Đạo và Đời

Tháng 10, Tháng Mân Côi của Giáo Hội Công Giáo

Thursday, 01/10/2020 - 06:44:31

Hàng năm Giáo Hội Công Giáo chọn tháng 10 là Tháng Mân Côi. Vậy Mân Côi là gì? Và sự tích, nguồn gốc và lợi ích của việc lần chuỗi Mân Côi như thế nào?


Bức ảnh “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi.” (Ảnh chụp lại)


Bài THANH PHONG
Hàng năm Giáo Hội Công Giáo chọn tháng 10 là Tháng Mân Côi. Vậy Mân Côi là gì? Và sự tích, nguồn gốc và lợi ích của việc lần chuỗi Mân Côi như thế nào?

Trước hết, Mân Côi (Rosa) dịch ra tiếng Việt là hoa hồng. Còn Rosario phát xuất từ chữ Latinh “Rosarium” có nghĩa là vườn hồng, khóm hồng, tràng hoa hồng hay tín hữu Việt Nam gọi là Kinh Mân Côi. Sở dĩ gọi là tràng hoa hồng hay chuỗi hoa hồng vì nó gồm nhiều hạt. Mỗi hạt là một kinh Kính Mừng. Khi đọc lên có ý nghĩa là dâng những đóa hồng lên Mẹ Thiên Chúa.

Theo tác giả Linh Tiến Khải cho biết, trong các tôn giáo đều dùng chuỗi hạt để cầu nguyện. Phật giáo có chuỗi Mala, Ấn giáo có chuỗi Japa mala. Mala trong tiếng Phạn có nghĩa là vòng hoa. Còn Japa là đọc hay hát hoặc lập lại một mantra hay tên hoặc nhiều tên của các vị thần. Có loại Mala 16, 27, 54 hoặc 108 hạt. Phật Giáo Tây Tạng dùng loại 108 hạt. Hồi giáo có chuỗi Tasbeeh hay Tespih, Misbaha, Sebha hay Subha tùy theo thổ ngữ Ả Rập thuộc các quốc gia khác nhau. Nó gồm loại 99 hạt cộng với 01 hạt hay loại 33 cộng với một hạt. Loại giản lược gồm 34 hạt, người Hồi giáo đọc nó bằng cách xướng lên 99 tên gọi đẹp của Allah để chỉ nhớ tới Thiên Chúa và không nghĩ những gì không phải là Thiên Chúa. Tín hữu Chính Thống giáo có chuỗi Comvoschini, còn Thiên Chúa giáo có chuỗi Mân Côi.

Kinh Mân Côi là kinh phổ quát cho hết mọi Kitô hữu, có lẽ không một tín hữu Công giáo nào không thuộc kinh Mân Côi, vì lời kinh đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung nhưng Kinh Mân Côi là lời kinh diệu kỳ. Đức cố Giám Mục Vũ Duy Thống trong bài viết “Kinh Mân Côi – Lời Kinh Diệu Kỳ” có nhắc đến sự kiện, ngày 16 Tháng 10 năm 1978, trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng sau khi đắc cử Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolo II đã ký thác sứ vụ của ngài cho Đức Mẹ Maria, và giới thiệu Kinh Mân Côi cho toàn thế giới như là “Lời Kinh Diệu Kỳ”. Đức cố GM Vũ Duy Thống cũng viết “Nếu nải chuối buồng cau, đường mía lau xôi nếp một là ca dao tình mẹ ngọt ngào trong văn học dân gian Việt Nam, thì Kinh Kính Mừng quả là lời kinh tuyệt diệu, ngọt ngào tình mẫu tử thiêng liêng giúp ta gặp được Đức Maria cao xa là Mẹ Chúa Trời nhưng vẫn cứ luôn gần gũi với người dương thế cho dẫu phận người hôm nay không đẹp đẽ gì, vì xét cho cùng chỉ là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Chính vì Kinh Kính Mừng đã trở thành lời nguyện tắt mọi nơi, mọi lúc… Kinh Mân Côi chính là một hành trang và phương tiện “bỏ túi” (hoặc đeo tay, đeo cổ) gọn nhẹ giúp thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội. Đức Giáo Hoàng Pio V định nghĩa Kinh Mân Côi như sau: Chuỗi Mân Côi hay sách thánh vịnh của Đức Trinh Nữ Maria rất diễm phúc là một kiểu cầu nguyện rất đạo đức, và là lời cầu dâng lên Thiên Chúa, một kiểu dễ dàng trong tầm tay của tất cả mọi người, bao gồm việc ca ngợi chính Đức Trinh Nữ rất diễm phúc bằng cách lập lại lời chào của sứ thần 50 lần, giống như 50 thánh vịnh của vua Đavít, trước mỗi chục có kinh Lạy Cha với các suy niệm xác định, minh giải toàn cuộc đời Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, việc đọc kinh Mân Côi đã phát triển giữa các thế kỷ XII và XVI và cho đến hiện nay.

Lịch sử Ngày Lễ Mân Côi: Ngày 7 tháng 10 năm 1571 có cuộc giao tranh giữa 206 chiến thuyền với 80 ngàn người Công Giáo do Don John, một người Áo lãnh đạo giao chiến với 320 chiến thuyền và 120 ngàn quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại cảng Lepanto, . Nhờ LM Đominico (1170 – 1221) lập đạo binh Kitô, kêu gọi lần chuỗi Mân Côi cầu xin Đức Mẹ, và phép lạ lạ lùng đã xẩy ra, Hải quân Đô Đốc Don Juan chỉ huy đã chiến thắng đoàn tàu chiến hùng mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ. Đức Giáo Hòang Pio V thuộc Dòng Đa Minh rất sùng kính Kinh Mân Côi, ngài đã lập ra “Lễ Đức Bà Toàn Thắng” vào ngày 7 Tháng 10 hàng năm để ghi dấu chiến thắng nói trên. Sau đó lễ này được đổi tên thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi cũng vẫn mừng vào ngày 7 Tháng 10 hàng năm, và Đức Giáo Hoàng Leô XIII (1878 -1903) đã thiết lập Tháng Mân Côi qua Thông Điệp Supremi apostolates, chọn Tháng 10 hàng năm làm tháng kính Phép Mân Côi. Đức Thánh Cha cũng khẩn thiết nhắc nhở các tín hữu “Không những sốt sắng lần hạt Mân Côi chung với nhau, hoặc riêng tư trong nhà, trong gia đình, và lần hạt luôn mãi, mà còn dâng trọn cà Tháng Mười tận hiến cho Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi.”

Những ơn ích bởi việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi rất nhiều, không thể kể hết được. Chúng tôi chỉ nêu hai sự kiện: Ngày 6 Tháng 8 năm 1945 vào lúc 8 giờ 15 sáng quả bom nguyên tử đầu tiên dội xuống Hiroshima, Nhật Bản. Quả bom nổ chỉ cách nhà thờ Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên của Tu viện Chúa Giêsu chừng 100 mét. Cả nửa triệu nạn nhân tử vong ngay tức khắc, rất nhiều nhà cửa, cao ốc trên hàng dặm đã thành bình địa, nhưng nhà thờ tu viện Chúa Giêsu, nhà Tu Viện Trưởng không hề hấn gì, và bốn linh mục Jesuite ở đó hoàn toàn bình an vô sự, vì lúc bom nổ các ngài đang lần chuỗi Mân Côi.

Trong những lần hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima, Bồ Đào Nha, Đức Mẹ hứa, nếu nhân loại biết cải thiện đời sống, siêng năng lần chuỗi Mân Côi và Đền Tạ Trái Tim Mẹ, Mẹ sẽ cho nước Nga trở lại. Các vị Giáo Hoàng đã liên tiếp kêu gọi giáo dân trên thế giới thực hiện lời nhắn nhủ của Đức Mẹ, cải thiện đời sống, tránh làm điều ác, siêng năng lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày và làm việc đền tạ Trái Tim Mẹ. Lời cầu xin đã được Đức Mẹ nhận lời và chế độ Cộng Sản LIên Xô đã tan rã. Bức tường Bá Linh đã bị kéo đổ để nước Đức được thống nhất. Trong hoàn cảnh dịch bệnh coronavirus đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã sọan ra bản kinh rất khẩn thiết, cầu xin Thiên Chúa cho dịch bệnh mau chấm dứt, trong lời kinh có xin phó thác vào bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria, nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu xin Chúa nhận lời chúng con. Amen . (Viễn Đông đã đăng nguyên văn trong số báo ra ngày 21.8.2020) .

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT