Thế Giới

Tại sao Trung Quốc cần chinh phục lại ASEAN?

Friday, 22/07/2016 - 10:22:41

Như cố thủ tướng Lý Quang Diệu nói trong cuốn hồi ký của ông, về lý do chính yếu đằng sau việc hình thành ASEAN vào năm 1967: “Mục tiêu không được nói ra là nhằm có thêm sức mạnh thông qua sự liên đới.”
Một khi sự liên đới ấy nhiều lần bị vi phạm, ASEAN sẽ trở thành một bộ phận vô ích. Một kịch bản như vậy sẽ không làm lợi cho Trung Quốc.

     Đảo nhân tạo của Trung Cộng tại Biển Đông đang là nguyên nhân gây sứt mẻ giữa Bắc Kinh và ASEAN.

 
L.T.S. Nhân dịp Lào đang tổ chức hội nghị dành cho các ngoại trưởng thuộc khối 10 quốc gia Đông Nam Á, từ ngày 21 đến 26 tháng 7, 2016, trang tin Channel News Asia đã đăng một bài bình luận của tác giả Peh Shing Huei, về sự rạn nứt giữa ASEAN và Trung Cộng. Sau đây là trích đoạn được chuyển ngữ từ bài viết của ông Peh Shing Huei. 

Vào năm 2004, Đại Học Quốc Phòng Hoa Kỳ (U.S. National Defense University) đã ra lệnh thực hiện một cuộc nghiên cứu về những mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khối Đông Nam Á (ASEAN). Cuộc nghiên cứu đi đến kết luận này, “Đã qua rồi những ngày mà Đông Nam Á xem Trung Quốc là một trở ngại.” 

Giờ đây nhìn lại, rõ ràng là các nhà nghiên cứu đã sai. Trong sáu năm qua, những mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc đều không thân thiện chút nào cả. Sự suy giảm đã xuống tới một mức thấp mới, sau khi tòa án Hague phán quyết chống lại những lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết của tòa án đã ủng hộ Phi Luật Tân, đi xa tới mức khiển trách Bắc Kinh vì thái độ coi thường môi trường biển.

Cuộc tranh chấp trên Biển Đông đã khiến những mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc trở nên lạnh lẽo từ năm 2010. Đặc biệt có hai vụ thất bại nổi bật. Tại Hội Nghị Các Ngoại Trưởng ASEAN năm 2012 ở Nam Vang, Việt Nam và Phi Luật Tân muốn một bản tuyên bố chung từ hội nghị thượng đỉnh này phải bao gồm việc đề cập đến những vụ tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc đã từ chối. Bắc Kinh luôn luôn nhấn mạnh rằng những mối bất đồng của họ là với từng quốc gia, chứ không phải là với cả nhóm 10 quốc gia. Trung Quốc làm việc thông qua Cam Bốt, nước chủ nhà và là đồng minh, để từ chối Hà Nội và Manila.

Mặc dù có 18 phiên bản của bản tuyên bố, cuối cùng ASEAN đã không đạt được một sự đồng thuận. Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối này, họ không thể đưa ra được một bản thông cáo chung. Sau đó, tổng thư ký Surin Pitsuwan của ASEAN gọi đây là một vụ thất bại “chưa từng có.”

Cách bốn năm sau đó, lịch sử lặp lại trong tháng qua. Trong Hội Nghị Đặc Biệt Các Ngoại Trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh, Trung Quốc và ASEAN một lần nữa thất bại trong việc đưa ra một bản tuyên bố. Cam Bốt và Lào, được gọi là “những con ngựa thành Troy” của Bắc Kinh, đã rút lại việc ủng hộ vào phút chót, sau khi Trung Quốc gây áp lực để loại bỏ việc đề cập đến cuộc tranh chấp Biển Đông trong bản thông cáo.

Cuối tuần này, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN họp ở Vientiane. Đến quá sớm sau khi tòa án đưa ra phán quyết, cuộc họp ở thủ đô nước Lào không có triển vọng nào có thể dự đoán. Nhưng thời điểm nhóm họp cũng cung cấp cho cả ASEAN lẫn Trung Quốc một cơ hội để điều chỉnh lại các mối quan hệ. Bây giờ cả Manila lẫn Bắc Kinh đều đã chúc mừng và chế nhạo phán quyết ấy, thì hội nghị thượng đỉnh phải tiến tới từ các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, và tìm đường ra khỏi một cuộc họp khác nữa bị tê liệt.

Thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã tăng lên gần gấp bốn lần, từ $45.5 tỷ Mỹ kim trong năm 2001 lên tới $193 tỷ Mỹ kim trong năm 2008. Mậu dịch hai bên lên đến cao điểm trong Hiệp Định Thương Mại Tự Do Trung Quốc-ASEAN, có hiệu lực trong năm 2010.

Trong suốt thời gian gây lo ngại của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu vào năm 2008 và năm 2009, Trung Quốc cung cấp cho các nước ASEAN $25 tỷ Mỹ kim tiền viện trợ. Đến năm 2006, Bắc Kinh chinh phục ASEAN bằng cách đứng ra tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hào phóng để đánh dấu 15 năm quan hệ, trong khu vực Quảng Tây ở miền nam Trung Quốc. Sau khi nói chuyện với các đồng nghiệp của ông tham dự hội nghị tại Nam Ninh, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore nhận xét, “Các đại biểu từ tất cả 10 nước ASEAN đã rời khỏi Nam Ninh với một ấn tượng sâu sắc rằng đây là một quốc gia rất hùng mạnh.”

Cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều phải đóng vai trò của họ để lấy lại một phần vẻ rực rỡ của Nam Ninh. Đối với khối 10 quốc gia này, họ phải nhận ra rằng một cuộc khủng hoảng đang diễn ra cho khối ASEAN. Phân tích gia Tang Siew Mun, người đứng đầu Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, đã viết trên nhật báo Today của Singapore trong tháng qua rằng ASEAN phải chấp nhận rằng “họ bị tan vỡ.”

Ông nói, “Các cuộc họp tại Nam Vang và Côn Minh đã cho thấy rằng Trung Quốc có hai con ngựa thành Troy nằm trong khối ASEAN, vui vẻ làm theo yêu cầu của Trung Quốc và làm tê liệt ASEAN, khi làm như vậy là vì lợi ích của Bắc Kinh.”

Nếu có những thành viên ASEAN tiếp tục làm những con rối bị thao túng bởi một ông chủ bên ngoài, thì khối này có thể không còn là một khối hoạt động nữa. Một vụ thất bại trong việc đạt được một sự đồng thuận tại Vientiane có thể giáng một đòn mạnh vào uy tín của ASEAN, khiến cho khối này có thể không bao giờ phục hồi lại được nữa.

Như cố thủ tướng Lý Quang Diệu nói trong cuốn hồi ký của ông, về lý do chính yếu đằng sau việc hình thành ASEAN vào năm 1967: “Mục tiêu không được nói ra là nhằm có thêm sức mạnh thông qua sự liên đới.”
Một khi sự liên đới ấy nhiều lần bị vi phạm, ASEAN sẽ trở thành một bộ phận vô ích. Một kịch bản như vậy sẽ không làm lợi cho Trung Quốc.

Nếu không có sức mạnh từ sự đoàn kết của toàn khối, các nước nhỏ tự nhiên sẽ bị hút về phía những cường quốc bên ngoài lớn hơn, trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ, an ninh và an toàn. Trong khi những nước như Cam Bốt và Lào hầu chắc sẽ nghiêng về phía Bắc Kinh, thì phần lớn các nước khác trong khối ASEAN có lẽ sẽ thích Hoa Thịnh Đốn hơn.

Một sự chia rẽ giống như thời Chiến Tranh Lạnh trên khắp ASEAN, với một sự hiện diện thậm chí còn mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn của Hoa Kỳ, sẽ là một cơn ác mộng đối với Trung Quốc. Trong hoàn cảnh hiện nay, Bắc Kinh tức giận vì Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Trung Quốc tin rằng Hoa Thịnh Đốn đang thúc giục Phi Luật Tân và Việt Nam đẩy lùi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã tố giác vụ xét xử của tòa án Hague là một “trò hề do Hoa Thịnh Đốn chỉ đạo.”  Vì thế có là một giải pháp dài hạn tốt hơn cho Trung Quốc, đó là Bắc Kinh bảo đảm rằng có một khối ASEAN hoạt động hữu hiệu và đáng tin cậy, một khối có cả những nước tuyên bố cũng như những nước không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, có thể đóng vai một lực lượng trung hòa để làm mát lại nhiệt độ, khi nẩy sinh những vụ tranh chấp trong khu vực này. Những ngày mà khu vực Đông Nam Á xem Trung Quốc là một vấn đề có thể chưa qua đi. Nhưng đó không cần phải là tương lai.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT