Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 1)

Sunday, 02/10/2016 - 11:15:26

Ngoài ra thông dịch viên còn cần phải hiểu thấu đáo những vấn đề về ngôn ngữ học của cả hai ngôn ngữ, hiểu biết những tương đồng và khác biệt của hai cộng đồng ngôn ngữ.

Bài BĂNG HUYỀN

Thông dịch viên là gì?
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về công việc thông dịch. Có một định nghĩa cho rằng thông dịch là việc chuyển một từ, một câu, một văn bản (nói hoặc viết) từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách chính xác mà không làm thay đổi nghĩa của chúng, giúp những người không cùng sử dụng một ngôn ngữ có thể hiểu nhau. Một thông dịch viên giỏi và linh hoạt là người có khả năng chuyển ý từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác vẫn giữ được chính xác và trọn vẹn ý ban đầu. Người thông dịch không chỉ đơn thuần dịch về mặt từ, ngữ, mà còn phải truyền tải nội dung và ý tưởng của người nói tới người nghe, người viết tới người đọc. Bởi vậy, đây là công việc đòi hỏi người đảm nhận phải hiểu một cách tổng quát về vấn đề, sự kiện mà họ đang dịch. Từ đó, họ có thể chuyển đổi đầy đủ, chính xác vấn đề từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ dịch.

Thông dịch viên là cầu nối của 2 ngôn ngữ



Có 2 loại thông dịch là thông dịch nói và thông dịch viết. Cả hai dạng thông dịch đều có chung một số đặc điểm:
Người thông dịch cần có khả năng phối hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ. Người thông dịch phải sử dụng trôi chảy, nắm vững ít nhất hai ngôn ngữ (bao gồm ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch) cũng như có khả năng diễn đạt một cách ngắn gọn, rõ ràng, sử dụng từ ngữ linh hoạt, vốn từ vựng phong phú. Ngoài ra thông dịch viên còn cần phải hiểu thấu đáo những vấn đề về ngôn ngữ học của cả hai ngôn ngữ, hiểu biết những tương đồng và khác biệt của hai cộng đồng ngôn ngữ.

Những khác biệt của thông dịch nói và thông dịch viết
Tuy nhiên, giữa hai công việc thông dịch nói và thông dịch viết vẫn có những thử thách khác nhau và một số điểm khác biệt:

Thông dịch viết là công việc chuyển một văn bản viết từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Người dịch không phải chịu sức ép thời gian căng thẳng hay yêu cầu phản ứng tức thì như dịch nói. Họ được suy nghĩ cách sử dụng những ngôn từ khi thực hiện. Họ có thể tạm ngừng công việc để tra từ. Nhưng yêu cầu về độ chính xác và trôi chảy thì thường cao hơn dịch nói. Họ phải chọn lọc, và tìm kiếm từ vựng sao cho văn bản đạt tiêu chuẩn tốt nhất.

Còn thông dịch nói là việc chuyển đổi câu nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Việc dịch nói phải được thực hiện tức thì, vì thế người dịch phải cảm thấy được thoải mái khi liên kết mọi người với nhau. Người dịch nói phải chịu sức ép rất lớn về thời gian, phản ứng rất nhanh và gần như không có thời gian để suy nghĩ cân nhắc về từ ngữ. Nếu người thông dịch viết có thể đọc lại những gì mình đã dịch, chữa lại cho ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng, chuẩn xác hơn thì người thông dịch nói lại không có cơ hội làm việc ấy. Trong thời gian ngắn nhất, họ phải tìm ra cách dịch chính xác nhất mà câu cú phải mạch lạc. Ngoài ra, người thực hiện việc thông dịch nói cần phải có giọng nói rõ ràng, mạch lạc, phát âm đúng cả hai ngôn ngữ (bao gồm ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch), điều này giúp người nghe nắm bắt tốt nội dung.

Thông dịch nói có 2 hình thức căn bản
-”Consecutive interpretation” ( tạm dịch là dịch đuổi) là khi người thông dịch dịch ngay sau khi người nói nói xong, có thể là dịch một chiều (chỉ có một người/ một bên nói- bên còn lại chỉ nghe) hoặc đa chiều (người nói nói- sau đó người nghe nói lại) và trong khi dịch, người dịch có thể tạm dừng người nói lại để hỏi, thảo luận cho rõ về nội dung người nói đã nói để dịch cho chính xác. Hình thức dịch này có thể ở các dạng: dịch mặt đối mặt giữa các đối tượng giao tiếp và người dịch, dịch qua internet hoặc telephone, dịch đồng hành (người dịch đi cùng người cần dịch), dịch thầm cho một nhóm nhỏ các đối tượng giao tiếp hoặc dịch trước đám đông trong các sự kiện lớn, nhỏ khác nhau.

-”Simultaneous interpretation” (tạm dịch là dịch đồng thời, hay còn gọi là dịch song song) là khi chỉ cần sau 1 giây diễn giả phát ngôn thì người dịch đã phải ngay lập tức dịch lại. Tức là người nói và người dịch phải nói song song và gần như cùng tốc độ. So với dịch đuổi, dịch đồng thời (hay dịch song song) được coi là khó hơn, đòi hỏi người dịch phải có kiến thức chuyên môn cao hơn, nhiều áp lực hơn, cần phản xạ nhanh nhạy và kỹ thuật dịch cao để có thể nắm bắt và chuyển tải thông tin đủ, đúng và kịp với tốc độ người nói. Người dịch đồng thời hay dịch song song phải nắm chắc, sử dụng linh hoạt nhuần nhuyễn cấu trúc câu với vốn ngôn ngữ thật dồi dào. Người thông dịch luôn phải thực hiện đồng thời 2 tư cách: người nghe ngôn ngữ gốc và người thông dịch. Họ phải có khả năng nắm bắt ngôn ngữ xuất sắc như chính những người bản địa.

Cả hai hình thức dịch “Consecutive interpretation( tạm dịch là dịch đuổi) và “Simultaneous interpretation (tạm dịch là dịch đồng thời, hay còn gọi là dịch song song) đều đòi hỏi người thông dịch phải am hiểu tường tận như những người trong chuyên ngành thực thụ của vấn đề mà họ dịch. Họ cần phải nắm rõ các thuật ngữ chuyên môn. Họ phải có một tinh thần thép, chịu được những áp lực mang tính chất nghề nghiệp, không bị phân tâm bởi yếu tố tâm trạng riêng, tình cảm cá nhân hay tác động ngoại cảnh.
Ngoài ra người thông dịch tính tình phải điềm tĩnh, không nóng nảy, vì khi thông dịch bản thân không còn là mình nữa mà phải đặt bản thân vào địa vị của người truyền đạt, phải bản lĩnh trong việc ứng xử , truyền tải , phải trung thực, khách quan với sự thật nội dung thông dịch, phải chịu trách nhiệm nội dung truyền tải.”

Đây là những điều căn bản mà phóng viên Viễn Đông đã ghi nhận được từ những chia sẻ của các thông dịch viên gốc Việt sống tại quận Cam đang đảm nhận việc chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho người Việt không rành Anh ngữ, để thực hiện loạt bài nhiều kỳ về nghề thông dịch viên của người Việt tại Hoa Kỳ. Trong loạt bài này, nhật báo Viễn Đông sẽ lần lượt gửi đến quý độc giả những tâm sự của người làm công việc thông dịch về những vui buồn của nghề, kể cả những tai nạn nghề nghiệp, những khó khăn và áp lực của công việc thông dịch. Những thông dịch viên đã chia sẻ cách trở thành một thông dịch viên chuyên nghiệp- Để trở thành thông dịch viên cần những kỹ năng, điều kiện gì?- Làm thế nào để tự tin hơn vào kỹ năng thông dịch, dịch thuật của mình? - Phải trang bị những gì ngoài kiến thức ngôn ngữ ? - Đâu là bí quyết để thành công trong nghề thông dịch viên? - Đạo đức nghề nghiệp của thông dịch viên? -Nghề thông dịch viên tiếng Việt tại Hoa Kỳ có thực sự là một nghề có nhu cầu cao và có có nhiều cơ hội làm việc hay không? Thu nhập của người làm thông dịch viên có sung túc không?-Hiện nay phần cung có nhiều quá so với phần cầu hay không? vân vân...

Những thông dịch viên nhận lời trả lời phỏng vấn trong loạt bài nhiều kỳ này khá đa dạng, từ những thông dịch viên chưa phải là thông dịch viên hữu thệ (Certified Court Interpreter) của hệ thống tòa án California, họ chỉ cộng tác với các công ty thông dịch tư nhân, giúp đồng hương đi gặp bác sĩ, chuyên viên y tế, hoặc dịch cho các công ty bảo hiểm về tai nạn xe cộ...; đến những thông dịch viên đang trong tiến trình hoàn tất phần thi vấn đáp (đã đậu bằng viết) để lấy bằng thông dịch viên hữu thệ, họ đang đảm nhận việc dịch cho các thân chủ xin trợ cấp của chính phủ, tranh chấp về quyền nuôi con, dịch trên điện thoại.... và những thông dịch viên đã thi đậu bằng hữu thệ, có người đang làm việc toàn thời gian trong tòa án, có người làm bán thời gian hoặc chỉ cộng tác từng thời vụ khi tòa án có nhu cầu. Những thông dịch viên hữu thệ cũng sẽ cho biết về những khó khăn của chương trình học và thi lấy bằng, những kinh nghiệm để thi đậu cũng như những áp lực nghề nghiệp của người thông dịch trong tòa án, thường chịu vô vàn sức ép: sức ép và căng thẳng cao độ của công việc vừa nghe vừa dịch(dịch đuổi, dịch song song), sức ép về những khái niệm mới, ngôn từ mới, truyền tải thông tin...vân vân.

Loạt bài này sẽ có cả phần chia sẻ của những người đảm nhận vai trò huấn luyện thông dịch viên thi lấy bằng hữu thệ hệ thống tòa án California, cũng sẽ giới thiệu những điều mà những ai muốn thi đậu được bằng hữu thệ hệ thống tòa án California cần phải có, những kinh nghiệm làm việc trong tòa án và về những quyền lợi của thông dịch viên có bằng hữu thệ hệ thống tòa án California. Những năm trước tiểu bang California không công nhận bằng thông dịch viên của các tiểu bang khác chứng nhận, nhưng nay tiểu bang California đã trở thành một tiểu bang thành viên của Liên Hội Các Tiểu Bang Thành Viên (Consortium Member States), gồm 42 tiểu bang. Những thông dịch viên có bằng do một trong 42 tiểu bang chỉ có thể được hành nghề ở California, nếu họ đã đậu tất cả ba phần (sight, consecutive và simultaneous) của kỳ thi vấn đáp trong cùng một lần. Tuy nhiên nếu thông dịch viên có bằng hữu thệ hệ thống tòa án California thì đương nhiên được chấp thuận hành nghề tại 42 tiểu bang thành viên của Liên Hội Các Tiểu Bang Thành Viên.Vì vậy thông dịch viên nào có được bằng hữu thệ hệ thống tòa án California sẽ có nhiều cơ hội làm việc không chỉ tại California mà tất cả 42 tiểu bang thành viên của Liên Hội Các Tiểu Bang Thành Viên (Consortium Member States).
(Còn tiếp)
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT