Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 12)

Sunday, 18/12/2016 - 05:09:12

“Họ nói như đọc vậy, mà nói rất nhanh, nên khi mình nghe, mình phải ghi chú xuống hết các chi tiết, rồi mới dịch lại. Cái này khó vì họ nói quá nhiều, mình không có thời gian ghi xuống hết. Vì vậy mình cần thêm khả năng ghi tốc ký. Tôi cũng dành rất nhiều thời gian để học ghi tốc ký.

Bài BĂNG HUYỀN

Thông dịch viên Huy Hoàng

Anh Huy Hoàng từng theo học khóa huấn luyện thông dịch viên tiếng Việt do trường đại học Cal State Fullerton mở (khóa 2), học chưa được một năm nhưng sau đó anh ngưng và chuyển qua ghi danh học khóa luyện thi Thông Dịch Viên Tòa Án của thầy Thomas Vũ. Vì sau một buổi học thử lớp của thầy, anh thấy thầy dạy kỹ, giúp học viên hiểu chi tiết về các thủ tục tòa án, những tiến trình trong tòa cùng những kỹ năng thông dịch.

Huy Hoàng (Hình cung cấp)



Anh đã thi đậu bằng bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án vào năm 2015, từ đó đến nay anh đang là thông dịch viên tự do cộng tác với các luật sư trong những buổi lấy khẩu cung và làm tự do cho các tòa án thuộc ba quận Los Angeles, Orange County và San Bernardino, mỗi khi những tòa án trong 3 quận trên cần anh thông dịch thì họ gọi cho anh và giao việc, chỉ khi được giao việc thì anh mới có thù lao, nên anh cho rằng dù có bằng Thông Dịch Hữu Thệ mà chưa xin được công việc thông dịch toàn thời gian hay bán thời gian trong tòa thì thu nhập vẫn chưa ổn định, vì có tuần nhận được nhiều việc, có tuần không. Theo anh, nếu ai đó nghĩ rằng đến với nghề thông dịch sẽ kiếm được nhiều tiền thì thật sai lầm.

Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án

Nói về nghề Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án, anh Huy Hoàng chia sẻ, “Theo tôi người nào muốn đi làm nghề thông dịch, trước tiên phải hiểu được khả năng tiếng Anh của người ta đến đâu thì mới dám nghĩ đến chuyện làm thông dịch.

“Làm thông dịch bình thường ngoài xã hội, để làm cho 2 bên hiểu nhau, là một chuyện. Còn làm thông dịch viên cho tòa, cho hệ thống pháp lý của tòa lại là một điều hoàn toàn khác. Vì nó không còn dừng lại ở chổ làm sao để hai bên hiểu nhau nữa. Mà là làm sao mình bảo đảm được tính chất và sự nguyên vẹn của câu nói để hai bên hiểu. Phải dựa trên nguyên tắc là dịch từng lời một, không được bỏ xót chi tiết nào hết, dựa theo mức độ văn chương của người nói nữa.

Anh nêu ví dụ, “Một người Việt nói một câu hết sức bình dân như trời đất ơi, hay mèn ơi chẳng hạn, là câu nói của người bình dân, thì mình cũng dựa trên mức độ đó để dịch sang tiếng Anh. Còn nếu người Việt đó là một giới chức văn học nào đó, sử dụng tiếng Việt rất trịnh trọng, chẳng hạn, Tôi thành thật trân trọng chia vui cùng với toàn thể gia đình, thì mình cũng phải giữ y cung cách trịnh trọng đó chuyển qua tiếng Anh.”

Anh Huy Hoàng nhận xét, “Ngành thông dịch tòa án là điều mới đối với người Việt Nam, vì ngày xưa người Việt Nam làm nghề thông dịch là làm sao chuyển một câu tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc ngược lại sao cho nó đẹp, chứ không phải chính xác một trăm phần trăm.

“Nhưng dịch trong tòa về pháp lý, nếu mình dịch bằng cách sửa tính chất câu nói thì nó sẽ ảnh hưởng đến sự phán đoán của bồi thẩm đoàn hoặc của ông chánh tòa. Tòa án và 12 người bồi thẩm viên là những người quyết định xem ở bên công tố, hoặc bên bị đơn, nguyên đơn ai sẽ là người thắng vụ xử này, cho nên họ sẽ lắng nghe lời thông dịch của mình. Họ muốn nghe một cách chân thật và muốn nghe luôn từng cảm xúc nữa. Khi mà người nói trong một cảm xúc bực tức thì mình cũng phải dịch theo cảm xúc đó luôn. Và những từ thô bỉ, thô tục hay giận dữ của người nói thì khi dịch, mình cũng phải giữ y nguyên trạng thái đó để cho quan tòa và bồi thẩm viên cảm nhận được điều đó, để họ quyết định. Có thể ông quan tòa và bồi thẩm viên nhìn người đó nói, để xem thái độ của người nói biểu hiện ra sao, nhưng lời của người thông dịch viên ở trước quan tòa rất cần thiết, cần phải giữ y nguyên cái ý nghĩa và phong thái mà người nói đang nói.”

Kinh nghiệm thi cử

Nhắc về kinh nghiệm thi đậu bằng Thông Dịch Hữu Thệ, anh Huy Hoàng kể, “Khi học xong khóa học của thầy Thomas Vũ, tôi thi viết ngay trong năm 2012, thi viết thì dễ lắm, nên tôi đậu liền. Bài thi viết trên computer, thi hình thức trắc nghiệm, dài khỏang 60 phút. Bài thi hỏi về nghĩa từ vựng liên quan đến pháp lý và những từ vựng thông dụng, cũng như những từ vựng cao cấp, kể cả các nguyên tắc làm việc trong tòa ra sao, những tiến trình trong tòa... Nếu mình không đi học lớp luyện thi, thì làm sao biết để mà làm bài thi.

“Theo quy định thì những ai sau khi đậu phần thi viết rồi thì mới có quyền thi tiếp phần thi vấn đáp (Oral test), phần thi này rất khó, gồm ba phần: Dịch theo văn bản (sight), dịch nối đuôi (consecutive) và dịch song song (simultaneous). Khi đậu bài thi viết, mình đi thi nói chỉ được phép rớt bốn lần thôi. Nếu rớt hết bốn lần, là phải thi lại bài thi viết. Bài thi viết thi đậu rồi thì đến lúc nào mình muốn thi phần thi vấn đáp cũng được, bài thi viết đó có giá trị suốt đời. Ví dụ thi đậu bài viết rồi, vài năm sau hay 10 năm sau mới thi bài vấn đáp vẫn được.”

Anh Huy Hoàng nói sau khi đậu bằng viết, ngoài những bài đã học trên lớp của thầy Thomas Vũ, anh còn phải tự luyện tập kỹ năng thông dịch suốt cả năm trời rồi mới dám đi thi vấn đáp. Vậy mà anh vẫn bị rớt lần đầu trong phần dịch song song (simultaneous) của bài thi.

Anh kể, “Mình phải nghe qua máy ghi âm, người nói trong máy với tốc độ giống như trong tòa trong suốt 7 phút. Mình vừa nghe vừa dịch song song (bấm thu vào máy) để ban giám khảo chấm. Mình phải bám sát 7 phút đó để dịch, phải đạt được 70 phần trăm thì mới đậu phần thi đó.

“Theo quy định của tiểu bang California, muốn đậu bài thi vấn đáp, mình phải đậu hết ba phần cùng một lúc, còn rớt một trong ba phần thì mình vẫn phải thi lại hết cả ba. Còn những tiểu bang khác ví dụ có rớt một phần trong phần thi, thì chỉ cần thi lại phần đó thôi.”

Nếu trước đây tiểu bang California không công nhận bằng thông dịch viên của các tiểu bang khác chứng nhận, nhưng vài năm nay California đã trở thành một tiểu bang thành viên của Liên Hội Các Tiểu Bang Thành Viên (Consortium Member States), do vậy nhiều người sau khi đậu bằng thi viết, qua tiểu bang khác thi phần thi vấn đáp, đậu rồi thì có quyền về hành nghề tại tiểu bang California.

Tuy nhiên theo anh Huy Hoàng thì, “Có một vài tiểu bang như Florida được California chấp nhận. Tuy nhiên California chỉ đồng ý cho những người đã đậu thi viết và đậu tất cả ba phần trong cùng một lần (all in one session) của kỳ thi vấn đáp do một trong 42 tiểu bang thành viên tổ chức kỳ thi, tên của mình sẽ được liệt kê vào danh sách được hành nghề tại California, mà không cần phải thi lại ở California. Còn nếu mình thi tại Florida bài thi vấn đáp trong ba phần bị rớt một phần, thì lần hai thi lại phần rớt thôi, mình vẫn có bằng, nhưng chỉ hoạt động ở Florida, chứ không được qua làm thông dịch tại California được. Theo tôi biết thì hơn một năm nay tiểu bang Florida đã không mở chương trình cho người bên California qua thi nữa rồi. Có nhiều người bên này đã đóng tiền để thi, nhưng họ đã trả tiền lại và không cho biết lý do.”

Chia sẻ kinh nghiệm ôn luyện của mình, anh Huy Hoàng tiết lộ, “Dịch song song là mình phải luyện làm sao mà khi nghe tiếng Anh mình phản xạ nhanh nói ngay bằng tiếng Việt và ngược lại. Phải luyện hằng ngày theo những tài liệu mình học được trên lớp, hoặc mở YouTube để nghe một phiên xử nào đó rồi dịch song song theo. Thời gian đầu sẽ khó lắm, sẽ bị nhức đầu, vì đó là điều mà mình chưa bao giờ làm, đầu mình sẽ nóng lên, nhưng cứ tập luyện một thời gian sẽ quen thì thi mới đậu, chứ không thì khó đậu lắm. Khi tôi bị rớt dịch song song trong phần thi vấn đáp, tôi phải tiếp tục ôn luyện thêm một năm nữa, tôi mới thi lại và đã đậu.

“Cả năm trời tôi luyện mỗi ngày hai đến ba tiếng đồng hồ liên tục, mỗi khi lên xe là mở máy lên nghe, về nhà là học bài. Lúc đó tôi hiểu vì sao có nhiều người nản chí, vì nhìn thấy có quá nhiều người thi rớt. Một lớp có năm mươi mấy người học, thì chỉ có một, hai người thi đậu thôi. Nên làm cho người đi học rất nản. Thậm chí có người đi thi bốn lần vẫn rớt, khiến người ta nản không muốn đi thi lại bài thi viết lần nữa. Nhiều người đang học nhìn thấy vậy cũng nản, nghĩ rằng học làm gì cho mất thời giờ. Nếu từ đầu mình nghĩ vậy thì mình sẽ không bao giờ kiên trì luyện và thi đậu được hết. Mình phải nghĩ rằng người ta thi đậu thì mình cũng thi đậu, để mà cố gắng không bỏ cuộc.”

Kỹ thuật tốc ký

Theo anh Huy Hoàng, ngoài phần thi dịch song song, thì dịch nối đuôi cũng là một trong những điều khó khăn cho nhiều người khi thi. Đòi hỏi phải có kỹ năng tốc ký. “Ví dụ trong câu nói “hôm nay tôi ra khỏi nhà lúc 7 giờ 15 hay 7 giờ 20 gì đó, rồi trên đường đi tôi quên điện thoại quay về nhà lúc 7 giờ 32, rồi tôi đến tiệm bánh mì mua bình sữa 5 đồng 25 xu...” nó có quá nhiều chi tiết và cả sự ngập ngừng của người nói, đòi hỏi mình phải học cách ghi tốc ký. Người nói trong phần thu âm để phát ra máy nghe cho mình thi có thể người ta thuê người nói giọng Bắc, giọng Trung, giọng Nam, chứ không giọng chuẩn, nói không rõ đâu.

“Họ nói như đọc vậy, mà nói rất nhanh, nên khi mình nghe, mình phải ghi chú xuống hết các chi tiết, rồi mới dịch lại. Cái này khó vì họ nói quá nhiều, mình không có thời gian ghi xuống hết. Vì vậy mình cần thêm khả năng ghi tốc ký. Tôi cũng dành rất nhiều thời gian để học ghi tốc ký.

“Hiện nay có vài giảng viên chuyên dạy môn tốc ký. Lúc đầu tôi đã có học tốc ký trong lớp thầy Thomas Vũ rồi, nhưng sau khi bị rớt phần thi nói dịch song song, tôi muốn học thêm phần chuyên về tốc ký, nên thầy Thomas đã giới thiệu cho tôi học bên ngoài với cô giáo người Tây Ban Nha chuyên dạy về tốc ký.”
Anh kể về lớp học tốc ký, “Tôi chỉ học một hôm thôi, sau buổi học cô giáo có đưa cho tôi tài liệu và 1 CD chỉ ra từng phương pháp dịch khi viết tốc ký. Chẳng hạn cách viết tốc ký trên giấy từ trên xuống dưới (thay cho cách viết từ phải qua trái) để mình nhìn vào tờ giấy giống như một bức tranh vậy, khi nhìn phần ghi chú đó mình đọc được những sự kiện mà mình ghi chú sẽ giúp mình dịch rõ hơn, nhanh hơn. Thường thường trong lời khai có những phần người khai lặp đi lặp lại nhiều thứ, ví dụ ngày tháng năm sanh. Những thông tin lặp đi lặp lại hoài thì mình phải biết cách làm sao lôi nguyên phần này đi qua phần khác để không phải ghi tốc ký lại lần nữa đỡ mất thời gian.

“Ví dụ hình vẽ đồng hồ có nhiều cái để mình làm dấu hiệu lắm. Ví dụ bao nhiêu giờ, thì mình vẽ đồng hồ và vẽ số giờ ra. Nó cũng có nghĩa là Time, là đợi với câu tôi đợi cô ấy,, mình cũng có thể vẽ đồng hồ để thay cho động từ đợi. Hoặc cái đồng hồ là ý nói về sự đúng giờ. Hay như chữ yêu thì vẽ trái tim, ghét thì vẽ trái tim gạch ngang. Thù thì gạch đậm lên trái tim. Đó là những kỹ thuật nhỏ mình học vẽ ra những dấu hiệu nhanh nhất để kịp ghi hết các thông tin và những cái gì mà mình nhớ được trong lúc dịch nối đuôi.”

Cơ duyên với nghề

Anh Huy Hoàng cho biết anh vốn có năng khiếu học tiếng Anh ngay từ nhỏ (được ba anh dạy), nên khi lên học trung học vào năm cấp 3 anh được cử đi thi học sinh giỏi tiếng Anh tại quận Gò Vấp. Anh qua Mỹ năm 1990 theo diện H.O của ba, khi đó anh đang học năm cuối đại học ngành Kinh Tế, và học song song ngành Quản Trị Kinh Doanh học giáo trình bằng tiếng Anh do giáo sư từ Anh quốc sang dạy tại Sài Gòn. Nhờ tiếng Anh vững vàng, nên lúc mới qua Mỹ (ban đầu định cư tại Quận Cam), anh đã ghi danh học ngành Kinh Tế với ý định học để sau này sẽ làm thầy giáo dạy kinh tế hoặc môn toán.

Nhưng rồi ba anh bị bệnh nan y, mất đột ngột. “Khi ba mất, tôi buồn quá, đã chuyển qua tiểu bang miền Đông như Iowa, Chicago, Maryland, New York sống cùng với bạn bè. Khi đó tôi học thì ít mà chơi thì nhiều. Làm đủ thứ nghề để sống, có thời gian làm cho hãng điện thoại MTI, chung với bạn bè mở tiệm nail. Rồi bán tiệm, chuyển qua làm địa ốc, đi đấu thầu nhà của nhà băng kéo, mua nhà cũ sửa lại rồi bán.

“Riêng về mối duyên với nghề thông dịch tôi gắn bó từ hồi còn làm cho hãng điện thoại MTI, thông dịch cho khách hàng Việt Nam. Sau đó tôi còn tình nguyện làm thông dịch cho sở cảnh sát khi tôi sống ở Chicago và New York, giúp thông dịch cho một số người Việt bị vấn đề pháp lý. Việc thông dịch của tôi bấy giờ tại sở cảnh sát đơn giản lắm, vẫn chưa đụng đến hệ thống pháp lý. Chỉ là bước đầu tiên để đi vào hệ thống pháp lý thôi. Như điền giấy tờ khai tên tuổi, lấy vấn tay, chụp hình, hỏi những câu đơn giản như làm nghề gì, sống ở đâu. Sở cảnh sát kế bên nhà thờ, tôi lại sinh hoạt trong nhà thờ đó, nhiều bác gia đình H.O có những giấy tờ gì không hiểu, cũng thường mang đến nhờ tôi dịch giùm. Từ những giấy tờ đơn giản đó, có những từ tôi không hiểu, tôi phải tra cứu từ điển để biết nhiều hơn.”

Chia sẻ bí quyết học từ vựng của mình, anh Huy Hoàng nói, “Theo tôi học từ vựng bằng từ điển giúp mình nhớ dai hơn là học từ trên internet. Vì khi học trong cuốn từ điển, mình phải khổ công lật từng trang, tra từ đó, và từ cái từ đó chia năm, xẻ bảy thêm nhiều từ khác, thì mình mới học thêm nhiều từ hơn nữa.

“Tra từ điển thì đơn giản là tra theo mẩu tự A, B, C… khi tra ra từ rồi thì thường những người không chuyên ngành về ngoại ngữ khi hiểu được từ đó nghĩa là gì, là úp cuốn sách lại liền. Còn nếu ai có đam mê ngoại ngữ thì tra từ đó rồi, sẽ nhìn thêm bên dưới những từ đó có những từ liên quan, danh từ hay động từ, trạng từ, số nhiều hay số ít, hay những cụm từ nào đi chung với từ này trong trường hợp nào để sử dụng. Nên mình học được rất nhiều khi học từ từ điển và cũng học được ngữ pháp luôn.”

Theo anh, người thông dịch phải yêu nghề, phải là người chính trực, không được dựa trên tình cảm hay vì có ai đó đưa tiền cho mình, rồi thông dịch một cách sai trái, thiên vị cho người đó. Phải luôn giữ trung lập, không nghiêng bên phía nào hết, phải luôn chú trọng sự trung thực đối với ngôn bản và ý tưởng, thái độ của người nói, không được thêm thắt các bình luận, nhận xét hay thái độ của cá nhân mình vào lời dịch.

“Trong quá trình thông dịch, nếu mình thấy ông luật sư A cà chớn, hay nhân chứng B cà chớn quá, hoặc bị can đó cà chớn quá, dù mình là người cũng có cảm xúc, nhưng phải luôn giữ tính trung lập, không để cảm xúc can thiệp vào. Hoặc mình gặp những vụ án đau thương, tan nát từ gia đình, biết được bên nào đang làm điều gì gian trá hay nói xạo chẳng hạn, khi nghe được lúc thông dịch, mình rất đau trong lòng, nhưng mình không được tiết lộ gì ra hết, vì mình chỉ là thông dịch viên mà thôi.”

Nói về tai nạn nghề nghiệp, anh tâm sự, “Tai nạn nghề nghiệp của thông dịch viên là hầu như ai cũng phải gặp. Làm biên dịch, dịch văn bản thì có thời gian để trau chuốt câu chữ, tra khảo từ đó đúng hay không, còn thông dịch phải dịch ngay tại chỗ, chưa chắc gì ngay lúc đó đầu óc mình sáng suốt. Chẳng hạn tối qua gây lộn với vợ, hoặc ngủ ít, đầu óc không tỉnh táo, thì khi ra dịch, cũng đâu thể dịch chính xác ngay lúc đó được. Có những lúc mình bị lỗi khi dịch, sau đó thấy không đúng, thì vẫn có thể xin sửa lại được. Hoặc có những cụm từ tiếng Anh mình chưa bao giờ thấy, mình đoán rồi nghĩ như vậy là đúng, nên dịch, sau đó về tra cứu lại thì không phải vậy. Những lúc vậy mình rất ghét bản thân mình. Những lúc như vậy, mình phải báo lại cho luật sư biết là mình đã dịch chữ đó không chính xác một trăm phần trăm, để luật sư xem xét và ghi chú lại.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT