Đạo và Đời

Tâm Bồ Đề (tiếp theo)

Wednesday, 15/05/2019 - 07:10:26

Kinh Pháp Bảo Đàn nói rằng: “Phật pháp ở thế gian, không thể lìa thế gian mà có giác ngộ; lìa thế gian để tìm kiếm Bồ Đề, chẳng khác nào đi tìm sừng của con thỏ.” (Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ Đề, cáp tợ cầu thố giác).


Vì sống trong cảnh thăng trầm của kiếp người mà bạn mới khởi niệm bi mẫn đối với muôn loài chúng sinh; bạn không muốn gây thêm tội lỗi ,và tâm sẽ hoan hỷ với đời sống đức hạnh. (Getty Images)

Bài TT THÍCH TÂM THIỆN

Trú xứ của Tâm Bồ Đề

Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng, nếu hạnh phúc cần phải có tâm Bồ Đề làm điểm tựa, vậy thì tâm Bồ Đề sẽ tựa vào đâu để phát sinh? Vâng, đó là một câu hỏi rất thú vị. Trước hết bạn nên ý thức rõ rằng, không ai có thể ban tặng cho bạn tâm Bồ Đề, Đức Phật cũng không thể ban cho bạn tâm Bồ Đề, Thượng Đế, nếu đang hiện diện, cũng không thể ban cho bạn tâm Bồ Đề, mà trái lại bạn là người duy nhất có thể xây dựng cho chính mình tâm Bồ Đề. Do đó, bạn nên biết rằng trú xứ của tâm Bồ Đề không phải ở thiên đường hay tịnh độ, mà ở ngay nơi chiếc thân héo hắt và thế giới trần tục này.

Kinh Pháp Bảo Đàn nói rằng: “Phật pháp ở thế gian, không thể lìa thế gian mà có giác ngộ; lìa thế gian để tìm kiếm Bồ Đề, chẳng khác nào đi tìm sừng của con thỏ.” (Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ Đề, cáp tợ cầu thố giác).

Vâng, thế gian, khổ đau, phiền não, sinh tử chính là mảnh đất mà từ đó bạn có thể cất lên khát vọng Bồ Đề, nuôi dưỡng trái tim Bồ Đề, và thực hành đời sống của Bồ Đề. Chính trong khổ đau, bạn mới có cơ hội nhìn thấy được chân lý của đời sống, vì khổ đau luôn cưu mang những đức tính cao thượng. Chẳng hạn do buồn rầu, xót xa trước những cảnh tượng chết chóc, đau thương, bệnh tật, thảm họa và ách nạn, mà bạn có thể tẩy trừ những tánh khí kiêu mạn trong con người của bạn.

Cũng vậy, do sống trong cảnh đau thương, thăng trầm của kiếp người mà bạn mới khởi niệm bi mẫn đối với muôn loài chúng sinh; bạn không muốn gây thêm tội lỗi và tâm sẽ hoan hỷ với đời sống đức hạnh. Thật vậy, chính biển khổ tạo cơ duyên cho bạn phát khởi tâm Bồ Đề, hướng đến một đời sống từ bi, cao thượng vượt lên trên mọi tranh chấp, hơn thua, đố kỵ của tâm phàm phu ích kỷ.

Tuy nhiên, để giữ vững tâm Bồ Đề, bạn cần phải tư duy sâu sắc về sự thật của cuộc đời (vô thường, vô ngã), về nỗi khổ của chúng sinh sống trong bóng tối (vô minh), về những trăn trở của tập khí và nghiệp lực của con người, về đức hạnh và trái tim đại bi của Đức Phật, cũng như về đời sống cao thượng và những đức tính hy sinh, xả kỷ của các bậc Thánh tôn quý.

Càng suy nghiệm một cách sâu sắc về những pháp như thế, tâm đại bi của bạn sẽ càng mở rộng đến bao la, không biên giới. Tâm đại bi là chất liệu nuôi dưỡng trái tim Bồ Đề. Như tình thương của người mẹ đối với đứa con duy nhất của mình, cho dù nó có hư hỏng ra sao đi nữa, thì người mẹ vẫn thương yêu nó cho đến giây phút cuối cùng.

Thật vậy, nếu không có tâm đại bi và trí tuệ làm nền tảng cho cuộc sống tâm linh của chúng ta, thì những khổ luyện xác thân và tâm thức của mình rốt cuộc chỉ đưa đến một sự héo hắt, úa tàn, như khúc gỗ mục, chẳng có ích gì. Đây là lý do mà Phật Giáo Đại Thừa nhấn mạnh đến sự nghiệp của một vị Bồ Tát - trái tim khát vọng cứu độ hết thảy chúng sinh, cho đến khi không còn một chúng sinh nào đắm chìm trong cõi khổ đau, thì khi đó ngài mới hoàn tất công vụ “nhiêu ích hữu tình” của mình.

Bạn nên nhớ rằng, tâm đại bi và trí tuệ là tinh thể của trái tim Bồ Đề, và rằng trái tim đó chỉ có ý nghĩa khi nào nó hiển hiện giữa trần gian. Tuy nhiên, đối với những ai mới phát tâm Bồ Đề hoặc tâm Bồ Đề chưa được kiên cố, thì cần phải nỗ lực tu tập hơn nữa và cũng cần có sự giúp đỡ của các bậc Thầy, vì sóng gió của thế gian - tham, sân, si, mạn, v.v… – đôi khi mạnh đến mức bứng cả “gốc cây Bồ Đề còn non trẻ” của bạn.

Nói tóm lại, cuộc sống của con người trên thế gian này không có cái gì là bền chắc, vì mọi thứ luôn luôn thay đổi. Sự thay đổi có khi làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng cũng có khi nó làm cho cuộc sống tồi tệ hơn. Giữa dòng đời luôn trôi chảy, quả thực bạn không thể nắm chắc một cái gì trong tay được. Tuy nhiên, bạn có thể biết chắc một điều rằng, bao lâu bạn còn dong ruổi với tâm phàm phu cũng như xây dựng cuộc sống của bạn trên nền tảng của tâm phàm phu, thì bấy lâu bạn vẫn phải tiếp tục đắm chìm trong thế gian lụy phiền bởi được, mất, hơn, thua, buồn, giận, thương, ghét. Và rằng, cho đến khi nào cuộc sống của bạn được xây dựng trên nền tảng của tâm Bồ Đề, thì khi đó cả nghìn thế gian này cũng không còn khả năng chia rẽ “cuộc sống chân thật” của bạn nữa, vì bạn đã sống, an trú trong trái tim Bồ Đề và bạn đến với thế gian cũng bằng trái tim Bồ Đề.
Xin chắp tay cầu nguyện cho tâm Bồ Đề của bạn luôn kiên cố.
(Trích Hành Trình Tâm Linh – Khải Thiên, 2007)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT