Bình Luận

Tần số không đồng ý

Saturday, 25/06/2016 - 10:13:48

Tờ The Wall Street Journal đăng tải nội dung tờ “phiếu trình không đồng ý” của nhân viên ngoại giao; những người ký phiếu trình cho là biện pháp quân sự Hoa Kỳ đang sử dụng không đủ mạnh để ép Tổng Thống Bashar al-Assad vào thế phải chấp nhận giải pháp chấm dứt chiến tranh; điều này -từ lâu- cũng là chủ trương của Ngoại Trưởng Kerry.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Viên chức làm việc trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ -nhất là trong ngành ngoại giao- có quyền nói lên việc mình không đồng ý với đường hướng của chính phủ -nói qua "tần số không đồng ý." Sinh hoạt này bắt đầu từ những bất đồng ý kiến của viên chức Hoa Kỳ phục vụ trong Chiến Tranh Việt Nam; chính phủ Mỹ để họ tự do trình bày quan điểm dưới hình thức Phiếu Trình và qua “tần số không đồng ý,” một hình thức tự do tư tưởng trong hệ thống chỉ huy.

Tập tục cũ đã có trên nửa thế kỷ đó, vừa tái xuất hiện hôm thứ Ba 6/21/2016: một nhóm gồm 51 viên chức ngoại giao đã ký Phiếu Trình Nội Bộ mang nội dung chỉ trích nặng nề chính sách Syria của Tổng Thống Obama.
Đa số những viên chức này đều đang, hoặc đã phục vụ trong những cơ sở điều hành chính sách Syria, và một số những người đó hiện đang làm việc quanh Hoa Thịnh Đốn; hôm thứ Ba, Ngoại Trưởng John Kerry đã tiếp họ, khoảng 10 người -những người có điều kiện đến dự buổi họp; trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, Kerry trình bày tóm tắt quan điểm của ông, rồi đối thoại với những tác giả tờ phiếu trình bất mãn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao -ông John Kirby- cho truyền thông biết Ngoại Trưởng Kerry tỏ ra rất quan tâm đến quan điểm của nhân viên, mặc dù không ai nghĩ là sẽ có thay đổi trong chính sách Syria. Nội dung phiếu trình cho là chính sách của chính phủ đang đi vào ngõ cụt, không có triển vọng giải quyết cuộc chiến đã dài đến 5 năm, và đã giết 400,000 người, phá tan hàng trăm thị trấn, tạo ra hàng triệu người vô gia cư, màn trời, chiếu đất.

 Cuộc chiến không có triển vọng chấm dứt, đang phá tan hàng trăm thị trấn, tạo ra hàng triệu người vô gia cư, màn trời, chiếu đất.

Kirby nói là ông Kerry thật sự quan tâm đến nhận xét của nhân viên thuộc cấp; cuối cùng ông nói với họ là nội dung phiếu trình “rất tốt.” Trả lời phóng viên truyền thông hôm 6/21/2016, ông Kirby nói chính Hoa Kỳ cũng nhận thức được là không có giải pháp quân sự cho cuộc chiến tranh Syria, nhưng mưu tìm một giải pháp khác cũng không dễ.

Kirby nói, “Cái khó là tuyển chọn thành phần một chính phủ chuyển tiếp; ngoại trưởng (Kerry) đã tận tụy tham dự vào nhiều nỗ lực thành lập chính phủ, tái lập thương thuyết, duy trì ngưng chiến, rồi tái lập hòa bình -một nền hòa bình có triển vọng kéo dài- và giúp đỡ hàng triệu người Syrians đang trắng tay, sạt nghiệp vì chiến tranh.”

Tờ The Wall Street Journal đăng tải nội dung tờ “phiếu trình không đồng ý” của nhân viên ngoại giao; những người ký phiếu trình cho là biện pháp quân sự Hoa Kỳ đang sử dụng không đủ mạnh để ép Tổng Thống Bashar al-Assad vào thế phải chấp nhận giải pháp chấm dứt chiến tranh; điều này -từ lâu- cũng là chủ trương của Ngoại Trưởng Kerry.

Năm ngoái, chính ông Kerry đã mời trên 20 quốc gia quan tâm đến cuộc chiến Syria -kể cả Nga, Iran, và Saudi Arabia- tham dự một cuộc hội thảo của Liên Hiệp Quốc để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh Syria; cuộc hội thảo đã tạo được một thỏa thuận ngưng bắn, nhưng cuối cùng ngưng bắn vẫn không trở thành đình chiến, mà lại đổ vỡ vào tháng Tư vừa rồi, vì một số quốc gia vẫn đòi giữ Tổng Thống Assad ở lại chức vụ lãnh tụ.

Mỗi năm bộ ngoại giao nhận được khoảng 4 hoặc 5 tờ phiếu trình qua “tần số không đồng ý”; thông thường những văn kiện này mang một vài chữ ký, lần này con số 51 người ký tên khiến bình luận gia Robert Ford của tờ The Detroit News nhận định, “Con số 51 chữ ký là sự kiện đặc biệt nói lên sự đồng thuận của một số khá đông đảo nhân viên cấp thừa hành -những người có trách nhiệm đem những quyết định chính trị ra thực hiện. Họ chỉ phản đối vì thấy những quyết định chính trị đó đang thất bại, hoặc không thể nào tránh khỏi thất bại."
Những phiếu trình chuyển qua “tần số không đồng ý” được coi như quan trọng và kín mà ngoại trưởng và những viên chức cao cấp trong bộ ngoại giao phải đọc, và trong kỳ hạn 2 tháng, Giám Đốc nha Kế Hoạch của bộ phải trả lời chi tiết cho những người viết phiếu trình. Vị Giám Đốc hiện tại của Nha Kế Hoạch Bộ Ngoại Giao là ông Jon Finer; ông hiện diện trong buổi họp của Ngoại Trưởng Kerry, và thận trọng tiếp xúc với những tác giả viết phiếu trình.

“Tần số không đồng ý” là một hình thức tốt để cấp thừa hành nói lên quan điểm của họ về một chính sách; tuy nhiên đánh giá ngay từ thời điểm phát sinh ra hình thức này: nửa thứ nhì của thế kỷ 20, và từ môi trường chiến tranh Việt Nam, người đi sau phải nhận xét là sự góp ý -dù thật rộng của người Mỹ- vẫn không giúp họ, 53 năm trước, tránh được sai lầm trong chiến tranh Việt Nam.

Sai lầm đem ra đề cập là quyết định của Mỹ đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm; tài liệu giải mật cho thấy quyết định này đã được Bộ Quốc Phòng thảo luận rất kỹ -dưới đây là bản dịch về nội dung của cuộc thảo luận đó
Tài liệu này được giải mật do Lệnh Hành Chánh 13526, đoạn 3.3, năm 2011. Tài liệu được đánh giá “Tối Mật” và “Nhạy Cảm.”

Phần dưới đây là một đoạn trích trong “Bài Phân Tách” của chính phủ Mỹ. "Việc đảo chánh ông Diệm là một diễn biến hệ trọng trong lịch sử về chính sách của Hoa Kỳ, việc này còn có thể làm thay đổi những cam kết của chúng ta (ý nói cam kết của Hoa Kỳ đối với Việt Nam). Chúng ta phải chọn một trong ba giải pháp: (1) tiếp tục cộng tác cà xịch cà tang với ông Diệm, chấp nhận chuyện ông ta mất uy tín với quần chúng; (2) khuyến khích hoặc yểm trợ việc đảo chánh ông ta, chấp nhận nguy cơ tân chính phủ có thể thân Việt Cộng; và (3) lợi dụng cơ hội này để giải kết với Việt Nam “Giải pháp thứ nhất phải loại bỏ vì cộng tác với Diệm-Nhu là con đường không thể chiến thắng; giải pháp thứ 3 không phải là một lối thoát nghiêm chỉnh, vì một Nam Việt không cộng sản là một giá trị chiến lược quá quan trọng để có thể bỏ lỡ. Phải chọn giải pháp thứ nhì (yểm trợ đảo chánh), vì chúng ta loại bỏ giải pháp thứ nhất.

"Hoa Kỳ cần thắng trận, và các tướng lãnh nổi loạn có vẻ hứa hẹn chiến thắng này. "Quyết định không làm gì để ngăn chặn đảo chánh, mà còn kín đáo yểm trợ đảo chánh, là chúng ta đã chấp nhận liên hệ vào việc đảo chánh rồi. Tuy nhiên, yếu tố chính vẫn là chúng ta không chủ xướng việc đảo chánh.”

Việc Hoa Kỳ sai lầm trong cách chọn một trong ba chính sách họ đem ra thảo luận trở thành tệ hại hơn do mối tương tác giữa CIA với TT Thích Trí Quang. Sai lầm tệ hại đó tạo bất mãn cho một người lính TQLC Mỹ -anh binh nhì Robert J. Topmiller- mặc dù anh không có mặt tại Việt Nam trong thời điểm 1963.

Giải ngũ, Topmiller trở lại đại học, lấy bằng tiến sĩ lịch sử, rồi vừa dạy học, vừa viết nhiều sách về những cuộc chiến tranh ngoại biên của Hoa Kỳ. Dẫn chứng tài liệu của chính phủ Mỹ, Topmiller viết, “Sau khi hai anh em TT Ngô Đình Diệm bị giết, ngay vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày, “Big” Minh sai Đôn và Kim qua gặp Cabot Lodge, sau đó Lodge dẫn hai người qua gặp TT. Trí Quang đang tỵ nạn trong tòa đại sứ Mỹ.”

Buổi gặp gỡ giữa ba thành phần cùng trong một cuộc đảo chánh: Đại sứ Mỹ yểm trợ đảo chánh, các tướng lãnh thực hiện đảo chánh và Thích Trí Quang người chủ trương đảo chánh - trở thành hình ảnh quan trọng đưa đến cuộc thất trận đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.

 Chú lính Topmiller chụp với chú tiểu Việt Nam bên một ngôi chùa tại Sài Gòn.

"Tần Số Phản Đối" chỉ là hậu quả đương nhiên của chiến tranh Việt Nam -một cuộc chiến chứa đựng quá nhiều bí mật oan khiên; bất bình của cấp thừa hành có nút xả hơi, và những bất bình được chuyển qua hệ thống quân giai, hay hệ thống hành chánh, cũng giảm bớt sức nổ.

Tuy nhiên, đôi khi “nổ” cũng vẫn cần thiết để nói lên sự thật: nếu người lính TQLC Topmiller không để bất bình nổ tung thành hàng chục tác phẩm bênh vực binh sĩ, và chỉ trích những chính sách tai hại của chính phủ Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Triều Tiên, thì cuộc chiến tranh Syria còn tệ đến mức nào nữa.
Một chi tiết khá lý thú là, vài chục năm trước, ngày còn là một trung úy trẻ phục vụ trên chiến trường Việt Nam, ông Kerry cũng đã từng phẫn nộ với chính sách Việt Nam của chính phủ Hoa Kỳ. Ông không viết "phiếu trình" phản đối, không gửi phiếu trình qua tần số phản đối, mà bầy tỏ thái độ bất bình bằng cách ném huy chương lên thềm quốc hội.

Giờ này ông tìm cách giải quyết những bất bình đó. (nđt)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT