Phóng Sự

Thiên đường của người bệnh và người già? (kỳ 4)

Sunday, 08/06/2014 - 11:00:27

Đối với nhiều người con khi không có điều kiện chăm sóc cho cha mẹ già yếu, vì bận đi làm cả ngày, nhưng không muốn gửi cha mẹ vào Nursing Home, đã chọn giải pháp gửi cha mẹ đến Group Home, những dạng nhà như vậy được cấp giấy phép của chính phủ, có nhân viên săn sóc cho khoảng từ 4 đến 6 người mỗi nhà

Băng Huyền/ Viễn Đông



Chị Phương Trương hiện là nhân viên chăm sóc các cụ tại Loving Care Senior Home.



Các cụ cao niên đang cùng ngồi với nhau trong phòng khách tại Loving Care Senior Home.



Dược Sĩ Mai T. Nguyễn đồng chủ nhân của Loving Care Senior Home đang trò chuyện với một bệnh nhân
tại đây.



Dược Sĩ Mai T. Nguyễn đang chăm sóc một bệnh nhân.



Chị Phương Trương đang lấy thuốc để bện nhân tại Loving Care Senior Home uống.
 
Đối với nhiều người con khi không có điều kiện chăm sóc cho cha mẹ già yếu, vì bận đi làm cả ngày, nhưng không muốn gửi cha mẹ vào Nursing Home, đã chọn giải pháp gửi cha mẹ đến Group Home, những dạng nhà như vậy được cấp giấy phép của chính phủ, có nhân viên săn sóc cho khoảng từ 4 đến 6 người mỗi nhà. Những người già tại đây được lo việc ăn uống, chỗ ở, thuốc men, sinh hoạt giải trí tại nhà.

Mô hình dưỡng đường là những ngôi nhà Group Home

Dược Sĩ Mai T. Nguyễn (tốt nghiệp dược sĩ từ trường Western University ở Pomona) là cố vấn về thuốc tại các bệnh viện, người sáng lập và hội trưởng của Hội Trái Tim Bác Ái chuyên giúp trẻ em bị bệnh tự kỷ và khuyết tật, đồng thời cũng là đồng chủ nhân của ngôi nhà chăm sóc người cao niên mang tên Loving Care Senior Home (tên Việt Nam là Ngôi Nhà Yêu Thương) rộng khoảng 8,000 sqft, tọa lạc tại số 9435 Kiwi Circle, Fountain Valley, mới mở hơn một năm nay. Chị cho biết trước đây, chị từng làm việc cố vấn thuốc men tại một số nursing home, chị rất yêu mến các cụ già, nhất là các cụ Việt Nam nên rất thích công việc chăm sóc các cụ. Khi đó, chị được một y tá người Phi Luật Tân mời đến thăm ngôi nhà chăm sóc người già của cô ấy, chị càng thích thú hơn và được sự gợi ý của cô, chị đã học và thi lấy giấy phép để mở một ngôi nhà chăm sóc các cụ. Hiện nay 6 cụ sống trong ngôi nhà của chị đều là người Việt Nam.

Chị tâm sự, “Tôi thấy rất nhiều cụ Việt Nam của mình rất sợ vào nursing home, vì tại các nursing home rất đông bệnh nhân khiến các cụ có cảm giác như đang ở bệnh viện, thường ở trong những nơi như vậy, các cụ luôn có cảm giác cô đơn, nhưng với mô hình Ngôi Nhà Yêu Thương mà tôi mở ra, giúp các cụ sống tại đây có cảm giác như đang ở nhà mình. Bên cạnh đó, mỗi tuần vài lần còn có người đến hướng dẫn các cụ tập thể dục, tập taichi, tại đây có khoảng sân sau nhà cây cối xanh tươi, dành cho các cụ có nơi tiêu khiển. Còn về ăn uống, chúng tôi nấu món Việt Nam tươi ngon mỗi ngày và tùy theo tình trạng sức khỏe, thức ăn được tính toán liều lượng đường muối cho phù hợp với sức khỏe mỗi người.”

Chị Mai cho biết, có một cụ trước khi đến ngôi nhà của chị ban đầu sống tại một nursing home, cụ bị trầm cảm, không muốn nói chuyện với ai hết, ngay cả con cái đến thăm cũng không trò chuyện, thế là con cụ quyết định gửi cụ đến Loving Care Senior Home của chị, khoảng hơn một tháng sau, cụ bắt đầu trò chuyện, tự đi chầm chậm chứ không ngồi xe lăn nữa và nay sau nhiều tháng, sức khỏe cụ tiến triển tốt, chính bác sĩ gia đình của cụ còn ngạc nhiên khi thấy cụ hồi phục tốt, con cái của cụ vui khi thấy mẹ mình trò chuyện, tinh thần lạc quan. Chị Mai nói, “Đối với người già, nếu tinh thần suy sụp, thì sức khỏe cũng suy sụp rất nhanh, vì vậy giúp các cụ lạc quan, vui vẻ, thì sức khỏe các cụ cũng sẽ tốt hơn. Mô hình Loving Care Senior Home mà tôi thực hiện luôn mong muốn đem đến tình yêu thương cho các cụ, nhân viên chăm các cụ là người Việt, bạn ở chung nhà của các cụ cũng là người Việt, chính bản thân tôi và các nhân viên luôn ân cần, chăm các cụ như ba mẹ, ông bà của mình, nên các cụ rất yên lòng khi sống tại đây, chưa kể việc các con, cháu của các cụ thường xuyên đến thăm viếng, hoặc cuối tuần đưa các cụ đi chơi.”

Chị cho biết Loving Care Senior Home của chị có giá cả rất phải chăng, không mắc so với những dạng nhà như vậy của chủ nhân người Mỹ. Với chị khi thực hiện mô hình này không phải mục đích chính là kinh doanh làm giàu mà chị muốn giúp các cụ Việt Nam sống những ngày cuối đời của mình trong vui vẻ, hạnh phúc.

Chị Phương Trương hiện là nhân viên chăm sóc các cụ tại Loving Care Senior Home, trước đây chị từng làm phụ tá y tá (điều dưỡng, hộ lý) hơn 7 năm tại một số Nursing home trong Quận Cam. Chị cho biết làm việc tại đây chị thích hơn làm tại nursing home.

Chị kể, “Làm tại nursing home cực hơn ở đây, vì bệnh nhân tại nursing home đa phần rất yếu, hầu hết ngồi xe lăn, hoặc nằm liệt tại giường, còn các bệnh nhân tại nhà này đều có thể đi đứng được, việc chăm sóc đỡ cực hơn. Làm tại nursing home, chúng tôi được phân ra 3 ca, ca đầu từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều chăm sóc 7, 8 bệnh nhân (vì thường buổi sáng phải tắm nhiều bệnh nhân hơn ca chiều, khoảng 3 bệnh nhân), ca 2 từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm thì chăm sóc 12- 14 bệnh nhân (chiều chỉ tắm cho 1 bệnh nhân thôi), ca 3 từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau, chăm sóc khoảng 20- 21 bệnh nhân (ban đêm thì các bệnh nhân ngủ, chỉ thay tã thôi). Thường tôi được phân công làm ca 2, chăm 12- 14 bệnh nhân. Một ca thay tã 3 lần, cứ 3 tiếng thay tã 1 lần, đến giờ ăn thì cho ăn. So sánh làm việc tại nursing home và tại đây, tôi thấy nếu mình chăm sóc nhiều bệnh nhân như tại nursing home, thì khó chu đáo như tại đây, một tuần ở nursing home các bệnh nhân chỉ được tắm có hai lần, vì đông bệnh nhân, chúng tôi phải chia bệnh nhân ra mà phục vụ, còn thân nhân đến thăm, chúng tôi không cho phép tắm cho bệnh nhân, vì sợ họ không quen xảy ra việc té ngã… thưa kiện lại chúng tôi … Còn ở nhà này thì 2 ngày tắm 1 lần. Vào đây làm tinh thần tôi thoải mái hơn, công việc đỡ cực hơn, nên việc chăm sóc các cụ cũng chu đáo hơn.”

Chị Kim Trang Đặng, trước đây cũng từng là chủ nhân của mô hình nhà tư chăm sóc người già tại San Diego có tên gọi “From Heaven” (mở ra từ 2006 và đóng cửa từ 2011) kể rằng sở dĩ chị mở ra ngôi nhà vì chị có người chồng bị đột quỵ, bị liệt, để có nơi anh cư ngụ và được chăm sóc trước khi anh mất (đầu năm 2013) cũng như những vị cao niên cần một nơi để an dưỡng cuối đời trong an lạc, bởi chị luôn dành tình yêu thương cho các bệnh nhân đến sống trong ngôi nhà chị mở ra, chị xem họ như thân nhân của mình. Chị quan niệm, nếu các cụ có những ngày cuối đời sống trong sự chăm sóc tốt, trong tình yêu thương, thì các cụ sẽ ra đi được dễ dàng hơn, khi thực hiện công việc này, chị luôn yêu cầu nhân viên của mình và bản thân chị làm với sự tận tâm.

Chị tâm sự, “Trước đây khi chồng tôi bệnh, anh được đưa vào nursing home ở thời gian ngắn để tập vật lý trị liệu, cùng phòng có 1 cụ ông người Mỹ 94 tuổi, cụ bà 90 tuổi ngày nào cũng vào thăm ông, một lần tôi chứng kiến, lúc đó đã 6 giờ chiều, bà than mệt nói ông hãy nghỉ ngơi để bà về, mai sẽ vào thăm ông tiếp. Ông đồng ý, nhưng khi bà đi rồi, ông cứ nằm kêu lớn tên của bà, giọng ông rất to. Khi đó người trợ tá y tá chạy vào trói hai tay ông vào giường, nâng đầu giường dốc xuống thấp nâng phần chân lên, tôi hỏi tại sao làm vậy, nhân viên đó giải thích làm thế để máu chạy lên đầu, rồi ông dễ ngủ, chứ không ông sẽ cứ nằm la to vậy, tất cả các bệnh nhân khác thức dậy hết thì làm sao? Chứng kiến cảnh đó, tôi đâm sợ việc để chồng mình trong nursing home, vì rõ ràng khi thân nhân của bệnh nhân về rồi, họ mới làm vậy, còn có mặt mình tại đó, họ đâu có dám hành hạ người nhà của mình.”

Chị cho biết ngôi nhà của chị không nhận những bệnh nhân được chính phủ trả chi phí, mà chỉ nhận tiền từ gia đình, theo chị nếu nhận những bệnh nhân do chính phủ trả tiền, luật lệ rất khắt khe, chi phí để duy trì mô hình đó rất cao, mà tiền chính phủ trả cũng khó mà bù đủ vào tiền chi ra. Nhưng vì lấy giá phải chăng cho các bệnh nhân nên một thời gian sau, chị không đủ chi phí để duy trì ngôi nhà này, vì quá tốn kém, nên buột lòng chị phải đóng cửa.

Chị nói mong sao cộng đồng Việt có nhiều người mở ra được những ngôi nhà như chị từng mở, để giúp các cụ cao niên gốc Việt đến sống và chăm sóc tốt các cụ thì hay vô cùng. Bởi theo chị biết nhu cầu này có rất nhiều, nhưng người Việt làm chủ mô hình như trên thì còn rất ít.

Rõ ràng với nhiều người nếu bất đắc dĩ phải vào nursing home thì phải làm sao để có được sự săn sóc “tốt nhất” vẫn là điều quan trọng. Tại Hoa Kỳ, có rất nhiều mô hình để các bệnh nhân cần chăm sóc, các cụ cao niên… vào sống như nursing home, nhà tư… để lựa chọn. Vì vậy việc chọn lựa viện dưỡng lão thích hợp là một việc quan trọng và các người con rất cần cân nhắc kỹ lưỡng để cha mẹ có thể tận hưởng tuổi già và được chăm lo một cách chuyên nghiệp tại những nơi ở tốt nhất. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT