Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 11)

Sunday, 11/12/2016 - 10:05:32

“Do những người cũ làm lâu, giỏi nghề, lại có nhiều kinh nghiệm, nên người mới có bằng, rất khó khăn trong vấn đề cạnh tranh. Tăm tiếng và tai tiếng đều có, nếu mình lỡ dịch sai vài lần, mình sẽ bị sa thải, không ai mướn mình nữa hết, đây không phải con đường toàn màu hồng.”

Bài BĂNG HUYỀN

Thông dịch viên Ái Trinh
Chị Ái Trinh từng là học viên của khóa luyện thi Thông Dịch Viên Tòa Án do Thông Dịch Viên Thomas Vũ mở ra. Chị là một trong số những học viên giỏi của khóa học và là một trong số ít thông dịch viên gốc Việt hiện nay có cả hai bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án (Chị thi lần thứ hai tại California và đậu vào đầu năm 2015) và Thông Dịch Hữu Thệ Y Tế (chị thi lần đầu và đậu lấy bằng vào giữa năm 2015). Hiện chị là Thông Dịch Viên independent contractor (làm việc độc lập) cho các tòa án của Quận Cam và một số tòa án ở các tiểu bang trong nước Mỹ, vì bằng Thông Dịch Hữu Thệ ở California cho phép hành nghề tại 42 tiểu bang khác tại Hoa Kỳ.

Thông dịch viên Ái Trinh (Hình cung cấp)



Chị kể, “Cách nay khoảng ba năm, tình cờ tôi đọc trên báo biết tin thầy Thomas Vũ mở lớp luyện thi lấy bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án. Tôi ghi danh học thử, khi học tôi không nghĩ là sẽ chuyển sang làm thông dịch. Nhưng tôi có nghe là muốn thi đậu lấy bằng Hữu Thệ khó lắm, tôi cũng muốn thử sức mình xem sao. Khi mới ghi danh học, nhưng chưa học ngày nào, lúc đó có đợt thi nên tôi đi thi thử, tôi bị rớt phần thi nói. Sau khi học xong khóa học của thầy Thomas Vũ, tôi thi lại lần hai thì đậu. Song song với bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án, thầy Thomas Vũ có mở khóa luyện thi lấy bằng Hữu Thệ Y tế, tôi học tiếp lớp này rồi đi thi và đậu ngay.”

Nhận xét về lớp luyện thi thông dịch của thầy Thomas Vũ, chị Ái Trinh khen, “Thầy Thomas Vũ dạy rất tận tình, ai thắc mắc gì hỏi thầy đều được thầy giải đáp, những bài dạy của thầy rất hay, hữu ích. Bây giờ đi làm thông dịch rồi tôi mới thấy những bài dạy của thầy giúp tôi rất nhiều trong quá trình làm thông dịch. Còn lúc học, tôi cứ thầm nghĩ thầy dạy gì mà ghê quá, ngày nào cũng bắt học cả mấy trăm từ, mà toàn những từ khó, không thể nào học nổi trong một tuần, một tháng phải học mấy ngàn từ, nhìn là xanh mặt luôn. Còn khi thi thì đề thi chỉ có mấy chục từ thôi. Từ ngữ bên luật thì ít từ hơn y khoa, những từ bên y khoa dài và nhiều lắm. Ví dụ chỉ riêng về não bộ, hay nội tạng hay mạch máu, hoặc mô tả các triệu chứng đau đớn.”

Vì đã thi rớt một lần trước khi vào học lớp của thầy, đã có kinh nghiệm biết được bài thi sẽ hỏi những gì, vì vậy khi vào học, chị chỉ tập trung ôn luyện những phần mà bài thi sẽ hỏi để học. Đậu xong rồi thì chị mới học lại những tài liệu mà thầy cung cấp trong quá trình tự ôn luyện cho mình. Lúc này là vì chị muốn có kiến thức, thì quả thật rất hữu ích cho đi làm.

Chị Ái Trinh cho rằng, “Thầy Thomas Vũ dạy hết lòng là một chuyện, nhưng nếu mình không tự luyện kỹ năng dịch cho chính mình thì thi vẫn rớt. Trong bài thi, chú trọng kỹ năng dịch nhiều hơn là kiến thức. Kiến thức chẳng bao nhiêu trong bài thi cả. Có nhiều người kiến thức rất sâu sắc nhưng vẫn thi rớt nhiều lần, lý do là họ đã không huấn luyện được kỹ năng thông dịch. Chẳng hạn như dịch song song đa số người Việt mình thi rớt nhiều ở cách dịch này, nếu không quen dịch song song, rất dễ bị rớt, vì đâu dễ gì phóng từ ra dịch ngay được khi vừa mới nghe. Tôi rất lanh, nên không bị rớt phần này.

“Để dịch tốt song song theo tôi năng khiếu trời cho, sinh ra mình lanh, có năng khiếu ngoại ngữ, và thứ hai là rất cần phải tập luyện. Mỗi một ngày mình phải nghe và dịch. Không ai tự nhiên mà giỏi được hết. Khi muốn dịch song song trong mọi lĩnh vực đều không dễ chút nào, vì đòi hỏi vốn từ phải nhiều, không phải ai cũng phóng ngay từ để chuyển ngữ ra liền ngay lập tức, nói ngôn ngữ bình thường thì dễ, nhưng dịch song song về luật pháp, về y tế thì không đơn giản chút nào. Vì vậy, muốn dịch song song, mình phải luyện mỗi ngày. Đến thời điểm này tôi vẫn còn phải luyện, không dám tin tưởng vào năng khiếu, nếu không luyện mỗi ngày thì sẽ lụt nghề đi ngay.”

Chị đưa ra lời khuyên, “Muốn tập dịch song song, xin hãy thử bằng những cách đơn giản nhất, ví dụ khi nghe phim tiếng Việt, hoặc nghe tin tức trên đài… hãy dịch ngay lập tức bằng tiếng Anh hoặc ngược lại, hãy tự tập cho mình thông dịch trong mọi tình huống. Dù nó không đúng trong ngữ cảnh trong tòa án, nhưng cứ thử dịch xem mình dịch được hay không, từ việc dịch những chuyện nhỏ như vậy dần dần kỹ năng tốt lên sẽ tập dịch những đề tài khó hơn.”

Kỹ năng thông dịch

Theo chị Ái Trinh một người có kỹ năng thông dịch nghĩa là phải có trí nhớ khá, phản xạ nhanh, xử lý tình huống linh hoạt và khả năng phán đoán tốt. Nghe một đoạn nói dài và dịch lại (dịch đuổi-consecutive interpretation) là việc làm không đơn giản. Nghe và dịch theo ngay lập tức (dịch song song -simultaneous interpretation) lại càng khó hơn, đòi hỏi người dịch phải có trí nhớ để nhớ những gì đã nghe được, khả năng ghi tốc ký để ghi lại (nếu sợ không nhớ hết) và khả năng phán đoán tiếp theo sẽ câu gì?

Nếu không có khả năng ghi nhớ, người dịch sẽ không thể truyền đạt được trọn vẹn ý của diễn giả. Muốn ghi nhớ được, người dịch cần phải được rèn luyện nhiều để vừa phân tích, vừa tổng hợp, vừa sắp xếp thông tin nghe được theo một lô-gíc, cấu trúc nhất định, có khả năng đoán ý, nắm bắt được người diễn giả muốn nói và dự đoán những thông tin tiếp theo diễn giả sẽ trình bày căn cứ vào những gì đã tiếp nhận được. Dĩ nhiên, tất cả những điều này phụ thuộc vào khả năng nghe hiểu của thông dịch, cả nghe hiểu ngoại ngữ lẫn tiếng mẹ đẻ.

Chị nói, “Riêng về tốc ký, thầy Thomas Vũ có dạy cách tốc ký rất hay, nhưng khi thầy dạy thì tôi đã tự luyện tốc ký cho mình trước rồi, gọi là đánh võ mà không cần chiêu, tức là luyện kiểu tầm bậy tầm bạ, vì đã quen kiểu của tôi rồi, mà học lại của thầy Thomas thì làm sao thi kịp, nên tôi đành xin lỗi thầy phải dùng cách của riêng mình.”

Chị Ái Trinh tâm sự, “Thật ra ban đầu tôi chỉ thích học và đi thi vì muốn thử khả năng của mình, chứ khi đó công việc tôi đang làm (là quản lý bên bộ phận kế toán) tại công ty sản xuất thuốc tây đã ổn định hơn 20 năm rồi. Tôi rất quý ông chủ và các đồng nghiệp, nhân viên tại nơi tôi làm, họ rất tốt, nên tôi cũng chẳng có ý định đổi nghề đâu. Thế nhưng vừa có bằng là tôi được gọi thông dịch cho một vụ kiện rất lớn tại Sacramento, sau đó tôi được thuê thông dịch cho một vài vụ kiện lớn khác. Hên là các thân chủ thuê tôi thông dịch đều thắng kiện, nên họ thích và giới thiệu thêm nhiều công việc cho tôi, nên từ năm 2016 này tôi đã nghỉ việc công ty để tập trung nhận làm thông dịch.”

Dù tại Hoa Kỳ, chị là một thông dịch viên mới ra nghề, nhưng thật ra chị đã từng làm thông dịch và làm hướng dẫn viên du lịch tại công ty du lịch Cửu Long, hướng dẫn cho khách nước ngoài trong khoảng một năm (1989) trước khi chị cùng chồng vượt biên đến đảo Galang (Indonesia) năm 1990.

Chị Ái Trinh kể, “Tôi học Đại Học Tổng Hợp Anh ngữ và tốt nghiệp vào năm 1988, khi tôi (mới 24 tuổi) vượt biên cùng chồng và anh trai của chồng đến được đảo Galang mới biết theo hiệp ước mới của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, ai đến đảo sau tháng Tám năm 1988 sẽ phải trải qua hai cuộc thanh lọc gắt gao, một của Cao Ủy, một của chính quyền sở tại nơi mình muốn xin vào, chỉ chọn ra khỏan 10% những người thực sự là tỵ nạn chính trị mới cho đi định cư nước thứ ba. Còn lại bị coi là di dân kinh tế, sẽ được khuyến khích hồi hương, hoặc ở lại chờ giải pháp mới. Hiện tại trại ở Galang đã có 20,000 người. Nhiều người đã đợi bốn năm, tám năm rồi mà vẫn chưa được thanh lọc. Nghe vậy tôi nghĩ vợ chồng mình thua rồi. Tôi từng theo học đại học do cộng sản mở ra. Toàn gia đình tôi đều là người theo quốc gia hết. Tôi cũng gặp trắc trở khi thi vào đại học, phải có số điểm cao hơn thí sinh bình thường mới được đậu.”
Chị Ái Trinh kể lại cơ may chị được làm thông dịch viên cho Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, “Lúc bấy giờ họ có tuyển thông dịch chuyên nghiệp từ Canada và Mỹ qua, nhưng có một số thông dịch không quen ngôn ngữ sau 1975, nên việc dịch thuật của họ cũng gây nhiều khó khăn cho những người dân sống trong nước sau 1975 đến trại. Họ nói những từ mà những người kia không hiểu lắm nên gặp khó khăn trong quá trình thông dịch. Nên Cao Uỷ Tị Nạn LHQ quyết định mướn người ngay trong trại để thông dịch, vì những người từng sống trong nước, quen dùng từ ngữ sau 1975 thì mới thông dịch được.
“Tôi đã xin làm thông dịch, nhưng bị từ chối ngay, dù họ không hề kiểm tra khả năng Anh ngữ của tôi mà chỉ hỏi về lý lịch. Hỏi tôi ở tù mấy năm. Tôi cho biết tôi không ở tù ngày nào hết, mà chỉ bị tạm giam vài ngày thôi. Sau đó mấy luật sư người Mỹ biết tôi có khiếu về thông dịch (vì bấy giờ tôi đang làm thiện nguyện viên thông dịch bên phòng hồi hương) tiếp tục đề cử tôi lần nữa cho Cao Uỷ Tị Nạn LHQ làm thông dịch vì họ biết là đang rất cần do thiếu người. Cũng vì quá cần và nhờ sự đề cử của các luật sư nên tôi mới được chấp thuận. Và cũng nhờ làm thông dịch cho Cao Uỷ Tị Nạn LHQ ngay trong trại tị nạn mà tôi và chồng có điều kiện được đậu thanh lọc đặc biệt, sau đó được đậu đi Mỹ.”

Chị Ái Trinh nói hành trang mà chị thu được trong khỏang thời gian thông dịch cho Cao Uỷ Tị Nạn LHQ là các từ vựng và cách dịch song song rất nhanh. Những câu chuyện của mỗi một người tị nạn đều khác nhau, chị đã học được nhiều từ vựng khi đó như chơi hụi, bể hụi, số đề... và học được nhiều từ về những cấp bậc trong quân đội VNCH như đại tá, trung tá, thiếu tá, lữ đoàn, trung đoàn… vì phần lớn người ở trên đảo là cựu quân nhân trước 1975. Sau này không dùng thì chị cũng quên đi nhiều, nhưng chị có ghi lại hết trong cuốn sổ của chị giữ làm từ điển riêng cho mình, lúc nào cần đến thì chị lật lại để xem.
Theo chị một thông dịch viên chuyên nghiệp là không được lộ cảm xúc của mình ra, ví dụ nếu luật sư bên đối phương có mai mỉa, chê mình dịch sai, dịch dở, thì mình cũng phải bình tĩnh, không được nóng tánh, cãi lại.

Người thông dịch cũng không được lộ cảm xúc khi gặp những sự việc thương tâm. “Như có lần tôi dịch cho một vụ ở một tiểu bang xa, nơi rất ít người Việt sống, liên quan đến cậu bé 13 tuổi bị bệnh tim sắp chết. Má của cậu bé không được sống cùng cậu bé. Vì cậu bé bị tòa lấy đi tách khỏi má nó vì sự việc mà tôi không tiện kể ra. Cậu bé vừa nắm tay mẹ vừa khóc, cả hai mẹ con đều khóc, cậu bé cứ nói cậu muốn ở cùng với má, sống cùng với má, vì cậu sắp chết rồi. Bà quan tòa cảm động, rơm rớm nước mắt, tôi cũng rơm rớm muốn khóc, nhưng không thể để lộ điều đó ra, phải ráng giữ bình tĩnh để dịch.

“Cho đến khi dịch xong, tôi ra ngoài khóc vì thương cho hai mẹ con cậu bé. Tôi chỉ sợ lần sau trở lại dịch cho buổi điều trần đó, cậu bé đã qua đời. Tội nghiệp cho bà mẹ lắm, ở một xứ sở xa xôi như vậy, không biết tiếng Anh, ra tòa chẳng hiểu gì cả, hoàn toàn bị động.

“Thật ra khi làm thông dịch giúp những người đó, nếu không được trả tiền, tôi vẫn thích giúp. Bởi vì cô ta hoàn toàn bất lực trước hoàn cảnh của gia đình mình. Người cha thì bỏ con rồi, còn người mẹ thì lại không hiểu tiếng Anh, nên chẳng hiểu gì hết khi tòa quyết định lấy đi con của cô ấy.”

Đề nghị luật sư tránh đặt câu hỏi phủ định

Chị Ái Trinh cho biết, “Có một điều rất thường xảy ra với các thông dịch Việt Nam, đặc biệt là trong những buổi lấy khẩu cung khi những câu hỏi của luật sư đặt ra có từ phủ định trong câu hỏi. Ví dụ: Anh không có đi học à? (Dont you go to school?) Thường thì khuynh hướng của người Việt nghe câu hỏi vậy trong khi thật chất anh ta không đi học thật, thì anh ta sẽ trả lời là vâng. Nhưng nếu trả lời vậy, trong tiếng Anh lại có nghĩa là anh có đi học (Yes, I go to school). Thật ra trong tiếng Anh, khi nghe câu hỏi như vậy, phải trả lời là No, I dont go to school. Còn khi người trả lời đồng ý và gật đầu, ừ. Đến lúc mình dịch, thì mình phải dịch là không. Chứ không thể dịch là vâng được. Vì dịch vâng là ngữ cảnh đã sai. Nhưng mình dịch vậy, luật sư sẽ phản đối mình, vì rõ ràng họ thấy người trả lời xác nhận là yes. Những lúc như vậy tôi lại phải giải thích.

“Để tránh lập lại điều này, nên trước buổi dịch lấy khẩu cung, tôi luôn phải nói với luật sư hãy tránh đặt những câu hỏi phủ định (negative yes/no question) với người Việt, xin hãy đặt câu hỏi kiểu khác thì thông dịch sẽ dễ dịch hơn.”

Sự cạnh tranh khốc liệt của nghề thông dịch

Chị Ái Trinh bày tỏ, “Thi đậu được bằng là một chuyện, nhưng đi làm lại là một chuyện khác. Không phải là con đường dễ dàng như ta mong đợi. Nhiều khi có bằng rồi, có người vẫn không làm tốt công việc khi ra thực tế, sẽ bị đào thải nếu không thực hiện được nghĩa vụ làm thông dịch của mình. Nếu người thông dịch giỏi thì con đường nghề nghiệp rộng hơn, nhưng nếu không nỗ lực trau dồi nghề nghiệp thì con đường sẽ hẹp. Vì cạnh tranh rất khốc liệt.

“Do những người cũ làm lâu, giỏi nghề, lại có nhiều kinh nghiệm, nên người mới có bằng, rất khó khăn trong vấn đề cạnh tranh. Tăm tiếng và tai tiếng đều có, nếu mình lỡ dịch sai vài lần, mình sẽ bị sa thải, không ai mướn mình nữa hết, đây không phải con đường toàn màu hồng.”

Chị Ái Trinh khẳng định, “Một thông dịch viên muốn trụ lâu với nghề phải liên tục học hỏi, không ngừng nâng cao kiến thức trong nhiều lãnh vực. Từ ngữ có ý nghĩa khác nhau trong những bối cảnh khác nhau, nên phải tự trang bị cho mình vốn từ sẽ dùng ứng phó với tình hình thực tế.”

Chị nêu ví dụ khi ra tòa dịch một vụ án về ma túy, thì chị phải học những từ liên quan về ma túy. Cách thử ma túy như thế nào… phải biết để khi người ta nói, chị có thể dịch được. Hoặc dịch cho tòa án thiếu niên, phải học thiếu niên sẽ bị cái gì, bị ngược đãi ra sao, bị lạm dụng tình dục… Hoặc dịch cho vụ thưa kiện về ăn cắp công thức món ăn… chị phải tìm hiểu về đường muối, bột, ngọt, cách thức nấu món ăn.
Chị nói, “Mỗi một trường hợp thông dịch đều khác nhau là mình phải học, và người dịch phải tự học để chuẩn bị. Thường khi tòa có việc giao cho mình, kêu mình nhận việc rất cận ngày, nhiều khi mình không biết sẽ thông dịch cụ thể vụ việc gì để mà chuẩn bị trước. Khi vào, họ nói thì mình dịch, họ ngưng thì mình ngưng, mình không có quyền biết là vụ việc đó là gì, mình chỉ việc chuyển ngữ thôi. Sau đó về lại thì mình mới tìm hiểu vụ việc đó là gì, từ đó học hiểu thêm chút kiến thức về vấn đề đó.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT