Thế Giới

Syria: Mỹ sẽ viện trợ vũ khí cho lực lượng Kurd

Tuesday, 09/05/2017 - 08:01:36

Một số viên chức chính phủ cho biết, các vũ khí được viện trợ cho SDF bao gồm đạn pháo 120 mm, súng máy, đạn, và xe thiết giáp hạng nhẹ. Chính phủ Obama trước đây từng muốn viện trợ vũ khí cho người Kurd ở Syria, nhưng chần chừ vì lo ngại ảnh hưởng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.


Chính phủ Trump hôm thứ Ba loan báo sẽ hỗ trợ vũ trang cho lực lượng người Kurd ở Syria, nhằm giúp họ chiếm lại thành phố Raqqa của Hồi Giáo Quốc, bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vẫn coi người Kurd là tổ chức khủng bố. Quyết định của Hoa Kỳ sẽ đẩy nhanh chiến dịch tại Raqqa, nhưng sẽ làm tệ hơn trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên NATO. Chính phủ Ankara lâu nay vẫn cáo buộc lực lượng người Kurd ở Syria, có tên gọi là YPG, là một chi nhánh của các tổ chức khủng bố người Kurd đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Hoa Kỳ xem Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF), một tổ chức cũng do người Kurd lãnh đạo, là đối tác hiệu quả nhất để chống lại ISIS tại miền bắc và miền đông Syria. Một số viên chức chính phủ cho biết, các vũ khí được viện trợ cho SDF bao gồm đạn pháo 120 mm, súng máy, đạn, và xe thiết giáp hạng nhẹ. Chính phủ Obama trước đây từng muốn viện trợ vũ khí cho người Kurd ở Syria, nhưng chần chừ vì lo ngại ảnh hưởng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Anh: Em gái thiệt mạng tại công viên giải trí
STAFFORDSHIRE – Một em gái 11 tuổi đã thiệt mạng sau khi bị rơi khỏi thuyền phao, trong trò chơi du hành trên sông Splash Canyon, tại công viên giải trí Drayton Manor, Anh quốc. Nhiều du khách đã nghe thấy tiếng la hét hoảng hốt, sau khi cô bé rơi xuống làn nước sâu 5 feet (1 mét rưỡi) của con sông nhân tạo. Được biết, cô bé đang tham dự một chuyến du lịch của trường, và đang ngồi trên thuyền phao cùng cô giáo và 4 bạn cùng lớp.
Các tin tức ban đầu cho rằng, cô bé đã đứng lên trong lúc thuyền phao đang bị sóng đánh, khiến em bị rơi ra khỏi thuyền. Cô bé không bị ngộp nước, nhưng đã bị đập trúng đầu khi rơi xuống sông. Các nhân viên giám sát tại trò chơi Splash Canyon đã nhanh chóng có mặt tại địa điểm xảy ra tai nạn và gọi cấp cứu. Cô bé, học sinh của trường nữ học Jameah tại Leicester, được trực thăng đưa vào bệnh viện nhi đồng Birmingham, nhưng em đã qua đời không lâu sau khi đến bệnh viện.
Công viên giải trí Drayton Manor đã thông báo đóng cửa vào ngày thứ Tư, để bày tỏ lòng tôn trọng với gia đình nạn nhân. Đây là cái chết đầu tiên tại một công viên giải trí của Anh, tính từ năm 2004. Trò chơi Splash Canyon được khai trương năm 1993, là chuyến du hành trên con sông nhân tạo kéo dài 5 phút, với những đoạn có sóng lớn và nước chảy xiết. Trò chơi này có 21 thuyền phao, mỗi thuyền có sức chứa 6 người. Người chơi trò chơi này phải có chiều cao tối thiểu là 0.9 mét (2.95 feet). Trẻ em cao dưới 1.1 mét phải đi cùng với người lớn.

Mễ: Nổ kho pháo, ít nhất 14 người chết
Một trái pháo đã vô tình rơi trúng vào một kho chứa pháo hoa, gây ra một vụ nổ kinh hoàng tại một ngôi nhà ở miền trung Mexico, giết chết 14 người, với 11 trong số này là trẻ em, theo nhà chức trách cho biết hôm thứ Ba. Ngoài ra, còn có 22 người khác bị thương, trong vụ nổ xảy ra tối thứ Hai tại thị trấn San Isidro, tỉnh Chilchotla, bang Puebla. Nhà chức trách cho biết, pháo hoa được cất trữ trong một ngôi nhà ở phía sau nhà thờ, để chuẩn bị cho một lễ hội tôn giáo vào ngày 15 tháng 5. Trái pháo gây ra vụ nổ đến từ bên ngoài, nơi người dân đang ăn mừng lễ rước ảnh của một vị thánh bổn mạng của địa phương.
Nhà chức trách khẳng định sự việc hoàn toàn là một tai nạn. Sức mạnh của vụ nổ đã làm sập ngôi nhà chứa pháo hoa. Bắn pháo hoa là hoạt động thường thấy trong các dịp lễ tại Mexico, nên các vụ nổ pháo rất thường xảy ra, và thường đều dẫn đến chết người. Vào ngày 20 tháng 12 năm ngoái, một vụ nổ lớn cũng xảy ra ở chợ pháo hoa ở Tultepec, ngoại ô phía bắc Mexico City, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Phi Luật Tân hối Trung Quốc sửa đường
Vào tuần tới, Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ có chuyến thăm Trung Quốc để dự Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường. Trong chuyến đi này, ông Duterte được cho là sẽ tìm cách thuyết phục Bắc Kinh giúp cải thiện cơ sở hạ tầng đã quá cũ nát của Philippines. Nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Duterte cũng sẽ bỏ qua vấn đề chủ quyền trên biển Đông, và sẽ thảo luận việc hợp tác với Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp, trong cuộc họp với các lãnh đạo Bắc Kinh bên lề hội nghị thương mại.
Chính phủ Duterte đã tung ra một chương trình trị giá $72 tỷ Mỹ kim, thời hạn 3 năm, để cải thiện cơ sở hạ tầng của Philippines vào năm 2020. Các dự án này bao gồm nhiều lĩnh vực, như vận chuyển, nguồn nước, hệ thống thoát nước, và kiểm soát lũ lụt. Một số dự án này trùng lặp với kế hoạch hỗ trợ $15 tỷ Mỹ kim mà Trung Quốc đã hứa sẽ đầu tư vào Philippines. Các dự án của Trung Quốc còn bao gồm cả một tuyến đường sắt mới và một đập thủy điện. Tuy nhiên, đa số các dự án này đều chưa được khởi công.
Các nhà phân tích cho rằng, ông Duterte đang sắp hoàn tất năm nhậm chức đầu tiên, nhưng các kế hoạch phát triển Philippines bằng các dự án hạ tầng của ông hiện vẫn còn nằm trên giấy. Do đó, ông Duterte đang gấp rút muốn chứng minh rằng, ông không phải là người chỉ hứa hẹn hão huyền. Chuyến đi Trung Quốc sắp tới sẽ là cơ hội để ông Duterte thúc giục Bắc Kinh khởi sự các dự án mà họ đã hứa với Manila.

Trung Quốc: Nhiều khoa học gia bỏ sang Mỹ làm việc
Việc một nhà nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc bỏ sang làm việc cho trường đại học Hoa Kỳ đã dẫn đến các ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc không ưu tiên đầu tư cho các dự án khoa học đã phá hoại nỗ lực nước này trong việc lôi kéo nhân tài về nước. Nhà khoa học từng được học ở Hoa Kỳ, cô Nieng Yan, sẽ rời khỏi Đại học Thanh Hoa để đến trường đại học Princeton của Hoa Kỳ vào mùa thu này, sau 10 năm làm việc tại Trung Quốc.
Cô Yan sẽ trở thành giáo sư toàn thời gian của Khoa Sinh học phân tử của trường Princeton, một trường thuộc nhóm 8 đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Cô Yan, 40 tuổi, từng được coi là một thành công của Trung Quốc trong việc lôi kéo các nhân tài gốc Hoa về nước. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã dùng các ưu đãi tài chính và viện dẫn cả lòng ái quốc, để lôi kéo các nhà khoa học gốc Hoa ở nước ngoài. Bộ Giáo Dục Trung Quốc đã ghi nhận hơn 2.6 triệu trường hợp “hải quy,” tức những người từ nước ngoài quay về đại lục, tính từ năm 1949.
Tuy nhiên, hiện nay một xu hướng ngược lại đang xảy ra, gọi là “quy hải,” tức các nhân tài Trung Quốc lại bắt đầu bỏ ra nước ngoài, và cô Yan chỉ là 1 trong số này. Trong thời gian làm việc tại Trung Quốc, cô Yan từng than phiền về việc Cơ quan Khoa học tự nhiên quốc gia từ chối cấp ngân sách nghiên cứu cho nhóm của cô, và chỉ trích việc các viên chức quản lý ngân sách luôn e ngại, không ủng hộ các dự án nghiên cứu có nhiều rủi ro. Trong lúc nhân tài lần lượt bỏ ra nước ngoài, các viên chức tại Bắc Kinh vẫn biện hộ rằng, sự kiện này cho thấy các chuyên gia Trung Quốc tài giỏi đến mức có thể giảng dạy tại các đại học hàng đầu thế giới.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT