Đạo và Đời

Thầy là ai?

Wednesday, 30/08/2017 - 08:13:59

Chính vì sự trao quyền đó mà Phêrô đã trở thành vị đại diện đầu tiên của Chúa Giêsu ở nơi trần gian này sau khi Ngài về trời, và những người kế vị thánh Phêrô được gọi là các Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo Roma.

Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Khi Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, Ngài hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo con người là ai?” Các ông đã thưa lại những điều mà các ông đã nghe thấy: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, người thì bảo là Êlia, người khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó.”

Vì sao người ta lại nghĩ Chúa Giêsu là Gioan Tẩy giả? Có nghĩa là Chúa Giêsu là ông Gioan Tẩy giả sống lại. Manh mối của việc gán ghép này có thể là vì Vua Hêrôđê khi nghe những việc Chúa Giêsu đã làm, ông đã xác định đó là Gioan Tẩy Giả sống lại sau khi bị ông chém đầu.

Vì sao người ta lại nghĩ Chúa Giêsu là ông Êlia? Đó là tại vì khi nói tới niềm mong đợi Đấng Thiên Sai, dựa vào lời của sách tiên tri Malakhi, người ta nghĩ rằng tiên tri Êlia sẽ trở lại để dọn đường cho Chúa đến.
Rồi tại sao có người lại nghĩ Chúa Giêsu là ông Giêrêmia hay là một trong các ngôn sứ? Đó là bởi vì sự xuất hiện của một vị ngôn sứ là dấu chỉ của niềm hy vọng Chúa đoái thương tới viếng thăm dân Người. Khi Chúa Giêsu giảng dạy và làm các phép lạ thì dân chúng sửng sốt và thán phục, nhưng nhiều người trong họ nghĩ rằng Ngài cùng lắm chỉ là một vị ngôn sứ.


Chúa Giêsu và Thánh Phêrô trong hình vẽ trên kiếng tại một nhà thờ. (Rockhay.org)

Thế nhưng Phêrô lại có một cái nhìn khác khi Chúa Giêsu hỏi rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô đã tuyên xưng từ niềm thâm tín của mình rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Chúng ta không biết Phêrô hiểu ý nghĩa “Con Thiên Chúa” theo lời ông tuyên xưng lúc đó, có đúng theo ý nghĩa thần học mà chúng ta hiểu bây giờ hay không, nhưng Chúa Giêsu đã xác nhận rằng điều mà ông vừa tuyên xưng, không phải là do xác thịt hay máu huyết mạc khải cho ông, nhưng chính là Cha Ngài, Đấng ngự trên trời đã mạc khải cho ông.

Như thế Chúa Giêsu muốn xác quyết rằng Ngài là Con Thiên Chúa và bởi vì Phêrô đã tuyên xưng điều này cho nên Chúa Giêsu đã trao chìa khóa Nước của Ngài cho ông: “Vì vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.”

Chính vì sự trao quyền đó mà Phêrô đã trở thành vị đại diện đầu tiên của Chúa Giêsu ở nơi trần gian này sau khi Ngài về trời, và những người kế vị thánh Phêrô được gọi là các Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo Roma.

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” là câu hỏi đã được đặt ra cho các Tông Đồ. Đây cũng chính là câu hỏi mà Chúa muốn đặt ra cho người Kitô hữu. Một người đã được chịu phép rửa tội, được học hỏi giáo lý căn bản của Giáo Hội, chắc chắn phải hiểu “Con Thiên Chúa” theo nghĩa thần học, tức là Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, là Con Đức Chúa Cha, ngang hàng và đồng bản tính với Đức Chúa Cha, đã hiện diện từ muôn thuở. Cách diễn tả “từ muôn thuở” cũng không đúng, mà phải nói rằng không có lúc nào mà không có Thiên Chúa.

Ý nghĩa thần học của “Con Thiên Chúa” là như vậy, nhưng chúng ta có thâm tín vào điều chúng ta tuyên xưng, và chúng ta có sống điều chúng ta tuyên xưng hay không? Nếu chúng ta đã tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa, hãy để Ngài chiếm lấy toàn bộ cuộc sống của chúng ta, cho chúng ta hoàn toàn thuộc về Ngài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT