Đạo và Đời

Tâm Bồ Đề (kỳ 3)

Wednesday, 01/05/2019 - 07:38:36

Vâng, đấy là một câu hỏi vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp bạn thấy được tính chất cao quý của sự tỉnh thức, nhất là khi tâm Bồ Đề xuất hiện với tính cách là điểm tựa cho cuộc sống hạnh phúc, một cuộc sống vốn không bị khuynh đảo bởi lụy phiền của thế gian.


Tâm Bồ Đề là nền tảng vững chắc cho cuộc sống an lạc hạnh phúc. (Getty Images)




Bài TT THÍCH TÂM THIỆN

Điểm tựa cho hạnh phúc

Tâm Bồ Đề (bodhicitta), như đã đề cập, là tâm của sự tỉnh thức-giác ngộ, là tâm hướng đến sự tỉnh thức-giác ngộ, là tâm an trú trong sự tỉnh thức-giác ngộ. Trong tất cả mọi trường hợp ở trên, sự tỉnh thức là nền tảng căn bản, vì chữ bodhi có nghĩa là tỉnh thức. Tất nhiên, sự tỉnh thức được hiểu ở nhiều góc độ khác nhau, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ đơn giản đến sâu xa, từ phàm phu cho đến các quả vị thánh, và tột cùng là sự tỉnh thức toàn diện về cuộc sống – giác ngộ tối thượng.

Khi nói tâm Bồ Đề là nền tảng, có nghĩa nó được xem là điểm tựa vững chắc cho cuộc sống an lạc hạnh phúc của bạn, cho dù bạn đang lang thang thất thểu trong đau khổ và thăng trầm của kiếp người. Ở đây, chúng ta sẽ bàn đến một khía cạnh quan trọng của tâm Bồ Đề, đó là yếu tính của hạnh phúc.

Trong thói quen của cuộc sống riêng tư, bạn có thể cho rằng có tình yêu là hạnh phúc, có tiền bạc thật nhiều là hạnh phúc, có danh vọng là hạnh phúc, có quyền lực là hạnh phúc, vân vân. Nhưng bạn sẽ lấy cái gì để bảo đảm rằng những cái hạnh phúc đó là chắc chắn và bền vững?

Vâng, đấy là một câu hỏi vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp bạn thấy được tính chất cao quý của sự tỉnh thức, nhất là khi tâm Bồ Đề xuất hiện với tính cách là điểm tựa cho cuộc sống hạnh phúc, một cuộc sống vốn không bị khuynh đảo bởi lụy phiền của thế gian.

Hãy lấy một thí dụ, khi đang xây một căn nhà, thì sự thành hình của căn nhà đó chính là niềm hạnh phúc của bạn. Tuy nhiên, khi căn nhà đã thành hình rồi, lúc bấy giờ mối quan tâm thực thụ của bạn không phải là “bạn đã có một căn nhà” mà là “sự tồn tại lâu dài của căn nhà.” Do đó, cho dù bạn quan niệm hạnh phúc là như thế nào đi nữa, thì bạn cũng cần đến một điểm tựa để duy trì cái hạnh phúc của bạn.
Vậy thì bạn lấy cái gì để làm điểm tựa cho hạnh phúc? Tình yêu? Tiền tài? Danh vọng?

Không, những thứ này có thể là một trong những điều kiện cho cái hạnh phúc lâm thời của bạn, nhưng từ bản chất chúng không thể là và không phải là nền tảng của hạnh phúc và cho hạnh phúc. Vì vậy, cần phải có một điểm tựa vững vàng để duy trì hạnh phúc của bạn giữa đời sống của những đổi thay, vô thường này.
Vâng, điểm tựa đó không gì khác hơn là tâm Bồ Đề.

Vì lẽ tâm Bồ Đề vốn cưu mang trong chính nó một nguồn năng lượng của đại bi và sự tỉnh thức sâu sắc về bản chất của cuộc sống. Tâm Bồ Đề là trái tim của hiểu biết và thương yêu trong ánh sáng của vô ngã, vị tha. Chính tâm Bồ Đề sẽ dìu dắt bạn đi qua mọi giông tố của cuộc đời. Trên thực tế, khi bạn hướng tâm vào, hay an trú trong nguồn năng lượng đại bi và tỉnh thức này bạn sẽ có khả năng thấy được sự thật của cuộc sống vô thường; do thấy rõ như vậy, nên tâm đại bi của bạn thức tỉnh và tạo dựng cho chính bạn một tâm hồn bao dung, độ lượng trước mọi hành động ích kỷ, ngu muội.

Ở đây, bạn nên phân biệt hai loại tâm căn bản của một con người, đó là: tâm phàm phu và tâm Bồ Đề. Tâm phàm phu thì luôn cưu mang trong chính nó một sự ích kỷ, nhỏ nhoi, gắn liền với tham-sân-chấp ngã. Về mặt thế gian, bạn có thể nghĩ rằng mình không có lỗi lầm gì khi dốc hết lòng chăm sóc cho cái lợi ích và hạnh phúc của riêng mình. Tuy nhiên, đấy không phải là cách sống khôn ngoan và cao thượng, và sống như thế quả thực là ích kỷ, nông nổi! Hãy lấy thí dụ, bạn sẽ cảm nhận điều gì khi bản thân của bạn thì ăn mặc no đủ, tràn đầy, trong khi những người khác trong cùng một căn hộ của bạn thì nghèo khổ, đói kém, bệnh tật?

Cho dù bạn là kẻ giàu sang, nhưng bạn có thực sự hạnh phúc hay không khi hàng ngày phải đối diện với cái môi trường nghèo khổ, bệnh tật và túng thiếu của những người chung quanh bạn? Do đó, để thực sự được hạnh phúc bạn cần phải có một trái tim độ lượng và một tấm lòng vị tha; nghĩa là bạn không những chăm lo cho đời sống hạnh phúc của riêng bạn mà còn phải nghĩ đến những người chung quanh bạn.
Sự thật là, một lâu đài sang trọng sẽ mất đi cái vẻ nguy nga tráng lệ của nó nếu chung quanh nó là một khu nhà ổ chuột, rách nát tơi bời, và một môi trường đầy ô nhiễm. Vả lại, như cổ nhân thường nói: “Nhà cao cửa rộng không bằng tấm lòng độ lượng.” Sự so sánh này nói lên ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống cao thượng phát sinh từ tấm lòng đại bi, nó vượt lên trên tâm phàm phu ích kỷ.
(Còn tiếp)
(Trích Hành Trình Tâm Linh - Khải Thiên, 2007)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT