Đạo và Đời

Tạo một khoảng cách cần thiết

Thursday, 05/11/2020 - 06:53:29

Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta có những hành động và lời nói không kịp suy nghĩ để rồi sau đó chúng ta ân hận về sự hấp tấp, vội vã của mình.


Từ trước đến giờ, chúng ta chỉ là những con búp bê múa rối bị cái tâm điều khiển, nó bảo vui thì ta vui, nó bắt buồn thì ta buồn, nó nổi giận thì ta đỏ mặt tía tai, la hét um sùm, tức là ta hoàn toàn làm theo sự sai khiến của nó. (Johannes Plenio/ Pexels)


Bài TRƯƠNG THỊ MỸ-VÂN

Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta có những hành động và lời nói không kịp suy nghĩ để rồi sau đó chúng ta ân hận về sự hấp tấp, vội vã của mình. Để làm chậm lại những phản ứng theo thói quen hay theo bản năng thường xảy ra khi chúng ta bị chi phối và điều khiển bởi tình cảm và không làm chủ được lý trí của mình – thí dụ khi nóng giận hay bị xúc động mạnh – chúng ta cần tạo một khoảng cách cần thiết để có thời gian suy nghĩ và phán xét trước khi nói năng hay hành động, ngỏ hầu tránh hậu quả đáng tiếc về sau.

Tuy người ta gọi con người là sinh vật có lý trí nhưng thật sự con người bị chi phối bởi tình cảm rất nhiều. Một khi những tình cảm này xảy đến, chúng có thể hoàn toàn điều khiển con người khiến họ mất tự chủ và có thể có những lời nói và hành động có thể gọi là điên rồ, thí dụ người nổi giận có thể la hét, chửi rủa, đánh nhau, thậm chí có thể giết nhau -“Giận mất khôn” như người ta thường nói. Hoặc khi yêu ai đến độ si mê, con người có thể có những hành động mà người khác nhìn vào không thể nào hiểu nổi. Một người thất tình có thể đau khổ đến độ muốn tự tử - “Love is blind.”

Tại sao có những tình trạng này? Trước hết chúng ta cần nhìn vào trí óc của con người xem nó hoạt động như thế nào.

Trí óc có khả năng giúp con người nhận biết, suy nghĩ, so sánh, phán xét, quyết định, v.v. trong cuộc sống hằng ngày. Trong trí óc luôn luôn có những ý tưởng trôi chảy không ngừng nghỉ và con người thường bị những ý tưởng này sai khiến.

Nếu phân tích kỹ, chúng ta thấy trí óc con người gồm có hai chức năng:

1. Trí óc là nơi dung chứa những ý nghĩ luân lưu không gián đoạn.

2. Đồng thời trí óc cũng có khả năng nhận biết những ý nghĩ này khi chúng hiện ra, thí dụ khi ham muốn điều gì hay khi buồn vui, chúng ta đều cảm nhận được. Đây là điểm chính yếu trong đề tài “Tạo một khoảng cách cần thiết” này.

Người ta ví trí óc như một dòng sông luôn luôn trôi chảy nhưng đồng thời trí óc cũng là người đứng bên bờ sông khách quan nhìn thấy và quan sát những ý tưởng đang hiện ra trong trí óc họ. Vì điểm này, ngài Ajahn Chah gọi trí óc là “still flowing water.” Mới nghe qua, đây có thể là những chữ vô nghĩa và nghịch lý vì làm sao một dòng nước có thể vừa trôi chảy lại vừa có thể đứng yên được, nhưng đó chính là đặc tính kỳ diệu của trí óc con người.

Làm sao để trí óc đứng yên để nó có thể quan sát những ý nghĩ đang hiện ra trong đầu óc nó?

Muốn được như vậy, phải biết rèn luyện cho trí óc đứng yên, tĩnh lặng để nó có thể quan sát những gì xảy ra trong đầu, để khách quan nhận biết và có thể làm chủ những ý tưởng này.

Có nhiều cách làm cho trí óc tĩnh lặng, trong số đó có hai phương pháp được nhiều người biết đến là thiền chỉ và thiền quán.

1. Thiền chỉ (Samatha): (“chỉ” nghĩa là ngừng lại, đình chỉ) thiền chỉ là cách làm cho trí óc bớt lăng xăng, bớt vọng động để nó đứng yên, tĩnh lặng, và kết quả của thiền chỉ là ĐỊNH (samadhi: chánh định, chữ Hán dịch là Tam Muội), cho nên người ta thường gọi phương pháp này là thiền định. Nhưng đây chỉ là giai đoạn làm cho trí óc (tâm) được định tĩnh chứ nó không có khả năng giúp trí óc tự quan sát lấy nó được. Muốn được như vậy, chúng ta cần tiếp tục thực hành thiền theo phương pháp thứ hai gọi là Thiền Quán.

2. Thiền quán (Vipassana Meditation): (“Quán” nghĩa là quán chiếu, xem xét kỹ để thấy rõ), thiền quán là khi hành giả dùng sự định tĩnh của trí óc để tự soi sáng lấy nó, để nhìn vào nó, để quan sát nó, và để thấy rõ trí óc mình đang hoạt động như thế nào. Khi ta là người đứng ngoài nhìn vào những hoạt động, những ý nghĩ lăng xăng của trí óc ta với cái nhìn khách quan thì dần dần ta sẽ thấy được khi ta khởi tâm ham muốn một điều gì, hoặc khi ta bắt đầu nổi giận, có phản ứng muốn nói lại, muốn tính chuyện “ăn thua đủ” với kẻ đã gây hấn với ta. Theo thời gian khi đã có kinh nghiệm thấy rõ những phản ứng bất thiện này của tâm, ta có thể làm chủ được chúng và ngăn cản chúng, không cho chúng điều khiển ta như trước đây nữa. Nếu không, từ trước đến giờ, chúng ta chỉ là những con búp bê múa rối bị cái tâm-vô-trị này điều khiển và giựt dây, nó bảo vui thì ta vui, nó bắt buồn thì ta buồn, nó nổi giận thì ta đỏ mặt tía tai, la hét um sùm, tức là ta hoàn toàn làm theo sự sai khiến của nó. Như thế chúng ta chỉ là những kẻ nô lệ chứ có được tự do gì đâu! Chúng ta làm nô lệ cho cái tâm vô minh của mình từ vô số kiếp nhưng chúng ta đâu có hay. Bây giờ khi biết được mình có thể tập làm chủ cái tâm này để mình có thể hướng nó đi theo một con đường mới – một con đường với mục đích “hướng thiện, hướng thượng, hướng giải thoát” – thì chúng ta là những người hoàn toàn tự do để có thể làm chủ cuộc đời mình.

Vì thế, Hòa Thượng Thích Thanh Từ nói “Thiền là từng bước để dừng tâm tạo nghiệp.” Người Tây phương khi thực hành thiền Vipassana, họ thấy rõ cái tâm ma giáo, quỷ quyệt, chỉ chực xúi giục mình làm bậy cho nên họ cũng nói: “Đừng tin những điều bạn nghĩ” (“Dont believe everything you think”). Kinh Phật dạy rằng “Tâm của mỗi người là một nghệ sĩ có khả năng vẽ ra cảnh đời của người ấy.”

Khả năng tự soi sáng trí óc mình để điều khiển nó, để làm chủ thân, khẩu, ý của mình, đó chính là TUỆ GIÁC, là sự sáng suốt, là kết quả của việc thực hành thiền quán hay thiền Vipassana.

Khi đã có tâm định tĩnh, có trí tuệ sáng suốt để nhìn vào các hoạt động của tâm, tức là chúng ta có khả năng tạo ra một khoảng cách cần thiết để nhìn vào tâm mình, để có quyết định đúng đắn, để biết phân biệt thiện và bất thiện trước khi nói năng hay hành động, như thế chúng ta đã có toàn quyền quyết định những hạt giống chúng ta sắp gieo xuống, để biết chọn những nhân thiện lành và không gieo những nhân bất thiện để tránh gặt hái những quả đau khổ về sau.

Khi đề cập đến tầm quan trọng của việc hành thiền TỨ NIỆM XỨ tức là thiền Vipassana, Đức Phật khuyên các đệ tử của Ngài: “Hãy tinh tấn hành thiền, chớ để ân hận về sau.”
(Nguồn Tinh Tấn Magazine)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT