Thế Giới

Tảng băng hình dáng quan tài trôi dạt vào "nơi chết ở Nam Cực sau 18 năm trên biển

Friday, 02/11/2018 - 09:56:35

Tảng băng được các khoa học gia gọi là B-15T, được chụp ảnh từ Trạm Không Gian Quốc Tế vào ngày 23 tháng Chín, 2018.


Tảng băng ở Nam Cực này lớn bằng tiểu bang Connecticut. (NASA)

Một tảng băng trôi có hình dáng giống như một quan tài từng dạt ra khỏi vùng Nam Cực của trái đất, nay sắp tan chảy. Các chuyên gia NASA nói rằng tảng băng lớn đó đang di chuyển vào trong một “nghĩa địa băng trôi,” tức là nơi tan rã của những tảng băng.

Tảng băng được các khoa học gia gọi là B-15T, được chụp ảnh từ Trạm Không Gian Quốc Tế vào ngày 23 tháng Chín, 2018.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi đường trôi của tảng băng này, quan sát nó dần dần di chuyển vào vùng nước ấm hơn sau 18 năm lênh đênh.

Trên trang blog Earth Observatory (Đài Quan Sát Địa Cầu) trong tuần này, ký giả khoa học Kathryn Hansen của NASA nói rằng tảng băng đã trôi vào một vùng nước ấm, “nơi những tảng băng ở Nam Cực tới để chết.”
NASA dự đoán tảng băng này sẽ tan nhanh khi tiến xa hơn lên vùng biển ấm ở phía bắc.

Băng B-15T có nguồn gốc từ tảng băng mẹ B-15, tách ra khỏi Ross Ice Shelf trong tháng Ba năm 2000.
Tảng băng khổng lồ này dài hơn 370 cây số và rộng 40 cây số. NASA ước tính diện tích của nó gần bằng cả tiểu bang Connecticut.

Nhiều tảng trong số những băng trôi tách ra từ B-15 di chuyển vòng quanh Nam Cực theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, trên dòng Hải Lưu Bờ Biển Nam Cực.

Những tấm ảnh do vệ tinh chụp từ tháng Mười 2017 cho thấy B-15T đã được đẩy theo một hướng bắc bởi Biển Weddell, trôi dạt mấy trăm cây số sang phía đông bắc từ chóp Bán Đảo Nam Cực, gần đảo Elephant Island.

Sau đó nó được đẩy theo hướng đông nam trên dòng Hải Lưu Vòng Quanh Nam Cực đến vị trí hiện thời của nó, ở vĩ độ 54 độ về phía nam.

Các chuyên gia NASA cho biết những vùng nước tại vị trí này có thể đã bị làm nóng lên bởi một đợt gia tăng của ánh sáng mặt trời, điều này sẽ báo hiệu sự tan rã của B-15T.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT