Đạo và Đời

Tâm bình đẳng

Thursday, 30/07/2020 - 06:26:34

Nhà Phật có từ “xả,” tiếng Phạn là upekkha, tiếng Anh là equanimity.


Thấy đẹp, biết đẹp, nhưng không chạy theo cái đẹp, đó là tâm tĩnh lặng, hay tâm bình đẳng. (Thierry Fillieul/ Pexels)


Bài TRẦN ĐÌNH HOÀNH
Nhà Phật có từ “xả,” tiếng Phạn là upekkha, tiếng Anh là equanimity.

Từ “xả” thường được chúng ta hiểu như xả bỏ, không chấp trước, cũng như “vô chấp.” Nhưng thực tế upekkha hay equanimity có nghĩa gần nhất là bình đẳng. “Tâm bình đẳng” là từ cũng thường nghe trong nhà Phật. Mình nghĩ là upekkha hiểu là tâm bình đẳng thì có lẽ chính xác hơn.

Bình đẳng (upekkha) có nghĩa là đứng trước mọi sự, mọi người, mọi vật, ta đều có một tâm tĩnh lặng như nhau. Không ghét người này yêu người kia, không bực với chuyện này vui với chuyện kia, không chống điều này ủng hộ điều kia… Đó là tâm luôn ở trạng thái trung lập (neutral) với tất cả mọi sự.

Hay nói đúng hơn là một tâm tĩnh lặng với tất cả mọi sự, vì chẳng điều gì làm tâm thay đổi.
Tức là ta thấy, bình đẳng thật sự chính là tĩnh lặng, đích điểm cuối cùng.

Điều này rất quan trọng trong thực hành . Nếu ta có thể nhìn mọi người như nhau - đều là con người cả - thì tâm ta có thể tĩnh lặng trước bất kì ai, dù họ thế nào - đang chửi bới, đang ca hát, đang giúp người, đang hiếp người… Kiếp người là luôn có nhiều si mê cũng như những phút giây thánh thiện. Không lấy những chuyện đó làm tâm mình chạy theo chúng.

Điều này không có nghĩa là dững dưng, không quan tâm đến điều gì. Nếu thấy cướp, bồ tát có thể ra tay đánh cướp cứu người. Tâm bình đẳng không có nghĩa không thấy gì, không làm gì. Bình đẳng chỉ có nghĩa là dù mình thấy gì và phải làm gì - như phải đánh cướp - tâm mình đối với người đó vẫn là từ tâm như đối với mọi người khác.

Đó là tâm bình đẳng, mà thật sự cũng là tâm tĩnh lặng. Upekkha thực sự có nghĩa như thế.
Nhưng điểm quan trọng là chúng ta có thể rút ra bài học để ghi nhớ ở đây: Nếu chúng ta cố tập nhìn mọi người bình đẳng như nhau thì ta có được tĩnh lặng của một Bồ Tát.

Dĩ nhiên, nhìn mọi người bình đẳng như nhau không là chuyện dễ. Thánh nhân, ăn cướp, ăn mày… làm sao trong lòng mình thực sự thấy mọi người đều như nhau?
Nhà Phật có câu trả lời: Mọi người đều là Phật đang thành và chắc chắn sẽ thành Phật vào một kiếp sống nào đó, nếu không là kiếp này.

Đó là câu chuyện của Bồ Tát Thường Bất Khinh, tiền thân của Phật Thích Ca. Bồ Tát Thường Bất Khinh không bao giờ khinh thường ai. Gặp ai - già trẻ lớn bé giàu nghèo - cũng gấp tay cúi chào: “Chào ngài, ngài sẽ là Phật.” Bọn con nít cho rằng Bồ Tát này là người điên nên hay đuổi đánh.

Mọi người đều sẽ thành Phật. Đó là bí quyết để nhìn bình đẳng, thấy bình đẳng.
Chúng ta nên nghĩ thường xuyên vào điểm này để có thể có tâm bình đẳng và tĩnh lặng.
Chúc các bạn luôn bình đẳng tĩnh lặng.
(Nguồn: www.dotchuoinon.com / Tinh Tấn Magazine)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT