Hôn Nhân, Cuộc Sống

Tập dần cho con trưởng thành (kỳ 2)

Saturday, 09/03/2019 - 08:13:44

Có những bậc cha mẹ luôn áp đặt con theo hướng mà mình vạch ra. Hãy ủng hộ sự nghiệp của con dù con theo đuổi công việc khác không giống ý mình. Đừng cố gắng dùng con để hiện thực hóa giấc mơ của bạn. Khi theo đuổi công việc bằng niềm đam mê, con bạn sẽ trở nên tự tin vào bản thân hơn.


Nuôi con ở tuổi trưởng thành khó hơn ở những tuổi khác. Cha mẹ cần phải học và hiểu về tâm lý của tuổi teen. (Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Giúp con tự lập
Khi con cái lớn dần lên, chúng sẽ có cuộc sống khác với cuộc sống vỏ bọc của cha mẹ. Có những cách để bạn không cảm thấy mất mát khi con trưởng thành, ra ở riêng, và cuộc sống của bạn cũng dễ dàng hơn nếu bạn biết đặtt ra mục đích sống cho riêng mình.

Học tâm lý trẻ mới lớn

Một khi đã có thầy cô, bạn bè, các em sẽ dành thêm thời giờ cho những mối quan hệ mới, ngoài thời gian ở nhà. Nhưng nếu gia đình là nơi các em cảm thấy hạnh phúc và an toàn nhất, tự động các em sẽ biết dành nhiều thời giờ cho gia đình, hơn bạn bè. Song, bạn cũng nên nhận biết rằng con sẽ không cần đến bạn nhiều, hay ít nhất là theo cách như trước. Đây là giai đoạn nhu cầu tự lập của con bạn tăng lên. Lẽ ra bạn cần phải vui, vì con đang lớn dần để bước vào tuổi trưởng thành.

Cynthia, 15 tuổi, trước đây rất ít khi đi chơi, nhưng gần đây hay xin phép mẹ sang nhà bạn chơi. Mẹ em đồng ý, nhưng những lúc không có Cynthia ở nhà, bà cảm thấy rất trống vắng. Một hôm bà hỏi Cynthia, “Con sang nhà bạn có gì vui mà sao tuần nào cũng đi vậy con?”

Cynthia trả lời, “Dạ, mẹ của bạn làm bánh hay lắm, nên con sang để học làm bánh đó mẹ.”
“Ồ thì ra con mình thích làm bánh mà mình không hay biết gì cả,” mẹ của Cynthia cảm thấy mình có lỗi với con, nên đã âm thầm lên các website dạy làm bánh để xem quy trình làm bánh sẽ cần những vật dụng gì.
Sau đó bà mua sắm đầy đủ cả vật dụng cũng như những nguyên liệu làm bánh. Cynthia tỏ ra hết sức vui mừng, cô bé xin phép mẹ rủ bạn đến nhà tập làm bánh.

“Tôi đồng ý ngay, thậm chí mỗi khi con cần, tôi đều để con và các bạn toàn quyền sử dụng bếp, cho con thoải mái muốn làm gì thì làm. Từ đó, trừ những hoạt động phải tham gia ở trường, con bé nhà tôi hay rủ bạn về nhà chơi.Và như vậy, tôi cảm thấy yên tâm hơn là thấp thỏm, lo lắng khi con ra khỏi nhà,” mẹ của Cynthia nói.

Cho con một không gian để thoải mái, nhưng các bậc phụ huynh cũng cần sẵn sàng có mặt khi con cần. Bảo vệ con nhưng không quá mức, để chúng vẫn có thể xử lý những vấn đề quan trọng trong cuộc sống, nếu có xảy ra sau này.

Đây cũng là thời điểm thích hợp để trao đổi về vấn đề tiền bạc. Một khi đã có thêm những mối quan hệ, và bước ra khỏi nhà, các em sẽ cần tiền. Đó là những khoản tiêu vặt, đi xem phim, hay ăn uống với bạn bè. Hãy thảo luận một cách nghiêm túc ngân sách gia đình với con. Bạn có thể giúp con cách kiếm thêm chút tiền để dành. Tự kiếm tiền sẽ tạo dựng lòng tự trọng và tính độc lập cho con.
Nuôi dạy một đứa trẻ ở lứa tuổi nào cũng khó khăn, vất vả, nhưng khó hơn cả là nuôi trẻ ở giai đoạn tuổi mới lớn. Thậm chí, phụ huynh cũng cần phải học tâm lý tuổi mới lớn để nuôi con. Con bạn cũng theo dõi và học hỏi từ những việc bạn làm. Không ít trẻ chịu ảnh hưởng gia đình nhiều trong giai đoạn này. Hãy cho con thấy việc chăm sóc tâm trí và cơ thể là cần thiết.

Để con sống tự lập

Thật khó buông tay để con tự lập và điều chỉnh bản thân sau đó dù bạn biết con đã sẵn sàng. Bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ thích thú khi có thêm thời gian rảnh rỗi khi con ra ở riêng, nhưng thay vào đó lại cảm thấy buồn bã và chới với.

John là đứa con trai duy nhất của anh chị M., cư dân thành phố Tustin, California. Lên đại học, John chuyển xuống San Diego. Mặc dù hàng tuần John đều về thăm gia đình, nhưng việc con xa cách 5 ngày trong tuần cũng khiến người mẹ cảm thấy buồn ghê gớm. Đó là điều bình thường. Trước hết, bạn cần tự nhận thức rằng con không cần sự giúp đỡ hàng ngày của bạn nữa, và bạn sẽ không còn được biết hết mọi vấn đề trong cuộc sống của con như trước nữa. Điều đó là bình thường và đối mặt với vấn đề này, các bậc phụ huynh cảm thấy buồn, cũng là điều bình thường.

Bạn đã dành cả cuộc đời để bảo vệ và nuôi dạy con, vì vậy, đương nhiên là sẽ khó buông con ra khỏi vòng tay của bạn. Trải qua cảm giác mất mát vào lúc này là chuyện bình thường, kể cả khi bạn vẫn may mắn được gặp con thường xuyên. Hãy chấp nhận chúng như là một phần tự nhiên trong quá trình làm cha mẹ.

Dành nhiều thời giờ nhất bên con

Đối với ông bà Duy Trần, người con trai Daniel Trần, 30 tuổi, đã lập gia đình và ở riêng, vẫn là đứa con trai bé bỏng. Từ khi có vợ, có con, Daniel còn gặp và quấy rầy bố mẹ nhiều hơn thời đi học đại học. Đúng vậy, khi con bạn trở thành người lớn tự lập, không có nghĩa là chúng sẽ biến mất khỏi cuộc đời bạn mãi mãi mà chúng có thể cần đến bạn nhiều hơn bao giờ hết theo những cách khác. Hãy tận dụng thời gian sống bên con.

Cho dù con ở gần hay con ở xa, cha mẹ vẫn nên giữ liên lạc thường xuyên. Đó là điều con bạn cần, mà chính bạn cũng cần. Hãy giữ liên lạc và là một phần trong cuộc đời của con khi chúng đã trưởng thành.
Công nghệ ngày nay cho phép bạn dễ dàng liên hệ với con, qua điện thoại hay trên mạng Internet. Nhưng bạn đừng lạm dụng như gọi phone cho con mỗi ngày, khiến con có cảm giác bị làm phiền, mà luôn sẵn sàng khi con muốn nói chuyện hoặc gặp gỡ. Vào giai đoạn này, gặp con là cơ hội này, mà bạn không nên bỏ qua, vì cuộc sống của người trưởng thành sẽ bận rộn hơn, và bạn sẽ chẳng biết đến khi nào con lại có thời gian đến gặp bạn.

Sống thoải mái và làm những gì bạn thích

Cũng có những đứa con mắc lỗi, thất bại trong cuộc đời. Hãy dạy cho con bạn Thất bại là mẹ thành công. Đừng lúc nào cũng vội vàng giúp đỡ con, mà hãy cho chúng lời khuyên khi con đề nghị, thường xuyên thông cảm và thấu hiểu con. Chỉ cần bạn cố gắng bảo vệ con khỏi mọi điều xấu. Tất cả chúng ta đều học hỏi tốt nhất từ kinh nghiệm và sai lầm của chính mình.

Có những bậc cha mẹ luôn áp đặt con theo hướng mà mình vạch ra. Hãy ủng hộ sự nghiệp của con dù con theo đuổi công việc khác không giống ý mình. Đừng cố gắng dùng con để hiện thực hóa giấc mơ của bạn. Khi theo đuổi công việc bằng niềm đam mê, con bạn sẽ trở nên tự tin vào bản thân hơn.

Thay vì quá lo cho con nên suốt ngày theo dõi từng bước đi của con, bạn nên giải quyết thực tế con đang lớn dần bằng cách dành nhiều thời gian cho chính bản thân mình hơn. Hãy tập trung vào thể dục và sức khỏe toàn thân, hoặc dành nhiều thời gian cho sự nghiệp của bạn hơn (đặc biệt nếu việc đó đem lại niềm vui).
Bạn cũng có thể bù đắp cảm giác cô đơn bằng cách trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, làm những việc bạn yêu thích, bạn từng mơ, hoài bão khi chưa lập gia đình, chưa có con. Đã đến lúc bạn bắt đầu nghĩ và lập kế hoạch để thực hiện ước mơ và hoài bão đó.

Khi bạn nỗ lực một cách có ý thức để tiếp tục cuộc sống sau khi con cái trưởng thành, bạn sẽ không cảm thấy mất mát khi con ra ở riêng. Cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có mục đích sống độc lập, cho dù con không còn nằm trong vỏ bọc của bạn nữa.
(Theo Parents.com, Wikihow)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT