Mẹo Vặt

Tận dụng Price Matching khi mua hàng

Saturday, 11/07/2015 - 12:43:05

Trong sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường nuớc Mỹ, đọ giá được diễn nghĩa là “bảo đảm giá bán tại cửa hàng chúng tôi là rẻ nhất. Quí khách không thể đi đâu mua rẻ hơn được. Nếu nhỡ ra có cửa hàng (chết tiệt?) nào mà bán rẻ hơn, quí vị cứ cho biết, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận giá đó, mà còn hạ xuống thêm 10% nữa.”
 

Bài ERIC TRẦN

Mua bán trong các siêu thị và cửa hàng lớn của nước Mỹ, chắc hẳn chúng ta từng nghe tới chữ Price Matching, một thủ thuật giành khách của những đơn vị kinh doanh lớn. Nói cách khác, đó cũng là một cách cạnh tranh. Vậy chắc chắn Price Matching phải là một lợi ích cho khách hàng. Dĩ nhiên! Nhưng theo kết quả thăm dò của Star Tribune, một trong những tờ nhật báo lớn nhất nước Mỹ, thì mới có chừng 5% khách hàng biết cách tận dụng lợi ích này.


                                 Price Match là một thủ thuật giành khách của các cửa hàng lớn


Price Matching là gì?

Price Matching có thể hiểu đúng theo nghĩa đen là “Đọ Giá,” cửa hàng này đọ giá với cửa hàng kia, ai cũng cho rằng mình bán rẻ hơn. Trong sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường nuớc Mỹ, đọ giá được diễn nghĩa là “bảo đảm giá bán tại cửa hàng chúng tôi là rẻ nhất. Quí khách không thể đi đâu mua rẻ hơn được. Nếu nhỡ ra có cửa hàng (chết tiệt?) nào mà bán rẻ hơn, quí vị cứ cho biết, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận giá đó, mà còn hạ xuống thêm 10% nữa.”
Có được một lời bảo đảm như vậy, khách hàng có yên chí không? Chắc chắn là yên chí, bởi vì lời tuyên bố dính liền với uy tín của cửa hàng, chúng ta – giới tiêu thụ - không bao giờ sợ họ nuốt lời. Kết quả là, giới tiêu thụ có thể yên tâm mua hàng tại một địa điểm, khỏi phải chạy đi chỗ này chỗ khác để khảo giá.
Thông thường chỉ có những cửa hàng lớn, như Walmart, Target, Best Buys, Staples… mới dám đưa ra lời cam kết Price Matching. Bởi vì, họ có thể mua hàng theo giá rẻ hơn, mà lại bán ra được nhiều hơn, họ dám chấp nhận mức lời thật thấp mà vẫn có thể tiếp tục làm ăn. Ngược lại, với những cửa hàng tạp hóa nhỏ, khách hàng khó có thể đòi hỏi “đọ giá” được.
Đối với khách hàng, Price Matching rõ ràng là một cách để chúng ta tiết kiệm tiền một cách dễ dàng. Nhưng nếu chúng ta không biết cửa hàng hiện đang cho “đọ giá” và những qui luật liên quan về việc đọ giá ra sao, chúng ta sẽ dễ dàng để quyền lợi ấy vuột ra khỏi lòng bàn tay.
Hiện nay, trong lúc bài này được phổ biến, chúng tôi nhận thấy có ít nhất 11 cửa hàng đang đưa ra lời thách đấu về giá cả, đó là: Walmart, Target, Amazon, Staples, Best Buys, Home Depot, Lowes, Fry's Electronics, Bed Bath & Beyond, Sears, và Toys R US .


                                Khách hàng rất nên tận dụng cơ hội này để tích góp hàng giá rẻ.


Tận dụng Price Matching

Muốn tận dụng những lời hứa hen về Price Matching, trước tiên, khách hàng phải đáp ứng những điều kiện do cửa hàng đưa ra. Về chi tiết, mỗi cửa hàng mỗi khác, nhưng nói chung đều nêu rõ những điều kiện này:
1. Thời hạn: Sau khi mua hàng, bạn có thể đi đọ giá với những cửa hàng khác trong thời hạn 30 ngày, có nơi chỉ cho 15 ngày, hoặc 10 ngày. Nếu tìm được giá rẻ hơn, “Cửa hàng chúng tôi sẽ bù lại cho số sai biệt.” Có cửa hàng còn mạnh miệng hơn, “Chúng tôi sẽ bù lại giá sai biệt, mà còn tặng thêm một số tiền tương đương 10% số sai biệt đó.” Chắc để đền bù công lao khách hàng đi khảo giá?
2. Điều kiện: Sản phẩm đọ giá phải là một sản phẩm tương đương, cùng nhà sản xuất, cùng các điều kiện bảo hành…. Bạn có thể minh chứng bằng cách đưa ra mẫu quảng cáo, hoặc biên nhận, nếu hàng đã mua rồi. Với những quảng cáo “buy one, get one free” (mua 1, tặng 1), khách hàng phải xuất trình giá cả. Điều yêu cầu này dĩ nhiên là hợp lý, bởi vì, bạn không thể đòi “buy one get one free” khi “thiên hạ” rước giá lên cao gấp đôi, trong khi “Chúng tôi chỉ bán có nửa giá.”
Thực tế, là một khách hàng chúng ta không thể lái xe chạy từ cửa hàng này đến cửa hàng kia để khảo giá được. Trừ khi là những món hàng lớn, sử dụng lâu dài, như cái TV, máy hát, máy Karaoke, còn với những món hàng khác, gặp hàng vừa ý ở đâu thì mua ngay ở đó, mà ít khi nghĩ tới việc đọ giá. Tuy nhiên, trong thời buổi cách mạng thông tin hiện nay, giới tiêu thụ có rất nhiều cách để đọ giá mà không cần mất một giọt xăng chạy qua chạy lại:
1. Đọ giá qua websites của các cửa hàng trên Internet. Các cửa hàng lớn, và cả cửa hàng nhỏ nữa, hiện nay đều đã có mặt trên Internet rồi. Trong khi giới buôn bán lợi dụng Internet để đến với khách hàng, chúng ta chả dại gì không tận dụng phương tiện này để giành lấy những quyền lợi chính đáng cho mình. Chẳng hạn, gặp một món hàng ưng ý trên Website của Walmart, chúng ta có thể lấy chi tiết về sản phẩm, rồi vào Website của Target để tìm. Làm xong cái công việc “vất vả” ấy chỉ trong có vài phút bấm phím điện toán. Sau đó, in ra quảng cáo nào giá hạ nhất trước khi xuất hành đến cửa hàng.
2. Dùng Smart Phone: Với Smart Phone được sử dụng rất phổ thông hiện nay, bạn có thể vào Website của các cửa hàng để khảo giá, và “sô” ra cái quảng cáo nào có giá hạ nhất tại một cửa hàng khác mình vô tình đến thăm.
3. Đọc quảng cáo trên báo Chủ Nhật và Thứ Tư: Nhưng nếu bạn không dùng internet, hoặc không có smart phone? Tìm các số báo Mỹ ngày Chủ Nhật (như tờ Orange County Register hoặc Los Angeles Times tại Nam California) để đọc quảng cáo của các cửa hàng tạp hóa, và số báo ngày Thứ Tư để đọc quảng cáo của các chợ.
4. In sẵn tờ Thể Lệ Price Matching của cửa hàng: Bạn nên in sẵn ra một tờ thể lệ Price Match Policy của cửa hàng, để phòng khi chính nhân viên tại quầy tính tiền cũng chẳng biết gì về chuyện Price Matching đó. Những bản thể lệ này sẵn có trên trang mạng của mỗi cửa hàng.
Săn tìm hàng rẻ (mà phải là hàng tốt) là một quyền lợi và niềm vui. Chúng ta nên tận dụng những ưu thế của khách hàng trong thị trường cạnh tranh, nhất là trong những ngày lễ lớn.
Erictran216@yahoo.com

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT