Thế Giới

Thái Lan đồng ý xây đường xe điện nối Trung Quốc

Tuesday, 11/07/2017 - 09:04:36

Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu chính phủ quân sự Thái Lan, đã ban hành 1 sắc lệnh vào tháng trước, mở đường cho việc thực hiện dự án. Thái Lan sẽ chịu toàn bộ chi phí xây dựng.




BANGKOK – Chính phủ Thái Lan hôm thứ Ba đã thông qua việc xây dựng phân đoạn đầu tiên của dự án đường xe điện cao tốc, trị giá $5.2 tỷ Mỹ kim. Dự án này đã từng bị trì hoãn khá lâu trước đây. Đường xe điện là một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, và sẽ được nối với các thành phố của Trung Quốc trong tương lai. Dù Trung Quốc chỉ hỗ trợ kỹ thuật cho dự án, nhưng phản ứng của chính quyền Thái Lan được cho là dấu hiệu tốt cho Bắc Kinh, trong bối cảnh việc lập mạng lưới đường sắt cao tốc trên khắp Đông Nam Á đang gặp nhiều trở ngại.
Theo kế hoạch của Trung Quốc, các đoàn xe điện sẽ khởi hành từ thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, đi về phía nam, xuyên qua các nước gồm Lào, Thái Lan, Malaysia, đến Singapore. Việc xây dựng tại Lào đã bắt đầu vào cuối năm ngoái. Một buổi lễ khởi công đã được tổ chức tại Thái Lan vào năm 2015, với sự tham dự của các phó thủ tướng Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, dự án sau đó bị trì hoãn vì hai bên mâu thuẫn về tài chính, các điều khoản vay nợ, và các đạo luật bảo vệ công nhân.
Đại diện văn phòng thủ tướng Thái Lan hôm thứ Ba cho biết, nội các chính phủ đã cho phép thực hiện giai đoạn 1 của dự án, bao gồm đường xe điện từ Bangkok đến Korat, dài 250 cây số, trị giá 5.2 tỷ Mỹ kim, dự kiến xây dựng trong 4 năm. Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu chính phủ quân sự Thái Lan, đã ban hành 1 sắc lệnh vào tháng trước, mở đường cho việc thực hiện dự án. Thái Lan sẽ chịu toàn bộ chi phí xây dựng.

Ấn muốn lập quan hệ chiến lược với Nhật, Việt
SINGAPORE – Trong thông điệp mới nhất gởi tới các nước Đông Nam Á, chính phủ Ấn Độ cho biết nước này muốn gia tăng quan hệ chiến lược với Việt Nam và Nhật Bản, nhằm thể hiện một vai trò năng động hơn đối với các nước láng giềng. Thông điệp này được đưa ra bởi Ngoại Trưởng Ấn Độ Jaishankar, tại một diễn đàn ở trường Đại Học Lý Quang Diệu ở Singapore, khi ông nói về chủ đề Ấn Độ, Đông Nam Á, và sự thay đổi của nền chính trị thế giới.
Ông Jaishankar cho biết, Ấn Độ muốn hợp tác với Việt Nam về nhiều mặt như kinh tế, phát triển xã hội, và an ninh. Ông cũng thêm rằng, Nhật Bản đang dần dần trở thành một đối tác chiến lược đặc biệt của Ấn Độ, vì 2 nước có nhiều điểm tương đồng trong chính sách toàn cầu. Bài nói chuyện của Ngoại Trưởng Ấn Độ xuất hiện giữa lúc nước này và Trung Quốc đang có mâu thuẫn biên giới, và diễn ra không lâu sau cuộc gặp giữa Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tại thủ đô Washington.
Tuy không phải là đồng minh, nhưng Hoa Kỳ đã gọi Ấn Độ là đối tác quốc phòng quan trọng. Trong tuần này, Ấn Độ, Hoa Kỳ, và Nhật Bản, đã thực hiện cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay tại vùng vịnh Bengal. Xung đột giữa Bắc Kinh và New Delhi xảy ra khi Ấn Độ giúp quân đội Bhutan ngăn cản công nhân Trung Quốc, khi những người này định xây 1 con đường trong khu vực được Bhutan tuyên bố chủ quyền, và gần sát với 1 khu vực thuộc lãnh thổ Ấn Độ. Trung Quốc đã yêu cầu rằng, Ấn Độ phải rút quân trước khi muốn đàm phán bất cứ điều gì về xung đột biên giới.

Tàu, Nga tập trận chung trên Địa Trung Hải
BẮC KINH – Một hạm đội của Hải quân Trung Quốc đang có mặt tại Địa Trung Hải, để tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Nga. Cuộc tập trận bao gồm một số hoạt động như bắn đạn thật từ tháp súng, và phối hợp tấn công bằng chiến hạm và trực thăng. Ba chiến hạm Trung Quốc tham gia tập trận gồm hai khu trục hạm hỏa tiễn Hefei và Yuncheng, cùng 1 tàu hậu cần Loumahu. Đại úy Zhao Yanquan, chỉ huy tàu Hefei, cho biết cuộc tập trận cùng quân đội Nga làm nhằm kiểm tra tính khả thi của các kế hoạch tác chiến, và tăng cường khả năng thực hiện nhiệm vụ của các quân nhân.
Nga và Trung Quốc đang dự định sẽ thực hiện nhiều cuộc tập trận chung lớn và quan trọng trong tương lai, sau khi hai nước cùng đồng thuận về một lộ trình quân sự từ năm 2017 tới năm 2020. Vào tháng 9 năm ngoái, hai nước này đã thực hiện 1 cuộc tập trận lớn trên biển Đông, nơi đang có nhiều căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ.
Trong một cuộc họp vào tuần trước, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, điều quan trọng hiện nay là Nga và Trung Quốc cần sẵn sàng để bảo vệ thế giới và tăng cường an ninh quốc tế. Lộ trình quân sự 2017-2020 sẽ có tác dụng phát triển mối liên hệ giữa quân đội 2 nước, gia tăng khả năng hợp tác và độ tin tưởng lẫn nhau. Theo dự kiến, vào cuối tháng 7, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trận trên vùng biển Baltic. Đây cũng là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tham gia hoạt động quân sự với Nga tại khu vực này.

Thái Lan: 8 người trong gia đình bị giết
KRABI – Tám thành viên trong một gia đình ở tỉnh Krabi của Thái Lan vừa bị các tay súng bắn chết, trong một vụ thảm sát gây chấn động dư luận nước này. Cảnh sát cho biết, một nhóm từ 6 đến 7 người đàn ông trong trang phục quân đội đã xông vào nhà và giam giữ 10 thành viên của gia đình này trong chiều thứ Hai. “Khoảng 8 giờ tối, chủ nhà trở về, tất cả nạn nhân đều bị còng tay và bịt mắt. Hung thủ xả súng lúc nửa đêm,” viên chức địa phương cho biết.
Sáu người chết ngay lập tức trong vụ nổ súng. Hai người khác chết tại bệnh viện. Những người còn lại đang trong tình trạng nguy kịch. Trong số người chết có 3 bé gái dưới 15 tuổi. Các vụ thảm sát kiểu này hiếm khi xảy ra tại Thái Lan. Các nhà điều tra tin rằng vụ sát hại có thể bắt nguồn từ mâu thuẫn cá nhân. Tỷ lệ sở hữu súng đạn ở Thái Lan khá cao, khiến các vụ dùng súng giết người ở nước này luôn ở tình trạng báo động trong khu vực châu Á.

Nga dọa trục xuất 30 nhà ngoại giao Mỹ
MOSCOW – Chính phủ Nga đang đe dọa sẽ trục xuất khoảng 30 nhà ngoại giao Hoa Kỳ, và đóng băng một số tài sản của nước này, để trả đũa lệnh trừng phạt của Washington. Một viên chức Bộ Ngoại Giao Nga cho biết, “Chúng tôi đang thương lượng về việc tổ chức họp giữa Phó ngoại trưởng Nga Sergey Ryabkov và Phó ngoại trưởng Hoa Kỳ Thomas Shannon, tại thành phố St. Petersburg. Nếu không đạt đến thoả hiệp ở đó, chúng tôi sẽ phải thực hiện những biện pháp đáp trả.”
Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov hôm thứ Ba cũng cho rằng "thật đáng hổ thẹn khi Hoa Kỳ chần chừ không giải quyết việc này.” Ông cho rằng chính quyền của cựu Tổng Thống Barack Obama đã cố "đầu độc quan hệ Mỹ - Nga đến mức tối đa," khi ra quyết định vào tháng 12 năm ngoái. Moscow đang cân nhắc các biện pháp trả đũa, nhưng ông Lavrov cho biết Nga sẽ không công khai thảo luận về các biện pháp này.
Năm 2016, Tổng Thống Obama đột ngột ra lệnh đóng cửa hai cơ sở ngoại giao Nga ở các tiểu bang Maryland và Long Island, cho rằng chúng bị "nhân viên Nga dùng cho mục đích liên quan đến tình báo.” Ngoài ra, ông còn ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga để phản ứng trước điều được cho là sự can thiệp của Moscow vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc, và Tổng Thống Vladimir Putin đã nhắc đến vấn đề cơ sở ngoại giao với Tổng Thống Trump, khi 2 người gặp nhau tại Hội nghị G20.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT