Bình Luận

Thời khóa biểu Tháng Tư Đen của A Phú Hãn

Wednesday, 30/01/2019 - 09:40:36

Ngoài đòi hỏi căn bản đó, Mỹ còn yêu cầu Taliban ký kết với chính phủ thân Mỹ hiện tại của Tổng Thống Ashraf Ghani, để ấn định quy chế chính trị cho A Phú Hãn sau chiến tranh.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Đặc Sứ đại diện Mỹ trong cuộc thương thuyết với Taliban về việc rút quân Mỹ ra khỏi chiến trường A Phú Hãn-ông Zalmay Khalilzad- tiếp phóng viên The New York Times, để công bố, qua hình thức phỏng vấn, về cuộc thương thuyết của ông- hoặc chính xác hơn- về cuộc rút quân sắp xảy ra của Mỹ.

Dùng để mô tả việc ông Khalilzad đang làm, hai chữ 'thương thuyết' có thể thiếu chính xác, vì thương thuyết là một cuộc trả giá, có đúng giá mới rút quân, nhưng đây là một quyết định đơn phương của Mỹ, nên giá nào cũng rút. Thái độ đó người Mỹ đã làm một lần cách đây 44 năm, tại Việt Nam, và được người Nam Việt gọi là 'tháo chạy'.

Năm đó -1973- người Mỹ tháo chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam, bỏ đồng minh Nam Việt một mình ở lại, đối phó với Bắc Việt được hai cường quốc cộng sản Nga, Tầu yểm trợ.

Cũng như lần này, trước khi bỏ chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam, người Mỹ cũng tổ chức thương thuyết với Cộng Sản; việc đó xảy ra tại Paris, năm 1973.

Mỹ thương thuyết với Bắc Việt tại Ba Lê trong hoạt cảnh bà già Mỹ khôn ngoan trả giá với anh kẻ cắp Việt Cộng nham nhở.

Bà già Mỹ không lừa được kẻ cắp Việt Cộng, nên bà cụ Hoa Thịnh Đốn vẫn phải chấp nhận đóng một cái bàn lệch để đối thoại với cả hai đối phương: Một là Bắc Việt Cộng, và hai là Nam Việt Cộng, mặc dù Mỹ vẫn biết hai đứa hai tên, nhưng cùng một nòi cộng sản.

Năm nay, ông Đặc Sứ Mỹ Zalmay Khalilzad dùng hình thức 'phỏng vấn' để gián tiếp báo cho người Mỹ, biết việc A Phú Hãn sắp thất thủ sau cuộc 'đi đêm' giữa Mỹ và Taliban, lực lượng kháng chiến chống Mỹ.
Hai chữ 'đi đêm' dùng trong trường hợp này, cũng lại không chính xác, vì Khalilzad được bộ Ngoại Giao Mỹ chính thức và công khai chỉ định nhân danh và đại diên nước Mỹ thương thuyết với Taliban


Ông Zalmay Khalilzad đại diện nước Mỹ thương thuyết với Taliban. (Getty Images)

Mỹ tạo ra một cái khung chứa, để đựng những đòi hỏi họ yêu cầu viên chức Taliban đồng ý; nói là cái khung, nhưng ngay lúc này Mỹ chỉ đòi Taliban có một điều quan trọng duy nhất là giới lãnh đạo Taliban phải cam kết không bao giờ còn để quân khủng bố lợi dụng lãnh thổ A Phú Hãn để tấn công Hoa Kỳ, điều mà A Phú Hãn đã để bin-Laden làm ngày 11 tháng Chín 2011.

Ngoài đòi hỏi căn bản đó, Mỹ còn yêu cầu Taliban ký kết với chính phủ thân Mỹ hiện tại của Tổng Thống Ashraf Ghani, để ấn định quy chế chính trị cho A Phú Hãn sau chiến tranh.

Nhiều lần Taliban đã quyết liệt không nhìn nhận chính phủ của Tổng Thống Ghani; ông này còn không bằng ông Thiệu -không được tham dự cuộc hòa đàm ngay từ ngày thứ nhất tại Paris, mà chỉ được Taliban gọi đến 'làm việc', sau khi Mỹ đã rút quân tháo chạy, như họ đã từng tháo chạy tại Việt Nam.

Nhưng Đại Sứ Khalilzad vẫn quả quyết là, "Chúng tôi chỉ mới có một dự thảo về cái khung của cuộc rút quân, cái khung đó còn phải được bổ sung trước khi nó trở thành một thỏa uớc." Ông không nói sự thỏa thuận đó là của ai, trong lúc Taliban không chấp nhận nói chuyện với chính phủ A Phú Hãn.

Đặc Sứ Khalilzad cũng không đặt nặng vấn đề Taliban có thương thuyết với chính phủ A Phú Hãn hay không; ông chỉ thản nhiên lập lại với phóng viên truyền thông, "Taliban cam kết với Hoa Kỳ là họ sẽ làm mọi việc để lãnh thổ A Phú Hãn không còn bao giờ còn trở lại vai trò căn cứ địa của quân khủng bố nữa."


Tổng Thống A Phú Hãn Ashraf Ghani (Getty Images)

Tuy nhiên Khalilzad có thể coi việc còn hay mất của chính phủ Ghani là quan hệ, vì ông vẫn lạc quan, tuyên bố, "Chúng tôi sẽ bổ túc cái khung này cho thật đầy đủ, trước khi rút quân."

Thái độ của ông Khalilzad nhắc người Việt Nam nhớ lại cuộc họp tại Dinh Độc Lập ngày 18 tháng Hai, 1975 để thảo luận về kế hoạch Lý Thường Kiệt -kế hoạch phòng thủ Việt Nam trước cuộc tổng tấn công lần thứ nhì của Việt Cộng; lần 'thứ nhì' vì trước đó ba năm, năm 1972, đại quân Bắc Việt đã tổng tấn công một lần, nhưng thất bại trước khả năng tăng viện của hai sư đoàn chủ lực trên tuyến phòng thủ Nam Việt, qua ba điểm giao tranh quyết liệt nhất -Quảng Trị, Kontum, và An Lộc.

Trong cuộc họp đó, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú trình bầy tình hình của Quân Khu 2, với hai mũi dùi Việt Cộng đã thọc sâu vào lãnh thổ miền Nam tại hai tỉnh KonTum và Ban Mê Thuột, và đặt ra vấn đề tăng viện.
Dưới tay Mỹ, và kín đáo trong vai trò phát ngôn viên của Mỹ, Tổng Thống Thiệu trả lời là Nam Việt không còn chủ lực quân, vì nội dung của bản Hiệp Ước Ba Lê không cho phép cả hai quân đội Bắc và Nam Việt Nam di chuyển, tái phối trí, hay thay đổi chỗ đóng quân.
Nói cách khác: Hồn ai nấy giữ.

Các đơn vị Nam Việt đang hiện diện tại tỉnh nào, phải nằm im tại tỉnh đó, vì Thỏa Hiệp Ba Lê cấm chuyển quân.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực VNCH, sau khi ban hành những lệnh gây hỗn loạn cho Quân Đoàn 1 và ấn định tử lộ cho Quân Đoàn 2 -chỉ thị cho họ phải rút quân qua tỉnh lộ 7, cho gần với những khẩu pháo Việt Cộng đang tấn công Ban Mê Thuột, và khiến Quân Đoàn 2 mất toàn bộ cơ giới, thiết giáp, pháo binh, quân xa trên quốc lộ 7 không còn cây cầu nào cả từ những năm 1952 trở về sau.
Khoảng cách thời gian giữa hai cuộc rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam và A Phú Hãn là 46 năm (2019-1973); Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã vĩnh viễn ra đi; với hai bàn tay trắng để tái ngộ bao nhiêu triệu oan hồn, uổng tử, của những chiến sĩ Việt Nam vẫn còn trí súng phòng thủ chiến tuyến, trong lúc tổng thống đã được máy bay Mỹ đưa qua Đài Loan tị nạn.

Giờ này, tổng thống A Phú Hãn Ashraf Ghani có khả năng gì giúp quân đội Mỹ ra khỏi vũng lầy A Phú Hãn hay không?

Ước mong viển vông của người viết bài báo nhỏ này là 58,220 tử sĩ Mỹ đã hy sinh tính mạng trong cuộc chiến Việt Nam mà họ tham dự nửa thế kỷ trước, mỗi người cho quý vị tướng lãnh Mỹ, quý vị chiến thuật, chiến lược gia Mỹ mượn một tí nhãn lực, để họ ngồi trong phòng tối suốt một tháng dài hầu đọc quyển 'Phản Du Kích Chiến', quyển sách họ phải viết ra sau ngày chạy trối chết để ra khỏi chiến trường Việt Nam.
Họ có biết là họ đánh trận chiến tranh A Phú Hãn bằng chiến thuật giao tranh chính quy, mà họ đã sử dụng và đã thua trận bỏ cả danh dự mà chạy cho thoát thân ra khỏi Việt Nam hay không?

Chỉ cần dí mũi vào tường, ngồi diện bích ba ngày là tìm ra chân lý thôi. Xin mời quý vị mang trên cổ áo vài ba sao thử xem. Dễ lắm, ráng học đi. Đừng đem Tháng Tư Đen đến quốc gia thứ ba nữa, nếu quý vị không cứu được A Phú Hãn ra khỏi số kiếp nạn nhân thứ nhì của cố vấn Mỹ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT