó không ảnh hưởng đến tinh thần của mình khi mình dịch.”

Hương Trầm kể tiếp, “Do người em cũng nhỏ con, thành ra trong lúc dịch, có những bị cáo khi ra tòa quá hung hăn, quá khích, khi họ tức giận một điều gì thì họ dễ dàng trút giận vào em. Có hai lần, một lần là em đã bị lên trỏ khi đang dịch cho họ. Lần thứ hai là họ bực mình, tâm thần không tốt, họ chỉ thẳng mặt em nói em là thứ phản quốc, làm cho tòa như vậy là không được, họ tấn công bằng những lời nói với em. Lúc đó em cũng hơi giật mình thôi, luôn nhắc mình phải nhớ là mình đang làm cho tòa, những gì họ nói là không chủ ý với mình, chỉ do họ không hiểu hệ thống luật pháp mà thôi. Những lúc đó em đều phải báo cáo lại với cấp trên (supervisor và manager), nếu có thương tích gì cũng phải báo cáo lại, làm theo tiến trình mà tòa yêu cầu.”

Dẫu đôi khi gặp phải những khó khăn như đã kể, nhưng Hương Trầm vẫn rất thích công việc này, dù cơ duyên gắn bó với nghề của người bạn trẻ này rất tình cờ, chỉ vì lời rủ rê của người dì. “Vào hè năm 2012, khi đó em đã chuyển về sống ở San Diego, người dì của em đọc thấy quảng cáo về lớp học luyện thi Thông Dịch Viên Tòa Án của thầy Thomas Vũ dạy vào hai ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ Nhật, dì muốn học thử ngành thông dịch để đổi nghề, dì rủ em đi học chung, em đồng ý, mỗi cuối tuần cùng dì lái xe xuống Quận Cam để học.”

Hương Trầm nói trong thời gian đi học lớp luyện thi thông dịch viên tòa án Hương Trầm đã học xong năm đầu ngành học marketing tại trường Cao Đẳng Cộng Đồng ở San Diego, vào dịp hè năm 2012 Hương Trầm xin thực tập tại đài truyền hình SBTN, sau thời gian thực tập thì đài SBTN nhận Hương Trầm vào làm bán thời gian cho đài với công việc marketing và phóng viên. “Vì vậy em quyết định chuyển lên sống tại Quận Cam để vừa đi làm cho SBTN và cuối tuần thì học lớp luyện thi thông dịch. Càng học thì em càng thấy thích ngành nghề này, và em cảm giác là nghề này đã chọn mình, em được làm việc yêu thích, kiếm tiền nuôi sống bản thân, mà còn giúp được những người trong cộng đồng bị bất đồng ngôn ngữ.
“Vì vậy em đã xin phép ba mẹ tạm ngưng chuyện học đại học lại. Đây là một vấn đề khó khăn. Vì truyền thống phụ huynh Việt Nam luôn muốn con em phải có bằng đại học. Không kỹ sư, bác sĩ thì cũng phải có bằng đại học. Em nghĩ nếu học bốn năm đại học ra có bằng thì cũng phải đi kiếm việc làm. Còn ngành thông dịch dù không có bằng đại học, nhưng cũng là một ngành nghề kiếm tiền và cũng trải qua quá trình giáo dục. Vì em thuyết phục dữ quá, ba mẹ cũng đành đồng ý.”

Hương Trầm bắt đầu học lớp thầy Thomas Vũ vào tháng Bảy, 2012, khoảng bốn tháng sau thì quyết định ngừng học đại học lại, xin giữ lại kết quả học tập để tập trung ôn luyện thông dịch. Từ tháng 11, 2012 cho đến tháng Sáu 2013 Hương Trầm liên tục tập luyện kỹ năng thông dịch và đã đậu bài thi viết vào tháng 10, 2012. Tháng Sáu 2013 Hương Trầm biết đến cuộc thi vấn đáp để lấy bằng hữu thệ tại California diễn ra tháng Tám 2013 và tại Florida (lúc bấy giờ tiểu bang Florida vẫn còn nhận những người dự thi sống tại nơi khác) diễn ra vào tháng 9 năm 2013.

Hương Trầm đã quyết định ghi danh thi ở hai nơi. “Vì em nghĩ chắc mình thi lần đầu sẽ không thể nào đậu được. Sau khi thi lần đầu tại California, lúc đó vẫn chưa biết kết quả, nhưng trong đầu em nghĩ chắc không đậu ngay đâu, thi lần đầu là để lấy kinh nghiệm để xem mình bị khớp phần nào, tâm lý không vững phần nào để luyện thêm tại nhà. Khoảng 2- 3 tuần sau, em qua Florida thi, khi thi em cũng nghĩ là mình ráng làm hết sức thôi. Khi đó tinh thần em thoải mái hơn, vì có kinh nghiệm thi lần đầu rồi, và cũng nghĩ sẵn dịp thi bên đây là đi du lịch luôn.

“Vì trong năm 2013 em đi công tác cho đài SBTN tại nhiều tiểu bang, những lúc ngồi trên máy bay 5, 6 tiếng đồng hồ là em đem tài liệu theo ôn, và mỗi khi lái xe, em cũng mở những tin tức thời sự trên radio tự tập dịch trực tiếp. Và xem những phim truyền hình vụ án ở trên internet để dịch những từ ngữ pháp lý và đời thường.…”

Hương Trầm cho biết vào tháng Chín 2013 Hương Trầm thi ở Florida, tháng 10 năm 2013 biết bị rớt phần dịch song song simultaneous interpreting “vì do run quá, em bỏ nguyên đoạn đầu luôn, vì lần đầu tiên bị khớp, không biết trông đợi cái gì xảy ra.” Cuối tháng 11 đầu tháng 12, 2013 Hương Trầm biết mình đậu bên Florida.

Giữa hai cuộc thi ở Florida và California, bên nào khó hơn?
Hương Trầm nói, “Em không nghĩ là bên nào khó hơn hay dễ hơn. Khó hơn hay dễ hơn là do chính mình, sự hiểu biết tiếng Việt lẫn tiếng Anh ở trong đầu mình rồi và kỹ năng cũng là của mình rồi. Thì khi mình đã quen kỹ năng thông dịch, thì nghe gì mình vẫn dịch được. Điều chính yếu là tinh thần của mình rất quan trọng. Khi thi ở tiểu bang California vì lần đầu nên em bị khớp, nhưng khi tại tiểu bang Florida, tâm lý của em thoải mái hơn, vì đã có kinh nghiệm thi lần đầu rồi.”

Sau khi biết mình đã đậu và chuyển kết quả từ Florida về California để hành nghề tại California, Hương Trầm đã nghỉ làm SBTN vì muốn tập trung vào nghề thông dịch. “Em có báo tin cho thầy Thomas Vũ, thầy đã giới thiệu tên em cho một số công ty thông dịch và họ có kêu em gửi lý lịch cá nhân để họ xem. Cũng may mắn là khi đi thông dịch, em luôn nhận được những phản hồi khá tốt từ các luật sư với các công ty mà em cộng tác, thành ra họ tiếp tục mời em.”

Hiện nay ngoài công việc chính là thông dịch viên bán thời gian của tòa Thượng Thẩm Quận Cam, Hương Trầm đã tiếp tục đi học lại. “Bây giờ em muốn theo nghề thông dịch trong tòa làm nghiệp để mình gắn bó, thay vì học tiếp ngành marketing vừa tốn bao nhiêu đó tiền và thời gian, lại không sử dụng bằng đó thì không mang nhiều về lợi ích cho mình. Nên em chuyển sang học về hệ thống tư pháp của Mỹ tại Cal State Long Beach. Trước là để ba mẹ vui lòng vì em sẽ học tiếp để có bằng cử nhân bốn năm đại học, sau nữa là biết đâu những kiến thức em thu nhận được từ trường đại học, em không sử dụng nhiều trong nghề nghiệp, nhưng có thể sử dụng để giúp đỡ những người khác trong cuộc sống.”

Lời khuyên cho những ai muốn bước chân vào nghề này
Với Hương Trầm, “Nếu hỏi em về lớp học hay cách thi thố như thế nào thì em sẽ giới thiệu cho thầy Thomas Vũ, vì thầy phụ trách lớp học, Thầy sẽ cho những lời khuyên tốt nhất. Em không muốn đưa ra lời khuyên mang tính chủ quan để rồi ảnh hưởng đến sự quyết định của người khác. Vì tuổi đời, tuổi nghề của em chưa bằng ai. Suy nghĩ của cá nhân em thì em nghĩ khi mình làm nghề nào đó thì phải yêu thích nghề đó, mình cảm thấy mình yêu thích chứ đừng nghĩ giá trị vật chất nhiều quá, mà còn phải nghĩ đến giá trị tinh thần nữa. Vì công việc của mình còn ảnh hưởng tới cuộc sống của người khác, tới tâm lý, tinh thần của người khác. Mình phải luôn nghĩ đến điều đó, đừng nên quá nghĩ đến lợi ích vật chất mà quên đi.”

May mắn là Hương Trầm chưa bị tai nạn nghề nghiệp trong khi thông dịch, nhưng cô vẫn gặp những điều không mong muốn, Hương Trầm chia sẻ, “Mình đi làm ở đâu mình cũng có những mâu thuẫn, có những điều mình không thích với những người đồng nghiệp. Em luôn tâm niệm mình nên làm những gì thuộc về công việc của mình, ảnh hưởng đến mình mà thôi chứ không nên và đừng có vội đánh giá người khác để rồi làm những điều không hay với người khác một cách cố tình, cái đó tạo sự khó khăn cho người khác thì không nên. Bây giờ sự cạnh tranh rất nhiều, bởi vì nhiều người quá, nhiều sự cạnh tranh quá cũng có nhiều người hơi lắt léo, có chủ ý hại người khác. Theo em mình phải biết sức của mình, khả năng của mình ở đâu để đối xử với nghề này chứ không nên hại người khác, nói xấu người khác.”

Hương Trầm còn cho rằng, “Cần phải khiêm tốn, thật thà và cố gắng hết sức khi bước chân vào ngành này. Em Luôn tâm niệm làm nghề này phải luôn có tinh thần cầu tiến, nếu mình vẫn đứng tại chổ không chịu cập nhật, trong khi trái đất vẫn xoay chuyển, thời gian vẫn liên tục thì mình đã thụt lùi rồi. Phải luôn liên tục cập nhật, học hỏi. Những cái mình biết phải chia sẻ cùng đồng nghiệp, những cái không biết thì hỏi, phải nên chân thật, khi làm lỗi thì nhận lỗi chứ không nên bào chữa cho sai lầm của mình.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT