Phóng Sự

Tâm tình của Ngọc Phấn, một tín hữu Tin Lành

Sunday, 21/01/2018 - 10:35:49

Công Giáo và Tin Lành đều cùng thờ Chúa. Chúa của Tin Lành và Công giáo không khác nhau. Nhưng hai niềm tin hoàn toàn khác nhau, dẫu cả hai đều tôn thờ Thiên Chúa.

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 21)

Bài BĂNG HUYỀN


Sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Tin Lành (phần cuối)
Tâm tình của một tín hữu Tin Lành

Cô Ngọc Phấn, là một tín hữu Tin Lành thường đi thờ phượng Chúa tại hai Hội Thánh The Rock (Thành phố Anaheim) vào thứ Bảy, và Cộng Đồng Hy Vọng (Hope Community) (thành phố Westminster) vào chiều Chủ Nhật. Cô có giọng hát rất đẹp, là một giọng nữ cao trong vắt, mát lành, thường hát solo những bài ca ngợi Chúa trong các buổi thờ phượng tại hai Hội Thánh trên và nhiều Hội Thánh khác trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại quận Cam và nhiều nơi trên nước Mỹ vào những dịp cô đi dự Đại Hội Tin Lành hoặc đi làm chứng.

Đối với cô, những nốt nhạc du dương và vang vọng hơn hết trong các bài ca tán tụng của con cái Chúa, là lời ca ngợi về tình thương cứu chuộc của Ngài. Những hành động của Ðức Chúa Trời để cứu những người được Ngài chọn, muôn đời luôn là đề tài được yêu thích của những bài ca tôn ngợi Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa muôn loài.

Cô cho biết từ khi gia nhập vào Hội Thánh Tin Lành khoảng hơn mười năm nay, cô được Chúa ban cho ân tứ viết nhạc, và gia tài sáng tác đã có 175 bài nhạc. Phần lớn đều viết tiếng Việt, có vài bài tiếng Anh. Cô đang thực hiện CD đầu tay những sáng tác của mình, gồm 10 bài sắp tới, mang tên “Danh Ngài Tôn Cao,” đây cũng là tên của một ca khúc do cô viết. CD này ngoài tiếng hát của cô, còn có thêm những giọng ca solo khác trong Hội Thánh nơi cô thường xuyên đi thờ phượng.


Cô Ngọc Phấn hát ca ngợi Thiên Chúa. (Hope Community)

Cô Ngọc Phấn kể, “Hồi nhỏ tôi thích nhạc lắm, nhưng ba má không cho tôi học nhạc, ba má la tôi có tật hai chân (bị sốt bại liệt từ lúc 3 tuổi), phải ngồi một chỗ, di chuyển khó khăn hơn người khác, học nhạc rồi mơ mộng, khổ lắm, nên không cho học. Đến khi tôi tin Chúa, vào Tin Lành, tôi tự ghi danh học để vững căn bản nhạc lý, vì trước khi viết nhạc, tôi đã được Chúa ban cho khả năng ca hát từ nhỏ, có tham gia hát trong ca đoàn bên Công Giáo.

“Khi vào Tin Lành, tôi hát solo nhiều hơn. Còn khả năng viết nhạc, vào ngày đầu tiên tôi dự lễ thờ phượng Chúa tại nhà thờ Tin Lành, đêm đó là đêm cầu nguyện Phục Hưng, tối về Chúa cho tôi khả năng viết nhạc, tôi viết được bài đầu tiên là Tạ Ơn. Về sau, mỗi lần tôi cầu nguyện hay đọc Kinh Thánh, tự nhiên nốt nhạc rơi vào trong đầu tôi, và tôi viết ra những dòng giai điệu và ca từ dễ dàng như nhau. Nhưng cũng có lúc tôi thích sáng tác một bài hát mới, ráng nặng óc để viết, thì khó khăn vô cùng. Còn lúc Chúa cho, tôi viết rất nhanh.”


Cô Ngọc Phấn hát ca ngợi Thiên Chúa trong buổi nhóm tại Hội Thánh Cộng Đồng Hy Vọng. (Hope Community)

Cô Ngọc Phấn luôn hết lòng cảm ơn Chúa vì đây là niềm hạnh phúc cao quý nhất mà Chúa ban cho cô trong đời sống. Khi viết những bài ngợi ca Chúa, cô thấy lòng nhẹ nhàng thanh thoát vì được giãi bày tâm sự của mình với Thiên Chúa. Là con cái Chúa, ai cũng cần chia sẻ những gì liên quan đến tâm linh cho người khác, cô cũng không ngoại lệ. Những bài hát của cô nói lên nỗi niềm của những người tin nhận Đức Chúa Trời phải trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, người nghe cảm nhận được tình yêu diệu kỳ của Thiên Chúa và niềm an ủi bất tận của Ngài. Các Hội Thánh Tin Lành hằng năm thường có Đại Hội, thời gian qua cô có đi dự Đại Hội của Tin Lành gốc Việt ở tiểu bang Utah...

Cô còn đi dự những buổi lễ thờ phượng tại các Hội Thánh Tin Lành nhiều nơi để làm chứng, cầu nguyện cho người bị bệnh tật, có hòan cảnh khó khăn và hát ngợi ca Chúa. Cô còn đi hát trong các Viện Dưỡng Lão, các bệnh viện có người Tin Lành gốc Việt sống tại quận Cam. Những lần như vậy, cô luôn hát những sáng tác ngợi ca Chúa của mình.

Do tật nguyền nên cô Ngọc Phấn không bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày được hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Bằng lòng với số phận, không nghĩ gì đến tình yêu. Nhưng rồi hạnh phúc đã mỉm cười với cô khi cô sang Mỹ định cư. Chồng cô là một dược sĩ, vốn là anh trai của một cậu bạn học chung lớp của cô tại college, trong thời gian cô học để có bằng phụ tá dược sĩ. Anh thường đi đón em trai, thấy nhiều lần cô chờ anh trai đến đón, xin đưa cô về, rồi anh đeo đuổi cô suốt hai năm. Với tấm chân tình của anh đã giúp cô vượt qua mặc cảm khiếm khuyết của mình và bố mẹ và các em anh, ba má cùng các anh chị của cô cũng thương cho sự chân thành đó, đã đồng ý cho cô kết hôn cùng anh.

Khi lấy chồng, cô vốn theo đạo ông bà, cũng ăn chay ngày rằm, ngày mồng một, nhưng do gia đình chồng vốn theo đạo Công Giáo nhiều đời, nên cô đã học kinh thánh một năm vào mỗi Chủ Nhật để được rửa tội và theo đạo Công Giáo, làm lễ cưới tại nhà thờ.

Sau khi kết hôn xong, gia đình chồng càng thêm yêu thương cô, vì thấy cô tật nguyền, nhưng rất chịu thương chịu khó, là vợ ngoan, mẹ hiền của hai con. Nhưng hạnh phúc của cô bên chồng thật ngắn ngủi, chưa đến mười năm, chồng cô đột ngột qua đời vì bị bệnh, để lại cô với 2 con nhỏ, cũng may còn có ba má ruột, bố mẹ chồng trợ giúp.

Từ Công Giáo sang Tin Lành

Cô Ngọc Phấn tâm sự, “Khi chồng mất, tôi không còn đi lễ nhà thờ Công giáo đều đặn như lúc anh còn sống. Lúc đó tôi tủi thân lắm, khi thấy chồng ở bên mình quá ngắn, không còn trên cõi đời để làm điểm tựa cho tôi nữa. Lúc đó tôi còn nghĩ đến chuyện tự tử, vì vừa quá thương chồng, và đã quen lệ thuộc vào sự chăm sóc yêu thương của chồng. Từ khi đeo đuổi chị đến lúc cưới về, có hai con và đến khi anh bệnh mất đi, anh vẫn luôn cưng chìu tôi, chăm sóc chu đáo, khiến tôi hạnh phúc vô cùng. Nhưng nhìn 2 con còn nhỏ, thì không nỡ tìm đến cái chết.”

Chồng cô mất khoảng ba năm, vào một ngày nọ, cô nghe thấy tiếng gọi vang lên trong tâm tưởng: “Ta không để cho các con mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các con.”

Cô nói, “Câu đó có trong Kinh Thánh, nhưng tôi không hề biết. Vì khi còn theo đạo Công giáo, tôi ít đọc Kinh Thánh lắm, chỉ đi lễ, nghe Linh Mục giảng rồi về thôi. Tự dưng khi nghe vang câu đó lên, lòng tôi vui lắm. Và sau đó trong lòng tôi có sự thúc giục, tôi lái xe đi tìm nhà thờ gần nhà tôi ở. Khi nhìn thấy chóp nhà thờ và cây thánh giá bên ngoài nhà thờ, tôi thấy lòng bình an lắm. Khi đó tôi không biết nhà thờ nào của Tin Lành, nhà thờ nào của Công Giáo. Chỉ thấy nhà thờ gần nhà thì vào thôi.

“Khi chồng còn sống, chồng chở đi nhà thờ vào cuối tuần, tôi đi thôi, chứ không biết phân biệt nhà thờ Công Giáo khác với nhà thờ Tin Lành ra sao. Lần đó, tôi đi trúng vào Nhà Thờ Tin Lành. Khi đến Nhà Thờ Tin Lành lần đầu tiên, trong lòng tôi cảm giác vui mừng, bình an. Dù đã được rửa tội bên Công Giáo, nhưng khi học Kinh Thánh để vào Tin Lành, tôi vẫn phải làm phép báp-têm. Phép báp-têm tượng trưng cho việc một người chết đi, theo nghĩa từ bỏ lối sống cũ và bắt đầu lối sống mới với tư cách là một tín đồ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời. Báp-têm và những bước dẫn đến phép báp-têm là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời để một người có được lương tâm trong sạch dựa trên đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Jêsu. Vì thế, Chúa Jêsu dạy các môn đồ là phải làm báp-têm.”

Cô Ngọc Phấn kể, “Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tôi mới vào là Việt Lighthouse (thành phố Gadern Grove) do Bà Mục Sư Lê Kim Cúc và ông Mục Sư Trần Hồng Nguyên là Mục Sư Quản Nhiệm. Tôi đưa hai con đi thờ phượng Chúa tại đây khoảng ba năm thì chuyển qua Nhà Thờ Tin Lành The Rock giờ thờ phượng tiếng Mỹ. Vì hai con nghe tiếng Việt không hiểu sâu lắm. Khi tôi đưa qua Nhà Thờ Mỹ, hai con thích.

“Gần đây tôi khuyên hai con, vì mình là người Việt, nên gắn với công đồng người Việt, thành ra hiện nay hai con tôi đi lễ và đánh đàn trong ban thờ phượng tại Nhà Thờ The Rock thờ phượng tiếng Anh vào sáng Chủ Nhật, thờ phượng tiếng Việt tại nhà thờ The Rock vào tối thứ Bảy, và tại nhà thờ Hope Community vào Chiều Chủ Nhật giờ thờ phượng tiếng Việt do hai Mục Sư Aaron Cường Nguyễn và Joy Mỹ Vân Huỳnh hướng dẫn.”
Cô Ngọc Phấn tâm sự, “Tin Lành dạy Kinh Thánh và cách giảng dạy khác bên Công Giáo. Khi tôi chuyển qua Tin Lành, gia đình bố mẹ chồng tôi rất buồn, rất giận tôi. Vì tôi đưa con đi lễ tại Nhà Thờ Tin Lành, không đi bên Công Giáo nữa. Tin Lành hay Công Giáo thì bên nào cũng là Chúa thôi, nhưng bên nào mình được Chúa thăm viếng thì mình trung tín bên đó. Khi vào Công Giáo là tôi theo chồng, nhưng khi đó tôi không vui vì có Chúa, mà chỉ vui vì có chồng. Vì vậy tôi có thưa lại cho bố mẹ chồng biết.

“Ông bà không cấm tôi được, nhưng đã lơ tôi một thời gian rất lâu, mấy năm trời, không đến nhà thăm tôi, nhưng có nhờ các con (là em chồng tôi) xuống nhà tôi, chở các cháu đến nhà ông bà chơi, rồi đưa các con tôi về lại. Nghĩa là tránh gặp tôi. Khi tôi theo Công Giáo, ba má của tôi và các anh chị theo đạo ông bà, đạo Phật nói do tôi theo chồng, thì theo đạo của chồng. Nhưng đúng một năm sau khi tôi vào Tin Lành, Chúa nhậm lời cầu nguyện của tôi, nên cả nhà tôi, ba má và các anh chị ruột của tôi đều tin Chúa luôn.”

Theo cô Ngọc Phấn, cũng nhờ cầu nguyện, nên thời gian về sau bố mẹ chồng cô đã yêu thương cô trở lại, không còn giận khi thấy cô theo Tin Lành nữa. “Vì ông bà thấy tôi dù theo Tin Lành, vẫn dạy hai con ngoan, nhưng đó không phải là do tôi, mà chính nhờ sức của Chúa trời. Con gái lớn của tôi đang học ngành kinh tế, con trai học biology để theo ngành Y, cả hai đều học tại UCI. Từ nhỏ tôi đã cho các con học nhạc để giải khuây, con trai học guitar và violin, con gái học piano và keyboard. Vì vậy khi sinh hoạt trong Hội Thánh Tin Lành, các con tham gia trong ban thờ phượng, đàn cho mọi người hát ca ngợi Chúa.”

Cô Ngọc Phấn cho rằng từ khi tin Chúa và thờ phượng Chúa bên Hội Thánh Tin Lành, cô thấy tâm mình bình an, vui sống trở lại sau thời gian bị trầm cảm vì chồng mất. Nên cô nguyện trung tín theo Chúa và tiếp tục gắn bó với Hội Thánh Tin Lành, luôn làm chứng mời gọi mọi người tin Chúa để được cứu rỗi giống như cô.

Khác và giống giữa hai đạo

Công Giáo và Tin Lành đều cùng thờ Chúa. Chúa của Tin Lành và Công giáo không khác nhau. Nhưng hai niềm tin hoàn toàn khác nhau, dẫu cả hai đều tôn thờ Thiên Chúa.

Trên trang nhà www.nhathoconggiao.com có nêu ra một số điểm cơ bản sự khác nhau về các phương diện như : Giáo lý, Luật pháp, Lễ nghi, và Tổ chức giữa Đạo Công Giáo và Đạo Tin Lành, có những điểm tương đồng và những điểm dị biệt :

1. Kinh Thánh
Hai đạo đều lấy Kinh Thánh gồm Cựu Ước và Tân Ước làm nền tảng Giáo lý.
Đạo Tin Lành không tin tưởng những điều nào ngoài Kinh Thánh.
Công giáo cho rằng, ngoài Kinh Thánh còn có các văn bản khác không kém phần quan trọng là các Nghị quyết của các Công Đồng Chung, các Thông điệp và Sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng.

2. Về phương diện tổ chức
Đạo Tin Lành không lập ra một Tổ chức Giáo Hội Trung Ương như Công giáo, mà lại xây dựng nhiều Giáo hội riêng rẽ, độc lập và tự trị. Dưới Giáo Hội là các Chi Hội. Đại Hội các cấp của Giáo Hội Tin Lành được gọi là Đại Hội Đồng, có toàn quyền quyết định các công việc của toàn Giáo Hội.

3. Đức Mẹ Maria.
Đạo Tin Lành chỉ xem Mẹ Maria đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giê-su và chỉ coi bà là mẹ trần thế của Chúa Kitô, nên chỉ tôn trọng chứ không tôn kính Mẹ Maria như Công giáo.

4. Các Tông Đồ, Thiên sứ
Đạo Tin Lành tin có Thiên sứ, có Thánh Tông đồ, các Thánh Tử đạo, và các Thánh khác, nhưng không tôn kính họ như Đạo Công Giáo.
Đạo Tin Lành không thờ các tranh ảnh, hình tượng, không tôn sùng và thực hiện việc hành hương đến Thánh địa Jérusalem, Núi Sinai, Đền Thánh Phêrô và Phaolô.

5. Linh Mục
Giáo sĩ của Đạo Tin Lành chỉ có 2 bậc : Mục Sư và Truyền Đạo (cũng gọi là Giảng Sư). Giáo sĩ Tin Lành được phép có vợ và con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình bình thường như bao nhiêu người khác, không buộc phải giữ độc thân như các Linh Mục Công giáo.
Tín đồ Đạo Tin Lành, muốn lên làm Mục Sư, thì phải học đạo, qua thời gian tập sự rồi mới được bổ nhiệm chức Truyền Đạo. Một thời gian sau, nếu xét thấy có nhiều khả năng thì mới phong lên hàng Mục Sư.
Việc phong chức và bổ nhiệm 2 chức Truyền Đạo và Mục Sư do một Hội Đồng đặc biệt của Giáo Hội quyết định.
Các Mục Sư Tin Lành không có quyền thay mặt Thiên Chúa ban phước hay tha tội cho tín đồ, không phải là cầu nối trung gian giữa Thiên Chúa và tín đồ. Điều này hoàn toàn trái hẳn với các Linh Mục Công giáo La Mã.

6. Luật lệ và Lễ nghi
Luật lệ và Lễ nghi của Đạo Tin Lành rất đơn giản so với Công giáo.
Đạo Tin Lành là một tôn giáo đề cao lý trí trong Đức Tin, cho rằng sự siêu rỗi chỉ đến bởi Đức Tin và không quan trọng nghi lễ.

7. Phép Bí tích
Trong 7 Phép Bí tích của Công giáo, Đạo Tin Lành chỉ thừa nhận 2 Bí tích sau đây :
- Bí tích Rửa tội (Baptême)
- Bí tích Thánh thể.
Vì họ cho rằng, trong Kinh Thánh Tân Ước chỉ có ghi hai Bí tích đó mà thôi.
Nghi lễ Baptême của Đạo Tin lành được tiến hành theo lối cổ như Thánh Gioan rửa tội cho Chúa Jésus trên sông Jordan bằng cách dìm cả người xuống nước, chớ không cải biến dội một ít nước lên đầu một cách tượng trưng như Đạo Công giáo.
Đạo Công Giáo nhận phép biến thể trong lễ Thánh thể (bánh mì, rượu nho biến thành Mình Chúa và Máu Chúa), Đạo Tin Lành không công nhận thuyết biến thể trong phép Tiệc Thánh và cho rằng đó là kỷ niệm về cái chết của Chúa Kitô, bánh và rượu chỉ tượng trưng cho Mình Chúa và Máu Chúa.

8. Chuộc tội
Đạo Công giáo cho rằng, con người không những phải làm việc thiện mà còn phải hãm mình để chuộc tội.
Đạo Tin Lành quan niệm việc chuộc tội cho loài người đã có Chúa Jésus làm trọn rồi, nên con người làm việc thiện là để tỏ ra xứng đáng với Thiên Chúa và được Thiên Chúa cứu vớt.

9. Xưng tội:
Tín đồ Công giáo xưng tội trong phòng kín với Linh Mục, là hình thức chủ yếu; còn Đạo Tin Lành thì tín đồ chỉ xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa mà thôi.

10. Sự khác biệt về Nhà Thờ Đạo Công Giáo và Đạo tin Lành:
Nhà Thờ Công Giáo được xây dựng qui mô và rất tốn kém, kiến trúc theo lối cổ, bài trí công phu và cho rằng đây là nơi Chúa ngự một cách linh thiêng, đặc biệt, trong và ngoài Nhà Thờ đều treo nhiều ảnh tượng, Chúa Giesu có nói đây là nhà của Cha ta.

Nhưng trái lại, Nhà Thờ Tin Lành thường theo kiến trúc hiện đại, đơn giản, không treo tượng ảnh. Bên trong nhà Thờ chỉ có đặt một cây Thập tự giá biểu tượng Chúa chịu nạn.
Sự giống nhau là:

Hai đạo đều tôn thờ Thiên Chúa (Đức Chúa Trời), tin thuyết Chúa 3 Ngôi : Ngôi 1 là CHA, Ngôi 2 là CON, Ngôi 3 là Thánh Thần. Tin Chúa tạo dựng ra Trời Đất, Vũ trụ và vạn vật, tin con người do Thiên Chúa tạo ra, có Tội Tổ Tông, tin có Ngôi Hai là Đức Chúa Jésus Christ giáng trần chịu nạn chết trên Thánh giá để chuộc tội cho loài người, tin có ngày Phục Sinh và Ngày Phán Xét cuối cùng.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT