Người Việt Khắp Nơi

Tâm trạng bất bình của du học sinh VN trước quyết định mới khắt khe của chính phủ Mỹ

Monday, 13/07/2020 - 07:31:32

“Không làm gì sai nhưng ICE lôi mạng du học sinh ra làm trò đùa trong mùa dịch. Người Mỹ ở đây không biết gì về du học sinh."

Luật di trú Mỹ đang khắc nghiệt hơn trước. Bên trái là một bạn trẻ đang chờ vào một văn phòng chuyên lo giấy tờ di trú nằm ở góc đường Bolsa Avenue và Bushard Street trong khu phố Little Saigon trưa thứ Hai, 13 tháng 7, 2020. Các cơ sở di trú ở Westminster đã tương đối bận rộn với khách hàng, trong khi hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ khác đang vắng khách hoặc phải đóng cửa trong cơn đại dịch Covid-19. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)

Giáo Sư Phạm Thị Huê: "Cách giải quyết hay nhất là một phần dạy online, một phần trực tiếp nếu có thể được."

Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Ngày 6 tháng 7, 2020 tuần qua, Cơ Quan Thực Thi Luật Di Trú và Quan Thuế Hoa Kỳ (ICE) đã ra thông báo cho biết, tất cả các sinh viên ngoại quốc đang theo học tại Mỹ phải trở về nước nếu trường chỉ dạy trực tuyến (online). Ngay sau khi lệnh trên được phổ biến, dư luận trong giới du học sinh Việt Nam đã vô cùng ngỡ ngàng và hết sức bất bình, họ không thể ngờ lại có lệnh khắc nghiệt như thế này.
Trong tuần qua, ngay sau khi có thông báo của ICE, chính quyền California đã nạp đơn kiện chính quyền liên bang, vì các hệ thống trường đại học tại tiểu bang này sẽ bị thiệt hại lớn về tài chánh với hàng chục ngàn sinh viên ngoại quốc đang theo học, nếu cơ quan di trú ICE thi hành lệnh bắt buộc các sinh viên ngoại quốc phải về nước như nói trên. Tổng cộng đã có 17 tiểu bang kiện chính phủ liên bang.
Để tìm hiểu tâm trạng của các du học sinh, chúng tôi đã phỏng vấn một số sinh viên Việt Nam hiện đang theo học tại Golden West College, Orange Coast College, và một số trường đại học trong vùng Nam California. Sau đây là ý kiến của các sinh viên.

SV Nguyễn Quốc Việt:

“Vấn đề này theo cháu, cháu thấy không công bằng mặc dù chưa có gì hết trong khi Mỹ bệnh dịch cứ càng ngày càng tăng mà bây giờ bắt buộc sinh viên phải đi học trực tiếp tại trường, như thế chẳng khác nào ép sinh viên tụi cháu dễ dàng bị lây nhiễm Covid-19 mà y tế thì không lo cho bọn cháu nên khá là khổ cho sinh viên. Vì thế tụi cháu xin chính phủ và Sở Di Trú Mỹ xét lại vấn đề này để giúp các sinh viên tiếp tục ở lại Mỹ hoàn tất chương trình học.”

SV. Trần Hoài Nam:
“Không biết nghe ai mà nói du học sinh giàu liền được chấp nhận từ lãnh sự quán? Đối với du học sinh, vô cửa khẩu của Mỹ còn khó hơn bị trục xuất về nước. Có người Mỹ trắng nói ICE bắt tội phạm làm trái luật, nhưng du học sinh chưa đụng chạm gì đến dân Mỹ mà bị coi là tội phạm không bằng chứng. Đến học bình thường như dân ở đây nhưng giờ bị phân biệt trong mùa Covid-19 còn bị đuổi về vô cớ. Du học sinh không đi làm nhưng trả tiền học phí gấp ba, bốn lần cao hơn dân thường ở đây. Nhờ tiền của ai mà các trường Mỹ mới giàu lên?
“Qua Mỹ sống với gia đình người thân đâu có miễn phí. Du học sinh phải trả tiền phòng và tiền ăn, tiền điện, nước. Không biết ai giúp nên đành tự lập sống tiết kiệm tiền sau khi trả một khối đống tiền học. Lý do dân du học sinh được chấp nhận vô đại học nhiều là sự chăm học không ngừng nghỉ. Đã sống ở xa nhà nên không dám làm phí tiền ba mẹ lo cho đi học. Không dám về trong mùa Covid-19 vì sợ lây cho cả nhà. Bố mẹ mà qua đời ai lo cho mình tiền học.
“Không làm gì sai nhưng ICE lôi mạng du học sinh ra làm trò đùa trong mùa dịch. Người Mỹ ở đây không biết gì về du học sinh. Tụi cháu đã khóc, bị căng thẳng khi học xa nhà. Không biết du học sinh là ai, cũng không hỏi tụi cháu có nhớ nhà không. Chưa bao giờ gặp du học sinh mà đã có định kiến không căn cứ. Họ không biết gì ngoai sự kiêu căng, thiếu hiểu biết. Chỉ biết coi thường. Đâu phải là một trò chơi có thể hùa theo số đông để phân biệt. Đã chỉ trích thì có trách nhiệm với hành vi và hành động không chín chắn đi chứ.”

SV Lê Thành Quốc:
“Cháu nghĩ những người sinh ra ở đây làm gì hiểu được cảm giác một thân một mình tự lập như tụi du học sinh chúng cháu. Làm gì hiểu được cảm giác mong chờ một bữa cơm với gia đình hơn bao giờ hết. Một người sinh ra ở đây lam gì hiểu được cảm giác muốn sà vào lòng ba mẹ vào những lúc mệt mỏi. Một người sinh ra ở đây làm gì hiểu được cảm giác khao khát được ở cạnh gia đình mà không phải cố tỏ ra mạnh mẽ. Một người sinh ra ở đây làm gì hiểu được hết những thăng trầm, cảm xúc mà du học sinh phải chịu đựng nên xin đừng áp đặt thêm những luật lệ mới càng làm tụi cháu đau khổ thêm.”

SV Lê Thành Nội:

“Những người sinh ra ở đây dù họ có học xa nhà như thế nào nhưng khi nhớ nhà vẫn có thể về thăm nhà khi có thời gian, còn đối với du học sinh về thăm nhà là một điều gì đó rất xa xỉ đối với họ. Đối với họ khi về thăm nhà có dành bao nhiêu thời gian cũng không đủ vì họ chỉ có thể về thăm nhà hai lần trong một năm vào những kỳ nghỉ ngắn hạn hay thậm chí chỉ về thăm nhà vào mùa Hè. Vì khi về thăm nhà chi phí rất cao, vé máy bay thậm chí cao bằng gần một mùa đóng học phí của họ.
“Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của du học sinh, mọi người sẽ hiểu được những khó khăn họ trải qua, những tủi thân họ phải nhận và những áp lực mà họ gánh lấy. Du học sinh bọn này không cần gì hết, chỉ cần mọi người đồng cam và thấu hiểu. Đừng chỉ nhìn những du học sinh ăn chơi, mua sắm này nọ mà vơ đũa cả nắm. Du học sinh cũng có người này người kia. Hãy đồng cảm và thấu hiểu cho bọn tụi con.”

SV Phạm Hoàng Nam:

“Tụi con hết sức bất ngờ và lo lắng, nếu quả thật lệnh này được áp dụng thì đau khổ cho tụi con và gia đình tụi con biết chừng nào. Ở bên nhà, ngoại trừ một số gia đình giàu có, còn một số khác, ba mẹ tụi con cũng phải làm ăn vất vả, thậm chí vay mượn tiền cho tụi con sang đây ăn học để khi về nước có mảnh bằng trong tay, có việc làm hầu cuộc sống thoải mái hơn, thế mà bỗng dưng bắt tụi con về nước giữa chừng, học hành giở dang, chưa đâu vào đâu, nên con mong cô bác, nhất là những vị dân cử gốc Việt hãy lên tiếng tranh đấu giùm bọn con. Chúng con hết lòng biết ơn.”
*


Giáo sư TS Phạm Thị Huê (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Sau khi nghe một số du học sinh trình bày ý kiến của họ, chúng tôi đã liên lạc với Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê. Giáo Sư Huê từng dạy nhiều năm tại Orange Coast College, bà là người tha thiết với lịch sử, văn hóa của dân tộc. Sau khi về hưu, giáo sư TS Phạm Thị Huê đã đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt Orange County.

Bà đã cho biết cảm nghĩ về vấn đề này: “Tôi nghĩ rằng cái này là cái nạn dịch nó tới quá nhanh, không ai có thể sửa soạn được. Nếu bây giờ chính phủ đưa ra một cái lệnh mà gọi là quá gấp gáp và nói các trường đại học ngày 15 tháng 7 này phải có quyết định là các lớp dạy trực tiếp tại lớp hoặc dạy online, và đưa ra cái lệnh cho tất cả các sinh viên ngoại quốc phải về nước thì theo tôi, đó là điều quá khắt khe, không thể nào mà các đại học cũng như các em sinh viên có thể thực hiện được.

“Thành thử tôi nghĩ phải có một sự chuẩn bị thế nào đó để sửa soạn cho các em và bây giờ là khóa Mùa Thu sắp tới rồi; có nhiều trường đã mở cửa bắt đầu cho khóa đó rồi cho nên tôi nghĩ rằng, phải để cho các đại học cũng như cho các sinh viên họ có thời gian để sửa soạn, để lựa chọn còn nếu bây giờ bắt buộc các em, các trường phải mở lớp thì nó sẽ đưa đến một cai khó khăn khác, nó sẽ hại đến sức khỏe của tất cả các sinh viên, và cái bệnh dịch này thì không ai có thể đoán trước nó sẽ đi tới đâu và nó sẽ diễn biến như thế nào thì đó là tình trạng lo lắng chung của tất cả cac sinh viên. Đối với các du học sinh thì tôi nghĩ rằng họ vẫn có thể học online được chứ không nhất thiết phải học ở trong lớp.

“Cho nên tôi nghĩ rằng cách giải quyết hay nhất là một phần dạy online, một phần trực tiếp nếu có thể được. Tôi nghĩ cái trực tiếp nó có thể hay là nhà trường giữ được sự liên hệ với các sinh viên ngoại quốc để họ biết và theo dõi xem các em có theo đuổi việc học không, còn nếu hoàn toàn học online tôi nghĩ nó cũng có cái bất tiện là có thể Ban Giám Đốc của nhà trường không thể theo dõi được các sinh viên từ các nước ngoài tới, nếu là một cái lớp nào đó gọi là full time thì cũng nên có lớp trực tiếp với nhà trường.

“Tôi nghĩ đó là giải pháp có thể một phần nào dung hòa được cái tình trạng khó khăn bây giờ, và một điều nữa tôi nghĩ là hiện giờ các em đang học ở đây có thể các em sẽ lên năm thứ hai, năm thứ ba hoặc năm thứ tư vì các em đã ở đây rồi cho nên phải để cho các em tiếp tục chứ bắt các em về nước thì sau này tốn kém làm sao có thể trở qua lại được để mà đạt được cái bằng của đại học Mỹ.

“Còn vấn đề nếu không cho các em qua bên này thì cái thành phần sinh viên mới (năm đầu tiên) chắc chắn năm nay họ giới hạn rồi thì bây giờ phải có một quy luật cho các em phải như thế nào, còn những sinh viên đã ở đây năm thứ hai, thứ ba, thứ tư hay Cao Hoc thì nên cho các sinh viên có cơ hội để họ ở lại qua cái đại dịch này, để họ có thể tiếp tục học lấy những bằng cấp mà họ đã theo đuổi. 


“Ngoài ra, tôi cũng muốn nói thêm là tôi thấy rất tội nghiệp cho các em, nhất là những em mới vào đại học năm thứ nhất, các em đã hoàn tất chương trình trung học và đang rất háo hức bước chân vào ngưỡng cửa đại học với môi trường học rộng lớn hơn để có thể học hỏi, phát triển cái tài năng cua mình, mà bây giờ họ không có cơ hội học trực tiếp với các giáo sư ở những trường nổi tiếng hay nói chung chung là các giáo sư ở bậc đại học cho nên tôi thấy cái điều này là sự mất mát vô cùng lớn lao với các sinh viên năm nay. Cho nên theo tôi, những vị có trách nhiệm cần xem xét lại để có một quyết định sáng suốt hơn.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT