Thế Giới

Tập Cận Bình tới Hồng Kông, các nhà hoạt động dân chủ bị bắt

Thursday, 29/06/2017 - 08:03:08

Vì lo ngại về an ninh từ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của người dân, nhà chức trách đã cho phong tỏa nhiều khu phố chính và cấm người dân tới một số khu trung tâm thành phố.


Những nhà hoạt động dân chủ đang dự một cuộc tọa kháng vào chiều thứ Năm tại Hồng Kông, cùng ngày lãnh tụ Tập Cận Bình đến đây lần đầu tiên. Họ yêu cầu Bắc Kinh phải trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, một người được trao giải Nobel Hòa Bình và đang bị giam cầm. (Asahi Shimbun/ Getty Images)


Chủ Tịch Tập Cận Bình đã chính thức tới Hồng Kông ngày thứ Năm, bắt đầu chuyến thăm ba ngày nhân dịp kỷ niệm 20 năm hòn đảo này được người Anh trả lại cho Trung Quốc. Không khí chính trị tại đảo quốc đang rất căng thẳng với hàng loạt các hành động trấn áp của cảnh sát trước các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Nhà lãnh đạo dân chủ trẻ tuổi Hoàng Chi Phong và nhiều nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng khác đã bị bắt giữ.
Đây là chuyến thăm mang tính biểu tượng của Tập Cận Bình, và cũng là lần đầu tiên kể từ khi trở thành lãnh đạo tối cao của chế độ Bắc Kinh năm 2013, lãnh tụ này tới Hồng Kông.

Vào sáng thứ Năm, Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viên đã tới sân bay Xích Lạp Giác (Chek Lap Kok) và được đón tiếp trọng thể với dàn quân nhạc hùng tráng và hàng dài các em thiếu nhi vẫy cờ hoa.
Phát biểu ngay tại phi đạo, chủ tịch Trung Cộng tuyên bố, “Hồng Kông luôn trong trái tim tôi.”

Ông khẳng định rằng, “Chính quyền trung ương Trung Quốc luôn luôn hậu thuẫn mạnh mẽ cho Hồng Kông và sẽ luôn ủng hộ phát triển kinh tế Hồng Kông và nâng cao cuộc sống của người dân.”

Ông cũng nói rằng Bắc Kinh “sẵn sàng làm việc với tất cả các thành phần trong xã hội Hồng Kông để tiếp tục duy trì hành trình phi thường của Hồng Kông trong 20 năm qua và sẽ bảo đảm chính sách một quốc gia, hai chế độ sẽ tiếp tục ổn định.”

Nhà cầm quyền Bắc Kinh chính thức tiếp quản Hồng Kông từ tay người Anh năm 1997, dưới chính sách “một quốc gia, hai chế độ,” công nhận đặc khu Hồng Kông có hệ thống pháp luật riêng, có quyền dân chủ hạn chế với nhiều đảng chính trị, cũng như công nhận các quyền cá nhân như tự do hội họp và tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra trong suốt hai thập niên qua.

Vì lo ngại về an ninh từ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của người dân, nhà chức trách đã cho phong tỏa nhiều khu phố chính và cấm người dân tới một số khu trung tâm thành phố.

Hàng ngàn cảnh sát đã được bố trí dọc các tuyến đường mà đoàn xe của Chủ Tịch Tập Cận Bình đi qua để tiến vào trung tâm Hồng Kông.

Trước đó, vào ngày thứ Ba, nhiều thành viên của Đảng Xã Dân Liên, Đảng Lực Lượng Nhân Dân, Đảng Demosisto đã dùng một tấm vải lớn màu bao vây khu vực phía sau bức tượng Kim Tử Kinh (golden bauhinia) – biểu tượng của sự kiện trao trả Hồng Kông về Trung Quốc năm 1997, nằm bên ngoài Trung Tâm Hội Nghị và Triển Lãm ở Wan Chai.

Đến chiều thứ Tư, các nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng trong đó có Hoàng Chi Phong của Đảng Demosisto cùng hàng chục người khác đã tụ tập tại bức tượng Kim Tử Kinh để lên tiếng tranh đấu cho tự do tại Hồng Kông. Có người đã lên đỉnh bức tượng và căng một tấm băng rôn lớn nền đen bao quanh đỉnh bức tượng.
Bên cạnh đó, hàng chục người còn dùng xích sắt tự khóa lẫn nhau và ngồi bao quanh phía chân bức tượng Kim Tử Kinh, nhằm cho thấy rằng cho dù cảnh sát dùng bạo lực để thanh trừng, thì họ cũng sẽ kiên trì với nguyên tắc đấu tranh bất bạo động. Họ hô lớn, “Rút lại Nghị Quyết của Đại Hội Nhân Dân, rút lại Nghị Quyết 8.31, chúng tôi muốn có quyền bầu cử phổ thông thực sự, quyền công dân kháng mệnh, quyết không sợ hãi!”

Thế nhưng trong vòng một giờ đồng hồ đêm thứ Tư, đàn áp xảy ra và có tới 26 người bị bắt, trong đó có nhiều thành viên của Đảng Demosisto như Thái Tuấn Hiền, Chu Đình, Lâm Lãng Ngạ, La Quán Thông, Tạ Lễ Nam Hoàng Chi Phong, Hoàng Lỵ Ly, cùng một số thành viên Đảng Xã Dân Liên như Lương Quốc Hùng, Ngô Văn Viễn, Tăng Kiện Thành.

Những người dân ở xung quanh khu vực Quảng trường Kim Tử Kinh đã chứng kiến quá trình 26 người bị bắt giữ và khẳng định họ không gây ra bất cứ rối loạn trật tự công cộng gì. Chỉ thấy rất nhiều khách du lịch, từ ngoại quốc và Đại Lục dừng lại đó để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra, và được chứng kiến rằng những người dân Hồng Kông quả thực được tự do bày tỏ quan điểm của mình.

Thậm chí khi thấy cảnh sát bắt người biểu tình, có người dân còn hỏi, “Rốt cuộc là ai đang gây phiền nhiễu cho công chúng?”

Việc chuyển giao chủ quyền của Hồng Kông suốt gần hai thập niên qua đã khiến không ít người dân phải chịu áp bức, thiệt hại cả về kinh tế và các quyền lợi chính trị cũng ngày một ít đi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT