Sức Khỏe

Tại sao thuốc cảm của trẻ em bị thu hồi?

Friday, 24/11/2017 - 10:54:28

Các bác sĩ của trẻ em phải bỏ rất nhiều thời gian để giải thích nhưng thường được phụ huynh nhìn bằng cái nhìn nghi ngờ. Tại sao tôi đem con đến khám bệnh mà bác sĩ lại bảo đừng dùng thuốc? Tôi ôm con ra về mà không có được một miếng thuốc? Sau đây là những câu trả lời.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Bây giờ thì mọi người đều biết rằng ở Mỹ khó có thể mua một món thuốc cảm cho trẻ dưới 4 tuổi. Thuốc cảm nước vẫn còn được bán nhưng trên nhãn hiệu đều có chữ: Chỉ dùng cho trẻ trên 4 tuổi. (Xin nói cho rõ: Thuốc cảm nói ở đây là những thuốc làm giảm bớt triệu chứng của bệnh cảm như ho và chảy mũi, nghẹt mũi (cough and cold). Thuốc cảm còn thường được hiểu như là thuốc Tylenol (acetaminophen), chỉ dùng chữa sốt và đau nhức. Ở đây không dùng tới nghĩa này.) Tại sao lại có chuyện này trong vòng mấy năm trở lại đây?
Các bác sĩ của trẻ em phải bỏ rất nhiều thời gian để giải thích nhưng thường được phụ huynh nhìn bằng cái nhìn nghi ngờ. Tại sao tôi đem con đến khám bệnh mà bác sĩ lại bảo đừng dùng thuốc? Tôi ôm con ra về mà không có được một miếng thuốc? Sau đây là những câu trả lời.

Thuốc cảm không có lợi cho trẻ em
Thuốc cảm mua tự do ngoài quầy (over the counter) chỉ làm giảm bớt chút ít những triệu chứng ho, sổ mũi. Chúng không chữa nguyên nhân của bệnh cảm nên không làm cho bệnh mau hết. Nhưng chúng lại có những tác dụng phụ tai hại như làm tim đập nhanh lên, đôi khi có thể gây ra chứng động kinh. Do đó, hiện nay cơ quan FDA khuyên cha mẹ tránh dùng thuốc cảm cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Còn trẻ em trên 2 tuổi thì sao?
Vấn đề này hiện đang còn được FDA khảo nghiệm. Một điều biết chắc: Ở trẻ em trên 2 tuổi, thuốc cảm cũng có tác dụng phụ tai hại và không làm cho bệnh mau hết. Trong khi chờ đợi kết quả khảo nghiệm từ FDA, đây là việc chúng ta có thể làm:
Khi cho con em trên 2 tuổi uống thuốc cảm, nên đọc kỹ nhãn hiệu chai thuốc và theo đúng lời chỉ dẫn. Cần biết chai thuốc chứa những loại thuốc nào.
Thường, trong chai thuốc cảm có những loại thuốc sau: Antihistamine chữa chảy mũi (cold, runny nose); Decongestant chữa nghẹt mũi; và Cough medicine chữa ho. Chai thuốc đề chữ “cough and cold” thường có đủ 3 loại này. Chai đề chữ “cough and stuffy nose” thì chỉ có thuốc chữa ho và nghẹt mũi. Trong những chai thuốc đề chữ “plus” hay “multi symptoms”, ngoài 3 loại thuốc kể trên còn có thuốc Acetaminophen chữa sốt và đau nhức.
Bạn cần biết rõ những thứ thuốc có trong chai để tránh việc cho các em uống quá nhiều, gấp đôi gấp ba liều thuốc.
Thí dụ bạn vừa cho cháu uống thuốc cảm “multi symptoms” (chứa 4 thứ thuốc, trong đó có acetaminophen), thì cháu lên sốt. Bạn bèn cho cháu uống thêm 1 muỗng Tylenol (cũng là acetaminophen). Như vậy thì bạn vừa cho cháu uống gấp đôi liều thuốc acetaminophen. Nếu bạn liên tục làm như vậy trong 2, 3 ngày, cháu sẽ bị ngộ độc thuốc acetaminophen, một bệnh rất nặng, có thể phá nát gan em nhỏ.

Còn thuốc trụ sinh thì sao?
Cảm gây ra bởi siêu vi khuẩn. Thuốc trụ sinh không giết được siêu vi khuẩn (virus) mà chỉ giết vi khuẩn (bacteria). Do đó, trụ sinh không làm cho bệnh cảm mau hết. Trụ sinh có thể được dùng khi bệnh cảm kéo dài lâu ngày, bị nhiễm thêm vi trùng ( gây ra sưng tai, sưng cổ họng, sưng phổi...). Không nên kèo nài “xin” trụ sinh khi con bạn mới nóng sốt và cảm mới 1 ngày. Dùng thuốc trụ sinh bừa bãi sẽ làm vi trùng lờn và chống thuốc, khiến trụ sinh hết hiệu nghiệm, bệnh sẽ khó chữa hơn trong tương lai.

Vậy khi con tôi cảm thì nên làm gì? Chẳng lẽ khoanh tay nhìn con khổ?
Có nhiều thứ bạn có thể làm:
- Thuốc men: Cảm thường làm cho em bé đau nhức hay sốt, khiến em rất khó chịu nên lè nhè quấy khóc. Bạn có thể cho em uống acetaminophren hay ibuprofen đúng liều lượng và theo đúng lời chỉ dẫn trên nhãn hiệu. Tuy nhiên nên nhớ: không cho trẻ dưới 6 tháng hoặc trẻ đang bị ói uống ibuprofen. Không cho trẻ em dưới 18 tuổi uống thuốc aspirin vì có thể gây ra bệnh nặng Reyes syndrome.
- Cho em uống thêm chất lỏng như nước súp, nước trái cây để giúp chất nhờn và đàm loãng ra, dễ chảy ra ngoài hơn.
- Giúp em ho nhiều hơn để thảì chất nhờn ra ngoài bằng cách cho em ngồi lên lòng, hơi ngiêng ra trước rồi vỗ lưng em nhè nhẹ.
- Dùng đồ hút (suction bulb) hút chất nhờn ở mũi các em nhỏ không biết xì mũi.
- Làm mũi đỡ khô bằng cách cho chạy máy phun ẩm (cool mist humidifier). Nhớ dùng nước cất (distilled water) cho vào máy và lau rửa sạch thường ngày. Có thể nhỏ nước muối (saline nose drop) vào mũi em nhỏ và hút ra để em dễ thở hơn.
- Làm bớt đau cổ bằng cách cho trẻ em trên 4 tuổi súc cổ bằng nuớc muối hoặc cho ngậm kẹo. Mật ong cũng có thể giúp bớt ho, dùng nửa muỗng cá phê cho trẻ từ 2 tới 5 tuổi, 1 muỗng cho trẻ 6 tới 11 và 2 muỗng cho trẻ 12 tuổi và lớn hơn. Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây bệnh botulism rất nguy hiểm.
- Cho em nghỉ ngơi

Khi nào nên đi khám bệnh?
Bệnh cảm kéo dài vài ngày rồi cũng hết. Nhưng nếu em bé nhỏ hơn 3 tháng, bạn nên gọi bác sĩ ngay khi em mới bệnh vì các em tuổi sơ sinh dễ bị các biến chứng như sưng yết hầu, sưng phổi hoặc viêm cuống phổi.

Nên cho các em khác đi khám bệnh khi
- Em không đi tiểu nhiều như bình thường, em có thể bị khô nước.
- Sốt cao hơn 103 độ F hơn 1 ngày
- Sốt cao hơn 100 độ F đã hơn 3 ngày.
- Bị đau tai hay đau xoang mũi (vùng 2 bên mũi)
- Ra nhiều ghèn mắt mầu vàng
- Ho lâu hơn 1 tuần
- Ra nhiều nước mũi đặc xanh

Cho đi khám NGAY nếu :
- Em không thể uống chất lỏng được
- Ho nhiều đến ói ra hay làm thay đổi sắc mặt
- Khó thở, xanh tái quanh môi

Ngừa bệnh
Người ta bị lây bệnh cảm khi hít phải những giọt nước nhỏ li ti trong có chứa siêu vi do người bệnh ho hay hắt xì làm bắn ra không khí. Muốn ngừa bệnh cảm, ta có thể làm như sau:
- Nhắc em rửa tay kỹ thường xuyên. Nếu không có nước và xà bông, có thể dùng “hand sanitizer” có chứa chất alcohol để giết vi trùng và siêu vi. Giữ đồ chơi và các vật dụng trong nhà như điện thoại, nắm cửa…sạch bằng cách chùi rửa thường xuyên bằng dung dịch sát trùng.
- Khi ho hay hắt xì nên dùng khăn giấy che miệng và vứt vào thùng rác. Nếu không có giấy thì ho vào khuỷu tay của mình để khỏi “gửi” siêu vi ra không khí.
- Tránh dùng chung muỗng đũa, ly, khăn lau mặt. Người Việt mình có thói quen khuấy đũa vào đĩa đồ ăn chung. Nên dùng muỗng riêng gắp thức ăn để khỏi “chia nhau” vi trùng.
- Người bệnh nên tránh đến chỗ đông người để khỏi lây bệnh cho người khác. Nếu bắt buộc phải đi, nên đeo mask. Người khỏe nên tránh đến gần người bệnh, nhất là những ngày đầu, khi bệnh dễ lây nhất.




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT