Sức Khỏe

Tại sao người lớn cần đi chích ngừa bịnh ho gà

Friday, 25/05/2018 - 07:25:53

Chết vì ho gà hiếm gặp nhưng thường xảy ra nhất ở trẻ sơ sinh. Đó là lý do tại sao phụ nữ mang thai và những người lớn tiếp xúc gần gũi với trẻ sơ sinh cần được chích ngừa bệnh ho gà.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Ho gà (whooping cough) là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây. Bệnh thường biểu hiện bằng một cơn ho khan nặng tiếp theo là một cái hớp hơi có âm sắc cao giống như tiếng gà kêu "whoop".

Trước khi có thuốc ngừa, bệnh ho gà được coi là bệnh của trẻ em. Nhưng hiện nay bệnh ho gà phần lớn xảy ra ở trẻ em rất nhỏ tuổi nên chưa hoàn thành tiến trình chích ngừa đầy đủ, thanh thiếu niên, và người lớn có sự miễn dịch với bệnh ho gà đã phai nhạt đi. Và những người tuổi teen và lớn tuổi này thường là nguyên nhân đem đến bệnh ho gà cho các bé sơ sinh.
Chết vì ho gà hiếm gặp nhưng thường xảy ra nhất ở trẻ sơ sinh. Đó là lý do tại sao phụ nữ mang thai và những người lớn tiếp xúc gần gũi với trẻ sơ sinh cần được chích ngừa bệnh ho gà.

Triệu chứng

Từ khi bị nhiễm bệnh ho gà đến lúc có triệu chứng phải mất khoảng 7 đến 10 ngày, đôi khi có thể lâu hơn. Ban đầu triệu chứng thường nhẹ và giống như cảm lạnh thông thường:
Sổ mũi
Nghẹt mũi
Mắt đỏ, chảy nước mắt
Sốt
Ho
Sau một hoặc hai tuần, triệu chứng nặng hơn. Đờm đặc tích tụ bên trong đường hô hấp, gây ra ho nặng đến không kiểm soát được. Các cơn ho nặng và kéo dài có thể:
Gây nôn mửa
Gây mặt đỏ hoặc tái xanh
Gây mệt mỏi cực độ
Kết thúc bằng một cái hít vào mạnh gây ra âm thanh "whooping" âm sắc cao
Tuy nhiên, nhiều người bệnh không bị "whoop". Đôi khi ho khan dai dẳng là dấu hiệu duy nhất của bệnh ở trẻ vị thành niên hoặc người lớn.
Trẻ sơ sinh có thể không ho nhưng bị khó thở, hoặc có thể bị tạm thời ngừng thở.

Nguyên nhân

Ho gà do một loại vi trùng tên Bordetella pertussis gây ra. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, những giọt nhỏ đầy vi trùng được phun vào không khí và được hít vào phổi của bất cứ ai ở gần.

Khi nào nên đi khám bác sĩ

Gọi cho bác sĩ nếu các cơn ho kéo dài gây ra:
Ói mửa
Mặt tái xanh hay đỏ
Có vẻ như đang phải vật lộn để thở hoặc ngưng thở lâu
Hít vào với âm thanh "whoop"

Các yếu tố rủi ro

- Thuốc chích ngừa ho gà thời trẻ nhỏ sẽ dần mất tác dụng. Điều này khiến hầu hết thanh thiếu niên và người lớn dễ bị nhiễm trùng khi có một đợt bùng phát. Hiện vẫn thường có những đợt bùng phát bệnh ho gà.
- Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng chưa được chích ngừa hoặc chưa chích đầy đủ có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng và tử vong.

Biến chứng

Các em tuổi teens và người lớn bị ho gà thường sẽ phục hồi mà không có vấn đề gì. Biến chứng xảy ra thường là tác dụng phụ của các cơn ho nặng chẳng hạn như:
Xương sườn bị bầm hoặc nứt
Thoát vị ổ bụng
Các mạch máu trong da hoặc lòng trắng mắt bị vỡ khiến mắt đỏ

Trẻ sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh - đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi - các biến chứng do ho gà nghiêm trọng hơn và có thể bao gồm:
Sưng phổi
Thở chậm hoặc ngừng thở
Mất nước hoặc giảm cân do khó khăn khi ăn nên không ăn đủ được
Động kinh
Tổn thương não
Trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi có nguy cơ cao nhất bị các biến chứng do ho gà, có thể cần điều trị tại bệnh viện. Các biến chứng có thể đe dọa tính mạng trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Phòng ngừa

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh ho gà là chích ngừa. Thuốc ngừa này thường được kết hợp với thuốc chống lại hai bệnh nghiêm trọng khác - bạch hầu và uốn ván. Các trẻ sơ sinh từ 2 tháng nên bắt đầu được chích ngừa.
Thuốc chích ngừa này gồm năm lần chích vào: 2 tháng 4 tháng 6 tháng 15 đến 18 tháng
4 đến 6 năm

Tác dụng phụ của thuốc chích ngừa
Tác dụng phụ của thuốc thường nhẹ và gồm sốt, khó chịu, đau đầu, mệt mỏi hoặc đau nhức tại chỗ chích.

Chích tăng cường

Thanh thiếu niên. Vì khả năng miễn dịch của thuốc chích ngừa sẽ giảm dần vào tuổi 11, các bác sĩ khuyên nên chích tăng cường ở tuổi đó để chống bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván.
Người lớn. Một số loại thuốc ngừa uốn ván và bạch hầu kéo dài 10 năm cũng bao gồm bảo vệ chống ho gà. Thuốc chủng này cũng sẽ giảm nguy cơ lây truyền bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh.
Phụ nữ mang thai. Các chuyên gia y tế hiện nay khuyên phụ nữ mang thai nên được chích ngừa ho gà từ 27 đến 36 tuần, có thể bảo vệ trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu đời.

Thuốc phòng ngừa

Nếu bạn đã tiếp xúc với người bị ho gà, bác sĩ có thể đề nghị thuốc trụ sinh để bảo vệ chống nhiễm trùng nếu bạn:
Là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Đang mang thai
Nhỏ hơn 12 tháng tuổi
Có một tình trạng sức khỏe khiến có nguy cơ bị bệnh ho gà nặng hoặc biến chứng, chẳng hạn như hệ miễn dịch suy yếu hoặc bệnh hen suyễn
Sống với người đang bị ho gà
Sống với người có nguy cơ cao bị bệnh nặng hoặc biến chứng do nhiễm trùng ho gà

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT