Người Việt Khắp Nơi

Thiền Viện Sùng Nghiêm mừng Lễ Phật Đản

Wednesday, 19/06/2019 - 05:34:34

Trưa Chủ Nhật, Thiền Viện Sùng Nghiêm do Ni Sư Thích Nữ Chân Thiền làm Viện Chủ, Ni Sư Thích Nữ Chân Diệu trụ trì đã long trọng tổ chức đại lễ mừng ngày Đức Phật đản sinh.


Ni sư Chân Thiền: “Bây giờ tôi xin thực hành Phật tính, chắp đôi bàn tay tri ân toàn thể quý vị đã đến tham dự đại lễ Phật Đản với chúng tôi hôm nay.” (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Trưa Chủ Nhật, ngày 16 tháng 6, 2019 Thiền Viện Sùng Nghiêm do Ni Sư Thích Nữ Chân Thiền làm Viện Chủ, Ni Sư Thích Nữ Chân Diệu trụ trì đã long trọng tổ chức đại lễ mừng ngày Đức Phật đản sinh.
Trong số khách tham dự, về phía chư tôn đức Tăng, Ni có Hòa Thượng Thích Tâm Thành, Viện Chủ Phật Quan Âm Thiền Tự, Thượng Tọa Thích Quang Thuận trú sứ Tổ Đình Minh Đăng Quang, Ni Sư Tường Liên (Tịnh Xá Quan Âm), Ni Sư Thanh Liên (Tổ Đình MĐQ), Ni Sư Khánh An (Thiền Đường Bồ Đề Đạo Tràng), Ni Sư Dharma Dina (Tổ Đình MĐQ); Ni Sư Thích Nữ Như Như, Ni Sư Tịnh Đạo (Thiền Viện SN).

Về phía dân sự có Thị Trưởng Tạ Đức Trí, Phó Thị Trưởng Kimberly Hồ, và Nghị Viên Nguyễn Mạnh Chí thuộc TP Westminster; cựu Đại Tá Lê Bá Khiếu (nguyên Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Ngãi) và phu nhân, các Bác sĩ Trương Minh Cường, Nghiêm Toản, Nguyễn Thùy Anh, Bùi Nghệ và phu nhân, nhà văn Mắt Nâu (Chủ Tịch Văn Bút Miền Tây Nam Hoa Kỳ), Họa sĩ Chính Mung và nữ họa sĩ Lam Thủy, cô Hồng Xuyên, ông bà Đốc Sự Nguyễn Phú Hùng (Giám Đốc Đài Phát Thanh Hương Sen), Gia Đình họ Lưu từng hỗ trợ Thiền Viện nhiều năm qua, quý Huynh trưởng Tuệ Linh, Lê Đình Cát, Dung Kiều; các Thầy, Cô giáo và phụ huynh học sinh của Thiền Viện, quý thân hữu và các cơ quan truyền thông. Đặc biệt có cụ bà Bùi Bội Thừa năm nay 101 tuổi được con gái là bà Bùi Bội Tú đưa đến dự lễ.


Các thiền sinh, những người có trình độ kiến thức cao tìm đến Thiền Viện Sùng Nghiêm tu học để thấu đáo Chân Lý Bát Nhã siêu việt. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Buổi lễ do BS Hùng và cô Minh Hồng, hai thành viên của Thiền Viện điều hợp chương trình. Sau nghi thức chào cờ, trong phút nhập từ bi quán do Minh Quân điều khiển có dành phút tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh vừa viên tịch.

Suốt chương trình buổi lễ, từ những lời phát biểu của Ni Sư Viện Chủ, lời khai mạc của Ni Sư trụ trì, đến những lời diễn giải của một số thiền sinh, lời ca, tiếng nhạc đều ngụ ý diễn giải ý nghĩa đích thực của ngày Phật Đản Sinh, của lễ Tắm Phật và ý nghĩa của những bản Nhạc Thiền, tựu chung là ý nghĩa của chân lý Bát Nhã.

Vì thế, trong lời khai mạc, Ni Sư Chân Diệu sau khi đưa ra phương cách để mọi người noi gương và nhớ ơn Đức Phật, Ni Sư nói, “ Nhân ngày đại lễ Phật Đản hôm nay, với tất cả những linh hoạt của buổi lễ, hy vọng sẽ thể hiện được những gì về đường lối tu theo chân lý Bát Nhã. Xin qúy vị cùng chúng tôi kiên trì lắng nghe và quan sát trong suốt buổi lễ để chúng ta cùng thâm nhập được một chút gì chăng về thân tâm Bát Nhã của chúng ta. Tới đây tôi cúi đầu đa tạ toàn thể quý vị đã đến tham dự đại lễ Phật Đản với chúng tôi. Xin chân thành kính chúc quý vị được nhiều sức khỏe, thân tâm thường lạc, và sau đây tôi xin được khai mạc buổi lễ.”

 
Hòa Thượng Thích Tâm Thành: “Tôi ngồi đây nghe những bản nhạc thiền vi diệu nó sướng cái lỗ tai, và cứ tưởng giống như mình đang ở cõi trời vi diệu. Hạnh phúc vô cùng!” (Thanh Phong/Viễn Đông)


MC Minh Hồng cung kính giới thiệu Ni Sư Viện Chủ của Thiền Viện Sùng Nghiêm cũng là vị Thầy của mình: Thiền Sư Thích Nữ Chân Thiền chào mừng quan khách và đồng hương Phật tử.

Sau đó, Ni Sư nói, “Thiền Viện Sùng Nghiêm chúng tôi xin chào đón tất cả quý vị đến tham dự đại lễ Phật Đản, để chúng ta cùng nhắc nhở và noi gương trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật. Sau khi Đức Phật đã giác ngộ thì đại chúng hỏi Đức Phật: Thưa Ngài, Ngài đã giác ngộ như thế thì chúng tôi gọi Ngài là gì? Đức Phật trả lời: Ta không có tên mà Ta cũng không có tuổi, bây giờ các con có thể gọi Ta là Giác. Giác ở đây có nghĩa là Tính Giác cũng có nghĩa là tính Không. Tính Không thì bao gồm tiếng Thấy, tiếng Nghe, tiếng Biết và bao gồm toàn thể mặt trăng, mặt trời, núi đồi, nói chung là tất cả những gì trên vũ trụ này đều bao hàm ở tính Không, chính là cái tính của chúng ta, của từng người chúng ta ngồi đây, từng ngọn cỏ, lá cây, chỗ nào cũng có Phật tính hết.

“Đã gọi là Phật tính thì thưa quý vị, đương nhiên không có những thói hư tật xấu như tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố, và những thủ đoạn lưu manh. Trái với những cái không đẹp đó thì Phật tính của chúng ta chỉ có tự động là từ bi, hỷ xả, yêu thương và tha thứ. Nhất định là như thế và chúng ta luôn luôn biết ơn và biết tri ân muôn loài muôn vật quanh chúng ta. Do đó, để phù hợp với Phật tính sẵn có trong chúng ta, hằng ngày chúng ta nên tu tập và buông bỏ hết cả những tật xấu đó thì nó mới hợp với cái Phật tính của mình. Chúng ta thực hành cái gì? Thực hành: kính trên, nhường dưới, có thủy có chung, từ bi, hỷ xả nhất là biết ơn và nhớ ơn, và ngay bây giờ, đại diện Thiền Viên Sùng Nghiêm tôi xin thực hành Phật tính là chắp đôi bàn tay để tri ân toàn thể qúy vị ngày hôm nay đã hiện diện với chúng tôi trong ngày lễ trọng đại, để chúng ta cùng làm lễ, cùng noi gương và nhớ ơn Đức Phật.”


Ni Sư Chân Thiền tức nhà thơ Thanh Tịnh Liên (Viện Chủ) và ni sư Chân Diệu (bên trái) trước chánh điện Thiền Viện Sùng Nghiêm (Thanh Phong/Viễn Đông)

Sau lời chào mừng của Ni Sư Viện Chủ, chị Lý Thu Vân, một thành viên của Thiền Viện thừa lệnh Ni Sư Viện Chủ dẫn giải ý nghĩa Phật Đản Sinh: “Để thoát ra khỏi những sự đau khổ, phiền não, luân hồi, sống chết đầy nước mắt này, Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đã hướng dẫn và chỉ dạy chúng ta một trong những phương cách tu hành Trực Chỉ. Đó là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Phương cách chỉ thẳng ngay tại Thân/Tâm hiện hữu của mình. Vì vậy, bất cứ ai trong chúng ta nếu chịu tu hành nghiêm chỉnh không ngừng nghỉ để hiểu thấu đáo chân lý Bát Nhã siêu việt này, thì trước sau gì chúng ta cũng trực nhận ra mình là ai? Vũ trụ, vạn vật là gì? Và tới lúc đó thì chúng ta mới vỡ lẽ về Thật Tướng Bát Nhã hiện hữu ngay đây qua câu kinh Đức Phật đã dạy: Bát Nhã Ba La Mật Đa hay Sinh chư Phật, hay hiển thị Tướng Thế Gian. Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là Tính Không, là Chân không, là Phật tính tự động: Vừa có sự vi diệu nên hay sinh chư Phật, Vừa có sự nhiệm mầu nên hay hiển thị Tướng Thế Gian.”

Tiếp theo, một nhạc cảnh Phật Đản Sinh được trình bày. Sau đó, ban tổ chức cung thỉnh Hòa Thượng Thích Tâm Thành ban lời pháp nhũ. Hòa Thượng cho biết, ngài rất vui, được ngồi đây nghe những bản nhạc vi diệu nó đã cái lỗ tai, và tưởng mình giống như đang ở trên cảnh trời vi diệu, hạnh phúc vô cùng!

Tiếp đến, cô Minh Hồng, một thiền sinh khác của Thiền Viện giải thích hai chữ “Tắm Phật”. Tắm Phật không phải là tắm tượng Phật bên ngoài, mà chính là tự tắm gội thân tâm mình, gột rửa cái tâm trần lao, tâm tán loạn, tâm vọng tưởng điên đảo của chính mình, lúc nào cũng nhị biên phân biệt: hơn thua, phải trái, giàu nghèo, đẹp xấu… Tắm Phật là trở về chân tâm Phật tánh của mình, trở về với bản giác thanh tịnh sáng suốt thường hằng của mình, mà lâu nay nằm sâu trong lớp vỏ vô minh dầy đặc…”

Hai bản nhạc thiền Ta Là và Nghe Chăng Ai là hai trong số trên 50 bản Thiền Ca đã được Thiền Sư Chân Thiền viết, nhạc sĩ Tuấn Khanh phổ nhạc. Nhạc phẩm Ta Là nói lên sự nhiệm mầu, tươi mát, huy hoàng hiện hữu của vũ trụ vạn vật, cũng chính là đang thể hiện cái Năng Lực Vi Diệu của Chân Như Phật Tính trong quốc độ của Đức Phật cũng như quốc độ của tất cả những ai đã giác ngộ thì đều đúng với câu nhạc thiền Ta Là. Nhạc phẩm Nghe Chăng Ai được Ni Sư Chân Thiền tức nhà thơ Thanh Tịnh Liên minh chứng trong kinh Lăng Nghiêm khi Đức Phật hỏi tất cả các Bồ Tát, từng vị hãy nói lên phương tiện tu hành để đắc đạo qua sáu Căn hiện hữu của chính mình.
Mọi người thường nghĩ đơn giản là sự tu hành của Bồ Tát là lắng nghe những tiếng cầu cứu của chúng sinh để độ trì! Nhưng có biết đâu rằng, chính các vị Bồ Tát cũng như toàn thể chúng sinh, nếu muốn đắc Đạo để giải thoát sinh tử thì đều phải chọn cho mình một phương tiện rốt ráo nhất, đó là cái Nhân của sự tu hành, để rồi sẽ đạt được cái Quả tối thượng là Phật Đạo!

Ca sĩ Phương Thảo đã trình bày nhạc phẩm này. Dứt bản nhạc, hai MC cung thỉnh chư tôn đức ra trước bàn thờ dâng hương cúng Phật, tụng kinh Bát Nhã, Tam Qui & Tứ Hoằng Thệ Nguyện.
Sau cùng, ban tổ chức mời quan khách và mọi người dự tiệc mừng Phật Đản và thưởng thức chương trình văn nghệ qua các giọng hát của các ca sĩ Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Diễm Xuân, Diệu Mai, Ngọc Nga, Tuyết Minh, Mỹ Nga, Mắt Nâu, BS Cường cùng ban hợp ca của Thiền Viện Sùng Nghiêm.

Buổi lễ Phật Đản tại Thiền Viện Sùng Nghiêm đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng mọi người qua những lời đạo từ của Hòa Thượng chứng minh, của hai vị Ni Sư Thiền Viện, và cũng cho thấy các Thiền Sinh, mặc dù nhiều người có trình độ đại học, một số vị là Bác Sĩ, Dược Sĩ, nhà văn, nhà thơ cũng đã tìm đến Thiền Viện tu tập và chứng tỏ khả năng lãnh hội của họ qua những bài dẫn giải, nhận thức của mình trong buổi lễ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT