Thế Giới

Tài xế taxi Tây Ban Nha biểu tình chống Uber

Tuesday, 31/07/2018 - 07:49:45

Với giá trị công ty hơn $70 tỷ Mỹ kim, hãng Uber đang đối mặt với nhiều cuộc biểu tình và lệnh cấm trên khắp thế giới, do cách kinh doanh của hãng này đe dọa ngành taxi truyền thống, khiến nhiều công đoàn tức giận.

MADRID – Giới tài xế taxi tại Tây Ban Nha đã đậu xe chận nhiều con đường ở các thành phố lớn như Barcelona và Madrid vào ngày thứ Ba, sau khi các cuộc đàm phán với chính phủ vẫn bế tắc, trong đó, giới tài xế taxi muốn chính phủ phải giảm số giấy phép hoạt động của các dịch vụ gọi xe qua mạng như Uber và Cabify. Các chiếc taxi đã đậu kín các con đường lớn, gây tắc nghẽn tại các phi trường, trạm xe bus, và trạm xe điện tại các thành phố Tây Ban Nha, kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu vào thứ Bảy trước
Tương tự với các đồng nghiệp ở các nước châu Âu khác, giới tài xế taxi Tây Ban Nha nói rằng dịch vụ gọi xe qua mạng đang khiến họ không thể cạnh tranh. Đại diện công đoàn cho biết, đạo luật quy định về tỷ lệ 1 giấy phép dịch vụ gọi xe qua mạng cho mỗi 30 giấy phép taxi hiện không được tôn trọng, và công đoàn cũng muốn giới tài xế dịch vụ gọi xe qua mạng phải ngừng chuyền tay giấy phép cho nhau. Với giá trị công ty hơn $70 tỷ Mỹ kim, hãng Uber đang đối mặt với nhiều cuộc biểu tình và lệnh cấm trên khắp thế giới, do cách kinh doanh của hãng này đe dọa ngành taxi truyền thống, khiến nhiều công đoàn tức giận.

Phi lo ngại bị Tàu xua đuổi khỏi biển Đông
Chính phủ Manila đã bày tỏ sự lo ngại với Bắc Kinh, sau khi các máy bay và tàu thuyền Phi Luật Tân ngày càng nhận được nhiều thông điệp qua radio của Trung Quốc, yêu cầu tránh xa khỏi các đảo mà hai nước đang có tranh chấp trên biển Đông, theo viên chức Manila cho biết hôm thứ Hai.
Một báo cáo của chính phủ Phi Luật Tân cho thấy, chỉ riêng trong nửa cuối năm 2017, máy bay quân sự Phi Luật Tân đã nhận cảnh báo qua radio từ Trung Quốc ít nhất 46 lần, khi đang tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp tại quần đảo Trường Sa trên biển Đông. Báo cáo nói, các thông điệp radio của Trung Quốc là “nhằm đẩy mạnh chiến thuật của nước này đối với các phi công Phi Luật Tân.”
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, 1 máy bay tuần tra của Philippines đã nhận được một thông điệp đặc biệt hiếu chiến vào cuối tháng 1 năm nay, khi bị Trung Quốc đe dọa sẽ phải trả giá nếu không rời đi ngay lập tức. Phi công Phi Luật Tân sau đó nhìn thấy hai pháo sáng cảnh cáo bắn từ đảo Gaven đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Viên chức Phi Luật Tân đã hai lần nêu lên các mối lo ngại của họ về các thông điệp radio, bao gồm 1 lần trong cuộc họp với viên chức Trung Quốc ở Manila vào đầu năm nay. Đây là vấn đề mới xuất hiện kể từ sau khi Trung Quốc bồi đắp và chiếm đóng 7 đảo ở Trường Sa. Trước đây, các thông điệp radio thường đến từ các tàu Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ nghi ngờ rằng hiện nay, các tín hiệu radio này đến từ các đảo nhân tạo, nơi Bắc Kinh đã thiết lập các trung tâm liên lạc và căn cứ quân sự với vũ khí hạng nặng.

Báo Tàu: Mỹ đóng quân ở Đài Loan là xâm lược
BẮC KINH - Truyền thông Đài Loan mới đây đưa tin rằng, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ có thể sẽ đóng quân tại cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ tại Đài Loan. Tin tức này đã dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ tờ báo là cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nói rằng việc đóng quân của Hoa Kỳ, nếu là sự thật, sẽ bị coi là hành động xâm lược.
Vào cuối tuần qua, tờ Taipei Times dẫn một nguồn tin ẩn danh nói rằng một nhóm nhỏ binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ sẽ canh gác tại Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan AIT, nơi dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào mùa thu năm nay, với chức năng như một tòa đại sứ Hoa Kỳ. Thông tin này tuy chưa được xác nhận, nhưng đã khiến Trung Quốc giận dữ, do nước này luôn coi Đài Loan là một tỉnh phản loạn và yêu cầu cộng đồng quốc tế phải tuân theo lập trường của Bắc Kinh.
Tờ Hoàn Cầu thời báo, tờ báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tuyên bố rằng chỉ có các tòa đại sứ và đại sứ quán Hoa Kỳ là được canh gác bởi Thủy Quân Lục Chiến. Việc điều binh sĩ lực lượng này đến viện AIT có nghĩa là Hoa Kỳ công khai thừa nhận AIT tương đương với một tòa đại sứ, thay vì chỉ là một cơ quan phi chính phủ. Hoàn Cầu thời báo cũng cảnh cáo rằng, nếu binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đồn trú tại viện AIT, Bắc Kinh sẽ coi đây là sự vi phạm nghiêm trọng đối với chính sách Một Trung Hoa, hoặc thậm chí là hành động xâm lược quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu thêm rằng, nếu Hoa Kỳ điều Thủy Quân Lục Chiến đến AIT, nước này sẽ đối mặt với các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh, đồng thời AIT sẽ trở thành địa điểm kém an toàn nhất tại Đài Loan, và sẽ là ngòi nổ cho một cuộc đụng độ.

Lính Israel bị nghi lộ bí mật chiến đấu cơ F-35I
JERUSALEM - Truyền thông Israel cho biết, một binh sĩ nước này đã đăng nhiều hình ảnh mẫu chiến đấu cơ tối tân lên mạng, gây nguy cơ rò rỉ thông tin quân sự. Hãng truyền hình Hadashot của Israel hôm thứ Ba tiết lộ, một sĩ quan Không quân đã đăng nhiều hình ảnh về chiếc F-35I trang bị vũ khí nằm trong hầm ngầm ở căn cứ Không quân Nevatim. Thời điểm diễn ra sự việc không được cho biết, nhưng nhiều khả năng hình ảnh chụp chiếc F-35I đã xuất hiện trên một diễn đàn quân sự. Bộ Quốc Phòng Israel chưa bình luận về thông tin này. Viên sĩ quan trong sự việc dường như đã xóa toàn bộ hình ảnh sau khi nhận được yêu cầu từ viên chức quốc phòng.
Binh sĩ Israel từng nhiều lần công bố hình ảnh thiết bị quân sự bí mật mà không được phép của chỉ huy. "Đây có thể bị coi là hành động gián điệp, do các bức ảnh sẽ giúp kẻ thù nghiên cứu vũ khí của Tel Aviv," một chỉ huy lục quân Israel ẩn danh tuyên bố. Hồi tuần trước, một chiến đấu cơ tàng hình F-35I cũng để lộ hành trình sau khi cất cánh từ căn cứ Nevatim. Giới chuyên gia cho rằng phi công đã quên tắt bộ phát tín hiệu ADS-B, thiết bị giúp trung tâm kiểm soát không lưu xác định vị trí và độ cao của máy bay, khiến nó dễ dàng bị theo dõi trên các thiết bị dân sự.

Trung Quốc có thể tham gia tuyên bố kết thúc Chiến Tranh Triều Tiên
SEOUL – Một viên chức Nam Hàn hôm thứ Ba khẳng định, Trung Quốc có vai trò quan trọng trong quá trình ký hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. "Việc chính thức kết thúc chiến tranh cần sự góp mặt của tất cả các bên tham chiến. Chính phủ Nam Hàn đang xem xét khả năng ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên giữa 4 bên, trong đó gồm cả Trung Quốc,” một viên chức ẩn danh tại Phủ Tổng Thống Nam Hàn cho biết. Tuyên bố được đưa ra sau khi Phủ Tổng Thống Nam Hàn xác nhận Ủy Viên Bộ Chính Trị Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tới thăm nước này hồi giữa tháng 7, để bàn vấn đề giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên với cố vấn an ninh Nam Hàn Chung Eui-yong.
Theo viên chức Nam Hàn, các cuộc đối thoại nhằm chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên đang diễn ra giữa các bên liên quan, và cho biết Seoul muốn kết thúc giai đoạn đàm phán càng sớm càng tốt. Bắc Hàn dường như muốn Trung Quốc tham gia quá trình ký hiệp ước hòa bình. Trong hội nghị liên Triều hồi tháng 4, Seoul và Bình Nhưỡng cam kết hợp tác trong năm nay để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên bằng hiệp ước hòa bình thay cho hiệp định đình chiến. Theo Tuyên bố Panmunjom, mục tiêu này sẽ đạt được thông qua đàm phán ba bên giữa Bắc Hàn, Nam Hàn, và Hoa Kỳ, hoặc hội nghị 4 bên với sự tham gia của Trung Quốc.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT