Người Việt Khắp Nơi

Thầy, trò Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa Saigon họp mặt

Tuesday, 01/09/2015 - 11:04:15

Ngay từ lúc 5 giờ 30 chiều ngày Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015, trong nhà hàng đã đầy ắp người vì sau bốn mươi năm, lần đầu tiên thầy trò gặp gỡ nên tâm trạng ai cũng náo nức muốn đến sớm để có thời gian thăm hỏi, trò chuyện. Những cái bắt tay nồng ấm, những nụ cười thật tươi và những lời thăm hỏi nhau ríu rít làm cho không khí nhà hàng thật rộn ràng, tươi vui.

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 8, 2015 tại Nam California có hai sự kiện đặc biệt xảy ra, lần đầu tiên sau 40 năm ly hương: Các cựu giáo sư, sinh viên các trường Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Saigon tổ chức họp mặt, và buổi cầu nguyện cho các nạn nhân bị Việt cộng tàn sát từ năm 1930 đến nay.

Ban Tổ Chức 40 Năm Viễn Xứ (Thanh Phong/Viễn Đông)



Ban tổ chức buổi hội ngộ lần đầu tiên này gồm có ông Trần Năng Phùng, giáo sư Lê Tinh Thông, Đại Học Sư Phạm (ĐHSP), ông Hoàng Văn Thịnh, Đại Học Văn Khoa (ĐHVK) là ba vị đồng Trưởng Ban Tổ Chức. Buổi hội ngộ được tổ chức tại nhà hàng Majesty (Emerald Bay cũ).
Ngay từ lúc 5 giờ 30 chiều ngày Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015, trong nhà hàng đã đầy ắp người vì sau bốn mươi năm, lần đầu tiên thầy trò gặp gỡ nên tâm trạng ai cũng náo nức muốn đến sớm để có thời gian thăm hỏi, trò chuyện. Những cái bắt tay nồng ấm, những nụ cười thật tươi và những lời thăm hỏi nhau ríu rít làm cho không khí nhà hàng thật rộn ràng, tươi vui.
Sau nghi thức chào cờ, trong điệu nhạc chiêu hồn tử sĩ, mọi người dành phút tưởng niệm anh linh các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh bảo vệ miền Nam Việt Nam trước quân thù Việt cộng, tưởng nhớ đến các vị giáo sư, các đồng môn đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ hay quá vãng vì tuổi già, sức yếu.
Sau đó, ông Trần Năng Phùng, người điều hành buổi họp mặt lên phát biểu:
“Chúng tôi thật xúc động, và thật không biết nói gì để nói hết lòng của chính mình, và tâm tình của thầy, trò. Chúng ta đã trải qua cả nửa đời người, trải qua nhiều nghịch cảnh, biết bao bất hạnh do chiến tranh gây ra, và đa số những người hiện diện nơi đây đã phải trải qua 40 Năm Viễn Xứ, và như vậy là chia ly, kẻ mất người còn, phải xa cách biết bao người thân yêu, nỗi buồn tưởng như không biết chia sẻ cùng ai!
“Nhưng hôm nay, những giọt nước mắt tuôn tràn vì những cuộc trùng phùng, những người trò gặp lại thầy, những người bạn gặp lại nhau, và rồi chắc chắn chúng ta sẽ được liên kết với nhau trong tương lai. Đó có thể là những điều quý giá nhất mà chúng ta vừa tìm được.”
Sau những lời phát biểu đầy xúc động của ông Trần Năng Phùng, ban tổ chức mời quý vị giáo sư Doãn Quốc Sỹ, Phạm Cao Dương, Trần Thị Khánh Vân, Đàm Trung Pháp, Trần Đình Tuấn, Mai Thanh Truyết, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Hoàng Duyên, Lê Quang Tiếng, Võ Thị Cẩm Vân, Võ Thị Kim Sơn, Võ Thị Minh Vân, Nguyễn Văn Sâm là các giáo sư đã dạy tại Đại Học Sư Phạm hay Đại Học Văn Khoa.
Ngoài ra, giáo sư TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục, Giáo sư Dương Ngọc Sum, Thanh Tra của Bộ Giáo Dục và Giáo sư TS Cao Văn Hở dạy tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh cũng được giới thiệu và mời lên sân khấu đê ban tổ chức trao tặng mỗi vị một vòng hoa tươi.
Không chỉ có quý vị giáo sư hai trường ĐHSP và ĐHVK, chúng tôi thấy nhiều giáo chức khác cũng đến chung vui như Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng Trung Học Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, GS Lê Nghiêm Kính (nhà văn Huy Phương) và nhiều giáo chức khác.
Sau phần giới thiệu và tặng hoa quý vị giáo sư, ban tổ chức muốn dành thì giờ để mọi người hàn huyên tâm sự trong lúc nhập tiệc, và nhất là chương trình văn nghệ do ba MC: Thanh Mai, Hồng Vân, Minh Hiền thay phiên nhau giới thiệu các tiết mục đặc sắc. Mở đầu với Việt Nam Muôn Năm và Khúc Ca Mùa Hè do ban hợp ca trình bày. Sau đó các nhạc phẩm Người Em Văn Khoa, Trở Về Mái Nhà Xưa, Thương Hoài Ngàn Năm, Áo Lụa Hà Đông, Ô Mê Ly, Chiều Tà, Đêm Đô Thị, Nostalgie, Tình Tự Mùa Xuân, Giấc Mơ Hồi Hương, Tiếng Hát Với Cung Đàn... và còn rất nhiều ca khúc khác được trình bày.
Ngoài ra, có tiết mục trình diễn áo dài do CLB Tình Nghệ Sĩ biểu diễn đi kèm với nhạc phẩm “Tà Áo Dài” do nhạc sĩ Cao Minh Hưng sáng tác, nhà thơ Phi Loan diễn ngâm bài Màu Tím Hoa Sim với tiếng sáo thánh thót của nghệ sĩ Ngọc Nôi. Nhạc phẩm cuối cùng “Tôi Muốn Hỏi tại Sao?”đã kết thúc chương trình văn nghệ và cả ba MC thay mặt ban tổ chức và anh chị em nghệ sĩ cảm tạ mọi người. Chương trình kết thúc tốt đẹp và thầy trò hẹn gặp nhau trong kỳ họp mặt lần thứ hai.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT