Pháp Luật

Tai Nạn Nghề Nghiệp: Ai chịu trách nhiệm?

LS. Trần Khánh Hưng Thursday, 02/02/2012 - 01:04:29

Mỗi ngày ông An đến hãng XYZ Company làm việc, cho đến khi project hoàn tất.

LS. Trần Khánh Hưng

Trong những kỳ báo trước, chúng tôi có đề cập đến tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp (Workers Compensation) khi những cơ sở thương mại có mướn nhân viên làm việc, sau đó chúng tôi có nhận được những thắc mắc của quý vị độc giả trong những tuần vừa qua về đề tài này. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy chi tiết hơn về mức trách nhiệm và liability của chủ nhân khi không mua bảo hiểm, cũng như những quyền lợi hay sự bồi thường cho nhân viên trong những trường hợp khác nhau.
Một trong những trường hợp chúng ta thường thấy là một công nhân (employee) của hãng này, được gửi đi làm cho hãng khác trong thời gian nào đó. Thí dụ, ông An là nhân viên làm cho hãng một ABC Architecture, hãng ông ký hợp đồng với hãng thầu xây cất XYZ Company để thiết kế một khu shopping mall. Mỗi ngày ông An đến hãng XYZ Company làm việc, cho đến khi project hoàn tất. Nếu chẳng may ông An bị tai nạn làm việc tại XYZ Company, ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường?
Một trường hợp khác tương tự, cũng rất thông dụng là những người đi làm cho những cơ quan chuyên tìm việc làm (temporary agency). Khi người công nhân này không may bị tai nạn trong lúc làm việc, như vậy trách nhiệm sẽ quy về ai, cơ quan gửi mình đi làm hay là hãng xưởng nơi tai nạn xẩy ra?
Trước hết, người công nhân cho dù có một hay hai chủ nhân (employer) vẫn sẽ được bồi thường dựa theo luật tai nạn nghề nghiệp của tiểu bang California. Vì California dựa theo luật “no fault”, nạn nhân sẽ không có quyền kiện (tort action) người chủ của mình ở tòa dân sự, trừ những trường hợp ngoại lệ khi chủ nhân có sự cố ý hay bất cẩn gây ra tai nạn cho nhân viên.
Trong những trường hợp trên, có hai loại chủ nhân mà chúng ta cần phải phân biệt. Thứ nhất, hãng xưởng của mình hay cơ quan chuyên tìm việc làm sẽ được gọi là người general employer, và hãng xưởng nơi công nhân được gửi đến để làm việc sẽ là người special employer. Trách nhiệm của từng chủ nhân hay cả hai sẽ tùy thuộc theo sự thỏa thuận giữa hai chủ nhân về nhân viên, và dựa theo cách điều hành hay chỉ huy nhân viên của người special employer.
Thông thường, hãng bảo hiểm workers comp của người general employer sẽ phải bồi thường thiệt hại cho nhân viên của mình khi điều phái họ đi làm tại những địa điểm khác nhau. Những người nhân viên tuy đi làm việc tại những hãng xưởng, nhưng việc làm có tính cách tạm thời, nay đây mai đó theo nhu cầu của những hãng xưởng. Vì thế, họ không thuộc về những hãng xưởng nơi họ đến làm việc, và vẫn theo quy định và được người general employer trả lương tùy theo từng công việc.
Trong thí dụ trên, khi có tai nạn nghề nghiệp xẩy ra trong lúc đi làm, cơ quan chuyên tìm việc làm sẽ là người chủ nhân chịu trách nhiệm, và hãng bảo hiểm của cơ quan này sẽ phải bồi thường cho nhân viên của mình.

Nói chung, hãng general employer sẽ chịu trách nhiệm, nếu hãng này có tên của công nhân này trong danh sách những nhân viên được hãng trả lương, hay trong trường hợp có đủ những điều kiện sau:
1. Công nhân có khả năng chuyên môn.
2. Công nhân có nhiêu quyền hạn trong việc thi hành công tác của họ.
3. Công nhân không liên hệ đến việc làm thường nhật của hãng special employer.
4. Thời gian làm việc chỉ rất ngắn hạn.
5. Công nhân sử dụng những đồ nghề và dụng cụ của hãng general employer, không dùng của hãng special employer.
6. Hãng special employer không được quyền sa thải công nhân này.
7. Hãng special employer không có trách nhiệm phải trả lương cho công nhân này.
Nếu trong trường hợp hãng general employer cho hãng special employer mượn nhân viên của mình, và giao hết quyền hành cho hãng special employer, nhân viên sẽ được xem như có hai chủ nhân, và hãng special employer có thể sẽ phải chịu trách nhiệm cho thương tích của nhân viên nếu họ trực tiếp trả lương cho nhân viên. Tòa án sẽ dựa vào những yếu tố sau đây để quy trách nhiệm cho hãng bảo hiểm workers comp của hãng mượn người (special employer):
1. Hãng special employer quản lý công nhân và việc làm của họ, ngoài việc sắp xếp và điều hợp (cooperation) công nhân. Thí dụ: Hãng A cho hãng B mượn một kỹ sư làm việc. Hãng B cung cấp dụng cụ, training cho người kỹ sư, và đặt họ dưới quyền chỉ huy của người trưởng nhóm (senior engineer). Người kỹ sư nhận chỉ thị và việc làm, cũng như phải báo cáo tiến triển của công việc cho người senior engineer.
1. Công nhân này thực hiện những công việc của hãng special employer.
2. Có hợp đồng rõ ràng giữa hãng general employer và special employer về việc cho mượn nhân viên.
3. Hãng general employer chấm dứt những quan hệ về công việc với công nhân làm ở hãng special employer. Thí dụ: Nhân viên được hãng tìm việc làm gửi đến hãng special employer để làm việc. Sau thời gian 3 tháng, hãng special employer chính thức thu nhận nhân viên này, và bắt đầu trả lương cho họ.
4. Hãng special employer cung cấp chỗ làm, và những dụng cụ, đồ nghề cho công nhân này.
5. Thời gian làm cho special employer kéo dài khá lâu.
6. Hãng special employer có quyền sa thải công nhân này.
7. Hãng special employer có trách nhiệm phải trả lương cho công nhân này.
Trong trường hợp hai hãng xưởng hợp tác để làm chung một chương trình hay đề án (joint project) và hợp chung nhân lực để làm việc, mỗi nhân viên làm việc sẽ vẫn thuộc về hãng xưởng của mình, chứ không được coi là nhân viên của special employer. Nếu nhân viên có bị thương tích tai nạn nghề nghiệp, mỗi hãng sẽ tự bồi thường cho nhân viên của mình, mà không liên hệ đến hãng kia.
Ngoài ra, có những trường hợp khi nhân viên thuộc về hãng general employer, nhưng hãng special employer vẫn bị liên lụy nếu họ bắt nhân viên làm việc trong một môi trường thiếu an toàn, hay có sự bất cẩn gây ra tai nạn cho nhân viên của hãng general employer.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về những vấn đề liên quan đến bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại davidtran@dktran.com, địa chỉ Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster, CA 92683.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào. 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT