Hôm Nay Ăn Gì

Thịt luộc, mắm tôm, ngày mưa bão…

Thursday, 24/09/2020 - 06:38:18

Không biết tự bao giờ, nhưng chắc chắn một điều là nói tới mắm tôm, phải nhắc tới Huế, sau đó mới tới Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hà Nội…


(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Không biết tự bao giờ, nhưng chắc chắn một điều là nói tới mắm tôm, phải nhắc tới Huế, sau đó mới tới Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hà Nội… Đương nhiên, mỗi nơi có một loại mắm thuộc hàng “độc dị.” Ví dụ như nói tới mắm mực thì phải nhắc tới Bà Rịa Vũng Tàu, nói tới mắm khuyết thì phải nhớ tới Quảng Bình, mắm cáy phải nghĩ tới Hội An, Quảng Nam… Nhưng, trong tất cả các loại mắm vừa nhắc trên, có vẻ như mắm tôm xứ Huế là loại mắm đặc biệt nhất, mà cũng có thể là độc đáo nhất. Một khi ai đó từng ăn mắm tôm với thịt heo luộc và vả lát, cơm nóng thì e rằng khó mà quên.

Mùa này, ai đi từ Đà Nẵng ra Huế, qua khỏi đèo Hải Vân, gặp phá Tam Giang, nhìn chếch về bên phải là biển, bên trái là núi. Dường như giữa biển và núi xứ Huế vẫn còn mối lương duyên kim cổ nào đó. Núi chuồi dần về phía biển, và rải rác vài hòn đá đứng chơi vơi trên biển, người dân gọi là Đá Bạc. Phá Tam Giang là con phá dài nhất nước, không chừng dài nhất Đông Nam Á, trên phá có Đá Bạc, An Dương, giáp Thuận An, giáp tới Quảng Trị, phá trải dài theo tỉnh. Và bên cạnh phá là trùng trùng lớp lớp đời sống, số phận. Hình ảnh những hủ mắm tôm Huế bày bán bên đường dường như ẩn chất thân phận, cuộc đời của người dân nơi đây.

Giờ tôi mới hiểu vì sao người ta có câu vè “Muốn vô mà chẳng dám vô/ Sợ truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang.” Chữ “vô” ở đây ám chỉ người Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người bên kia sông Gianh muốn vào thăm người trong này (Đàng Trong) thì phải đi qua truông nhà Hồ (thành cũ nhà Hồ, đã hóa rừng hoang, nằm giữa Quảng Trị và Quảng Bình) nếu đi đường bộ. Và đi đường biển thì phải vòng ra khơi, vào phá Tam Giang mới tới được Thuận Hóa (Huế).


(Tom/ Viễn Đông)

Truông nhà Hồ nổi tiếng cướp bóc, thổ phỉ, phá Tam Giang nổi tiếng sóng dữ, sau này Đào Duy Từ cho làm lễ hợp long, đắp đất, múc đáy sông, tạo ra đường thông của các con sông thì dòng chảy mới bớt dữ, bớt sóng thần. Người Đàng Trong hầu hết có gốc gác Đàng Ngoài, năm 1558, họ theo Nguyễn Hoàng xuôi thuyền vào Thuận Hóa theo lời chỉ dẫn của Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn Nhất Đái Khả Dĩ Dung Thân” để tránh bị Trịnh Kiểm giết (Trịnh Kiểm là anh rể của Nguyễn Hoàng). Khi lập nên nhà Nguyễn, câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được độ thành “Hoành Sơn Nhất Đái Vạn Đại Dung Thân.”

Chữ Khả Dĩ đổi thành Vạn Đại cũng không thể thay thế được số trời. Năm 1945, thời thế thay đổi, nhà Nguyễn không thể kéo dài thành Vạn Đại được. Nhưng trong vòng gần 400 năm với 13 đời vua, 9 đời chúa, nhà Nguyễn đã hình thành và tạo ra được một sinh quyển, một vùng văn hóa hết sức phong phú ở vùng đất Thuận Hóa và lan tỏa trên cả nước. Đây là câu chuyện dài, từ văn hóa phi vật thể đến văn hóa vật thể. Nhưng cả hai khái niệm này nghe ra có vẻ chưa ổn khi nói tới mắm tôm. Vì văn hóa phi vật thể gồm những làn điệu, các loại hình văn nghệ, văn chương… còn văn hóa vật thể thì đền đài miếu mạo, thành quách… Điều này cũng giống như phần mềm và phần cứng trong tin học, phi vật thể được xem là phần mềm (software) và vật thể được xem là phần cứng (hardware). Nhưng, có những thứ không thể xếp vào phần mềm, càng không thể xếp vào phần cứng, (có thể xem là phần ướt, phần giao thoa giữa mềm với cứng). Mắm tôm Huế, các loại mắm khác nằm trong trường hợp này.

Bởi nói mắm là văn hóa vật thể thì cũng không đúng vì nó không có tính trường tồn, nó chỉ giữ được vài tháng, cao lắm một năm. Mà bảo nó văn hóa phi vật thể cũng sai, bởi nó tồn tại trong tinh thần, trong văn hóa và tình yêu ẩm thực nhưng lại cụ thể chứ không vô hình. Mà nói tới mắm tôm Huế, người ta lại nhắc tới các nguyên tắc y học trong ẩm thực. Từ việc pha các loại cơm gạo, cơm xôi trong hỗn hợp mắm để lên men cho đến cho riềng, tỏi, ớt, muối, rượu và tôm với tỉ lệ ra sao để cho một hủ mắm tôm ngon, không bị yếm khí mà cũng không bị hôi ê (tức hôi khí - hôi air). Một hủ mắm tôm ngon, chỉ cần lấy ra một ít, xắt một ít thịt heo luộc, nếu có sung, vả thì xắt vài lát, một bát cơm nóng nữa thì không còn gì tuyệt hơn, khó mà tả cho trọn cái ngon này!


(Tom/ Viễn Đông)

Tình cờ, tôi về thăm quê vợ sau những ngày cách ly vì dịch Covid-19 và mưa bão. Cả tỉnh Thừa Thiên Huế bị cúp điện gần một tuần, nhà cha mẹ vợ tôi cũng không ngoại trừ. Thiếu trước hụt sau mọi thứ. Thế nhưng, trước bữa cơm đạm bạc, cha vợ tôi ra vườn hái mấy trái vả, mẹ vợ tôi xắt lát mỏng rồi khui hủ mắm tôm, vợ tôi mang từ Quảng Nam ra một ít thịt heo, luộc lên, xắt lát mỏng ăn với cơm nóng. Những tình cảm ấm áp sau một thời gian dài người ta phải sống cách xa nhau rất lạ, dường như mọi thứ trở nên ấm và nóng, có gì đó vừa thơm thảo vừa mặn chát tình người!
Kính chúc quý vị có một bữa cơm ngon miệng, ấm áp!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT