Thế Giới

Tàu dầu Trung Quốc đổi tên để tránh lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ

Sunday, 18/08/2019 - 06:00:19

Theo thông báo của Bộ Hàng Hải Malaysia, tàu Latin Venture vào cảng Dickson ngày 29 tháng 6 để thay thủy thủ đoàn rồi rời đi vào ngày 18 tháng 7. Thông cáo khẳng định không có hàng hóa nào được dỡ khỏi tàu.

MALACCA – Chính quyền Hoa Kỳ mới đây đã gởi thông báo đến các cảng quốc tế ở châu Á, yêu cầu không cho tàu dầu Pacific Bravo cập cảng, với cáo buộc tàu này chở dầu thô từ Iran và vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ.

Một tàu dầu cỡ lớn như Pacific Bravo thường có năng lực vận tải khoảng 2 triệu thùng dầu, với giá thị trường khoảng $120 triệu Mỹ kim. Không lâu sau đó, khi đang ở Ấn Độ Dương hướng về eo biển Malacca, tàu dầu Pacific Bravo vào ngày 5 tháng 6 đã bất ngờ tắt hệ thống định vị tự động.

Đến ngày 18 tháng 7, máy định vị của một tàu dầu tên Latin Venture được bật lên ngoài cảng Dickson, Malaysia, trên eo biển Malacca. Vị trí của tàu Latin Venture cách tọa độ phát tín hiệu cuối cùng của Pacific Bravo là 1,500 cây số. Điều đáng nói là cả tàu Latin Venture và Pacific Bravo đều có cùng tín hiệu nhận dạng IMO9206035, được cấp bởi Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Điều này cho thấy Latin Venture thực tế chính là Pacific Bravo và chủ tàu đã tìm cách đổi tên tàu để né lệnh trừng phạt Iran. "Không cần bàn đến các hành động khác của chủ tàu, riêng việc con tàu đổi tên ngay sau khi nhận cáo buộc từ Hoa Kỳ, đủ để cho thấy chủ tàu muốn đánh lừa thị trường, dù chỉ bằng cách sơ sài là đổi tên,” Matt Stanley, một nhà kinh doanh dầu mỏ tại StarFuels, Dubai, nhận xét.
Con tàu thuộc sở hữu của hãng Kunlunb Holdings, có trụ sở tại Thượng Hải, thuộc ngân hàng CNPC Capital, là một nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Khi còn mang tên Pacific Bravo, dữ liệu của tàu ngay trước khi được tắt cho thấy các khoang chứa dầu đã đầy. Khi xuất hiện 42 ngày sau với tên Latin Venture, con tàu đã giao hết hàng hóa. Nhà chức trách Hoa Kỳ vẫn chưa xác định được nơi con tàu dỡ hàng.

Theo thông báo của Bộ Hàng Hải Malaysia, tàu Latin Venture vào cảng Dickson ngày 29 tháng 6 để thay thủy thủ đoàn rồi rời đi vào ngày 18 tháng 7. Thông cáo khẳng định không có hàng hóa nào được dỡ khỏi tàu.

Đại diện Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng họ không biết tin về sự việc, nhưng khẳng định Bắc Kinh luôn phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương.

Hoa Kỳ ra lệnh trừng phạt Iran hồi tháng 11, 2018 sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 ký với Iran và 6 cường quốc khác. Washington hồi tháng 5 chấm dứt lệnh miễn trừng phạt với một số nước mua dầu của Iran, nhằm cắt giảm lượng dầu xuất cảng của Iran xuống bằng 0.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT