Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 13)

Sunday, 25/12/2016 - 07:37:36

“Sau đó ông luật sư mới hỏi trình độ học vấn của ông Việt Nam kia. Đáng lẽ ra câu hỏi đó phải được hỏi ngay từ lúc đầu, vậy mà ông luật sư không hỏi. Cứ bắt đầu vô là hỏi thẳng vào vấn đề, mà không chịu hỏi những câu căn bản để biết cách sắp xếp câu hỏi cho hợp lý.”

Bài BĂNG HUYỀN

Thông dịch viên Điền Phạm

Anh Điền Phạm là Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án, hiện anh là thông dịch viên tự do, làm cho các luật sư trong những buổi lấy khẩu cung có tuyên thệ, nhưng đó chỉ là công việc bán thời gian, công việc chính của anh vẫn là một kỹ sư điện toán cho một công ty có nhiều chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới.
Anh Điền Phạm tâm sự, “Tuổi tác của tôi ở vào xế chiều rồi, khi mình làm một thời gian, đến tuổi nào đó mình chú trọng phẩm chất cuộc sống hơn là số tiền kiếm được. Nên tôi quyết định quay lại công việc mình yêu thích từ khi còn trẻ, thay vì mình làm chỉ để kiếm sống. Cách nay hai năm (năm 2014) tôi có đọc một bài báo quảng báo về lớp luyện thi Thông Dịch Viên Tòa Án của thầy Thomas Vũ, nên tôi ghi danh học, vì thông dịch từng là công việc tôi đã làm vào mùa hè khi còn là sinh viên (lúc đang theo học ngành kỹ sư điện toán từ hồi thập niên 1980). Hiện nay tôi vẫn làm song song hai công việc. Công việc toàn thời gian bên công ty điện toán của tôi thời gian gần đây chủ yếu chuyên biên dịch các tài liệu điện toán nhiều hơn, tôi đã không còn viết software nữa, vì tôi đã viết 30 năm rồi, chán rồi, giờ tôi thích biên dịch hơn.

Thông dịch viên Điền Phạm (Hình cung cấp)



“Công ty tôi đang làm từ trước đến nay là một hãng quốc tế có chi nhánh tại nhiều quốc gia, trong đó có ở Việt Nam và những quốc gia có nhân viên gốc Việt đông. Vì vậy ngoài dịch những tài liệu về kỹ thuật, họ còn cần tôi dịch về những luật lệ của công ty…”

Mối duyên với nghề thông dịch

Nhắc lại buổi đầu đến với nghề thông dịch, anh Điền kể, “Tôi qua Mỹ từ đầu thập niên 1980, ở Việt Nam tôi chưa biết gì về nghề thông dịch. Nhưng khi qua đến Mỹ ban đầu tôi sống tại một thành phố nhỏ ở tiểu bang Washington (anh chuyển về quận Cam sống khoảng mười mấy năm nay), nơi tôi sống lúc đó người Việt không đông, ở đó dân chúng rất hiền hòa, nhưng đôi khi có những việc xảy ra cần người thông dịch. Lúc đó tôi biết gì thì dịch thôi. Tôi không dám cho là mình giỏi hai ngôn ngữ Anh- Việt, mà chỉ hiểu hơn người khác, tôi thấy mình có thể giúp họ được.

“Khi tòa cần hay văn phòng luật sư, hay sở xã hội cần thì tôi ra thông dịch. Hồi đó người thông dịch không đòi hỏi phải có bằng hữu thệ gì hết. Lúc bấy giờ tôi hiểu rằng thông dịch thì cần phải dịch chính xác càng nhiều càng tốt, nhưng khi đó khả năng tôi vẫn chưa đủ, tôi vẫn chưa biết những danh từ chuyên môn về pháp lý. Khi đó có những chữ tôi bí quá, không hiểu nghĩa tiếng Việt là gì, và cũng chẳng có ai để hỏi, thì vẫn giữ y chữ tiếng Anh, và cho biết là tôi không biết nghĩa tiếng Việt là gì để dịch, khi người khách hàng muốn được giải thích nghĩa của từ đó, thì ông luật sư giải thích bằng tiếng Anh, tôi dịch ra cho khách hàng hiểu phần giải thích của chữ đó là gì.

“Khi bên Việt Nam được phép làm ăn với Mỹ, hoặc ở những quốc gia khác có đông người Việt làm việc, thì công ty điện toán nơi tôi làm cần người đến huấn luyện về hệ thống mới của computer hoặc viết cẩm nang cho nhân viên, lúc đó tôi cũng bắt đầu được mời biên dịch các tài liệu chuyên về kỹ nghệ nhiều hơn là nhận thông dịch về dân sự hay hình sự.”

Kinh nghiệm nghề nghiệp

Anh Điền cho biết sau khi anh thi rớt lần đầu vì bị rớt phần dịch nối đuôi (consecutive) [khi nghe người phát biểu nói xong một đoạn tiếng Anh, rồi ngưng, người thông dịch sẽ dịch sang tiếng Việt đoạn phát biểu đó], để dịch tốt phần này, đòi hỏi trí nhớ nhiều, đòi hỏi sự tập trung cao, khả năng viết tốc ký nhanh. Anh đã tự ôn luyện thêm kỹ năng thông dịch và thi lần hai thì đậu.

Theo anh Điền trong quá trình thông dịch, anh luôn cố gắng dịch chính xác theo đúng yêu cầu nghề nghiệp đề ra. Nhưng trong trường hợp nếu vì gặp một cụm từ quá mới so với sự hiểu biết của anh, trong lúc dịch anh đã dịch thiếu chính xác, khi về kiểm tra và phát hiện ra, thì anh sẽ báo cho người luật sư đó biết. Vì có thể phần dịch thiếu chính xác của mình sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả vụ xử.

“Đa số các luật sư đều cám ơn người thông dịch có tinh thần trách nhiệm với công việc như thế, vì đâu có ai hoàn hảo hoàn toàn, mình tỏ rõ sự thành thật thì họ sẽ rất quý. Khi mình báo lại việc mình dịch chưa chính xác, tùy theo luật sư, nếu thấy chữ dịch sửa lại đó đủ tầm quan trọng cho vụ án, thì họ sẽ sửa lại, còn nếu không quan trọng, thì họ chỉ ghi chú lại, nhưng bỏ qua.”

Đôi khi anh thông dịch còn gặp trường hợp luật sư đối phương cũng mướn thông dịch để kiểm chứng anh thông dịch ra sao, đây là những trường hợp rất tế nhị và căng thẳng cho mọi người. Vì có khi những chữ mà anh biết chắc mình dịch đúng, nhưng bên đối phương chống đối, cho là sai.

“Sự hiểu biết là một chuyện, có phần khác nữa là sự tự ái. Người nào cũng tự ái hết, nhất là những vụ tranh cải dính liếu đến bạc triệu chẳng hạn. Thân chủ của họ là người mướn họ (luật sư, thông dịch viên), nên họ có sự hãnh diện cần bảo vệ, cho nên những lúc như vậy đòi hỏi mình sự tế nhị nhiều lắm. Một trong những trường hợp tôi đã gặp phải như vậy, bao giờ tôi cũng sử dụng câu nói “có thể trong trường hợp khác, luật sư hay thông dịch viên có thể đúng, nhưng trong trường hợp này tôi tin là phần dịch của tôi là đúng.” Thay vì nói là luật sư hay thông dịch của đối phương là sai. Mình vẫn công nhận là họ có khả năng, để ve vuốt tự ái của họ.”

Anh Điền nói những người luật sư mướn thông dịch viên để thông dịch, họ tinh lắm, dù họ không biết tiếng Việt, nhưng chỉ cần thông dịch viên dịch là luật sư biết người thông dịch đó dịch đúng hay dịch thiếu hay không, thông qua câu trả lời của người được thông dịch.

Anh kể, “Sự truyền đạt tư tưởng là một con đường hai chiều, mình nói là một chuyện, người tiếp thu họ nghe có hiểu hay không lại là chuyện khác, mình đâu biết trình độ học vấn của người tiếp thu ra sao. Có những luật sư nhiều khi nói những lời rất văn hoa bóng bẩy, mình cũng phải dịch văn hoa bóng bẩy như vậy, nhưng người tiếp thu khi nghe chưa chắc trình độ tiếng Việt hiểu được những chữ văn hoa bóng bẩy đó. Tôi xin đưa một ví dụ điển hình, lần đó có ông luật sư, ông nói “Have you ever had any social Interaction with this person? Tôi dịch chính xác câu đó là “Anh có giao tiếp về bất cứ khía cạnh xã hội nào với người đó hay không?

“Ông thân chủ mà tôi dịch, chỉ học mới lớp Ba tại Việt Nam thôi, khi nghe vậy hỏi lại tôi là giao tiếp xã hội nghĩa là gì? Tôi phải dịch lại cho luật sư. Khi đó luật sư đổi lại câu hỏi là Have you discussed with anyone? Tôi dịch chính xác câu đó là “anh có bàn luận với ai không?”

“Ông thân chủ tiếp tục hỏi lại tôi, bàn luận là gì vậy anh?
“Lúc đó ông luật sư nghi ngờ tôi đã dịch không đúng, vì thấy ông kia không hiểu. Lúc đó tôi xin tạm ngưng, và nói riêng với luật sư rằng, Không biết trước khi ông thực hiện buổi lấy khấu cung này, ông có tìm hiểu lý lịch người này là trình độ học vấn đến đâu hay không? Nhưng tôi dùng chữ dịch rất chính xác những gì mà ông nói, người đó không hiểu. Vậy trước khi ông kết luận tôi dịch không đúng thì hãy tìm hiểu trình độ của người thân chủ mà tôi dịch.”

“Sau đó ông luật sư mới hỏi trình độ học vấn của ông Việt Nam kia. Đáng lẽ ra câu hỏi đó phải được hỏi ngay từ lúc đầu, vậy mà ông luật sư không hỏi. Cứ bắt đầu vô là hỏi thẳng vào vấn đề, mà không chịu hỏi những câu căn bản để biết cách sắp xếp câu hỏi cho hợp lý.”

Anh Điền bảo rằng sau sự việc lần đó, anh lấy làm kinh nghiệm cho mình trong những lần thông dịch sau. “Thường người luật sư nào kinh nghiệm thì sẽ luôn đặt câu hỏi về trình độ học vấn người được hỏi ra trước rồi mới đặt câu hỏi cho người đó trả lời. Nếu gặp luật sư không đặt câu hỏi đó trước, tôi luôn nhắc họ, tôi luôn nói cho họ về ví dụ điển hình mà tôi gặp phải trước đây. Nên luật sư nào khi nghe tôi nhắc như vậy là họ biết mình có sự hiểu biết, nên họ rất trọng những lời nhắc nhở như vậy. Những buổi thông dịch lấy khẩu cung có lời tuyên thệ mà tôi làm từ sau lần đó đến nay, hầu như các luật sư luôn hỏi trình độ học vấn của người được hỏi trước, cho dù câu hỏi đó chẳng dính dáng gì đến nội dung của buổi lấy khẩu cung hết.”

Anh Điền chia sẻ thêm, “Những luật sư bên dân sự khi mướn mình, nếu họ thích mình thông dịch thì họ luôn tạo điều kiện để mướn mình làm tiếp cho lần sau. Trước khi họ hỏi thân chủ là ngày nào muốn gặp lại họ lần nữa thì sẽ hỏi mình ngày nào mình rảnh, khi biết ngày rảnh của mình rồi thì họ sẽ nói với thân chủ của họ xếp ngày gặp vào ngày mình rảnh để mình được tiếp tục thông dịch cho vụ đó. Còn nếu họ không thích người thông dịch nào đó là họ sẽ bày tỏ ngay thái độ hoặc sẽ không bao giờ người thông dịch đó được dịch lại cho họ lần thứ hai.”

Để trở thành thông dịch viên giỏi

Anh Điền tâm sự, “Tôi rất yêu nghề thông dịch, vì nghề này là công việc rất thú vị, nó đòi hỏi mình phải có sự hiểu biết, sự học hỏi không ngừng, cũng giống như ngành computer tôi đang làm vậy thôi. Nếu computer về logic, sự suy luận, còn thông dịch thì về sự hiểu biết, học hỏi nhiều hơn, mà không những chỉ học tiếng Anh thôi, mà còn học luôn tiếng Việt. Nên đòi hỏi sự học hỏi rất nhiều. Sự hiểu biết để làm nghề này rất rộng lớn, nếu bảo tôi biết hết là mình sai rồi. Khiêm tốn là đức tính rất quan trọng khi làm nghề này.”

Anh Điền cũng cho rằng một thông dịch viên (dịch nói), biên dịch (dịch văn bản viết) giỏi tùy thuộc vào kinh nghiệm và kiến thức tổng hợp của từng người. Người thông dịch, biên dịch cần thông thạo ngoại ngữ (tiếng Anh) và ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Việt) để diễn đạt đầy đủ và chính xác ý nghĩa của phần thông dịch. Người thông dịch rất cần phải có khả năng sử dụng từ vựng trong mọi lĩnh vực khi chuyển ngữ. Để làm tốt điều này rất cần có kiến thức chuyên môn của loại hình mà mình dịch. Và đương nhiên nếu người thông dịch viên đó có kiến thức về văn hóa, đời sống, vốn sống nhiều cũng sẽ góp phần không nhỏ vào phần thông dịch, biên dịch của người đó.

Nói về lời khuyên đến những ai muốn gắn bó với nghề thông dịch, anh Điền chia sẻ, “Theo tôi những ai muốn làm nghề này là phải ham thích học hỏi. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Phải luôn học hỏi để trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng thì mới tiến xa hơn trên con đường nghề nghiệp. Hiện giờ, mỗi ngày tôi vẫn phải tự học một, hai tiếng là ít nhất. Học những từ chuyên môn bên hình sự, pháp lý. Bên dân sự cũng vậy, có rất nhiều đề tài mình phải tìm hiểu, học hỏi. Càng biết nhiều càng tốt. Nếu khuyên nên học gì thì khó nói lắm. Vì kiến thức rất rộng, mình phải tích lũy càng nhiều càng tốt. Mình phải có sự đam mê với nghề, chứ đừng nên chú trọng đến tiền. Nếu chỉ chú trọng làm vì công việc kiếm được tiền nhiều, tới lúc tiền không còn nhiều nữa, thì mình sẽ mất hứng thú hành nghề. Còn nếu đam mê công việc chỉ vì yêu thích làm nghề, cho dù có tiền hay không vẫn yêu thích để làm, thì sau thời gian làm việc, tiếng tăm của mình lên, lúc đó mình có những thân chủ chuyên mướn mình, không muốn mướn người khác, thì lúc đó mình có thể đặt giá với họ, đó chính là sự ban thưởng của sự đam mê với nghề nghiệp của mình.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT