Thế Giới

Tàu dọa phản công nếu Mỹ đánh thuế tiếp

Wednesday, 01/08/2018 - 07:59:14

Đại diện Bộ Ngoại Giao Trung Cộng không cho biết liệu 2 nước có định tái đàm phán hay không. “Tôi cần nhắc nhở rằng, mọi cuộc đối thoại phải thực hiện trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng. Các lời đe dọa đơn phương và áp lực sẽ chỉ gây tác dụng ngược,” ông Cảnh Sảng nói.

BẮC KINH – Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Tư khuyến cáo rằng nước này sẽ đáp trả nếu Washington tiếp tục ban hành các khoản thuế mới, sau khi có thông tin cho rằng chính phủ Trump sắp đề nghị đánh thuế thêm đối với $200 tỷ Mỹ kim hàng Trung Cộng nhập cảng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, ông Cảnh Sảng, tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng “đối thoại và tham vấn” để tránh làm xung đột gia tăng. Tuy nhiên, “Nếu Hoa Kỳ thực hiện thêm các hành động làm tình hình leo thang, Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả. Chúng tôi luôn cương quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của quốc gia,” ông Cảnh Sảng nói.
Washington đã đánh thuế 25% lên $34 tỷ Mỹ kim hàng Trung Quốc vào ngày 6 tháng 7, để trừng phạt các cáo buộc cho rằng Bắc Kinh đã đánh cắp hoặc gây áp lực buộc các hãng nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Trung Quốc đáp trả bằng cách đánh thuế lên lượng hàng Hoa Kỳ nhập cảng có giá trị tương đương. Theo các nguồn tin ẩn danh, chính phủ Trump đang dự định đánh thuế 25% đối với nhiều hàng hóa Trung Quốc khác, với tổng giá trị $200 tỷ Mỹ kim, trong một đợt trừng phạt mới.
Đại diện Bộ Ngoại Giao Trung Cộng không cho biết liệu 2 nước có định tái đàm phán hay không. “Tôi cần nhắc nhở rằng, mọi cuộc đối thoại phải thực hiện trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng. Các lời đe dọa đơn phương và áp lực sẽ chỉ gây tác dụng ngược,” ông Cảnh Sảng nói.

Georgia, Mỹ, và 11 nước bắt đầu tập trận chung
TBILISI – Quân đội Georgia vào hôm thứ Tư đã bắt đầu cuộc tập trận chung dài hai tuần với Hoa Kỳ và 11 nước khác. Cuộc tập trận, với số binh sĩ tham gia tổng cộng là 3,000 người, có mục tiêu cải thiện năng lực quân sự của Georgia, đồng thời gia tăng mức hợp tác với NATO và các đồng minh khác. Được gọi tên là “Noble Partner 18,” cuộc tập trận khởi sự tại căn cứ Không quân Vaziani, lân cận thủ đô Tbilisi của Georgia. Các nước khác cũng tham gia cuộc tập trận lần này có các thành viên NATO như Anh, Estonia, Pháp, Đức, Lithuania, Na Uy, Ba Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các nước không phải là thành viên NATO gồm Armenia, Azerbaijan, và Ukraine.

Đức chặn công ty Trung Quốc mua lại hãng thép
BERLIN – Chính phủ của Thủ Tướng Đức Angela Merkel đã lần đầu tiên dùng quyền phủ quyết để chặn một thương vụ, trong đó một hãng Trung Quốc muốn mua lại toàn bộ một công ty Đức. Quyết định này cho thấy Berlin bắt đầu cứng rắn với các thương vụ đầu tư từ Bắc Kinh. Bộ Kinh Tế Đức cho biết, nội các của bà Merkel ngày thứ Tư đã bỏ phiếu để chặn thương vụ tập đoàn Trung Quốc Yantai Taihai mua lại toàn bộ hãng sản xuất thiết bị máy Leifeld Metal Spinning của Đức. Chính phủ Đức đã bỏ phiếu để phòng ngừa, dù hãng Yantai Taihai đến phút cuối đã rút lại đề nghị đầu tư, theo thông báo của hãng Leifeld.
Cuộc bỏ phiếu của chính quyền Merkel được thực hiện sau khi Bộ Kinh Tế nước này cân nhắc những ảnh hưởng xấu từ thương vụ tới các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Hãng Leifeld có trụ sở ở thành phố Ahlen, là một trong những nhà sản xuất kim loại chịu lực hàng đầu, sử dụng trong ngành công nghiệp xe hơi, không gian và hạt nhân. Chuyên gia Mikko Huotari của viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Berlin) đánh giá rằng Đức đã ý thức được mối đe dọa từ Trung Quốc, nước đang có mục tiêu dẫn đầu nền công nghệ thế giới thông qua chương trình “Made in China 2025”.
Theo giới quan sát, Đức đang cùng Hoa Kỳ và Canada có những hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc dường như đang tìm cách tiếp cận các công nghệ "nhạy cảm" của các nước phát triển, hoặc muốn mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu bằng cách quản lý các công trình cơ sở hạ tầng chủ chốt bao gồm bến cảng và mạng lưới điện. Từ khi Đức siết chặt kiểm soát việc các hãng nước ngoài mua lại công ty nội địa, bắt đầu từ tháng 7, 2017, có 80 thương vụ đã bị điều tra, trong đó có hơn 1 phần 3 có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới nhà đầu tư Trung Quốc.

Thụy Điển sắp mua hỏa tiễn Patriot giá $1 tỷ trong tuần này
STOCKHOLM - Chính phủ Thụy Điển sẽ ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot với hãng sản xuất vũ khí Hoa Kỳ Raytheon trong tuần này, theo đài radio Thụy Điển đưa tin hôm thứ Tư. Dù không phải là thành viên NATO, Thụy Điển vẫn có quan hệ thân thiết với liên minh này, và đang nỗ lực củng cố quân đội vì lo ngại trước các hành động của Nga tại Ukraine và Crimea. Sau nhiều thập niên bị bỏ bê, hệ thống phòng không của Thụy Điển hiện không thể bắn hạ các hỏa tiễn đạn đạo. Với hợp đồng mới, Thụy Điển sẽ mua 4 giàn phóng Patriot và một lượng hỏa tiễn không được tiết lộ. Bộ Trưởng Quốc Phòng Peter Hultqvist cho biết, đợt hỏa tiễn đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào năm 2021.
Theo đài radio Thụy Điển, hợp đồng mua vũ khí sẽ chính thức được ký vào thứ Năm. Chính phủ Stockholm bắt đầu thương lượng mua hỏa tiễn, với tổng trị giá $1.14 tỷ Mỹ kim, từ tháng 11 năm ngoái. Hợp đồng này có điều khoản để mở, có thể tăng số lượng hỏa tiễn được Thụy Điển mua lên đến 300 hỏa tiễn, nâng tổng giá trị hợp đồng lên gần $3 tỷ Mỹ kim. Quyết định của chính phủ Stockholm được ủng hộ bởi đảng đối lập chính trong nước, nhưng cũng có một số ý kiến thắc mắc về nguồn ngân sách chi trả cho hợp đồng này. Cho đến nay, có 15 quốc gia đã mua hỏa tiễn Patriot, bao gồm các thành viên NATO như Đức, Hòa lan, Romania, và Ba Lan. Trong khi đó, Thụy Sỹ, một quốc gia trung lập, nói rằng nước này đang cân nhắc so sánh Patriot với các hệ thống hỏa tiễn khác.

Đảo Lombok của Indonesia bị động đất liên tiếp
LOMBOK - Cơ quan Khí tượng và Địa lý Indonesia cho biết, sáng thứ Tư, một trận động đất mạnh 3.3 độ Richter đã làm rung chuyển hầu hết các khu vực của đảo Lombok, cách đảo du lịch Bali khoảng 100 cây số về phía đông. Tâm chấn của trận động đất nằm ở huyện Tây Lombok và có độ sâu 11 cây số. Hiện vẫn chưa có báo cáo về thương vong hay thiệt hại do trận động đất này gây ra. Như vậy, liên tục trong 3 ngày qua ở khu vực này đã xảy ra 2 trận động đất mạnh từ 3-3.3 độ Richter.
Trước đó, vào ngày 29 tháng 7, khu vực này xảy ra một trận động đất mạnh 6.4 độ Richter làm rung chuyển đảo Lombok và đảo Sumbawa, khiến hàng trăm người thương vong. Hiện nay, những người dân di tản vẫn chưa thể trở về nhà. Ngoài 17 người chết và hơn 300 người bị thương, trận động đất ở đông Lombok gây thiệt hại vật chất nghiêm trọng, khiến hàng ngàn ngôi nhà, tòa nhà văn phòng và các cơ sở công cộng bị hư hại.
Chính quyền địa phương đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đến ngày 2 tháng 8.Các chuyến hàng cứu trợ, gồm thực phẩm, quần áo, chăn mền, và đồ dùng cá nhân, tiếp tục được chuyển đến khu vực này. Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một trong những khu vực xảy ra động đất và núi lửa phun trào nhiều nhất trên thế giới.

Nga bác bỏ tin đồn sắp tấn công lớn ở Syria
IDLIB - Đại sứ Nga mới đây đã bác bỏ tin truyền thông nói rằng lực lượng quân sự Nga đang chuẩn bị cho một đợt tấn công quy mô lớn nhằm vào phiến quân, khủng bố ở tỉnh Idlib của Syria. Đại sứ Nga tại Syria Alexander Lavrentiev ngày thứ Ba cho biết: "Có quá nhiều đồn đoán. Hiện tại chúng tôi chưa bàn tới việc tấn công quy mô lớn ở Idlib.” Đại sứ Lavrentiev cũng nói thêm: "Chúng tôi hy vọng phe đối lập ôn hòa và Thổ Nhĩ Kỳ - với trách nhiệm ổn định khu vực - sẽ kiểm soát vấn đề này.” Những bình luận trên này đưa ra trong bối cảnh quân đội của chính quyền Tổng Thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố, việc giành lại Idlib sẽ là ưu tiên hàng đầu của lực lượng này. Hiện Idlib vẫn chủ yếu do phiến quân và các tổ chức khủng bố kiểm soát.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT