Người Việt Khắp Nơi

Tài liệu giảng dạy tiếng Việt tại những trung tâm độc lập

Băng Huyền/Viễn Đông Tuesday, 10/01/2012 - 07:28:52

Học phí tại các nơi này chỉ được tính tượng trưng, và các giảng viên đều tình nguyện làm công việc truyền bá văn hóa, ngôn ngữ cho những ai muốn học tiếng Việt.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 4)

Băng Huyền/Viễn Đông


Một trang sách học tiếng Việt của học sinh tại Trung Tâm Hồng Bàng
ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Như nhật báo Viễn Đông đã ghi nhận trong bài kỳ trước, chỉ riêng tại miền Nam California, có từ 15 đến 17 ngàn học sinh đến các trung tâm độc lập học tiếng Việt mỗi cuối tuần. Mỗi trung tâm có trung bình khoảng 230-250 học sinh. Có những trung tâm được mở ra tại các nhà thờ Công giáo, Tin Lành, các nhà chùa Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, có trung tâm không thuộc tôn giáo nào. Học phí tại các nơi này chỉ được tính tượng trưng, và các giảng viên đều tình nguyện làm công việc truyền bá văn hóa, ngôn ngữ cho những ai muốn học tiếng Việt.
Ông Quyên Di, giáo sư thỉnh giảng khoa Văn Hóa và Ngôn Ngữ Đông Nam Á tại đại học UCLA và CSULB, cho biết: “Hiện nay tại các trung tâm độc lập dạy tiếng Việt, đã có nhiều bộ sách giáo khoa đã được soạn thảo nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học tiếng Việt mọi trình độ. Có ít nhất 4 bộ sách giáo khoa từ cấp mẫu giáo đến trình độ lớp 12 được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc Hoa Kỳ. Ngoài ra, các trung tâm Việt ngữ cũng soạn riêng sách giáo khoa cho việc dạy, việc học”.
Ông nói tiếp: “Sách giáo khoa không thiếu, nhưng có thể nói chưa có bộ sách được xem là hoàn hảo, xét về nội dung cũng như về phương pháp soạn thảo. Có những bộ sách khá hay, nhưng lại chưa có đủ sách cho đủ mọi trình độ. Một số bộ sách khác, nhóm soạn thảo chưa nắm vững ngữ pháp tiếng Việt cũng như chưa đủ kinh nghiệm trong lãnh vực soạn thảo sách giáo khoa. Tuy nhiên, người ta phải công nhận thiện chí và nỗ lực của những người đứng ra soạn thảo sách giáo khoa nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học tiếng Việt tại Hoa Kỳ”.
Trong phạm vi bài viết này, xin giới thiệu sơ lược về 3 bộ sách giáo khoa hiện nay đang được sử dụng phổ biến tại các trường, trung tâm độc lập dạy tiếng Việt tại miền Nam California hiện nay.


Các em học sinh trong lớp học tiếng Việt lớp 1, sách giáo khoa do Viện Việt Học
biên soạn - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Sách giáo khoa do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California biên soạn
Ông Đặng Ngọc Sinh, giảng viên tiếng Việt và trưởng Khối Tu Thư thuộc Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, nói với phóng viên nhật báo Viễn Đông: “Chúng tôi dạy Việt ngữ ước mơ làm sao có bộ sách chung. Và mọi người cùng dùng bộ sách chung để dạy cho các em, để có trình độ ngang nhau. Và để các phụ huynh có muốn di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, tiếp tục cho con em học tiếng Việt, khi học chung cuốn sách, giúp các em đỡ bị bỡ ngỡ.
“Qua bao nhiêu gian lao, mới có được bộ sách như thế này có đủ 9 cấp, từ cấp mẫu giáo lên đến cấp 8. Đây là công trình biên soạn của các thầy cô giáo có kinh nghiệm đang giảng dạy tại nhiều trường Việt ngữ, những trường đại học và trung tiểu học công lập tại Nam California. Đồng thời có có sự đóng góp quý báu của quý học giả, văn nghệ sĩ, và phụ huynh trong cộng đồng. Ngoài phần biên soạn dành cho phần giảng dạy và học tập tại trường, còn có phần bài tập cho học sinh làm thêm ở nhà. Nếu bắt đầu học từ 5 tuổi, thì đến tuổi 14, các em có thể hoàn tất chương trình trong bộ sách này”.
Cũng theo lời Thầy Đặng Ngọc Sinh cho biết: “Bộ sách này đã đi đến Na Uy, Thụy Điển, Úc, Nhật, Đan Mạch, Pháp, Đức. Từ khi đưa bộ sách ra dạy thử, đến nay đã hơn 10 năm. Tiếng chê cũng có, nhưng rất ít. Hiện thời trên 200 trường đang sử dụng bộ sách này. Riêng tại miền Nam California, Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, Trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Công Giáo Tam Biên, Trường Việt Ngữ Gia Đình Phật Tử Liên Hoa, Trường Việt Ngữ Tự Lực, Trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Westminster, Trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Saddleback, Trường Việt Ngữ Hội Thánh Tin Lành, Trung tâm Minh Đức… đang sử dụng sách giáo khoa của Ban Đại Diện”.
Thầy Đặng Ngọc Sinh giải thích thêm: “Sách của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California biên soạn không nhất thiết theo năm học, mà dựa vào đơn vị bài học, mỗi bài bao gồm phần lý thuyết và thực hành, khoảng 1 giờ 30 phút. Trường Việt ngữ nào có thời gian dạy nhiều, thì các em sẽ học nhanh hơn. Thầy cô căn cứ vào bài các em đã học để dạy các bài kế tiếp, nên các em sẽ không gặp khó khăn trong trường hợp chuyển trường. Điều này cũng giúp đem lại sự công bằng khi các em tham dự những kỳ thi đua giữa các trường.
“Mặt khác, nhằm giúp các thầy cô và phụ huynh chưa quen với phương pháp dạy Việt ngữ tại hải ngoại, sách còn có thêm phần hướng dẫn cách sử dụng. Phần ngữ vựng cũng như ca dao, tục ngữ, được chuyển dịch ra Anh ngữ hầu giúp cho thầy cô và học sinh dạy và học được dễ dàng”.
Thầy Đặng Ngọc Sinh nói thêm: “Sách giáo khoa của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California dạy đánh vần chỉ trong 3 cấp (mẫu giáo, cấp 1, cấp 2) là xong. Vì chúng tôi biết, ít có em nào chịu học tiếng Việt kéo dài thời gian, nên chúng tôi cố gắng cho các em học đánh vần trong 3 năm. Khi mà đã biết đọc, biết viết rồi, nếu các em có bỏ giữa chừng, nhưng khi lớn lên, các em muốn tự tìm hiểu thêm tiếng Việt, thì đã có một chút căn bản trước đây.
“Bộ sách của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California qua cấp 3 trở đi là cho các em học văn. Những bài vở trong sách là những bài viết tại Mỹ. Khi lên cấp 6, cấp trung học, thì các em mới học những áng văn hay Việt Nam. Các em sẽ học Truyện Kiều hay Cung Oán Ngâm Khúc… trong lớp cấp 7”.
Một người tham gia công việc soạn sách giáo khoa của Ban Đại Diện, Tiến Sĩ Trần Chấn Trí, giáo sư thỉnh giảng khoa Ngôn Ngữ Nhân Văn, đại học University of California, Irvine (UCI), chia sẻ tiếp: “Tuy sách chúng tôi được khen nhiều hơn chê, nhưng chúng tôi không ngủ quên trên chiến thắng. Chúng tôi vẫn còn tiếp tục hiệu đính mỗi năm cho hay hơn nữa. Hiện giờ chúng tôi đã hiệu đính cấp mẫu giáo và cấp 5. Đến một lúc nào đó, toàn bộ sách của ban đại diện đều có CD hết (trước mắt chỉ mới có 2 cấp là mẫu giáo và cấp 5 là có CD).
Nhưng hiện hay có vấn đề cấp bách đang xảy ra, đã có sách giả của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California. Khi người ta bắt chước của mình, làm giả sách của mình, là một lời khen tặng tế nhị, vì cái gì hay thì mới bắt chước, mới làm giả. Nhưng như vậy là không công bằng cho chúng tôi. Vì chúng tôi đã bỏ công sức ra, mà người ta đã làm vậy, vừa trái đạo đức, vừa trái pháp luật ở xứ này. Cũng may là họ chỉ copy y chang, chỉ in xấu, màu lem nhem, chứ không tráo đổi nội dung của sách”.
TS. Trần Chấn Trí nói thêm: “Sách của ban đại diện soạn chỉ bán độc quyền tại nhà sách Văn Bút (tại vùng Quận Cam) và ngay tại văn phòng của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California. Nếu thấy có sách ngoài các nhà sách khác là không phải sách của chúng tôi, rất mong quý phụ huynh hãy giúp chúng tôi bằng cách mua sách gốc”.


Từ trái qua phải, sách giáo khoa giả (gáy đen) sao chép sách giáo khoa thật (bên cạnh)
của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Sách giáo khoa sử dụng tại Trung Tâm Hồng Bàng
Ông Mai Hiếu Trực, giảng viên tiếng Việt và trung tâm trưởng của Trung Tâm Hồng Bàng, cho biết: “Các thầy cô dạy tại Trung Tâm Hồng Bàng có giáo án riêng theo từng cấp lớp. Trước đây chúng tôi dùng sách của thầy Quyên Di, thầy Mai Thế Bằng, và một số sách của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, nhưng từ niên học 2011-2012, chúng tôi sử dụng bộ sách của Trung Tâm Văn Lang ở San Jose biên soạn.
“Vì trước đây tại Trung Tâm dùng nhiều sách giáo khoa, nên các em đi từ lớp 1 lên lớp 3 học nhiều sách khác nhau, không liên tục. Sau khi nghiên cứu hết tất cả những bộ sách hiện có, cuối cùng ban quản trị và ban điều hành đồng ý sử dụng sách của Trung Tâm Văn Lang, chúng tôi thấy bộ sách của Trung Tâm Văn Lang là thích hợp nhất với các em tại Trung Tâm Hồng Bàng”.
Thầy Mai Hiếu Trực phân tích: “Bộ sách này hay, dễ dạy, dễ học. Sách được soạn từ dễ đến khó: từ cấp lớp 1 đến cấp lớp 12. Mỗi tập gồm có 15 bài học trong lớp và 15 bài làm ở nhà. Riêng 5 tập đầu có 16 bài. Ngoài ra còn có hai kỳ thi giữa khóa và cuối khóa để kiểm nhận trình độ học vấn của các em.
“Thời gian để hướng dẫn sửa bài làm ở nhà và học bài mới tại lớp là 2 giờ 30 phút, không kể 30 phút ra chơi trong một buổi học.
“Ví dụ như với sách dành cho cấp lớp 2, sách có bài tập ở nhà, bài tập ở lớp và có bài tập viết, có phần ráp vần, ghép chữ, đặt câu, viết chính tả…
“Với phần bài làm trong lớp: trong sách dùng một số hình vẽ và từ đã học trước đó để các em chọn chữ có sẵn ở góc trái mỗi ô hình để điền vào chỗ trống trong câu cho đúng, và chép lại cả câu vào hàng kẻ sẵn. Nhờ hình vẽ các em dễ thuộc bài học hơn.
“Với phần bài làm ở nhà: Phần này cũng đơn giản, cố sao cho các em tự làm được ở nhà. Trang đầu là tập viết các chữ cái và từ đã học. Trang sau là các hình vẽ với những tiếng còn thiếu chữ cái, các em cũng sẽ chọn chữ có sẵn ở góc trái ô hình để điền vào chỗ trống. Trong các bài học ôn, các em sẽ chọn và viết từ hoặc câu văn ngắn thích hợp cho mỗi hình vẽ.
“Phần này còn có thêm một tập riêng có in tên và ngày tháng dùng cho học sinh điền tên và ngày tháng vào rồi làm bài trên đó. Học sinh lấy bài làm ra khỏi tập để nộp cho Thầy Cô vào tuần tới.
“Ngoài ra ở cuối mỗi bài học thường có một câu tục ngữ. Thí dụ ở cuối bài 1 có câu: Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời. Thầy Cô đọc cho các em nghe và giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ ấy. Phần giải nghĩa các câu tục ngữ có ở cuối sách…”.
Thầy Mai Hiếu Trực nói thêm: “Nếu sau này, Trung Tâm Hồng Bàng có mở thêm lớp 8, 9, 10, thì vẫn có đủ sách để dạy. Vì bộ sách của Trung Tâm Văn Lang đã soạn từ lớp 1 đến lớp 12”.


Theo vòng kim đồng hồ, các Thầy Đặng Ngọc Sinh, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Khoa,
Tiến Sĩ Trần Chấn Trí, thành viên của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ
Nam California - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Sách giáo khoa tại lớp dạy tiếng Việt ở Viện Việt Học
Theo cô Thụy Minh Hồng, trưởng chương trình Việt ngữ căn bản của Viện Việt Học, thì chương trình dạy Việt ngữ tại Viện Việt Học được bắt đầu từ năm 2008, dự định học chương trình này trong vòng 16 năm, dành cho học sinh và sinh viên tuổi từ 7 đến 25. Chương trình gồm có 4 cấp: Phù Đổng (tuổi từ 7 đến 10), Hai Bà Trưng (tuổi từ 7 đến 14), Trần Quốc Toản (tuổi từ 7 đến 18), và Nguyễn Trãi (tuổi từ 7 đến 22). Mỗi cấp có 4 lớp. Mỗi lớp học 36 tuần. Mỗi tuần học một lần. Mỗi lần học 1 giờ 30 phút và 30 phút sinh hoạt học đường.
Cô Thụy Minh Hồng cho biết: “Về nguyên tắc soạn thảo, Ban Tu Thư Viện Việt-Học theo các chiều hướng sau:
1. Từ dễ đến khó;
2. Từ cụ thể đến trừu tượng;
3. Từ đơn giản đến phức tạp;
4. Các từ vựng được dùng trong bài gần gũi và quen thuộc với nếp sinh hoạt hằng ngày của các em;
5. Sử dụng những khả năng mà học sinh đã có và tiến lên trên những khả năng đó.
“Ngoài bộ Sách Học Tiếng Việt, Ban Tu Thư Viện Việt-Học cũng đã chuẩn bị một số nội dung dùng cho phần sinh hoạt học đường như CD nhạc, truyện và thơ tuổi thơ, thanh thiếu niên”.
Cô Thụy Minh Hồng nói thêm: “Về phương pháp học đọc và học viết tiếng Việt gồm có 70 bài học là nội dung chính cuả các Lớp Vỡ Lòng, Lớp Một, Lớp Hai, dựa vào sách Dạy Đọc Dạy Viết Tiếng Việt theo phương pháp âm vị học Việt Nam và Sách Học Đọc Tiếng Việt của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, do Viện Việt-Học xuất bản năm 2010”.
Theo cô Thụy Minh Hồng: “Phương pháp mà Viện Việt-Học chọn là dựa vào âm vị học để soạn sách, không đi ngược lại các phương pháp cũ, chỉ cải tiến và hoàn hảo hóa mà thôi.
“Lợi điểm trong cách phát âm của âm vị học là các em được học về nguyên âm (những âm chính) trước, sau đó mới đến phụ âm.
“Lớp Vỡ Lòng: Các em sẽ học vần thông, gồm: (1) 9 nguyên âm đơn dài và thông [a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư]; (2) các phụ âm đứng trước nguyên âm; (3) Bán-nguyên-âm bán-phụ-âm (cũng được gọi là bán âm) là: i(y), u(o) và ư được dùng như những phụ âm để đi đôi với một nguyên âm (hoặc trước hoặc sau).
“Lớp Một: Từ bài 26 đến bài 50. Học vần chặn, là những vần tận cùng bằng một phụ âm hoặc một bán âm làm công việc của một phụ âm. Âm chính vẫn là 9 nguyên âm đơn dài và thông, cộng thêm hai nguyên âm biến và ngắn là ă và â.
“Bắt đầu học nguyên âm /a/ với các phụ âm đi sau để tạo vần chặn rồi bước vào học hai nguyên âm â và ă. Hai nguyên âm biến thể này không đứng một mình được như các nguyên âm kia [a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư] mà phải luôn luôn có có một phụ âm thích hợp hay một bán âm chặn hậu, làm thành một vần chặn.
“Lớp Hai: Từ bài 51 đến bài 70. Học hết vần chặn với các âm vận có một hay hai bán âm đi kèm với nguyên âm.
“Lớp Ba: Lớp cuối cuả Bậc Phù Đổng có 25 bài học, dưới dạng kể chuyện: Câu Chuyện Việt Nam, giới thiệu khái quát về điạ lí, lịch sử, văn chương, tâm tình, ngữ pháp tiếng Việt và nếp sinh hoạt hằng ngày của nền văn minh đang nuôi dưỡng các em”.
Cô Thụy Minh Hồng kể: “Ở lớp Vỡ Lòng, sau 11 buổi học (mỗi buổi học 1 tiếng rưỡi), với sự hợp tác tích cực của cha mẹ (dành tối thiểu 15 phút mỗi ngày dạy tiếng Việt và nói tiếng Việt thường xuyên hằng ngày với các em), một em học sinh tuổi từ 7 đến 9, chưa biết đọc và viết tiếng Việt, có thể đọc đến 80% một đoạn văn ngắn, một bản thực đơn (có các chữ vần thông lẫn vần chặn). Vì vậy từ niên học 2011-2012, Viện Việt-Học quyết định đổi Chương Trình Việt Ngữ Thí Điểm thành Chương Trình Việt Ngữ Căn Bản, và phổ biến rộng rãi việc dạy đọc dạy viết tiếng Việt theo phương pháp âm vị học đến các bậc mẹ cha và thầy cô, để góp phần vào sự nghiệp dạy tiếng Việt, gìn giữ hồn Việt và căn cước tính dân tộc cho tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại, cũng chính là tương lai của chúng ta”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT