Thế Giới

Tập Cận Bình đưa phe cánh vào hàng ngũ lãnh đạo, củng cố quyền lực để trị vì lâu dài

Wednesday, 25/10/2017 - 11:36:25

Cả bảy thành viên Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đều ở trong độ tuổi trên 60, và lần đầu tiên không có ủy viên nào ra đời trước cuộc cách mạng Cộng Sản năm 1949.


Tập Cận Bình, giữa, và sáu thành viên trong Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị được giới thiệu tại Đại Sảnh Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày thứ Tư, 25 tháng 10, 2017. (Getty Images)

BẮC KINH – Đảng Cộng Sản cầm quyền ở Trung Quốc đã công bố hàng ngũ lãnh đạo mới, khi Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra mắt Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị vào ngày thứ Tư.

Ủy Ban Thường vụ là cơ quan cao nhất đưa ra các quyết định quan trọng và sẽ lãnh đạo Trung Quốc trong năm năm tới, do ông Tập đứng đầu. Ông cũng là người lãnh đạo đảng và quân đội.

Ủy Ban Thường vụ mới bao gồm hai người cũ là Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang), và năm nhân vật mới là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), Uông Dương (Wang Yang), Vương Hồ Ninh (Wang Huning), Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), và Hàn Chính (Han Zheng). Năm khuôn mặt mới này sẽ thay thế năm thành viên về hưu, trong đó có ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), một đồng minh chính yếu trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình.

Ngoại trừ ông Tập, Thủ Tướng Lý Khắc Cường là người duy nhất giữ lại được chức vụ trong cuộc thay đổi sâu rộng của Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị. Hiện giờ có những lời suy đoán rằng Tập Cận Bình có thể tìm cách tiếp tục nắm lấy một số quyền hạn, tăng thêm quyền lực sau khi nhiệm kỳ thứ nhì của ông chấm dứt vào năm 2022, tức là ông muốn nắm thế lực lâu dài như Mao Trạch Đông trước, hay ít ra như Vladimir Putin tại Nga trong hai thập niên qua.

Cả bảy thành viên Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đều ở trong độ tuổi trên 60, và lần đầu tiên không có ủy viên nào ra đời trước cuộc cách mạng Cộng Sản năm 1949.

Ủy ban này có quyền kiểm soát tối hậu trên nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Việc sắp xếp các thành phần ủy ban dường như là một sự thỏa hiệp, để bao gồm một loạt tiếng nói từ các tầng lớp ưu tú của đảng.
Trong ủy ban có một người được biết là rất thân cận với Tập Cận Bình. Đó là Lật Chiến Thư. Ông Lật thường đi tháp tùng chủ tịch Tập trong các chuyến công du ngoại quốc, nay được cử làm thành viên đứng hàng thứ ba. Điều này có nghĩa là ông Lật hầu chắc sẽ đảm nhận vai trò của người đứng đầu quốc hội. Điều đó sẽ không được xác nhận cho đến khi quốc hội họp trong tháng Ba.

Trước khi loan báo về Ủy Ban Thường Vụ mới, Tập Cận Bình đã bắt đầu củng cố quyền lực một cách đáng kể, với lý thuyết chính trị và chiến lược phát triển Vành Đai và Con Đường, do hạ tầng kiến trúc dẫn đầu, được đưa vào trong bản điều lệ đảng. Trong năm ngoái ông được gọi là “cốt tủy” của đảng.

Kết quả này có thể không hoàn toàn là điều mà Tập Cận Bình muốn, nhưng ông phải cân bằng mọi thứ.
Việc ra mắt của Ủy Ban Thường Vụ đã đoạn tuyệt với tiền lệ mới đây, bằng cách không bao gồm một người kế nhiệm rõ ràng trong số bảy ủy viên.

Các đại hội đảng trước đây đã phong chức cho những người kế nhiệm nắm giữ các vai trò của tổng bí thư đảng và thủ tướng. Cả Tập Cận Bình lẫn Thủ Tướng Lý Khắc Cường đều được bầu vào Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị trong năm 2007, trước khi họ được thăng chức lên nắm vai trò hiện thời của họ trong năm 2012.

Chính ông Tập không đề cập đến ai có thể là người kế nhiệm ông, khi ông giới thiệu Ủy Ban Thường Vụ mới, trong một căn phòng rộng lớn ở Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh. Sự kiện này được trực tiếp truyền hình trên khắp đất nước.

Ông không nhận những câu hỏi từ giới truyền thông được quy tụ, nhưng nói rằng đảng đã vượt qua được những cuộc thử thách và gian nan khốn khổ.

Ông Tập nói, “Những kinh nghiệm này đã dạy chúng ta rằng hòa bình là điều quý gia, và việc phát triển phải được đánh giá cao. Chúng ta cũng sẽ làm việc với các quốc gia khác, để xây dựng một cộng đồng toàn cầu với một tương lai chung, và làm những khoản đóng góp mới và lớn hơn vào chính nghĩa cao cả của hòa bình và phát triển cho toàn thể nhân loại.”

Bí thư đảng ủy Quảng Đông Hu Chunhua, và bí thư thành ủy Trùng Khánh Chen Miner, trước đây đều từng được coi là những ứng viên nổi bật để kế nhiệm ông Tập, trong số thành phần được gọi là thề hệ lãnh đạo thứ sáu, nhưng không được bao gồm trong Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị.

Thay vì vậy, cả hai đều được đề bạt vào Bộ Chính Trị rộng lớn hơn gồm 25 thành viên, một cấp bậc dưới Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị.

Ông Tập và ông Lật lần đầu tiên được thăng chức vào Ủy Ban Thường Vụ, trong kỳ Đại Hội Đảng thứ 17 trong năm 2007. Đó là một dấu hiệu rõ ràng rằng cặp này sẽ kế nhiệm Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, và giữ hai chức vị hàng đầu, điều mà họ đã làm cách năm năm sau đó.

Nhưng Sun Zhengcai, một ứng viên khác thuộc thế hệ thứ sáu, đã đột ngột bị loại khỏi chức vụ bí thư đảng Trùng Khánh trong tháng Bảy. Điều này cho thấy ông Tập có thể trì hoãn việc đề cử người kế nhiệm, và làm tăng thêm những lời suy đoán rằng ông vẫn có thể giữ được một số quyền hạn chức vụ sau năm 2022.

Ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), người đứng đầu Vụ Tổ Chức Đảng, trông coi các quyết định về nhân sự, đã thay thế Wang Qishan làm trưởng ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương, sau khi được cử vào cơ quan chống tham nhũng.

Phó Thủ tướng Wang Yang có lẽ sẽ đứng đầu cơ quan cố vấn của quốc hội. Trong khi đó Wang Huning có thể sẽ đảm trách công tác về tư tưởng và tuyên truyền.

Bí thư thành ủy Thượng Hải Hàn Chính (Han Zheng) kết thúc danh sách, là người trẻ hơn trong số bảy người.

Một Quân Ủy Trung Ương mới cũng đã được loan báo, giảm từ 11 thành viên xuống còn 7 người, như được dự đoán.

Xu Qiliang tiếp tục giữ chức vụ là một trong hai phó chủ tịch của ủy ban này. Trong khi đó Zhang Youxia, người thân cận với ông tập, được bổ nhiệm làm phó chủ tịch kia, và cũng đảm nhận một chức vụ trong Bộ Chính Trị.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT