Thế Giới

Tay súng biệt danh "Gặp Là Giết" nhận sát hại ông Kem Ley

Friday, 10/03/2017 - 10:43:23

Cảnh tượng hàng chục ngàn người tới dự đám tang ông Kem Ley đã gây rung chuyển cho chính phủ của lãnh tụ Hun Sen.


Nghi can Oeuth Ang bị bắt sau khi bắn chết ông Kem Ley ngày 10 tháng 7, 2016. (The Cambodia Daily)

NAM VANG – Một cựu quân nhân Cam Bốt thất nghiệp, tự gọi mình là “Gặp Là Giết,” đã thừa nhận giết chết một cách táo bạo một nhân vật nổi tiếng chỉ trích chính phủ. Hôm thứ Tư, 1 tháng 3, thủ phạm nói rằng vụ giết người ấy là để trả thù cho một khoản nợ chưa được trả.

Thế nhưng những người ủng hộ ông Kem Ley đã hoàn toàn nghi ngờ về động lực thúc đẩy kẻ sát nhân ra tay hành động, vì từ lâu đất nước này đã có một lịch sử lâu dài về những vụ ám sát chính trị đen tối.
Ông Oeuth Ang, một cựu chiến binh không có việc làm ổn định, đã bắn vào đầu ông Kem Ley khi nạn nhân đang uống cà phê vào buổi sáng, tại một cây xăng ở Nam Vang trong tháng Bảy.

Ang nói với tòa án rằng ông từng đưa $3,000 Mỹ kim cho nhà hoạt động nói năng bộc trực ấy, trong một thỏa thuận về tài sản mà cuối cùng chẳng đi đến đâu cả. Đây là số tiền nhiều gấp đôi mức lương trung bình hàng năm của một người sống ở Cam Bốt.

Oeuth Ang, 44 tuổi, đã nhận tội trong một phiên tòa kéo dài bốn giờ ở thủ đô Nam Vang. Ông nói rằng ông đã hành động một mình, sau khi bám theo Kem Ley trong nhiều ngày, nhằm tìm đúng thời điểm để tấn công.

Ông nói với tòa án, “Tôi bắn hai lần. Viên đạn đầu tiên trúng vào đầu ông ấy. Nhưng tôi sợ ông không chết, vì vậy tôi bắn thêm một phát nữa vào ông.” Án mạng xảy ra sáng Chủ Nhật ngày 10 tháng 7, 2016.

Giờ đây bị can nói rằng ông “cảm thấy hối hận” về vụ sát hại.
Từ đầu đến cuối, Oeuth Ang nhấn mạnh rằng tòa án gọi ông bằng biệt danh của ông là Chuob Samlab, trong tiếng Khmer có nghĩa là “gặp là giết.” Ông được gán biệt danh này trong những năm đi lính.
Ông có thể lãnh án tù chung thân.

Cảnh tượng hàng chục ngàn người tới dự đám tang ông Kem Ley đã gây rung chuyển cho chính phủ của lãnh tụ Hun Sen.

Trong hơn ba chục năm mà thủ tướng độc tài và cứng rắn này cầm quyền, nhiều người chỉ trích ông đã bị sát hại một cách mờ ám, trong những vụ án mạng hiếm khi được giải quyết, đặc biệt trong thập niên 1990 và đầu thập niên 2000.

Ông Kem Ley có tài hùng biện và có sức lôi cuốn, thường công kích các chính trị gia Cam Bốt, trong chính phủ cầm quyền cũng như thuộc phe đối lập.

Ông đã thành lập một phong trào chính trị quần chúng mới, mặc dù lúc này phong trào ấy đã từ bỏ những kế hoạch nhằm đề cử các ứng cử viên, trong những cuộc bầu cử địa phương sắp diễn ra trong năm nay.

Trong những ngày trước khi thiệt mạng, ông trả lời những cuộc phỏng vấn về một một bản tin nói rằng gia đình ông Hun Sen đã tích lũy được tài sản rất lớn.

Bà vợ của ông Kem Ley, cũng như bạn bè của cả nạn nhân lẫn sát thủ, thắc mắc về động lực thúc đẩy vụ sát hại. Từ đó bà đã trốn sang Thái Lan, vì lo sợ cho sự an toàn của bà.

Am Sam Ath, từ nhóm nhân quyền địa phương Licadho, đặt câu hỏi tại sao tòa án đã không cố gắng nhiều hơn để thăm dò nguồn gốc của số tiền lớn như vậy, mà kẻ sát nhân xem ra nghèo túng lại nắm được trong tay để cho nạn nhân vay

Ông nói với hãng tin AFP, “Tôi tin rằng một mình Chuob Samlab không thể giết được Kem Ley.”
Oeuth Ang nói rằng số tiền ông đưa cho Kem Ley là phát xuất từ việc bán một lô đất mà ông làm chủ. Ông nói thêm rằng ông đã chi ra thêm $1,400 Mỹ kim, để mua cây súng dùng để giết Kem Ley.

Các bản tin do giới truyền thông Cam Bốt đều gợi ý rằng bị cáo sống một cách bấp bênh từ khi rời khỏi quân đội, hết đánh bạc thì đi vào các ngôi chùa khi đã nhẵn túi.

Tòa án chấp nhận lời nhận tội Oeuth Ang. Thế nhưng không có ai trong số chín nhân chứng khác, kể cả cảnh sát, đã được gọi tới làm chứng về tình trạng tài chánh của bị can.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT