Đời Sống Việt

Thăm thế giới người điên (Gặp “Bill Gates” Việt Nam) Phần 1

Wednesday, 13/01/2016 - 08:01:25

Tình nguyện viên, đồng sự của người quản lý, vẫn ngày đêm cùng họ với tất cả trách nhiệm và tình thương. Nhìn vào đáy mắt của nhân viên mái ấm, tôi thấy rất rõ điều đó.

Phượng Vũ

Đây là lần thứ nhì, tôi đến thăm mái ấm Martino-Đồng Nai, nơi tá túc của những bệnh nhân tâm thần bị gia đình bỏ rơi, lang thang hay không có khả năng điều trị bệnh; trẻ mồ côi; các cô gái rất trẻ lỡ có thai ngoài ý muốn; hoặc người già bơ vơ không nơi nương tựa. Tôi nhớ có 1 lời bài hát nào đó nói rằng “người điên không biết nhớ, người say không biết buồn”, nhưng lúc họ tỉnh lại thì nỗi buồn, nỗi nhớ đó lại gia tăng gấp bội phần. Tôi có chị bạn thân làm ở bịnh viện tâm thần ở Mỹ cho biết mỗi lần sắp tới mùa lễ là chị và các đồng nghiệp lại khốn đốn, khổ sở vì bệnh nhân nhớ nhà đòi về không được nên “quậy” tưng bừng luôn. Ở đời bệnh nào cũng khổ, nhưng bệnh gây hao tốn tiền bạc và đau khổ tinh thần cho người thân lẫn người bệnh chính là bệnh tâm thần. Nó dai dẳng, nhức nhối và là căn bệnh khó trị nhất khiến người nhà rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Nhiều gia đình không kham nổi nên đành bỏ rơi họ đi lang thang đầu đường xó chợ. Nhiều em gái trong hoàn cảnh này đã bị những tên đàn ông vô lương tâm hãm hại, rồi mang bầu, sinh con ra không ai nuôi, gánh nặng dây chuyền cứ thế tăng lên cho xã hội. Trong đầu tôi vẫn còn vương vất cảnh của lần thăm trước cách đây 2 năm, với những cảnh, những người mà BS Phong, hội trưởng Hội Nhân Đức, đã từng ghi lại để chia sẻ với mọi người:

“Dành hẳn một buổi chiều cho mái ấm Martino, tâm sự với nhân viên tình nguyện ở đây, chúng tôi càng khâm phục sự hy sinh và lòng bác ái của họ. Riêng "chủ sị" thuyết minh về hoàn cảnh từng mảnh đời bất hạnh ở đây, mái ấm là nơi hạnh phúc cuối cùng của họ. Im lặng như tờ nếu không có đoàn chúng tôi xuất hiện. Bỗng có tiếng la lớn: Một, hai, ba, bốn! Muôn năm.

Bác sĩ đang khám bệnh

Một cô gái điên gầy gò, đen nhẻm xuất hiện trước mặt tôi miệng luôn hồi kể quá khứ là hoa khôi, kèm theo miệng phun phì phì, bọt mép sùi ra, rồi lả đi. Cô được tình nguyện viên tại chỗ khiêng vào phòng cách ly. Trong căn phòng có song sắt kia, có những tiếng hú của những con thú bị trúng thương dậy lên như một phản ứng dây chuyền.

Chúng tôi được y tá Sơn phụ trách y tế dẫn đi, song cũng chỉ dám đứng giữa sân quan sát. Ngần ngại bởi nhớ lại cái ghế gỗ phang vào đầu khi thời sinh viên thực tập. Nhóm chúng tôi có hai bác sĩ chuyên khoa tâm thần được các "thiên thần tự phong" vây quanh xin thuốc. Đã có nhiều người bị tấn công mang thương tích.Lời dặn dò cẩn thận phòng vệ, chúng tôi thi hành.

Bệnh nhân tâm thần sau hàng rào sắt.



Mùi xú uế đặc trưng của khu tâm thần nặng tại mái ấm, khiến vài bước chân ngại ngần muốn lui ra. Sau những song sắt kia, lấp ló những cái đầu lởm chởm ghẻ, có những đầu khuyết mảnh sọ, những gương mặt phờ phạc mất hồn, đôi mắt đờ đẫn thỉnh thoảng lại ánh lên một tia nhìn hoang dại. Những đứa bé trần truồng thu mình trong góc phòng, có lẽ chúng cố gắng trốn những người xung quanh.

Phòng bên cạnh, có đến hai mươi người rất hung hăng. Người trẻ cho mình là đại tướng bắt nạt ông già, "thằng này láo", bắt xếp vào hàng và duyệt binh. Hỏi ra, thì anh ta từng đi lính.

Có người trông rất khỏe mạnh, chỉ có gương mặt đầy bí ẩn của người trầm cảm là dễ nhận ra nhất.
Tôi đi dọc hành lang, bước chân nặng trĩu, nửa muốn đi nửa muốn dừng. Nhìn mà không thấy gì, cứ loang loáng, bàng bạc, nhoi nhói trước mắt. Những cánh tay gầy guộc thò qua song cửa xin thuốc lá, tiền mua quà. Tiền rách thích, tiền mới được cho là tiền âm phủ. Đến góc sân, có nữ bác sĩ trong đoàn phải quay lui bởi sự tồng ngồng rất con người của bốn người xếp hàng với mục đích là chuẩn bị đi công tác. Bình tâm với câu nhắc nhở "dù sao họ cũng là con người", để mà săn sóc, bấm móng tay, trò chuyện, khám bệnh...

Mỗi người một hoàn cảnh, người bị bẩm sinh, người do sốc, người tai nạn, thương tật trong chiến tranh..., là những tác động quá mức chịu đựng từ gia đình, xã hội.

Ai muốn như thế! Trăm ngàn nỗi khổ, cái khổ nào hơn người bị cô lập với con người, lại khổ hơn khi bị gia đình bỏ rơi vì không kham nổi. Trong lúc tỉnh họ lại gào lên như điên dại. Ở đất nước ta hiện có bao trại như vậy? Xã hội càng nhiễu nhương, càng nhiều bất công, uất ức thì bệnh tâm thần xuất hiện càng nhiều. Cũng như ở bệnh viện tâm thần, bệnh nhân thuộc dạng nguy hiểm phải nhốt phòng riêng vì có hành vi tấn công người khác.”

***

Chúng tôi đến mái ấm Martino vào khoảng hơn 10 giờ sáng. Xe chạy vào một hẻm lớn và tiến vào đậu tại một sân tráng xi măng khá rộng. Bước xuống xe nhìn cảnh chung quanh thoáng mát sạch sẽ, những cây thông trang trí đón mừng Noel dọc theo lối đi, tôi ngạc nhiên không biết mình có bị lầm lẫn không?Tôi nhớ rõ trong email mời tham dự BS Phong đã nói rõ là đoàn sẽ trở lại thăm hai mái ấm tâm thần Martino và Đức Trọng. Tôi vội hỏi 1 người trong đoàn:
“Đây có phải là Mái Ấm Martino không?”
“Đúng rồi!”

Vậy thì chiếc đũa thần nào đã hóa phép tiên để biến đổi mái ấm Martino lần trước chật chội, nhếch nhác, tồi tăm, bẩn thỉu hôi hám trở thành một cơ sở khang trang sạch sẽ, ngăn nắp, tươm tất và đẹp đẽ lịch sự đến thế này? Đoàn được các thầy phụ trách ra mời vào một phòng gần đó, mọi người xúm nhau khiêng các thùng thuốc và dụng cụ xuống, rồi đến những thùng sữa, bánh làm quà. Một dãy bàn dành cho BS khám bệnh và bệnh nhân ngồi, một bàn rộng khác phía sau dành cho việc phát thuốc cho bệnh nhân theo toa bác sĩ. Có rất nhiều ghế nhựa để sẵn cho bệnh nhân ngồi chờ để được khám bệnh. Ai vào việc nấy, tôi phải theo sự phân công để làm việc nhưng trong đầu tôi câu hỏi lớn lúc nãy vẫn chưa có câu trả lời. Ngoại trừ có người cho biết Mái Ấm Martino đã chuyển về đây được hơn 1 năm, từ khi có cơ sở mới này. Thôi thì tạm để đó lo làm việc. Tôi bỗng nghe một bà lão trả lời thật to: “84 tuổi” khi BS hỏi tên bà là gì, và với câu hỏi nào bà cũng vẫn có 1 câu trả lời giống nhau: “84 tuổi”. Sau phải có thầy phụ trách đến gần kê vô lỗ tai bà để nói chuyện, lúc đó BS mới có thể chẩn bệnh cho bà được.

Ở nơi này bệnh nhân có nhiều dạng: có những người già không còn thân thân bơ vơ không ai nuôi, có những trẻ mồ côi bị bỏ rơi bên đường, có những người tâm thần không nói được tên tuổi của mình. Có nhiều người ngồi xe lăn, có người chống gậy, có người cần người khác dìu đi. Có những người sắc tộc không biết nói tiếng kinh. Nhiều cảnh đời khác nhau với những nổi bất hạnh khác nhau quy tụ về đây trong mái ấm này với một nỗi đau chung là họ đều bị Hạnh Phúc quay lưng, bỏ rơi họ. Cuộc đời họ rơi vào chốn tối tăm tuyệt vọng, họ là những người đang cần tình thương nhiều nhất để vượt qua, để đứng lên...

“Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm, yêu cho nồng nàn”

Và may quá đã có những tấm lòng vàng cưu mang giúp đỡ họ. Ngoài sân một số người tâm thần nhẹ đang phụ loay hoay khiêng và sắp xếp những cục gạch to chuẩn bị làm hang đá để đón mừng Chúa Giáng Sinh. Nhìn toàn cảnh trung tâm sáng sủa, sạch sẽ thật là “một trời, một vực” với hình ảnh mái ấm Martino mà tôi đến thăm lần trước. Điều hành một trung tâm lớn như thế này không phải là chuyện đơn giản, phải có một tấm lòng thương người rộng lớn và phải có nhiều tiền để lo cho khoảng 160 người vừa ăn uống, vừa thuốc men trị bệnh, không phải là con số chi tiêu nhỏ hằng tháng. Tôi đã từng đọc những ước tính về chi phí mà BS Phong đã ghi lại khi nói về mái ấm Martino cũ:

“Thuốc men thiếu trầm trọng trong khi cái ăn cái mặc luôn thiếu. Chúng tôi tính nhẩm: mỗi mũi thuốc cho cơn cấp tính không dưới 50 ngàn. 120 con người lên cơn hàng loạt bất kể ngày đêm, chưa kể bệnh khác. Thuốc men có thể lên đến 30 triệu/ tháng. Thỉnh thoảng có vài đoàn từ thiện đến thăm, quà cáp cũng chỉ như muối bỏ biển, chúng tôi cố gắng duy trì cung cấp thuốc men. Lấy an ủi làm chính: "tinh thần còn hơn vật chất"!

Để có lương thực cho tất cả con người ở đây, thầy Hoàng tổ chức nuôi heo, gà,trồng rau, củ; gạo thì đi xin.

Vừa nghe thầy Hoàng kể chuyện, tôi nhìn vào góc phòng, họ đón nhận cái nhìn một cách hờ hững vô cảm. Nhưng, sự im lìm của bản năng ấy chỉ nhất thời. Cứ để họ ra ngoài đường phố xem, bao nhiêu người là nạn nhân của họ? Chính vì nghĩ như vậy, tôi thực sự khâm phục tình nguyện viên tại Martino đã gánh chịu tất cả vào mình, để cho xã hội yên ổn, người tâm thần bỏ rơi được nương nhờ.

Sống giữa cuộc đời đông vui, giữa những người bình thường đã có bao nhiêu vấn đề nảy sinh. Huống chi đây lại là sống giữa những người không biết làm chủ chính suy nghĩ của mình.Quỷ sứ đã cướp đi phần hồn của họ, chỉ còn thân xác đành gửi vào mái ấm này đây.

Tình nguyện viên, đồng sự của người quản lý, vẫn ngày đêm cùng họ với tất cả trách nhiệm và tình thương. Nhìn vào đáy mắt của nhân viên mái ấm, tôi thấy rất rõ điều đó.

Khi bệnh nhân vơi bớt, tôi hỏi thăm 1 thầy phụ trách đẩy các bệnh nhân ngồi xe lăn từ phòng ở lên phòng khám bệnh thì thầy cho biết ở đây hiện có 5 thầy thuộc dòng Anh Em Bác Ái được Bề trên gửi tới đây làm việc thiện nguyện từ khi cơ sở này được thành lập nhằm giúp điều hành các bệnh nhân ở trung tâm, rồi thầy lại bận rộn với các bệnh nhân khác nên tôi không hỏi tiếp được.

Tôi đi ra sân và lần theo hành lang sạch sẽ để xuống thăm các phòng, các bệnh nhân ngồi chơi ngoài sân cười chào hỏi vui vẻ. Tôi thấy phòng nào cũng ngăn nắp có từ 8 -10 giường, có tủ đựng quần áo. Ngoài hành lang thoáng mát có treo 1 tivi lớn để mọi người xem giải trí và nghe tin tức, như 1 cầu nối với xã hội bên ngoài. Có nhiều băng ghế đá và có 1 vườn cây xanh.

BS Lâm, người đã cùng tôi đi chung nhiều chuyến từ thiện đợt trước, sau khi khám bệnh xong ra ngoài, cùng đi với tôi xuống khu cuối cùng, nơi có hàng rào thép bao bọc dành cho những bệnh nhân tâm thần nặng. Tôi quan sát thấy họ nằm ngồi ngổn ngang, có người ngồi “bắt chí” cho nhau có, người nghêu ngao hát. Khi thấy chúng tôi đến gần họ bu lại hàng rào để xin thuốc lá. BS Lâm trở lên phòng lấy mấy gói thuốc lá xuống phát cho họ. Những bàn tay thò ra qua lỗ hàng rào để xin thuốc lá, sau đó họ hút ngon lành. Tôi thắc mắc sao hút thuốc lá có hại cho sức khỏe mà lại cho họ hút? BS Lâm cười:
“Tội nghiệp, đời họ còn gì nữa đâu, thì thôi hãy để cho họ hưởng trong chốc lát những gì họ thích!”
Thì ra chân lý cuộc đời, đôi khi phải biết linh động chứ không phải lúc nào cũng thẳng đường mà đi. Tôi hỏi thăm BS Lâm:

- Em có biết chủ nhân cơ sở này là ai? Có phải do chính quyền thành lập không? Sao mà khang trang, lịch sự quá!

Lâm cười nhạt:
- Cô ơi, nếu chính quyền biết lo cho dân, thì những đoàn từ thiện như mình đâu phải lo xin tiền tài trợ, rồi vất vả ngược xuôi, để giúp hỗ trợ phần nào cho các cơ sở này. Chính quyền còn lo để dành hằng chục, hằng trăm tỷ để xây dựng những tượng đài hoành tráng hầu phô trương “đất nước ta giàu đẹp”. Em chỉ biết đây là một cơ sở hoàn toàn do tư nhân phụ trách.
- Em có biết làm cách nào để mình được gặp ông chủ?

- Em lên cơ sở mới này vài lần rồi, nhưng chưa bao giờ được gặp ông chủ, chỉ biết ông là 1 người rất tốt bụng, lo và thương cho người nghèo hết lòng. Gặp được ông rất khó, vì ông lúc nào cũng bận rộn với bao công việc để kiếm tiền lo cho người nghèo.

Nghe những lời giới thiệu của Lâm về ông chủ, tôi lại càng ao ước muốn gặp ông. Có một điều rất lạ kỳ, tôi nghiệm đã xảy ra rất nhiều lần là khi tôi ước muốn một điều gì tốt thì tôi luôn được đáp ứng. Như mới đây tôi ước muốn tìm thăm quán cơm từ thiện gần nhà, vậy là trưa đó tự dưng bước chân tôi đi về nhà theo lối khác và tôi đã gặp được quán cơm từ thiện. Tôi thấy 1 ông ngồi xe lăn, 2 ống chân như 2 que củi, mắt đang rướm lệ đang đòi đi về nhà vì nhớ nhà. Một thầy tới gần an ủi,

“Ông chịu khó đợi mấy hôm nữa, sát lễ Noel rồi trung tâm sẽ có người đưa ông về.”
Tôi hỏi,
“Ông đòi về nhà, nhưng làm sao biết đường mà đòi về.”
Thầy đáp,
“Nhà ông gần đây, nên ông biết đường về, nhưng con cháu vất vả cả ngày đi làm ăn, không ai chăm sóc ông. Ông thuộc loại tâm thần nhẹ nhưng để ông lang thang một mình có thể gặp nguy hiểm”.

Sẵn dịp tôi lại hỏi thăm về ông chủ, thầy cho biết ông chủ là người có lòng bác ái thương người rất hiếm có, một lát khi về, ra đầu ngỏ, cô nhìn sang phía bên kia đường sẽ thấy 1 căn nhà cũ kỹ, xấu xí lọt thỏm giữa những căn nhà xây cất to lớn, bề thế chung quanh, đó là nhà ông chủ. Nhiều người thắc mắc sao ông không lo xây nhà đẹp cho ông ở trước, rồi hãy lo xây trung tâm cho người nghèo ở, thì ông mỉm cười trả lời “Tôi ở vậy lâu cũng quen rồi, không cần thiết phải đập ra xây cái mới, để dành tiền xây trung tâm cho người nghèo, vì họ ở đông hằng trăm người lại ốm đau bệnh tật nên cần phải xây khang trang sạch sẽ thoáng mát để họ ở thoải mái, bớt buồn chán vì cuộc đời đầy bất hạnh của họ. Hơn nữa đối với những người tâm thần môi trường sống thoải mái rất cần cho việc chữa trị tâm bệnh cho họ.”

Càng nghe những người chung quanh nói về ông, tôi càng thêm ngưỡng mộ ông, đối với tôi ông là một tỷ phú về tình người, một “Bill Gates” Việt Nam với lòng thương người nghèo, bất hạnh quá bao la. Đúng là một con người sống quên mình để nghĩ đến tha nhân.Tôi thầm nghĩ ông Ngữ thật là 1 người quá tốt, quá nhân ái, có lẽ còn hơn Bill Gates, tuy ông không giàu có bằng Bill Gates, nhưng tấm lòng thương yêu và lo cho người nghèo của ông có thể “giàu có” hơn Bill Gate. Bill Gate lo cho người nghèo, nhưng nhà ở của Bill Gate chắc cũng sang trọng và đầy đủ tiện nghi hiện đại để ông enjoy cuộc sống hằng ngày, chứ không phải là ngôi nhà xấu xí giữa những ngôi nhà sang trọng chung quanh. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, nơi mà con người càng ngày càng sống vô cảm với đồng loại, thật là trân quý khi có một con người thành tâm lo cho ngươi nghèo khổ. Qua việc làm đó, ông đã đóng góp rất nhiều cho xã hội, cho quê hương, làm sao mà tôi không ngưỡng mộ ông được. Tôi hỏi tên ông chủ, thầy chạy đi lấy và đưa cho tôi 1 danh thiếp;

Cơ sở BTXH Nhân Ái, nơi nuôi Người già neo đơn, Tâm thần, Mồ côi.
Giám đốc: Phạm văn Ngữ. Đ.C. 166/4 Bạch Lâm - Gia Tân 2 - Thống nhất - Đồng Nai
ĐT: 0981.742.609 Mail: cosonhanaibachlam@gmail.com.
Tôi cám ơn và hỏi câu chót:
“Làm sao gặp được ông chủ?”
Thầy nhìn quanh và nói nhỏ:
“May quá, ông mới vô và đang ngồi ở ghế đá noi chuyện với khách nơi hàng hiên kia.”
Tôi nhìn theo hướng thầy chỉ, thấy có 2 người đàn ông, 1 người ăn mặc trông lịch sự, giày da, kiếng mát trông có vẻ Giám Đốc, người còn lại mặc giản dị, bình dân hơn. Tôi hỏi:
-Người nào?
Hình như thầy đọc được ý nghĩ trong dầu tôi,
“Không phải cái ông có vẻ giám đốc đâu, cái ông mặc giản dị đó!”
Đoàn đã hoàn tất công tác, để lại những thùng thuốc cho các bệnh nhân, và các thùng quà bánh, những thùng sữa tươi và những thùng đựng áo khoác mùa đông cho các bệnh nhân, và đang chuẩn bị lên đường.Tôi hơi bối rối vì ông đang tiếp khách, nhưng thời giờ không còn, nên tôi cứ đành tiến về phía ông ngồi. Hình như ông hiểu ý tôi muốn gặp, nên vội đứng dậy mỉm cười thân thiện và tiến tới chào.
(còn tiếp)
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT