Người Việt Khắp Nơi

Tâm tình & ước vọng của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát (tiếp theo)

Saturday, 21/04/2018 - 07:43:01

Một số thầy nói với ông, “Anh có biết anh đang lội ngược dòng không?” Các thầy giải thích “Bên Phật Giáo không chủ trương ca hát.”

Bài THANH PHONG

Từ năm 1960 nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đã theo học hát với ca sĩ Cao Thái, từ năm 1961 ông được tuyển vào Ban Đại Hợp Xướng do nhạc sĩ Phạm Duy thành lập để hát hai trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam với Ban Đại Hòa Tấu (Giao Hưởng) trình diễn tại Saigon, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang. Và sau đó ông lại trốn nhà gia nhập Đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ hơn một năm đi lưu diễn khắp nơi.

Với sở học và kinh nghiệm đó, NS Nghiêm phú Phát đã thành lập Đoàn Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh Nguồn Sống vào năm 1965 tại Saigon, cũng lưu diễn tại các Viện Đại Học Saigon, Đà Lạt, Huế, Cần Thơ đến năm 1968 thì nhập ngũ khóa 1/68 SVSQ Thủ Đức và được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Văn Nghệ Tiểu Đoàn Khóa Sinh.

Nỗi ưu tư trăn trở của người nhạc sĩ có tấm lòng với Phật Giáo

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cho biết, ông có cơ duyên dạy học tại hai trường Taberd và Bồ Đề, Saigon. Bản thân ông là một Phật tử nên ước vọng của ông là làm sao thành lập được một Ban Hợp Xướng hay một ca đoàn có tầm vóc, có kỷ luật, đàng hoàng tử tế để trình bày những bản Phật ca, thiền ca trong các buổi lễ do các chùa, tự viện hay thiền viện tổ chức, “chứ không phải mỗi lần có buổi lễ, các thầy kêu gọi một số Phật tử lên sân khấu hát, không tập dượt kỹ nên hát xướng chẳng đâu vào đâu cả.” Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói đó là mục đích ban đầu của ông.

Hai người chúng tôi (phóng viên và nhạc sĩ Phát) có hai niềm tin tôn giáo khác nhau nhưng chúng tôi trao đổi nhau những quan niệm của hai tôn giáo một cách chân tình cởi mở. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cho biết, quan niệm của đạo Phật là không đặt nặng tổ chức, có tổ chức nhưng không đặt nặng mà tùy duyên, đủ điều kiện, đủ hoàn cảnh thì làm không thì thôi, thành ra nó đi đến chỗ du di, mà đã du di thì nó khiến con người tránh né cái khó, làm chi cho mệt, cho rắc rối?


Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát bên cây đàn dương cầm. (Ảnh Trí Trần Viết)

Đạo Phật cũng không đặt nặng vấn đề ca, nhạc trong các lễ nghi, một số nhạc sĩ sáng tác những bản Phật ca, thiền ca chỉ có tính cách để truyền đạo. Ước vọng của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát là muốn dùng những ca khúc yểm trợ cho các bài Pháp của các thầy, vì một ca khúc dễ đi vào lòng người hơn một bài thơ, hơn một bài viết, hơn một bài nói; nó thấm nhập vào lòng người và người ta có thể hát đi hát lại nhiều lần, trong khi những bài kia không thể làm như vậy.

Chúng tôi trao đổi với nhạc sĩ: Bên Công Giáo thì ngược lại, ngay từ đầu, trong các thánh lễ cử hành bằng tiếng La Tinh (trước Công Đồng Vaticano II) đã “hát lễ” và từ sau Công Đồng bây giờ thánh lễ cử hành bằng tiếng Việt, hát lễ vẫn được coi trọng, các linh mục thường nhắc tín hữu “hát là cầu nguyện hai lần,” và bên Công Giáo, hát không chỉ để truyền đạo mà mục đích chính là để giúp tín hữu nâng tâm hồn lên tôn vinh, ca ngợi, cảm tạ Thiên Chúa, Đức Mẹ hay các Thánh.

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cho biết, ông biết điều đó, và ông cũng biết Giáo Hội Công Giáo tổ chức rất chặt chẽ, tinh thần kỷ luật của tín hữu Thiên Chúa Giáo rất cao khi ông dạy ở trường Taberd nên một hôm ông thưa với Thầy Quảng Liên, lúc đó Thầy phụ trách bộ phận Văn Hóa Giáo Dục và được Giáo Hội suy cử làm Hiệu Trưởng trường Bồ Đề, Saigon.

Thầy hoan hỷ nói với nhạc sĩ, “Anh Phát có thể nào giúp cho trường tổ chức qui mô, đàng hoàng như bên trường Taberd không?” Cả hai thầy trò đều có ước muốn như nhau nhưng vẫn không thể thực hiện được! Anh thẳng thắn thưa với thầy “Phải 50 năm nữa.”

Một số thầy nói với ông, “Anh có biết anh đang lội ngược dòng không?” Các thầy giải thích “Bên Phật Giáo không chủ trương ca hát.”

Nhạc sĩ thưa, “Theo con biết thì âm nhạc không có nghĩa là chỉ ca hát mà nó thể hiện nhiều phương diện khác nhau. Cái chuyện lội ngược dòng là tùy nhận thức của mỗi người. Khi tụi con ngồi lại với nhau để làm chuyện này tụi con cũng biết nó rất khó khăn, và không phải mới biết đây mà biết cả bốn, năm chục năm nay. Điều quan trọng là có dám nghĩ, nghĩ rồi có dám làm hay không, làm xong rồi có dám nhận trách nhiệm hay không?”

Ông cũng thành thật chia sẻ: Có những người xưng mình là Phật tử nhưng muốn thành Phật tử phải “quy y” cũng như bên Thiên Chúa Giáo, muốn trở thành người Công giáo phải được “rửa tội” chứ không phải hễ cha mẹ theo đạo Phật hay cha mẹ theo đạo Chúa thì mình là Phật tử là tín đồ Thiên Chúa Giáo cả đâu. Điều này ông thấy qúy Thầy, quý Ni Sư, Sư Cô ít nói cho Phật tử nghe biết.

Nhạc sĩ nhấn mạnh tinh thần “kỷ luật” là một trong những yếu tố khiến đến hôm nay ước mơ của ông vẫn chưa thành hiện thực. Ông chia sẻ, “Khi mình mời gọi các bạn đến làm công việc đó, người ta cũng đến với mình, nghe mình nói người ta cũng thích nhưng trong cái tâm thức kể cả tâm thức của người Phật tử cũng dễ bị chao đảo với nếp sống thông thường như cơm áo, gạo tiền, vì gia đình, vì chồng, con chi phối nên khó khăn lắm. Rồi khi diễn thì mọi người phải lắng nghe như lắng nghe bài pháp mới được. Thế nhưng liệu có làm được điều đó không? Hát nhạc đạo là phải có tấm lòng, phải có đức tin mạnh mẽ chứ đức tin lỏng lẻo thì chẳng thể hát hay được. Khán giả ngồi nghe cũng vậy. Không có đức tin thì ca khúc có hay cách mấy cũng chẳng thể thấm nhập vào lòng mình. Thế nên các thầy nói, Anh có biết anh đang lội ngược dòng không?”
Và ông kết luận, “Tôi ước mong làm sao cuộc nói chuyện của tôi hôm nay đánh động được những người có cùng đức tin như tôi, đức tin đó có thể là những Phật tử, có thể là không là Phật tử , họ có thể chia sẻ với Hương Thiền, họ có thể liên lạc với chúng tôi.”

Về buổi Chiều Nhạc 29 Tháng Tư

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát tâm tình với Viễn Đông, trong thời gian bị cầm tù 10 năm trong ngục tù cộng sản, ông đã nghĩ ra một số ca khúc đấu tranh, và đã dùng những ca khúc đó cùng với một số bạn tù khơi dậy quyền làm người trong trại tù Z30 D. Bây giờ các bạn tù muốn nghe lại một số những ca khúc ấy nên anh tổ chức “Chiều Nhạc 29 Tháng Tư” vào lúc 3 giờ 30 chiều Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018 tại Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, 14550 Magnolia St, Westminster, CA 92683 (góc đường Magnolia – Hazard trên lầu trong khu Văn Phòng LS Nguyễn Xuân Nghĩa).

Mong các bạn tù đến tham dự để cùng chia sẻ những cảm xúc của mình trong lao tù cộng sản.
Hiện nay nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đang hướng dẫn về kỹ thuật và nghệ thuật ca diễn cho những ai ưa thích bộ môn này trong vùng Quận Cam và Little Saigon. Một lớp luyện giọng đã hình thành từ tháng Giêng năm 2017 tại Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu và hướng dẫn kỹ thuật ca hát (thanh nhạc) cho những ai thích hát ĐÚNG và hát HAY trong nghệ thuật trình diễn sân khấu.
Điện thoại để liên lạc: NS Nghiêm Phú Phát: (714) 852-2777.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT