Hôn Nhân, Cuộc Sống

Tạo mối quan hệ tốt giữa anh chị em trong nhà

Monday, 30/04/2018 - 10:13:10

Làm thế nào để có được mối quan hệ tốt giữa các anh chị em với nhau trong gia đình? Nếu bạn là người anh/người chị, bạn sẽ cần phải cố gắng để trở thành tấm gương sáng cho các em nhỏ noi theo.

Bài ĐOAN TRANG

Tuy cha mẹ là hình mẫu lý tưởng trong gia đình, nhưng mối quan hệ giữa anh chị em trong nhà mới chính là chìa khóa phản ánh quá trình phát triển để trở thành một người thành công. Một người anh/chị tốt có thể tạo nên một sự thay đổi lớn đối với đứa em ruột của họ. Làm thế nào để có được mối quan hệ tốt giữa các anh chị em với nhau trong gia đình? Nếu bạn là người anh/người chị, bạn sẽ cần phải cố gắng để trở thành tấm gương sáng cho các em nhỏ noi theo.


(Getty Images)

Là người biết lắng nghe

Có thể cách dễ và trực tiếp nhất để làm một người anh, người chị tốt là dành thời gian để hỏi xem ngày hôm nay của em mình diễn ra như thế nào và lắng nghe một cách trọn vẹn. Peter Trần, cư dân thành phố Anaheim, California tâm sự, “Cô em gái út của tôi rất ngoan và học giỏi, nhưng mới tháng trước bỗng nhiên em thay đổi: giờ cơm không ra ăn với mọi người, cuối tuần không phụ mẹ nấu nướng, cả tuần lễ em thu mình trong phòng. Ba mẹ tôi rất tức giận, kêu tôi phải trừng phạt vì sự lỳ lợm của em. Nhưng tôi không làm thế.”

Peter đã làm gì? Anh chia sẻ, anh đã tìm cách đưa được cô em út ra khỏi phòng để nói chuyện. Lúc đầu, người em không nói, chỉ im lặng, nhưng bằng sự kiên nhẫn, anh đã thuyết phục được để người em tâm sự. À thì ra, chỉ là chuyện tình cảm tuổi teen, nhưng trong một lần nói chuyện với mẹ, cô đã bị mẹ la cho một trận, còn dọa đuổi ra khỏi nhà nếu không chịu chú tâm học hành. Chính anh trai của cô đã lắng nghe, và phân tích trái-phải. Vốn quý mến anh trai mình, cô em đã hiểu ra và vâng lời khuyên bảo của anh. Những đứa em trong gia đình rất mong sự lắng nghe và thấu hiểu thường xuyên từ những người mà họ kính trọng.
Bạn nên tập thói quen tích cực lắng nghe trong cuộc đối thoại với em ruột, cho dù đó là một cuộc tán gẫu ngắn hay cuộc trò chuyện chân tình. Để trở thành một người anh/chị tích cực lắng nghe em ruột, bạn nên tiến hành cuộc trò chuyện với mục đích là tăng thêm sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau giữa hai bên. Cuộc trò chuyện sẽ là một cơ hội học hỏi để bạn hiểu em mình rõ hơn và có một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa.
Khi nghe em tâm sự, bạn đừng nên cắt ngang, và nên công nhận những điều em mình nói và phản hồi một cách ân cần, không phán xét. Điều này sẽ giúp cho cuộc hội thoại được cởi mở và khuyến khích cô bé hay cậu nhóc tâm sự với bạn thường xuyên hơn.

An ủi em bạn khi cô/cậu ấy đối mặt với khó khăn hay thất bại. Em ruột của bạn sẽ có lúc trải qua đủ thứ điều gian nan và mệt mỏi, đối mặt với một thử thách khó khăn hay thậm chí nếm mùi thất bại mặc dù đã cố gắng làm rất tốt một khía cạnh nào đó. Thay vì làm cho em ấy hổ thẹn vì lỗi lầm của mình hay cảm thấy tệ hại vì đã gây rối, bạn nên an ủi và động viên em mình nhiều hơn.

Bạn có thể an ủi bằng cách nói với cô bé/cậu bé rằng em phải ngẩng cao đầu và tự hào, cho dù em đã không đạt được điều mình muốn hay thất bại. Bạn cũng có thể động viên để cô/cậu nhóc nhớ rằng thất bại là mẹ thành công và em sẽ có cơ hội khác để làm tốt hơn.

Một cách khác để an ủi là làm em bạn phân tâm khỏi sai lầm bằng cách đưa cô bé hay cậu nhóc đến nhà hàng hay địa điểm vui chơi yêu thích của họ. Đôi khi, sự phân tâm có thể vực dậy tinh thần và giúp chúng ta thôi gặm nhấm lỗi lầm của mình.

Giải quyết xung đột một cách chân thành

Những trận cãi vã giữa hai đứa con trong gia đình khiến ông bà Hảo Phùng ở thành phố El Monte, California rất đau lòng. Dù là chị em ruột, nhưng cả hai thường xảy ra những cuộc cãi vả ầm ĩ. May mắn thay, người con trai cả sống ở tiểu bang Texas trong lần về thăm cha mẹ, đã làm thay đổi tình thế và hàn gắn được sứt mẻ giữa hai người em ruột của mình.

Người anh đã tỏ ra người lớn hơn và phân tích để hai người em không coi trọng thắng-thua, nhiều-ít. Người anh đã đưa ra sự thỏa hiệp với em mình để mỗi người trong họ đều có được một chút thứ họ muốn, và đôi bên cùng có lợi. Hai em của anh cảm thấy rằng mình được người anh hỗ trợ và tôn trọng, đồng thời họ cũng học được rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có được thứ mình muốn.

Bạn đã gặp tình huống trên bao giờ chưa? Nếu chính bạn có mối bất hòa với em ruột theo cách riêng và không thể giải quyết được, bạn có thể tìm đến những người đáng tin cậy khác để xin lời khuyên. Họ có thể là một người bạn lớn hơn, một người thân lớn hơn trong gia đình hoặc bố mẹ. Thường thì mâu thuẫn giữa anh chị em trong nhà không mấy nghiêm trọng và có thể tự giải quyết với nhau. Nhưng cũng không có gì đáng xấu hổ nếu như bạn tìm đến sự giúp đỡ của người khác. Điều này sẽ cho em của bạn thấy rằng bạn không ngần ngại tìm sự hỗ trợ khi cần thiết.

Tôn trọng ranh giới và quyền tự do ý chí

Việc dạy cho em của bạn biết về ranh giới và quyền tự do ý chí, hay quyền trở thành một người không giống với bất kỳ ai sẽ giúp cô ấy/cậu ấy biết cách tôn trọng bản thân và người khác. Bạn nên tôn trọng ranh giới cá nhân của em mình bằng việc không cù, chọc ghẹo hay chạm vào người em ấy mà không có sự đồng ý. Bạn cũng nên tôn trọng quyền tự do ý chí và không cố gắng áp đặt ý kiến hoặc quan điểm của bạn vào em bạn, cũng như không điều khiển suy nghĩ của em ấy.

Một cách khác để thể hiện sự tôn trọng quyền tự do ý chí đối với em ruột là không ép cô bé/cậu bé lớn quá nhanh hay làm những việc của người lớn nếu em ấy vẫn còn nhỏ hay ở tuổi thanh thiếu niên. Quan trọng là bạn phải để em mình được trải nghiệm như một người trẻ, kể cả nếu điều đó có nghĩa là phạm sai lầm hay phải đối phó với những cuộc đấu tranh tư tưởng, chỉ cần bạn luôn ở bên cạnh như một nguồn động viên và để cho cô/cậu ấy tự khám phá ra mọi thứ. Nếu em bạn muốn làm những chuyện của người trưởng thành, chẳng hạn như đi ăn tối hay đi xem chương trình biểu diễn nào đó, dĩ nhiên bạn hoàn toàn có thể thực hiện cùng. Tuy nhiên, đừng cố bắt em bạn làm những chuyện của người lớn nếu như cô ấy/cậu ấy tỏ ra không hứng thú hay không muốn tìm hiểu.

Cho em ruột những lời khuyên

Tiffany Phạm, 14 tuổi, thường bị áp lực về thời gian biểu cho chương trình học ở trường, và lớp học đàn ngoài giờ. Thật tuyệt vời, cô bé có người anh đang học đại học đã hỗ trợ em mình bằng cách cho lời khuyên mỗi khi được hỏi. Người anh đã rất hạn chế khuyên nhủ cô bé vì điều đó mang lại cảm giác trịch thượng và áp đặt, mà chỉ đưa ra lời khuyên khi được hỏi. Anh khuyên cô em gái: “Ừm, khi còn học phổ thông, anh cũng đau đầu về việc quản lý quỹ thời gian. Sau đó, anh quyết định làm một bảng thời gian biểu để mình có thể tuân thủ đúng giờ nào, việc ấy mỗi ngày. Nhờ vậy mà anh kiểm soát được và cảm thấy đỡ áp lực hơn về tất cả bổn phận của mình.” Dù chênh lệch tuổi tác, Tiffany và người anh trai rất đỗi hòa hợp, bởi chính cách xử sự của người anh.

Ngoài ra, thay vì cho em những lời khuyên chung chung hay lơ đễnh, bạn nên cân nhắc dựa trên trải nghiệm của bản thân và cách mà bạn đã sắp xếp để giải quyết hoặc xử lý với vấn đề nhất định. Điều đó cho thấy bạn có sự đồng cảm với em trai/em gái của mình và muốn hỗ trợ em ấy theo cách rất chân thành.

Em ruột cũng có thể sẽ hỏi bạn về chuyện tình cảm. Nếu có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bạn nên khuyến khích em ấy nói về cảm giác và tình huống cụ thể cho bạn nghe. Bạn sẽ có thể cho những lời khuyên về cách làm sao để có được một mối quan hệ tốt đẹp và có trách nhiệm với người nào đó. Bên cạnh đó, bạn có thể cung cấp cho em mình những cách nhìn nhận về mối quan hệ, đặc biệt nếu bạn đã từng trải qua những bài học quý giá về tình yêu và sự lãng mạn.

Cuộc sống gia đình muôn hình vạn trạng, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng nếu biết cách dung hòa và xử lý bằng tình yêu thương chân thành, tất cả đều sẽ được giải quyết một cách êm đẹp.
(Theo Realsimple.com, Psychologytoday.com)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT