Đạo và Đời

Thiên Chúa giải thoát con người khỏi đau khổ

Thursday, 04/02/2021 - 07:54:50

Nếu những ai không có dịp thường xuyên đi Lễ ngày thường, mà chỉ có thể đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, thì một năm chỉ được nghe về câu chuyện ông Gióp có hai lần.


Sách phát hành năm 2017 viết về Sách Ông Gióp (Book of Job), một tác phẩm của người Do Thái được viết mấy thế kỷ trước Công Nguyên, nói về những thử thách trong niềm tin giữa Thiên Chúa với nhân loại.

 

Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG


​Nếu những ai không có dịp thường xuyên đi Lễ ngày thường, mà chỉ có thể đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, thì một năm chỉ được nghe về câu chuyện ông Gióp có hai lần. Lần đầu là ngày hôm nay, và lần thứ hai là vào khoảng tháng Sáu. Rồi sau đó phải đợi ba năm sau mới có dịp nghe lại. Trước Công Đồng Vaticanô vào năm 1965, sách Ông Gióp không được phép đọc trong Lễ ngày Chúa Nhật. Một số nhà thần học giải thích rằng Giáo Hội sợ người ta sẽ có cái nhìn không thiện cảm đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên sau đó, Giáo Hội đã cho phép đọc vì nhận thấy rằng đau khổ là một phần của cuộc sống và không ai có thể tránh được.


​Câu chuyện của Ông Gióp kể lại rằng ông là một người vô tội, bất chợt mất hết mọi sự: gia đình, giàu sang phú quý, và cả sức khỏe của mình. Đang trong lúc ông đau khổ, bạn bè tới nói với ông rằng Thiên Chúa đã trừng phạt ông vì ông là người tội lỗi. Thiên Chúa chẳng bao giờ trừng phạt kẻ vô tội. Gióp rất buồn khi nghe điều đó. Đối với ông, Thiên Chúa không bao giờ muốn trừng phạt ai. Đau khổ là một phần của cuộc sống, và nhiều khi chúng ta không thể giải thích được.


​Khi đau khổ và bất hạnh bất thình lình xảy đến cho ai, một trong những điều mà chúng ta không nên nói với nạn nhân là, “Thôi đừng buồn, đừng đau khổ nữa. Ý Chúa muốn như thế.” Ông Gióp không chấp nhận lối giải thích đó, và các nhà thần học vẫn chưa giải thích được tại sao.


Điều mà chúng ta biết chắc, đó là ở mọi nơi và mọi lúc, Thiên Chúa tìm đủ mọi cách để giải thoát con người khỏi mọi đau khổ và bất hạnh. Bài Tin Mừng hôm nay là một chứng từ rõ ràng. Sau khi chữa lành cho người bị quỷ ám ở hội đường, Chúa Giêsu đi thẳng về nhà nhạc mẫu của Thánh Phêrô để chữa cho bà khỏi cơn sốt. Khi biết được Chúa Giêsu đang ở đó, nhiều người trong thành đã đem bệnh nhân đến xin Chúa chữa lành. Ngài đã đặt tay chữa lành cho hết tất cả mọi người. Từ nơi đó, Chúa Giêsu tiếp tục đi tới những làng và những thành khác để chữa lành cho những người đau yếu. Suy đi từ mục vụ chữa lành này của Chúa Giêsu, chúng ta có thể hiểu được rằng, một Thiên Chúa không thể vừa muốn giải thoát con người khỏi đau khổ, lại cùng lúc muốn con người phải đau khổ.

​Trong những trường hợp khi con người không thể giải thích được những đau khổ và bất hạnh của mình, điều tự nhiên là than trách Thiên Chúa đã bất công với họ. Ngay cả khi chúng ta có lỡ than trách như vậy, điều đó chưa hẳn đã là tội. Bản chất tự nhiên của con người là muốn tìm lý do để đổ tội, và Thiên Chúa vô tình là nạn nhân của sự cùng quẫn của con người. Tuy nhiên, điều khôn ngoan là, thay vì than trách Thiên Chúa, chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho Ngài vì Ngài là Đấng Cứu Độ chúng ta.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT