Bình Luận

Thế chủ động chiến trường

Saturday, 26/03/2016 - 09:12:16

Quân IS không có cách nào bắt những anh phi công đó ngưng trận bóng, hay vội vàng thức dậy để chống trả một cuộc pháo kích trong lúc người lính Mỹ không muốn đánh.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Một trong những định nghĩa của “Thế Chủ Động Chiến Trường” (CĐCT) là thế “ta muốn đánh, địch không thể tránh, và ta muốn tránh địch không bắt ta phải đánh được.”

Với chiến lược “không chạm gót xuống đất” tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ Barack Obama mưu tìm thế CĐCT đó, và ông đã thành công; những phi công Mỹ trẻ trung ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi thoải mái trên các Hàng Không Mẫu Hạm, rồi mỗi ngày một hoặc hai lần bay vào Syria hay Iraq oanh tạc, xạ kích những mục tiêu được gián điệp chỉ điểm, và được vệ tinh theo dõi, xác nhận.

Đánh trong thế chỉ tấn công, và tuyệt đối không có nhu cầu phòng thủ như vậy quả là tác chiến trong thế chủ động. Người lính Mỹ không có một thoáng lo sợ bị pháo kích trong lúc họ chơi bóng rổ trên sàn tầu, hay đọc sách trong thư viện nổi, ngủ ngon trong cabin nhỏ mà tiện nghi của mình.


Thế tuyệt đối chủ động trên chiến trường Trung Đông

Quân IS không có cách nào bắt những anh phi công đó ngưng trận bóng, hay vội vàng thức dậy để chống trả một cuộc pháo kích trong lúc người lính Mỹ không muốn đánh.

Nhưng Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu đồng minh chỉ chủ động trên chiến trường Trung Đông; ngược lại họ bị động ngay trong nước họ -vùng hậu phương yên bình đang bị quân IS biến thành chiến trường giao tranh, loại chiến trường mà Hoa Kỳ và Tây Âu không còn trong thế chủ động nữa.

Quân IS muốn đánh Paris, Brussels, hay San Bernardino là Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ không tránh được; đánh xong, quân khủng bố lẩn vào đám đông, trốn trong rừng người; đó là giai đoạn địch muốn tránh ta không bắt địch phải đánh được.

Trong cuộc sống hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ, chúng ta thấy định luật về thế CĐCT là một hiện tượng đương nhiên, quen thuộc như thời tiết -hễ Hè về là mặc short; Đông đến là mở máy sưởi.

Nhưng thật ra phòng thủ không nhất thiết phải là thế thụ động, như ứng cử viên tổng thống Donald Trump đòi cấm tuyệt không cho tín đồ Hồi giáo nhập cảnh vào lãnh thổ Hoa Kỳ, và xây một giải Vạn Lý Trường Thành trên biên giới để ngăn chặn người Mễ di dân lậu.

Nhu cầu phòng thủ của Hoa Kỳ và đồng minh Tây Âu là thế phòng thủ dân sự, trong đó chính người dân biến thành mục tiêu tấn công của địch; lực lượng khủng bố được tổ chức thành từng toán nhỏ, sử dụng thuốc nổ tấn công những chỗ đông đúc, như trạm xe điện hầm, phi trường, sân banh, hải cảng, ... Tiêu lệnh cho những toán này là chúng được linh động chọn mục tiêu -muốn đánh chỗ nào, muốn đánh lúc nào cũng được- miễn là gây thật nhiều tổn thất nhân mạng, càng nhiều càng tốt.

Bộ Trưởng Nội Vụ của Bỉ -ông Jan Jambon- là nhân vật điển hình cho thế thụ động phòng thủ -chờ bị khủng bố tấn công rồi ông mới phản công. Dư luận chỉ trích là vì khủng bố xảy ra chỉ vài ngày sau ngày cảnh sát Bỉ bắt sống tên khủng bố Abdeslam (bị thương trong cuộc tấn công Paris ngày 13 tháng 11, 2015 và lẩn trốn trên lãnh thổ Bỉ); bắt hung thủ mà ông không tiên liệu được hành động tấn công trả thù của quân khủng bố; ông Jambon nói với phóng viên đài NBC News là ông “thông cảm việc quần chúng khiếp đảm trước nguy cơ một vài tên khủng bố còn sống ngoài vòng pháp luật, nhưng nhân viên an ninh đã làm việc day and night (suốt ngày, suốt đêm) để truy nã bọn khủng bố và đồng lõa.”


Tên khủng bố Abdeslam


Bộ Trưởng Nội Vụ Jan Jambon không tiên liệu phản ứng trả thù của IS. (Getty Images)

Ông gằn mạnh, “Không có điều gì mà chúng tôi chưa làm; nhưng mọi người cần ý thức được là việc truy nã hung thủ không đơn giản, vì bọn IS cũng là bọn 'pro” rất chuyên nghiệp, nên truy nã chúng là việc vô cùng khó khăn.”

Cùng với Bộ Trưởng Tư Pháp Koen Geens, ông Jambon xin từ chức, vì chính thủ tướng Bỉ, ông Charles Michel cũng cho là có nhiều việc đáng lẽ Bỉ phải làm để ngăn chặn hai cuộc đánh bom giết 31 người, và gây thương tích cho 250 người khác. Điển hình là việc năm ngoái, cảnh sát Bỉ không đáp ứng lời báo động của Thổ sau khi Thổ bắt sống được một trong những tên khủng bố đánh bom tại Bỉ vừa rồi.
Thủ tướng Geens nói, “Chúng ta không thể nào hãnh diện về cách chính phủ đối phó với những cuộc khủng bố vừa rồi, vì chính phủ đã không làm những việc đáng lẽ phải làm.” Trách thuộc cấp, nhưng ông vẫn quyết định lưu nhiệm hai vị bộ trưởng xin từ chức.

Nhưng dù ông Jambon có ý thức được nguy cơ trả thù của bọn khủng bố, ông cũng chỉ có thể tăng cường hệ thống an ninh tại các phi trường, các trạm xe điện ngầm, ... nói cách khác, một hệ thống phòng thủ thụ động vừa tốn kém vừa không kiến hiệu và không thể kéo dài miên viễn được.

Bỉ, Pháp, Mỹ và Tây Âu cần một hệ thống phòng thủ linh động hơn, vừa chủ động, vừa ít tốn kém và kiến hiệu hơn.

Việc đầu tiên họ cần làm, là gây ý thức cảnh giác cho quần chúng; công tác tương đối giản dị này giúp tạo được một mạng lưới an ninh lãnh thổ hàng trăm lần kiến hiệu hơn hệ thống công an, mật báo hiện nay.

Khởi đầu là công tác gây ý thức an ninh cho công chúng; chính phủ phải công khai nhìn nhận là những cơ quan an ninh hiện hữu không thể nào biết được việc anh hàng xóm của ông A hay bà B đang chế tạo một quả bom để tuần sau, hay tháng tới, cho nổ tại Brussels Airport hoặc Maelbeek Metro station.
Trong lúc đó chính ông A và bà B lại thấy những điều khả nghi trong cuộc sống của anh hàng xóm người Trung Đông mới dọn đến, như việc anh không có job, chỉ đóng cửa ở trong nhà suốt ngày, nhưng vẫn có tiền tiêu xài rủng rỉnh; hoặc những người thường lui tới với anh này không có vẻ bình thường.

Việc thứ nhì là tổ chức một hệ thống liên hệ tốt đẹp, giản dị giữa chính quyền và một quần chúng đã được cảnh giác về nhu cầu an ninh, và được cơ quan chính quyền mời gọi tham dự vào công cuộc bảo vệ an ninh công cộng. Chính phủ đề cao sự công tác của quần chúng bằng cách phổ biến những tin tức chống khủng bố, những thành công nhờ tin tức của quần chúng thông báo.

Chính phủ cũng có thể khuyến khích việc cộng tác của quần chúng bằng những số tiền thưởng, như hệ thống crime stoppers vẫn làm -nặc danh và kín đáo. Thử tưởng tượng số lương trên dưới $2,000 của 100 thám tử mặc thường phục đi vu vơ tìm bắt khủng bố, được sử dụng để thưởng cho bốn công dân mỗi người $50,000 vì giúp khám phá ra bốn hoạt động khủng bố trong giai đoạn manh nha, như hội họp, chế bom, học cách sử dụng súng và mìn, ... , thì chỉ vài tháng sau Mỹ và Tây Âu sẽ không còn là chiến trường cho bọn khủng bố hoạt động nữa.

Trong chiến tranh Việt Nam, mạng lưới an ninh công dân được tổ chức tại các Ấp Chiến Lược đã chứng tỏ là tuyệt đối hữu hiệu: không một tên Việt Cộng nào có thể lẻn vào sống trong ấp được 24 tiếng đồng hồ. Trong sinh hoạt tự do người dân không bị bắt buộc phải thông báo cho chính quyền những nghi ngờ của họ, nhưng chính phủ vẫn có thể khuyến khích sự cộng tác của quần chúng bằng hai phương cách: giáo dục và tưởng thưởng.

Chỉ có sự cộng tác của quần chúng mới giải quyết được những quả bom nồi Boston, những quả bom va li Brussels, rồi đem Hoa Kỳ và Tây Âu ra khỏi số phận chiến trường trong cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn kéo dài cả chục năm nữa. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT