Đời Sống Việt

Thăm "Pink City" ở Ấn Độ

Wednesday, 31/05/2017 - 07:45:41

Vì quan niệm này mà tôi vẫn thich đi chu du đó đây khi còn có thể. Và hôm nay khi chu du Ấn độ tôi lại sắp được đi thăm “Pink City.” Nghe cái tên “thành phố Hồng” dễ thương là đã thấy cảm tình rồi

Bài PHƯỢNG VŨ

“Mưa Hồng” là một trong những bài hát của Trịnh công Sơn mà tôi rất thích, vì màu Hồng vốn là màu tôi yêu từ khi còn nhỏ cho tới tận bây giờ. Ngay câu mở đầu bài “Mưa Hồng” tác giả đã vẽ lên một bầu trời trẻ trung: “Trời ươm nắng cho mây hồng” và câu kết bài lại gợi lên một quan niệm sống lạc quan cho tuổi hoàng hôn: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.”



Vì quan niệm này mà tôi vẫn thich đi chu du đó đây khi còn có thể. Và hôm nay khi chu du Ấn độ tôi lại sắp được đi thăm “Pink City.” Nghe cái tên “thành phố Hồng” dễ thương là đã thấy cảm tình rồi

Sau gần một ngày rong ruỗi, gần 4 giờ chiều chúng tôi tới Jaipur - Pink city. Có lẽ Jaipur là thành phố cổ xưa duy nhất được xây theo lối kiến trúc của một đô thị buôn bán, bao quanh bằng những tường thành cao và những đường phố rộng lớn. Đúng như tên gọi “Pink City,” sắc hồng của đá hoa cương phủ khắp những con phố của Jaipur với những cửa hàng được xây bằng đá hoa cương hồng và nhìn đâu cũng thấy màu hồng kể cả chân cầu xa lộ, cũng được sơn màu hồng. Điều đáng nói là dân chúng có vẻ bình dân nhưng tuyệt nhiên không thấy một nét vẽ bậy nào trên những bức tường màu hồng đó!



Tới Sheraton Hotel, chúng tôi được các cô lễ tân với y phục truyền thống Ấn độ chào đón bằng lối chắp tay chào “Manasta” (God in you), rồi bôi trên trán mỗi người một vết đỏ. Sau đó chúng tôi nhận phòng, tắm rửa nghỉ ngơi và hẹn một giờ sau gặp lại nhau để xe chở đi phố shopping. Khi gặp nhau lại, tắm rửa rồi ai cũng có vẻ tươi mát hơn, nhưng đều cố gắng giữ lại vết đỏ, vết hồng trên trán như lưu dấu cái gì đó của xứ Ấn hay là của Pink city.

Dọc đường xuống phố đi ngang một quảng trường chúng tôi nhìn thấy cảnh hằng ngàn con chim bồ câu đậu kín hoặc hàng trăm con đậu trên vòng xoay giữa đường và trên sân rộng. Một hình ảnh hòa bình thân thiện giữa người và chim sống chan hòa bên nhau, chim không có vẻ gì sợ con người. Nhưng hình ảnh vui nhất làm tôi nhớ lại cảnh quảng cáo của các đoàn hát ở Saigon năm xưa, khi nhìn thấy một đoàn người gồm đàn ông, đàn bà, trẻ con với sắc phục màu mè vừa đi vừa gỏ trống ca hát tưng bừng làm huyên náo vui vẻ cả một khu phố, theo sau một xe chạy chậm có treo hình ảnh vở hát 2 bên. Khi gặp du khách họ vẫy tay chào cười toe xem ra có vẻ rất thân thiện.



Đến khu chợ chúng tôi thấy có quá nhiều gian hàng, chia ra từng khu: bán giày dép, quần áo, thực phẩm khô, hương vị. Có nơi đề “Fix Price” (giá nhất định), nhưng có nơi trả giá thấp vẫn bị hớ. Mọi người túa nhau đi mau sắm, và tha hồ trả giá mà không sợ phiền hà chi vì người bán hàng rất hiền.

Sau đó, trên đường về lại hotel chúng tôi gặp một đoàn người thật đông đi kéo dài trên đường phố, hình như họ kỷ niệm ngày lễ gì đó. Họ đi theo lớp lang có voi đi mở đầu, rồi có cả ngựa, rồi đoàn kèn trống ầm ỉ. Tiếp theo là nhóm nam, rồi tới nhóm nữ mặc y phục Ấn độ màu đỏ, đầu đội nồi đồng có hoa. Hình như người dân Ấn nghiêng về đời sống tôn giáo nhiều hơn, họ có nhiều lễ hội tôn giáo. Chẳng thế mà có đến hơn một nửa dân số Ấn Độ là người ăn chay trường hay thường xuyên ăn chay. Đời sống họ tuy nghèo nhưng có vẻ hiền hòa và lương thiện.



Tối đó tại hotel, lâu lắm đoàn mới được ăn một bữa buffet ngon miệng, vì có nhiều món ngon và có cá. Ăn xong ra ngoài còn được xem múa rối, họ điều khiển con rối thật tài tình. Con rối múa đủ kiểu từ đàn ông quay lại đã hô biến thành đàn bà, rồi nhào lộn thật ngoạn mục nhất là màn gọi con rắn bò ra ngóc đầu quay tới quay lui làm tôi nhớ chuyện sợ tiếng sáo gọi rắn ngày xưa khi còn bé.



Sáng hôm sau chúng tôi lên đường đi thăm Pháo Đài Amber, cố đô của Liên Bang Ấn trước năm 1728. Pháo đài này được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng và đá sa thạch đỏ. Điểm hoàn hảo cho pháo đài Amber chính là vị trí toạ lạc trên đồi cao, phản chiếu hình ảnh mỹ lệ xuống hồ Maotha xanh biếc. Pháo đài Amber được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2013).

Điều thú vị là hướng dẫn viên (HDV) cho biết chúng tôi sẽ được cưỡi voi, 2 người/ 1con để đi lên thăm pháo dài Amber. Thật là “exciting,” chúng tôi xếp hàng dài để đợi tới lượt leo lên các bậc thang và đứng nơi góc cao của pháo đài cổ, voi đứng phía dưới thung lũng. Các chú voi cũng được khoác áo màu sặc sỡ (kiểu voi Hoàng Gia), trên mặt và tai cũng được “vẽ vời” hoa lá cành cho nhan sắc thêm phầm diễm lệ! Trên lưng là một tấm thảm dầy cho hai du khách ngồi thoải mái và có sợi dây nhỏ chung quanh để du khách có thể vịn vào đó cho an tâm. Voi có đánh số và cũng xếp hàng để tới lượt phục vụ và chúng rất biết nghe lời các chú nài voi.
Tụi tôi thích quá, nhưng không biết làm sao nhờ ai chụp hình được? Nhưng đúng là “lo bò trắng răng” vì voi vừa đi được một đoạn thì dọc theo sườn đồi các thợ chụp hình đã đứng sẳn và la lớn tiếng nhắc chúng tôi nhìn vào máy hình, để họ bấm lia lịa. Bấm xong họ la lớn tên của họ: “Vicky,” “John”... Ngồi chễm chệ trên lưng voi đủng đỉnh đi lên đồi cao, tiến lên pháo đài cổ thật oai phong. Ngửa mặt hưởng gió mát và cảm nhận được rõ ràng hơn vẻ đẹp của bầu trời xanh với mây trắng lang thang trên đầu. Nhìn xuống phía dưới thành phố với cảnh sắc mê hoặc của hồ Maotha xanh rờn xa xa thật tuyệt. Ôi đời chu du đây đó đầy vui thú còn lúc nào thích hơn? Hình ảnh từng đoàn voi với sắc màu sặc sỡ nối đuôi nhau đi lên thành phố cổ xa xa trông vừa đẹp uy nghi lại vừa lãng mạn.



Khi xuống voi rồi, mọi người xúm nhau mua “nón India” có người gọi là “khăn” hay “rế” đội lên đầu. Trông ai cũng giống India thứ thiệt, vậy là lăng xăng lo chụp hình cho nhau, hết nhóm này tới nhóm kia. Thật vui, chẳng ai còn màng tới HDV giải thích sự tích hay lịch sử của pháo đài nữa. Các thợ chụp hình xúm nhau đi tìm khách hàng để giao hình. Ai nhìn hình mình cưỡi voi cũng thấy thích thú, thật là một chuyến đi đầy thú vị!
Buổi chiều trong khi chờ mọi người ra đông đủ, các người bán hàng lên xe mời mua những món hàng với giá tự động bớt 50%, (so với giá mới mua lúc nảy). Vậy là tha hồ mua khỏi cần trả giá. Ở đây người nghèo và ăn xin khá nhiều, hình như ở đâu cũng vậy, cái nghèo đói và cái sung túc luôn nằm kề bên nhau. Tôi đi để biết và... để thấy chẳng xã hội nào giống xã hội nào! Nhưng ở đây tôi có cảm tưởng hình như dù nghèo họ vẫn sống trong sự an bình, có lẽ niềm tin tôn giáo đã giúp họ điều này chăng?

Sau đó chúng tôi đi vào trung tâm thành phố để đi thăm biểu tượng của Jaipur là cung điện Hawa Mahal. Cung điện còn được mệnh danh là “Cung Điện Gió,” vì được thiết kế để đón các luồng gió thổi vào mọi ngóc ngách trong cung điện. Cung điện Hawa Mahal nhìn từ phía ngoài, trông giống như một tổ ong khổng lồ màu hồng với hàng ngàn cửa sổ nhỏ được trang trí, chạm trổ tinh tế đến từng chi tiết. Đi vào bên trong mới thấy cung điện thật rộng lớn mênh mông, chia ra làm nhiều khu khác nhau. Quả cung điện là hình ảnh đại diện cho sự giàu sang và phồn thịnh của hoàng gia Ấn Độ ngày xưa. Bây giờ tất cả đã trôi vào quá khứ, chỉ còn là nơi thu hút khách du lịch tới thăm, khiến tôi chợt nhớ tới hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quang:



“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
Ra ngoài, thấy đường phố ở Jaipur còn nhuốm màu ngộ nghĩnh với đủ loại động vật trở thành phương tiện chuyên chở như voi, bò và lạc đà lẫn lộn với xe đạp, xe lôi, xe bus... tạo cho du khách được ngắm những hình ảnh thật thú vị của sự hòa đồng pha trộn xưa và nay qua các phương tiện chuyên chở. Đó là điểm đặc biệt có lẽ không bao giờ thấy ở những nơi khác.

Buổi tối chúng tôi có Dinner show mọi người đều mặc thật đẹp. Khi đoàn khách tới cổng bỗng nghe trống “welcome” nổi lên dồn dập. Hai cô gái Ấn xinh đẹp trong bộ trang phục truyền thống tung cánh hoa hồng chào đón và bôi vết đỏ trên trán cho mỗi người. Bỗng nhiên chúng tôi cảm tưởng mình trở thành VIP. Hai dãy bàn dài trải khăn trắng được xếp trong sân, tiệc buffet diễn ra ngoài trời.

Gần đó là một sân khấu nhỏ, khi thực khách bắt đầu ăn được một lát thì hai cô thay phiên nhau lên múa những vũ điệu cổ truyền của Ấn. Các cô người thì nhỏ mà đội những cái nồi thật to mà còn múa may, rồi vừa múa vừa chất nồi lên thêm 2, 3, 4 cái, làm chúng tôi hồi họp chỉ lo nồi bị rớt xuống. Sau cùng các cô xuống mời chúng tôi lên tham gia múa với các cô cho vui. Lúc đầu mọi người còn e ngại, nhưng khi đã có vài người lên rồi thì cả đám tự động lên theo, cứ nhìn các cô múa tay chân thế nào thì bắt chước y như thế.
Vậy mà hóa ra vui quá. Ai nấy hồn nhiên múa theo “cô giáo” như các bé “mầm non” rồi tha hồ cười thoải mái. Ra về ai cũng cảm thấy khung cảnh các nhà hàng khác nhau cho chúng tôi những không gian mới và những phong cách thưởng thức cuộc sống đa dạng, phải nói là rất thú vị.

Agra - Taj Mahal

Hôm sau chúng tôi lên đường đi Agra, đường đi khá xa nên phải tốn gần cả ngày. Do đó dọc đường HDV cho chúng tôi dừng chân đi thăm một làng nhỏ cổ truyền của người Ấn. Nơi đầu tiên chúng tôi ghé vào là một chái nhà nhỏ để xem một cụ già làm đồ gốm ở ngoài sân. Với hai bàn tay khéo léo, cụ véo một chút đất sét rồi lấy tay rẩy chút nước, xong cho lên cái bàn quay tít, rồi nặn, vuốt và một lúc sau cho ra những cái chén, lọ thủ công với đủ cỡ lớn, nhỏ khác nhau.

Ra ngoài thấy cả một gia đình Ấn đi trên đường làng tôi ngỏ ý muốn chụp hình chung với họ, không ngờ họ vui vẻ nhận lời mà còn réo gọi những người đứng gần đấy tới chụp chung cho vui. Họ thật thân thiện và dễ mến làm sao, hình như càng nhà quê càng chất phác người ta càng đôn hậu, cởi mở. Thành thử bên trong những khu xóm nghèo rách nát, bẩn thỉu lại là những tâm hồn dễ thương, lạc quan và yêu đời

Đi vào phía trong làng mọi người đang bu quanh một anh còn khá trẻ ngồi ở hàng hiên với cái lò rèn nhỏ trước mặt đang làm những chiếc vòng đeo tay xinh xắn. Tôi thấy anh lấy một miếng nhựa rồi cho vào lò để nóng mềm ra, rồi kéo ra lăn tròn như lăn kẹo kéo, rồi cuộn nó lại thành hình tròn. Bỏ vô lò nung cho dính lại, rồi lấy ra bỏ vòng sắt vô giữa nướng lại, lấy ra bỏ vô thau nước kế bên. Xong vớt ra lau chùi và bây giờ nó trở thành một vòng đeo tay bóng bẫy với những vân màu sắc lấp lánh. Tôi hỏi mua với giá 100 rupee ($1.50), đeo vào tay mà vẫn còn ấm. Vậy là có kỷ niệm về một chiếc vòng “Made in India” mà chính mắt mình trông thấy người thợ làm ra còn nóng hổi.

Nhân nói tới “Made in India,” tôi mới nhớ tới tất cả các hotel tôi đi qua trên đất Ấn những đồ dùng trong hotel ngay cả khăn, bàn chải, kem đánh răng, dầu gội đầu, dầu tắm... đều là “ Made in India.” Vậy là Ấn nhất quyết không xài đồ China, tinh thần độc lập quốc gia của họ xem ra vững vàng, như việc họ chấp nhận cho Đức Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong trên đất Ấn từ 1959 dù China cực lực phản đối

Sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường đi thăm một công trình kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới của Ấn độ. Đó không phải là đền thờ, chùa hay dinh thự mà lại là ngôi mộ của một phụ nữ - lăng mộ Taj Mahal, một trong bảy kỳ quan của thế giới. Lăng này do vua Shah Jahan xây dựng thế kỷ 17 để tưởng nhớ người vợ thứ ba, hoàng hậu Mumtaz Mahal. Bà đã qua đời khi sinh đứa con thứ 14 của họ ở tuổi 40. Công trình này được xem là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu và thơ mộng. Sau này khi qua đời, Shah Jahan được đưa vào Taj Mahal và an nghỉ cạnh người vợ yêu dấu.

Khi vào lăng mọi người phải đi qua cổng security khám rất kỹ, không được đem theo thức ăn, nước uống, hay vật nhọn (kể cả bút nguyên tử) cả son nữa, vì họ sợ du khách vô lăng viết hay vẽ trên tường làm dơ bẩn lăng. Khi vào bên trong mới thấy hết công trình to lớn tráng lệ, rộng đến 17 mẫu của lăng. Rộng là thế nhưng du khách lô nhô khắp nơi, đa số đều lo chụp hình làm kỷ niệm. Lăng nằm uy nghi bên bờ sông Yamuna thơ mộng. Mộ của vua và hoàng hậu được đặt trong phòng lớn ở tầng hai và được trang trí bằng đá quý nhiều màu sắc với họa tiết được chạm khắc cực kỳ tinh xảo, trang nhã trên nền cẩm thạch trắng. Taj Mahal hoàn toàn tự hào khi là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Taj Mahal lung linh giữa bầu trời xanh như một viên ngọc quý diễm lệ, thanh khiết và trở thành một trong những di sản văn hóa nổi tiếng nhất của Ấn Độ.
Khi ra về chúng tôi lại chia nhau ngồi trên các xe nhỏ để ra xe bus, các em bé bán hàng lại bu theo mời mua đủ thứ kỷ niệm về lăng. Khi xe chạy thì một bà Mỹ ngồi trên xe vội la lên là bà đã đưa tờ 500 rupee cho một em bán hàng nhưng chưa kịp lấy 400 rupee tiền thối lại. Mọi người trên xe nghe vậy vội góp tiếng: “Kinh nghiệm khi mua bán trên xe là mình phải lấy đủ tiền thối lại, rồi mới đưa tiền lớn cho nó.”

“Vậy là coi như mất toi rồi, có khi xe không chạy nhưng nó đã chạy biến thì làm sao mình xuống xe đuổi kịp, bọn nó nghèo quá mà.”

Mỗi người góp một câu lao xao rút kinh nghiệm. Khi xe chạy ra tới đầu đường ngừng lại chờ đèn đỏ thì bỗng nghe tiếng đập vào cửa ầm ầm, mọi người nhìn ra thì thấy con bé hớt ha, hớt hãi chạy theo xe, thở không ra hơi, đập cửa để đưa lại tiền thối cho bà Mỹ. Thấy tội nghiệp quá bà Mỹ cho lại 100 rupee, nhưng con bé lắc đầu không lấy và chắp tay cúi chào “Manasta.”

Những tiếng lao xao trên xe bỗng im bặt, cảm thấy ngượng ngùng vì đã vội vàng phán xét về nhân cách của một em bé chỉ vì em nghèo. Hình ảnh bé gái đó ghi dấu ấn trong tôi bởi em đã thể hiện tinh thần “nghèo cho sạch, rách cho thơm.” Viên ngọc quý diễm lệ, thanh khiết tôi mang theo khi kết thúc chuyến đi thăm Ấn độ không phải là nét đẹp của Taj Mahal, mà chính là nét đẹp nhân cách của một bé gái nghèo mà tôi chưa kịp biết tên. Cám ơn em đã giúp tôi gia tăng niềm tin vào điều Thiện nơi con người. (pv)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT