Bình Luận

Thích thú giết người

Saturday, 25/07/2015 - 09:47:07

Ba người trong hình biểu tình mặc áo thun đen in chữ trắng Stop Killing Us (xin đừng giết chúng tôi nữa), và mang khẩu hiệu My Skin Color Is Not A Crime (mầu da đen không phải là tội ác). Chỉ một năm sau khi giết Brown, cảnh sát còn giết thêm 14 thiếu niên khác nữa, trong số đó, tối thiểu có 6 cậu Mỹ Đen.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH


Cô Sandra Bland, nạn nhân mới nhất của cảnh sát.



Giết người có thể là thích thú của một số người, trong số này có nhiều cảnh sát viên; thích thú gia tăng nếu giết người mà không bị trừng phạt; đã lọt được lưới trời, lại lọt được cả lưới pháp luật, như tuyệt đại đa số cảnh sát viên đã lọt lưới sau khi giết người. Hơn nữa, không chỉ lọt lưới trừng phạt mà còn được xã hội ca ngợi, tưởng thưởng bạc triệu như anh cảnh sát viên Darren Wilson đang được tưởng thưởng, thì giết Mỹ Đen trở thành tệ trạng không sức mạnh nào chặn đứng được.
Đa số cảnh sát giết người là Mỹ Trắng, và đa số nạn nhân bị cảnh sát giết là Mỹ Đen; danh sách nạn nhân đã dài lê thê mà vẫn chưa thấy cảnh sát viên nào lãnh án sát nhân. Yếu tố "giết người vô tội vạ" không thể không khuyến khích tệ trạng cảnh sát Mỹ Trắng giết công dân Mỹ Đen.
Tấm hình chụp năm ngoái -ngày 19 tháng Tám 2014- không những không cũ, không lỗi thời, mà còn có thể dùng lại trong hàng trăm cuộc biểu tình của người Mỹ Đen chống lại thích thú giết Mỹ Đen của cảnh sát Mỹ Trắng.
Hình chụp tại thánh đường Greater Grace Church trong tang lễ anh Michael Brown, 18 tuổi, không võ trang, bị giết vì phạm tội da đen; viên cảnh sát mỹ trắng bắn anh là Darren Wilson; án mạng xảy ra tại Ferguson, Missouri.
Ba người trong hình biểu tình mặc áo thun đen in chữ trắng Stop Killing Us (xin đừng giết chúng tôi nữa), và mang khẩu hiệu My Skin Color Is Not A Crime (mầu da đen không phải là tội ác). Chỉ một năm sau khi giết Brown, cảnh sát còn giết thêm 14 thiếu niên khác nữa, trong số đó, tối thiểu có 6 cậu Mỹ Đen.
Nạn nhân Mỹ Đen mới nhất chết trong tay cảnh sát Mỹ Trắng là cô Sandra Bland, 28 tuổi; cô bị anh cảnh sát trooper Brian Encinia bắt ngày 10 tháng Bảy, cô chết ngày 13 tháng Bảy; cảnh sát nói là cô treo cổ tự tử, gia đình cô và nhiều tổ chức tương trợ người Mỹ Đen nói cô bị giết.
Từ một tiểu bang khác, cô Bland mới tới Texas để nhận job được hai ngày; cô đang lái xe thì bị anh trooper Encinia chặn lại. Cô bảo anh trooper, “Thấy xe ông phía sau, tôi tránh sang lane khác, nhường đường cho ông đi; sao ông lại bắt tôi.”
Nguyên cớ khiến Encinia chặn xe cô lại là cô không chớp đèn đổi lane -ít nhất thì đó là lý do anh nêu ra, và anh cũng là người duy nhất biết Bland có chớp đèn hay không.
Encinia lấy bằng lái xe, thẻ bảo hiểm của Bland, trở lại xe anh dùng computer kiểm soát tư pháp lý lịch của Bland và của chiếc xe cô lái, thấy không có gì, anh đem giấy tờ lại trả cho Bland thì thấy cô đang hút thuốc trong xe.
Anh bảo Bland, “Xin cô vui lòng tắt thuốc đi.”
"Tôi đang ngồi trong xe của tôi, tại sao tôi lại không được hút thuốc?"
“Như vậy tôi mời cô xuống xe,” anh trooper nói.
Bland không xuống, Encinia chồm vào xe, lôi cô ra; anh rút súng điện, quát lên, “Tao sẽ đốt mày cháy tiêu,” và cuối cùng Bland nhượng bộ xuống xe.
Chỉ đến đoạn này, câu chuyện đã bốn lần cho thấy ác ý của anh nhân viên công lực, một là anh bám sau xe Bland rõ rệt đến mức cô phải đổi lane, nhường đường cho anh chạy trước, hai là anh vẫn chớp đèn cảnh sát, chặn cô lại với lý do Bland đổi lane không chớp đèn báo hiệu, ba là anh không cho cô hút thuốc trong xe, mặc dù xe chỉ có một mình cô, và bốn là anh dọa sẽ bắn cô bằng súng điện.
Rồi anh bắt giam cô, có thể vì lý do chống cự với nhân viên công lực; trong lúc thật sự Bland không chống cự bằng sức lực mà chỉ không tuân lệnh tắt thuốc, mệnh lệnh vi phạm vào tự do của cô, tự do một mình hút thuốc khi khói thuốc không làm phiền ai.
Luật sư Margo Frasier -viên chức phụ trách việc theo dõi hoạt động của cảnh sát- nói, “Việc cảnh sát yêu cầu người bị họ chặn lại, tắt thuốc, và ngừng điện đàm là việc thường xảy ra; câu hỏi phải nêu lên là nạn nhân có cần tuân lệnh cảnh sát không?”
Đặt lên câu cần hỏi, bà Frasier tự trả lời, “Nếu nạn nhân ngồi trong xe của mình, và nếu điếu thuốc chỉ là điếu thuốc lá thông thường, tôi không thấy luật lệ nào bắt nạn nhân phải tắt thuốc theo lệnh cảnh sát.”
Về việc anh Encinia bắt cô Bland xuống xe, bà Frasier nói, “Tòa thường thông cảm việc cảnh sát bắt người bị chặn lại xuống xe, vì lý do an ninh của anh viên chức công lực.”
Giảng sư luật tại trường đại học University of Texas tại Austin, bà Michele Deitch, nhận xét, “Việc cô từ chối không tắt thuốc tạo ra tình hình căng thẳng, khiến anh trooper rút súng điện ra, rồi quát lên, “Tao sẽ đốt mày cháy tiêu.”
Thú tính giết Mỹ Đen đang trở thành một hiện tượng hiển nhiên, không ai buồn phủ nhận nữa, nhưng giới thi hành luật pháp giữ thái độ không buộc tội phong trào giết người đó. Từ 21 năm trước -năm 1944- Quốc Hội đã chỉ thị cho bộ tư pháp phải ghi nhận, và mỗi năm phổ biến một bản thống kê những vụ cảnh sát giết người. Chỉ thị này không thực hiện được vì giữa bộ Tư Pháp liên bang và các sở cảnh sát thành phố không có liên hệ trực thuộc. Sở cảnh sát có quyền không thi hành lệnh của Bộ Tư Pháp.
Không có thống kê chính thức, tờ The Washington Post tự thực hiện việc ghi nhận từ ngày đầu năm cho đến ngày cuối tháng 5, 2015, và đếm được 464 vụ, tính ra mỗi tháng cảnh sát giết trung bình 93 người, mỗi ngày 3 người, đa số là Mỹ Đen.
Chỉ riêng cái mặc cảm tự tôn “Quyền Lực Da Trắng” cũng đã tạo nên những phong trào KKK, và những vụ án “treo cổ Mỹ Đen,” giờ này “Quyền Lực Da Trắng” lại mặc sắc phục cảnh sát, lại có quyền lực luật pháp thì bệnh giết Mỹ Đen không có thuốc trị nữa.
Nền hành pháp của vị Tổng Thống Mỹ Đen Barack Obama đã giải giới không cho cảnh sát sử dụng thiết giáp và đại liên trong việc bảo vệ an ninh, trật tự trong nước nữa, nhưng cảnh sát Mỹ Trắng cũng không cần đến xe tăng hay đại liên để giết Mỹ Đen.
Điển hình là cái chết của cô Bland: anh trooper Encinia không tự tay giết cô như những trường hợp cảnh sát Mỹ Trắng giết Mỹ Đen khác, nhưng anh vẫn bức tử cô. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT