Thế Giới

Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi người dân bán vàng, Mỹ kim, để cứu nội tệ

Saturday, 11/08/2018 - 11:07:50

Ông Erdogan thì cho rằng các hãng đánh giá tín nhiệm phương Tây và “một cuộc vận động hành lang ngầm” đang kéo lùi nền kinh tế nước này.

ANKARA - Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đang giảm giá liên tục sau khi Hoa Kỳ gia tăng trừng phạt bằng cách nâng gấp đôi thuế nhập cảng nhôm thép. “Nếu ai có vàng hay Mỹ kim trong nhà, họ nên ra ngân hàng đổi lấy lira. Đây là cuộc chiến quốc gia,” Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi trong bài diễn văn tại thành phố Bayburt hôm thứ Sáu trước. Ông còn khuyến cáo sẽ có một “cuộc chiến kinh tế.” Cuối tuần trước, lira Thổ Nhĩ Kỳ có lúc giảm tới 18% - mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2001 tại đây, sau khi Tổng Thống Donald Trump thông báo nâng thuế nhập cảng lên 20% với nhôm và 50% với thép từ nước này - cao gấp đôi các nước khác. Bộ Thương Mại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích việc này trái với các quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).
Đồng lira đã yếu đi từ lâu, do lo ngại ảnh hưởng của ông Erdogan lên chính sách tiền tệ và quan hệ với Hoa Kỳ ngày càng xấu đi. Năm nay, đồng lira đã mất giá hơn 40%. Diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo. Chứng khoán châu Âu hôm thứ Sáu giảm mạnh do nhà đầu tư lo ngại về các ngân hàng có hoạt động liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Wall Street cũng kết thúc tuần với các chỉ số giảm trung bình 0.7%.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm giáp Iran, Iraq và Syria và là thị trường mới nổi quan trọng. Biến động tài chính ở đây càng tăng rủi ro cho khu vực vốn đã rất bất ổn này. Việc đồng lira bị bán tháo khiến thế giới lo ngại khả năng các công ty mắc nợ ở Thổ Nhĩ Kỳ khó trả được các khoản vay bằng euro và Mỹ kim, sau nhiều năm vay nước ngoài để phục vụ sự bùng nổ xây dựng dưới thời ông Erdogan. Ông Erdogan thì cho rằng các hãng đánh giá tín nhiệm phương Tây và “một cuộc vận động hành lang ngầm” đang kéo lùi nền kinh tế nước này.

Romania: Bạo động trong biểu tình chống tham nhũng
BUCHAREST - Khoảng 80,000 người Romania, bao gồm công dân đang sống ở nước ngoài, đã xuống đường bày tỏ bất bình trước tình trạng tham nhũng tràn lan ở quê hương. Cảnh sát Romania cho biết, hơn 450 người bị thương và 30 người bị bắt, sau khi người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh trong cuộc tuần hành lớn chống tham nhũng diễn ra tại thủ đô Bucharest ngày thứ Bảy. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông lên tới hàng chục ngàn người, biểu tình kêu gọi chính phủ từ chức. Khoảng 30 cảnh sát cũng bị thương, trong đó 11 người phải nhập viện.
Phe đối lập chỉ trích cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức, tuy nhiên cảnh sát cho biết họ chỉ phản ứng lại hành động của những kẻ quá khích. Truyền thông địa phương đưa tin, có tới 80,000 người, bao gồm nhiều công dân Romania đang sống ở nước ngoài trở về quê nhà, đã xuống đường biểu tình để phản đối nạn tham nhũng tại đất nước châu Âu này. Khoảng 1,000 cảnh sát chống bạo động đã được huy động để giải tán đám đông.
Năm 2007, Liên Âu xếp Romania, một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng cao nhất trong nhóm, vào diện giám sát hành động cải cách tư pháp và chống tham nhũng. Trong một quyết định gây tranh cãi hồi tháng trước, Romania đã cách chức Chánh công tố Laura Codruta Kovesi, người đứng đầu Cơ quan chống tham nhũng DNA. Trong thời gian bà Codruta điều hành DNA, các vụ truy tố tham nhũng tăng cao đột biến. Trước đó vào tháng hai, Bộ Trưởng Tư Pháp đã đề nghị cách chức bà Kovesi, với lý do bà vượt quá thẩm quyền và hủy hoại hình ảnh quốc gia.

Israel: Bộ trưởng kêu gọi khôi phục chính sách 'ám sát có mục tiêu'
JERUSALEM - Bộ Trưởng Văn Hóa và Thể Thao của Israel hôm thứ Sáu đã kêu gọi ám sát các thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine. “Lý lẽ rất đơn giản. Nếu trẻ em của chúng ta phải sống trong sợ hãi thì lãnh đạo của Hamas cũng phải chịu tình trạng như vậy,” Bộ Trưởng Văn Hóa và Thể Thao của Israel, Miri Regev, nói trong một cuộc họp với lãnh đạo địa phương tại các cộng đồng Israel gần dải Gaza. "Chúng ta phải quay trở lại chính sách ám sát có mục tiêu đối với những lãnh đạo của nhóm khủng bố này.”
Tuyên bố của bà Regevđưa ra sau đêm 8 tháng 8, khi phe Hamas phóng hơn 70 trái rocket từ dải Gaza vào Israel. Hamas kiểm soát Dải Gaza sau cuộc xung đột với phong trào Fatah vào năm 2007, và vẫn thường xuyên đụng độ với Israel. Chính phủ Jerusalem đã phong tỏa khu vực này bằng các biện pháp như hạn chế nhập nhiên liệu, hàng hóa, cấm đánh cá, nhằm đáp trả việc người Palestine thường xuyên tấn công qua biên giới. Trong những năm qua, Israel đã ám sát nhiều thành viên cấp cao của Hamas, với sự việc gần nhất xảy ra hồi tháng 3, 2017, và người bị giết là Mazen Fuqaha, một thủ lãnh Hamas.

Indonesia: Máy bay chở 9 người mất tích tại miền đông
PAPUA - Một chiếc máy bay nhỏ, chở 9 người, bao gồm 1 trẻ em, đã mất tích vào thứ Bảy khi đang bay qua khu vực miền núi thuộc tỉnh Papua, miền đông Indonesia. Việc tìm kiếm, cứu nạn đang được thực hiện. Theo nhà chức trách, máy bay mất tích là loại máy bay Pilatus, do Thụy Sỹ sản xuất, thuộc sở hữu của Dimonim Air, một hãng tư nhân chuyên cho thuê máy bay ở trong và quanh tỉnh Papua. Theo cảnh sát, người dân làng ở Okatem cho biết đã nghe thấy tiếng động cơ máy bay, sau đó là một tiếng nổ lớn.
Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào vận tải hàng không để kết nối hàng ngàn hòn đảo của quốc gia. Tuy nhiên, độ an toàn hàng không của nước này chưa cao và từng xảy ra nhiều vụ tai nạn gây thương vong lớn trong những năm gần đây. Tỉnh Papua là khu vực đặc biệt khó tiếp cận. Vào tháng 7, 2017, 5 người đã thiệt mạng khi chiếc máy bay nhỏ chở họ rơi gần Wamena thuộc tỉnh này. Tháng 8, 2015, một máy bay chở khách của hãng hàng không Trigana của Indonesia đã rơi tại Papua do thời tiết xấu, khiến toàn bộ 54 người trên máy bay thiệt mạng.

Công dân Nhật Bản bị bắt tại Bắc Hàn
TOKYO – Viên chức chính phủ Nhật hôm thứ Bảy tiết lộ, một công dân nước này đã bị bắt tại Bắc Hàn, và Tokyo vẫn đang thu thập thêm thông tin về sự việc. Viên chức Bộ Ngoại Giao từ chối cho biết mục đích chuyến đi tới Bắc Hàn của người này, nói rằng nhà chức trách đang trong quá trình xác nhận thông tin chi tiết. Bộ Ngoại Giao Nhật Bản trước đó đã khuyên người dân nước này hạn chế đi lại tới Bắc Hàn, xem đây là một phần trong số các biện pháp trừng phạt kinh tế Bình Nhưỡng. Vào năm 1999, một phóng viên của Nhật Bản tại Bắc Hàn cũng bị bắt giữ với cáo buộc gián điệp. Phóng viên này sau đó bị giam giữ tại Bắc Hàn trong hai năm.
Nhật Bản từ lâu vẫn yêu cầu Bắc Hàn giải quyết vấn đề các công dân Nhật bị nước này bắt cóc trong thập niên 1970 - 1980. Danh sách chính thức do Nhật Bản công bố gồm 17 người bị bắt cóc, và Tokyo nghi ngờ Bình Nhưỡng có liên quan tới nhiều vụ mất tích khác của công dân Nhật Bản. Tuy vậy hai bên vẫn chưa đạt được tiến triển nào bất chấp những nỗ lực đàm phán.
Bắc Hàn từng bắt giữ nhiều người nước ngoài với các cáo buộc như làm gián điệp, có các hành vi thù địch chống đối nhà nước… Năm 2017, Bình Nhưỡng từng trả tự do cho một sinh viên Hoa Kỳ, sau nhiều tháng giam giữ vì anh này lấy cắp một biểu ngữ tuyên truyền trong chuyến du lịch tới Bắc Hàn. Không lâu sau khi được trả về Hoa Kỳ trong tình trạng hôn mê, sinh viên này đã qua đời. Bình Nhưỡng hồi tháng 5 đã phóng thích 3 công dân Mỹ khác bị nước này giam giữ, trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Singapore.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT