Bình Luận

Tấn công thường dân

Wednesday, 31/01/2018 - 09:05:59

Chuyện tàn sát đó xảy ra hàng ngày, và tướng lãnh Mỹ cũng đang bị chỉ trích hàng ngày, trong lúc vài trăm ký thuốc nổ chất trong chiếc xe cứu thương, chạy vào giữa thành phố là thuốc nổ của Taliban, anh lái xe là cảm tử quân Taliban.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Ký giả mới nổi tiếng Max Fisher vừa viết bài Why Attack Afghan Civilians? Creating Chaos Rewards Taliban (Tại sao lại tấn công thường dân A Phú Hãn? Tạo hỗn loạn chỉ giúp quân kháng chiến Taliban). Bài báo được đăng trên tờ The New York Times số phát hành ngày 28 tháng Giêng, 2018.

Fisher còn trẻ lắm, trông hình thì anh chỉ ngoài 30, chưa tới 40, nhưng đã từng lăn lộn trong nghiệp cầm bút, chấp nhận nhiều thiếu thốn, nhiều hy sinh, để phục vụ sự thật.

Nhưng tìm ra “sự thật A Phú Hãn” không là chuyện giản dị, dễ làm, cho một ký giả Mỹ, dù họ có cất công đến đó để quan sát, tìm hiểu đi nữa.

Và, nếu tìm sự thật đã khó, thì làm cách nào để phục vụ sự thật? Sự thật là thường dân bị tấn công; nhưng lực lượng nào tấn công thì Fisher không biết; anh chỉ trích quân đội Mỹ và A Phú Hãn.

Có thể so sánh việc anh Fisher đang chỉ trích trận chiến tranh A Phú Hãn, với việc làm của các ký giả Mỹ, của truyền thông Mỹ, trên nửa thế kỷ trước khi họ cắm đầu chỉ trích chiến tranh Việt Nam bằng cách tường thuật sai sự thật, gây hoang mang cho dư luận Mỹ, tạo ra áp lực đòi thương thuyết với địch quân.

Dư luận đầy ác ý của truyền thông cộng vào tình trạng thiếu một chiến lược phản du kích của các tướng lãnh Mỹ, khiến -nửa thế kỷ trước- Hoa Kỳ phải giải kết với Việt Nam để tháo chạy ra khỏi chiến trường, bỏ đồng minh VNCH ở lại chiến đấu một mình. Ấy là chưa hạch cái tội họ đứng về phe Trung Cộng trong vụ tấn công Hoàng Sa.

Trong nhiều năm dài, vài trăm ký giả báo chí, ký giả truyền thanh, truyền hình Mỹ thường xuyên có mặt tại Việt Nam, trong số đó có khá nhiều người tên tuổi như Peter Arnett, Philip Caputo, Frances FitzGerald, David Halberstam, Michael Herr, Ward Just, Mary McCarthy, Harrison Salisbury, Neil Sheehan, Tom Wolfe, Seymour Hersh, Walter Cronkite; ....

Cronkite tường thuật cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân trên đài CBS, nhấn mạnh là, “Càng ngày càng thấy rõ là lối thoát hợp lý nhất cho Hoa Kỳ là thương thuyết với Bắc Việt, thương thuyết một cách đúng đắn, chứ đừng đóng vai kẻ chiến thắng bắt người đối thoại với mình chấp nhận điều kiện hòa bình của mình.”
Sự đần độn và thái độ quyền hành của báo chí Mỹ quá đáng đến mức chính người Mỹ cũng phải nhìn nhận và ghi chép lại thành hai quyển sách trong bộ sách tài liệu The Powerful, Painful Journalism of the Vietnam War, (Lực lượng báo chí vô cùng mạnh, tạo ra những hậu quả vô cùng đau đớn trong chiến tranh V N.)
Reporting Vietnam; The Library of America; Volume one, 862 pages, $35; Volume two, 864 pages, $35.
Phải cần đến 1,726 trang sách để chỉ ghi nhận những sai lầm của truyền thông trong trận chiến tranh Việt Nam, thì quả là quá đáng.

Ngày 19 tháng Giêng 1961, Stanley Karnow viết trên tờ The Reporter, “Tình hình chiến trường quả là tuyệt vọng” - ông nhận xét như vậy trong lúc cuộc chiến VN còn ở mức độ thấp. Một năm sau, ký giả Homer Bigart viết trên tờ the New York Times “Hoa Kỳ dường như gắn bó không biết mệt mỏi với một cuộc chiến lâu dài, không thể ngã ngũ.”

Bigart đặt ra vấn đề “Hoa Kỳ phải biết mệt mỏi” từ năm 1962 -năm Hoa Kỳ mới chân trong, chân ngoài, chưa bước hẳn vào chiến tranh Việt Nam.

Trở lại với Ficher để khẳng định là không chỉ đi ngược lại sự thật, mà anh còn đang tác hại cho quân đội Mỹ, cho nhân dân A Phú Hãn và cho nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ và của
quân đội A Phú Hãn.

Anh đang đi đúng từng bước vào con đường sai lạc của thế hệ ký giả Mỹ viết về Chiến Tranh Việt Nam nửa thế kỷ trước.


Max Fisher

Một ngày trước bài báo của Fisher, hai anh phóng viên địa phương người A Phú Hãn Mujib Mashal và Jawad Sukhanyarjan của tờ NY Times, viết bài “Its a Massacre: Blast in Kabul Deepens Toll of a Long War” (Chiến tranh chỉ là một cuộc tàn sát: Mìn nổ tại Kabul làm tổn thất của cuộc chiến tranh đã quá dài đang trở thành trầm trọng hơn).

Khối thuốc nổ đặt trong một chiếc xe tản thương nổ tung giữa đường phố Kabul giết 95 người, làm 158 người khác bị thương.


Mìn nổ tại Kabul


Báo chí Mỹ hỏi chính phủ Mỹ Why Attack Afghan Civilians?

Chuyện tàn sát đó xảy ra hàng ngày, và tướng lãnh Mỹ cũng đang bị chỉ trích hàng ngày, trong lúc vài trăm ký thuốc nổ chất trong chiếc xe cứu thương, chạy vào giữa thành phố là thuốc nổ của Taliban, anh lái xe là cảm tử quân Taliban.

Lỗi của tướng lãnh Mỹ chỉ giới hạn vào việc mù tịt, không biết bí quyết chặt đứt bàn tay giết thường dân của Taliban, nên không huấn luyện binh sĩ A Phú Hãn làm việc đó được; ký giả Mỹ -người Mỹ hoặc người A Phú Hãn viết báo Mỹ- khoáy dao vào vết nội thương -chỉ trích những đần độn chiến lược đó, gây áp lực đòi chấm dứt chiến tranh, khiến thảm cảnh “tháo chạy” tại VN sắp tái diễn, tại A Phú Hãn.

Sai lầm Việt Nam đang ngờ ngờ tái diễn tại A Phú Hãn với hai tương đồng -tình trạng mù mờ chiến lược của tướng lãnh Mỹ, và nhu cầu chỉ trích (dù chỉ trích sai) của ký giả và giáo sư Mỹ. Họ biết việc thường dân A Phú Hãn bị tấn công, nhưng không biết là chính quân Taliban chủ trương như vậy -chủ trương khủng bố thường dân, gây khiếp sợ để kiểm soát. Chúng chủ trương kiểm soát dân, trong lúc Mỹ chủ trương kiểm soát lãnh thổ, kiểm soát mặt đất. Chủ trương đó khiến 90% tổn thất của Mỹ và A Phú Hãn là chết và bị thương ngay trên các trục giao thông mà họ phải tuần tiễu hàng ngày, bắt binh sĩ ngờ ngờ di chuyển các quả mìn gài sẵn, và họng súng phục kích của địch chỉ một vài thước.

Một nửa câu chuyện hài hước “chiến thắng rồi bỏ chạy” sau trận Mậu Thân sẽ tái diễn: cái nửa đó là bỏ chạy; cái nửa không tái diễn được là chiến thắng.

Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi A Phú Hãn mà không có một chiến thắng Mậu Thân, vì họ không hiểu tại sao Võ Nguyên Giáp lại đùng đùng đem thí 80,000 du kích quân vào chiến trường thành phố. Họ phủ nhận sự thành công của chiến lược gia Ngô Đình Nhu qua chiến lược Ấp Chiến Lược - phủ nhận bằng cách giết ông ta.
Sai lầm “giết đồng minh” đó không những không được nghiên cứu, tìm hiểu, mà lại còn bị xuyên tạc: giáo sư Edward Miller, giảng dạy về khoa Chiến Tranh VN tại trường đại học cổ kính và danh tiếng Dartmouth College - viết nhiều sách chỉ trích những nỗ lực ACL của ông Ngô Đình Nhu; trong một bài báo mới đây -bài Behind the Phoenix Program (Đằng Sau Chiến Dịch Phụng Hoàng) đăng trên tờ NY Times ngày 29/12/2017- ông còn chỉ trích là “Các nhân chứng về chiến dịch này tuyên bố rằng thành viên của các nhóm trong chương trình và các cố vấn Mỹ thường xuyên thực hiện tra tấn, giết người và ám sát, ...”


Edward Miller, tác giả của Behind the Phoenix Program


Và mầu cờ trang điểm bài báo

Đến một sử gia danh tiếng như Miller mà còn không hiểu căn bản của chiến lược du kích là kiểm soát để khai thác nhân dân, thì một ký giả như Fisher, một tướng lãnh như tướng Joseph Anderson, tổng tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại A Phú Hãn, làm sao hiểu được.
“Thắng chạy” hay “thua chạy” cũng vẫn là chạy, vẫn là hậu quả của yếu tố “không biết địch,” hậu quả của tình trạng nửa lừng, không học hết câu danh ngôn 10 chữ, “biết địch, biết mình, trăm trận đánh, trăm trận thắng.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT